PDA

View Full Version : C - Con cái ánh sáng



Dan Lee
09-17-2010, 09:13 PM
“CON CÁI ÁNH SÁNG”


KHÔN KHÉO THẬT CỦA “CON CÁI ÁNH SÁNG”

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Sự khôn khéo của người quản gia bất lương

Chúng ta đang ở trong bối cảnh chung của cuộc hành trình đi lên Giêrusalem của Đức Giêsu. Ở đó, Người sẽ hiến mạng sống vì tình yêu đối với Chúa Cha và anh em mình.

Đáp lại lời chỉ trích của nhóm Pharisêu và các kinh sư về thái độ của Người đối với những kẻ tội lỗi, Đức Giêsu vừa kể cho họ nghe 3 dụ ngôn về lòng thương xót. Ba dụ ngôn này là một trong những viên ngọc quý của Tin Mừng Luca.

Trở lại với cử toạ là các môn đệ. của Người, giờ đây Đức Giêsu trao đổi với các ông về một số chủ đề gom lại với nhau bằng những “từ móc nối”: “tiền của bất chính”, “khôn khéo”, “tín nhiệm”.

Bắt đầu là dụ ngôn người quản gia khôn khéo. Dụ ngôn này có thể được gợi lên từ một sự kiện nào đó trong đời thường. Thoạt đầu, dụ ngôn khiến chúng ta bỡ ngỡ vì nó mô tả một người quản gia, do cách quản lý lãng phí - “đã phung phá của cải nhà chủ “ - nên bị ông chủ cho nghỉ việc. Lao động chân tay thì không nổi, ngửa tay ăn xin thì xấu hổ, anh ta đã khéo xoay xở, để tới đâu chăng nữa, vẫn bảo đảm được tương lai: “Mình biết phải làm gì rồi “, anh tự nhủ. Thế là không một chút chần chừ, nhân vật của chúng ta cho gọi “từng con nợ” của chủ lại, và trước mặt mình, anh ta cho phép họ sửa lại số nợ. Đúng là dịp may ngàn năm một thuở, bởi vì thủ đoạn này cho phép giảm món nợ từ 100 phuy dầu xuống chỉ còn 50 (bớt khoảng 2000 lít), và từ 100 giạ lúa xuống chỉ còn 80 (bớt khoảng 6000 ký). Từ nay, mọi người đều đồng lõa với nhau giữ kín bí mật: đám con nợ dĩ nhiên sẵn lòng giữ thinh lặng để được hưởng mục vụ làm ăn quá lời; còn người quản gia thì an tâm “sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ”.

2. Một bài học cho “con cái ánh sáng”

Chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo chắc chắn không phải vì cái trò gian lận kia. Nhưng vì tính khôn léo và nhanh nhạy đáng noi gương bắt chước của anh ta trước một tính thế khó khăn để bảo đảm tương lai cho mình.

Mong sao “con cái ánh sáng”, tức là những môn đệ của Đức Giêsu, hãy học đòi nơi “con cái đời này”, để có được sự khôn khéo và nhanh nhạy tương tự trong việc ưu tiên chọn lựa Nước Trời, và phục vụ Thiên Chúa và anh em hơn tất cả mọi sự!

J. Dupont giải thích: “Lên tiếng với đám đông hiếu kỳ và hoang mang, bất đinh, Đức Giêsu tìm cách làm cho họ hiểu rằng sứ mạng Người lệnh nhận từ nơi Thiên Chúa đang đem lại cho con người một thời cơ trọng đại, phải khẩn trương có thái độ chọn lưạ phù hợp với lời kêu gọi của Người. Người ta phải quyết định ngay đừng để quá muộn: hạnh phúc đời dời của mỗi người tuỳ thuộc ở đây” (“Assemblées du Seigneur”, số 56, trg 70-71).

- Như vậy, bài học dụ ngôn muốn dạy đã rõ ràng sáng sủa. Đức Giêsu nói tiếp: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. Nói cách khác, hãy xử sự khôn khéo làm sao để tiền của vật chất mà chúng ta chỉ là kẻ quản lý - không trở thành một sức mạnh thống trị và làm nô lệ con người, nhưng trở thành phương tiện phục vụ tình nghĩa anh em, củng cố tình liên đới và sự chia sẻ, xây dựng mối hiệp thông giữa con người với nhau.

Tóm lại, theo nhận xét của H. Cousin, đây là một lời nhắn nhủ: các môn đệ phải biết cách sử dụng đồng tiền cho khôn khéo, theo viễn tượng của Nước Trời. Nếu người quản gia bất lương kia đã biết lợi dụng của cải trần thế để mua lấy bạn bè và phòng xa cho tương lai của mình trong cuộc đời này, thì người Kitô hữu càng phải biết chuẩn bị như thế nào cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau bằng cách chia sẻ mới người nghèo qua việc rộng tay làm phước, để sau này chính những người nghèo đó sẽ đón tiếp họ vào cõi phúc của Thiên Chúa... Xử sự khôn khéo chính là biết xem tiền bạc như phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Tiền là bạc, là gian dối... bơi vì nó dễ trở thành ngẫu tượng là so mới của cải chân thật là bất diệt trên Nước Trời, nó chỉ mang giá trị mong manh tạm bợ, đến ngày mỗi người chúng ta phải từ giã cuộc đời, xuôi tay bỏ lại tất cả khi ấy mới thấy rõ tiền của chẳng là gì cả Triều đại của đồng tiền rồi cũng phải chấm dứt” (L'Evangile de Luc”, Centurion, trg 217).

Rồi, Đức Giêsu kết luận bằng một câu châm ngôn theo kiểu triết lý khôn ngoan: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được!”. Giữa Thiên Chúa và tiền của không thể có chuyện bắt cá hai tay được! H. Cousin tiếp tục nhận xét: “Từ khi Thiên Chúa xuất hiện trên thế giới này người bị đặt trước một sự chọn lựa triệt để, qua cung cách sử dụng tiền của, người Kitô hữu phải chứng tỏ mình chỉ lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa” (sđd, trg 218).

BÀI ĐỌC THÊM:

1. Một trong những đoạn Tin Mừng bị hiểu sai nhiều nhất

(“Missel Emmaus des dimanches”, trg 1113):

Dụ ngôn người quản gia bất lương là một trong những đoạn Tin Mừng từng bị hiểu sai nhiều nhất: bao nhiêu người đã xem đây như bằng chứng Đức Giêsu cho phép làm điều bất lương! Trong khi lời tuyên bố sau cùng của Người rất rõ: “Người ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Người xót xa cho nhân loại bị đảo điên vì “tiền bạc gian dối “. Giá như con người biết khao khát tìm kiếm những phước lộc thiêng liêng giống như khi họ mê mải làm giàu? Hoặc ít ra họ biết sử dụng tiền của để xây dựng một chút tình liên đới! Chẳng lẽ tất cả khí khôn loài người chỉ để phục vụ cho lòng tham của cải vật chất thôi sao?”.

2. Sống chia sẻ, một chứng tá của đức tin hơn là một lối sống.

(Mgr. L. Daloz, trong “Dieu a visité son Peuple”, Desclée de Brouwer, trg 123).

“Đức Giêsu dạy cho chúng ta một lối sống mới. Người chỉ cho chúng ta một cách sử dụng đồng tiền độc đáo: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè” và Người cắt nghĩa tại sao: “phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. Vấn đề không chỉ đơn giản là một lời khuyên sống đạo đức. Vấn đề ở đây là phải biết cách sử dụng của cải trong tương quan vời cuộc sống vĩnh cửu. Gương người quản lý bất lương lén sửa lại các món nợ để tranh thủ thêm bạn hữu không nhằm khuyến khích một thái độ vụ lợi: chia sớt chút đỉnh tiền của để được vào thiên đàng. Qua chính điều Người nói, Đức Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng “con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”. Sự khôn khéo mà Người muốn dạy chúng ta không phải là một thứ tính toán bần tiện, nhưng là lời mời gọi phải sáng suốt phải thực sự là con cái ánh sáng. Đức Giêsu đề cập đến một thứ của cải đích thực “dành cho chúng ta”, đó là phụng sự Thiên Chúa: “không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ”. Sự giàu có thật vượt xa khỏi con người, nó ở nơi Thiên Chúa. Nếu chúng ta hiểu điều đó, chúng ta mới là con cái ánh sáng. Chúng ta phải tỏ ra thật khôn khéo, tỉnh táo để nhận ra những giá trị đích thực và sử dụng tiền của sao cho phù hợp với những giá trị đó. Sống chia sẻ không chỉ là một cách ăn ở tốt, nó còn là chứng tá của đức tin.

Đức Giêsu muốn đổi mới cách chúng ta quan niệm và sử dụng mọi sự đời này.

3. Phải cảnh giác trước tiền của

Người ta nói răng cho đến hôm nay, vị thánh được xem là gần gũi với gương mẫu Đức Giêsu nhất chính là Phanxicô Assisi, người đã kết duyên với Bà Chúa Nghèo. Và có thể nói tất cả sứ điệp của Đức Giêsu đều liên quan đến nhân đức Tin Mừng này. Nó nói nhiều về con người, tuy nhiên, có lẽ, nó cũng mạc khải cho biết về tấm lòng của Thiên Chúa. Hãy nhớ lại ý tương của cha Varinon: Khó nghèo, Khiêm hạ của Thiên Chúa.

Tôi chỉ xin lưu ý đến sự tương phản, hay đúng hơn là giằng co, khó dung hoà được trên cuộc đời này, giữa hai khía cạnh của ‘khó nghèo’.

- Dĩ nhiên, Luca là người có lý hơn cả khi viết trong Tám Mối Phúc: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” không thêm gì sau đó, và cái vế sau đáng sợ “khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có”. Đúng là có một cái gì đó để làm cho con người ra hư hỏng nơi lòng ham muốn có của, thích vơ vét, gom góp. Nước Trời không thể mở ra cho những ai không cưỡng nổi lòng ham muốn.

Nhưng Mátthêu đã bổ túc thêm bằng công thức rất quen thuộc: phúc thay ai, không phải có tinh thần, nhưng có tâm hồn nghèo khó. Nói cách khác: sửa đổi của Mátthêu có ý xác định hai điều. Trước hết, không bao giờ được phép biện minh cho sự nghèo nàn khốn cùng. Đó là điều xỉ nhục cho con người cũng như cho Thiên Chúa. Tiếp đến, phải coi chừng cách người ta tự nguyện khước từ của cải: động cơ thúc đẩy có thể là một thứ kiêu ngạo thầm kín. Madeleine Delbrêl đã thấy rõ điều đó khi tố giác một quan niệm lý tưởng hoá cái nghèo. Bà viết: “Nghèo không hẳn là điều hay”.

Không muốn đi sâu vào những vấn đề kinh tế, với vô số chuyện phức tạp, tôi chỉ xin nói đơn giản thế này: phải luôn luôn cảnh giác trước tiền của, ngay cả khi tiền của đó không nhiều, để tránh tình trạng bị nó sai khiến.

Tuy nhiên con người vẫn phải có vừa đủ để còn giữ được khả năng không bị tiền của sai khiến. Vẫn phải có một chút nào đó để có thể đi từ chỗ mình có đến chỗ mình là.

“Còn Đức Giêsu, vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã không dành địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có”.

Fiches Dominicales