PDA

View Full Version : C - Chữ Nhẫn



Dan Lee
09-12-2010, 11:03 PM
CHỮ NHẪN

http://niemvuimoi.org/Uploads/News/2010911113631.jpg

Chữ nhẫn là chữ tương vàng
Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu

Chữ nhẫn viết kiểu người Việt thì ai cũng biết rồi.
Còn chữ Nho, gồm hai chữ Đao (gươm đao) ở trên và chữ Tâm (quả tim) ở dưới. Dao sắc đâm thấu trái tim, ý nghĩa thật nhức nhối. Vậy tại sao lại được tôn vinh?

Chữ Nhẫn trong đời thường

Chữ Nhẫn đứng đầu trăm nết. Tử Trương muốn đi xa, đến chào Đức Khổng Tử và xin lời khuyên. Khổng Tử nói: “Chữ “nhẫn” đứng đầu trăm nết. Trương Tử hỏi lại: “Làm sao phải nhẫn?”
Đức Khổng Tử trả lời: “Thiên Tử mà nhẫn thì nước không sinh hại. Chư hầu mà nhẫn thì nước sẽ mạnh lớn thêm. Quan lại mà nhẫn thì chức vị sẽ thăng tiến. Anh em mà nhẫn thì cửa nhà giầu sang. Vợ chồng mà nhẫn thì ở được với nhau trọn đời. Bạn bè mà nhẫn thì thanh danh không mất. Hễ nhẫn thì không lo tai hoạ”.

Trương Tử hỏi : “Nếu bất nhẫn thì sao? Khổng Tử nói: “Thiên Tử mà bất nhẫn thì nước sẽ trống không. Chư hầu mà bất nhẫn thì mất mạng. Quan lại mà bất nhẫn thì sẽ bị hình phạt. Anh em mà bất nhẫn thì sẽ chia rẽ. Vợ chồng mà bất nhẫn thì phải xa nhau (ly thân, ly dị). Tự mình mà bất nhẫn thì không thể tránh được lo lắng.” Trương Tử nói: “Phải lắm ! Phải lắm !

Chữ Nhẫn trong Thánh kinh

Một lưỡi đòng đâm thấu trái tim một người. “Máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34).
Chữ nhẫn đỏ thắm, chói lọi, lớn lao, nồng nàn. Chữ nhẫn mang đầy đủ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó là Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, Chúa Tể của chữ Nhẫn.

Chữ Nhẫn của Chúa Cha

Nhìn vào lịch sử dân thánh sẽ biết chữ nhẫn của Cha sâu nặng thể nào. Ngài tỏ mình khi trong uy linh, lúc lại nhẹ nhàng nhắc bảo qua các tiên tri. Ngài nhắc riêng, nhắc chung. Trải dài nhiều ngàn năm ấy biểu lộ sức Nhẫn nại đến khủng khiếp của Ngài. Dù có Ngài, có các tiên tri, thế mà dân vẫn nhiều lần sai lầm, lạc lối, chống đối, cứng đầu cứng cổ.
Vì yêu con người đến cuồng si, nên Ngài phải chấp nhận, chịu đựng con người. Cái giá của tình yêu nhưng không.

Chữ Nhẫn của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu làm sáng hơn chữ Nhẫn của Cha. Sau khi con người sa ngã, phạm tội, Thiên Chúa chờ đợi nhiều ngàn năm, rồi Con Ngài mới xuống trần để khai triển chữ Nhẫn.

Ngài nhẫn nại. Chúa Giêsu nhập thể, nhẫn nại đợi chờ, sống ẩn dật ở Nagiaret 30 năm. Và đến buổi đến thời, Ngài mới bắt đầu nhập thế, bắt đầu cho sứ vụ công khai, kêu gọi con người sám hối. “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, vì nước Trời đã đến gần” (Mc 1,15). Ngài liên lỉ nêu gương nhẫn nại, bền bỉ, chịu khốn khó, đau khổ trong mọi lúc mọi nơi.

Ta thử nghĩ : Đấng có tài đức bao trùm trời đất mà lại chọn sinh ra trong hang bò lừa giữa đêm trời lạnh giá, rồi lại chọn đời sống cơ cực như một kẻ tầm thường trong 30 năm, có hợp lý không? Thế mà Ngài vẫn nhẫn nại chấp nhận.

Ngài nhẫn nhịn. Ngài chịu dằn lòng, không bực tức, chỉ bao dung tha thứ.

Ta nghĩ xem: Đấng có quyền năng tuyệt đối trên chín tầng trời, lại chọn cách ứng xử hiền lành khi bị kẻ thù liên tiếp chống đối, hãm hại; bị người ta chê bai, khinh dể. Ngay cả người thân cũng coi Ngài như người bị mất trí. Thật không tưởng tưởng được.

Nếu ai có tâm hồn trong sạch, chắc chắn sẽ rất dễ bị tổn thương khi người thân yêu của mình xúc phạm, bôi nhọ. Thế mà Đấng Vô cùng Thánh Thiện, vô tội đã làm như thế.

Ngài muốn dạy rằng: “Hãy yêu thương kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ vu khống mình” (Lc 6, 27-28). “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ (Lc 6,36).

Ngài nhẫn nhục. Tận cùng của chữ nhẫn là nhẫn nhục.
Chàng Tân Ti Tụ đời Trang Công bên Trung Quốc đã chết vì không chịu nổi sự xúc phạm của người khác. Đó là trong mơ, anh bị một người nhổ nước bọt vào mặt. Anh quyết tâm trả thù. Nhưng anh đã chết vì kẻ thù trong mơ. (Cổ học tinh hoa)

Khi xét xử bị oan, chắc chắn ta sẽ kêu thật to. Chúa Giêsu không kêu gì hết.
Khi bị hành hạ, lăng nhục, vu khống, ta có im lặng được không. Chúa Giêsu không chỉ im lặng mà dường như Ngài vui lòng nhẫn nhục thì phải. Nhẫn nhục để biểu lộ sức mạnh yêu thương con người đến cuồng si. Vì thế, Ngài đã để cho một lưỡi giáo vô tâm mở toang trái tim tình yêu của mình, cốt cho nhân loại thấy được chữ Nhẫn kỳ diều nơi chính Ngài.

Chữ nhẫn của người cha trong Tin Mừng

Nhẫn nại với người con thứ. Nào là chấp nhận đòi hỏi khi nó đòi chia gia tài. Nào đành phải để vuột khỏi bàn tay đứa con yêu thương ; nào là dài cổ nghe ngóng tin tức, rồi cứ thế mà chờ, mà đợi. Tình yêu giúp ông kiên nhẫn chờ đợi. Tình yêu giúp ông luôn tin có ngày nó trở về. Tình yêu ban cho ông hy vọng tìm lại được đứa con yêu quý. Ông đã đúng.

Khi nó trở về với một tình trạng thê thảm, ông không quan tâm. Điều duy nhất để ý là : xỏ nhẫn, mặc áo choàng, mang giày, phục hồi tư cách làm con cho nó… Ôi, người cha thật nhẫn nại.
Người em, đại diện cho những người tội lỗi, thu thuế biết ăn năn trở lại, về cùng sự thật.

Nhẫn nhịn với người con cả. Những lời bất kính, xúc phạm thô bạo đến tình cha con. Ông coi “thằng con của cha đó, sau khi nuốt hết tài sản với bọn đàn điếm, thì giờ lại mở tiệc ăn mừng” (Lc 15,30). Còn tôi thì được gì : “Bao năm nay tôi hầu hạ ông, không cãi lời nào, thế mà chưa bao giờ tôi được lấy một con bê mà thết đãi chúng bạn” (Lc 15,29).

Người anh đại diện cho những người cố chấp, cứng lòng như Pharisiêu, biệt phái, kinh sư…
Người cha nhẫn nhịn để tỏ tình thương thực sự của mình cho người con cả này : “Lúc nào con cũng ở với cha, mọi sự của cha đều là của con. Nhưng chúng ta hãy ăn mừng vì em đã chết nay lại sống, đã mất nay lại tìm thấy” (Lc 15,31-32).

Ông mừng vì đã tìm thấy viên ngọc quý là đứa con. Còn gì hạnh phúc bằng.

Chữ Nhẫn trong đời sống nhân bản, tu đức.

Con người nếu không biết đến chữ nhẫn này, thì cuộc sống chắc chắn sẽ bất ổn, bấp bênh, hoảng loạn. Cuộc sống sẽ dễ căng thẳng vì thiếu điềm đạm, hấp tấp, thiếu chín chắn trong suy nghĩ và quyết định.

Cha con biết nhẫn nhịn, vẹn toàn đạo lý.
Vợ chồng biết nhẫn nhịn, con cái khỏi bơ vơ.
Anh em biết nhẫn nhịn, trong nhà thường êm ấm.
Bạn bè biết nhẫn nhịn, tình nghĩa chẳng phai mờ.
Tự mình biết nhẫn nhịn, được mọi người yêu mến.

Chữ nhẫn củng cố và giúp các nhân đức phát triển :

Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để tìm đường tiến thân
Có khi nhẫn để vị tha
Có khi nhẫn để ta vơi bớt thù
Có khi nhẫn để tăng uy
Có khi nhẫn để kiên trì bền tâm
Có khi nhẫn để an toàn
Có khi nhẫn để rõ ràng đúng sai
Ai chưa biết nhẫn nhịn, chưa phải là người hay.

Ta hãy dùng chữ nhẫn mà an ủi nhau, cầu nguyện cho nhau.
Chúa Nhật 24 TN C
CHỮ NHẪN
(Lc 15, 11-32)
Tham khảo : Thiên Sa, Chúa tể của Chữ Nhẫn, Giáo xứ Các thánh tử đạo Việt Nam Torôntô

THANH THANH