PDA

View Full Version : H - Họ đã có Môisen



Dan Lee
09-22-2010, 10:34 PM
Chúa Nhật 26 thường niên - Năm C

HỌ ĐÃ CÓ MÔISEN VÀ CÁC TIÊN TRI

Nếu bài Phúc Âm Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên Năm C tuần trước Chúa Giêsu nói với các môn đệ về việc các vị cần phải có tinh thần trung tín như một người quản gia hết mình phục vụ Nhà Chúa, không làm tôi hai chủ, thì bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVI tuần này, Người nói với nhóm Pharisiêu về dụ ngôn người phú hộ và Lazarô. Tại sao Chúa Giêsu không nói dụ ngôn này với các môn đệ của Người, hay với chung dân chúng, hoặc với thánh phần thượng tế và kỳ lão lãnh đạo dân Do Thái, mà lại nói riêng với nhóm Pharisiêu? Để trả lời cho vấn đề vừa được đặt ra ở đây, cũng như nhờ đó để hiểu rõ hơn bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta cần đọc lại đoạn Phúc Âm Giáo Hội không muốn cho đọc, đoạn Phúc Âm giữa bài Phúc Âm lần trước và lần này. Chúng ta nhớ lại là bài Phúc Âm tuần trước được kết thúc ở câu Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Không tôi tớ nào có thể làm tôi hai chủ... Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi cho tiền bạc được”. Bởi thế, ngay sau câu này, Phúc Âm Thánh Luca viết tiếp là: “Những người Pharisiêu, thành phần tham lam, nghe thấy tất cả những điều ấy thì cười nhạo Người”. Như thế, sở dĩ Chúa Giêsu nói dụ ngôn này cho riêng nhóm Pharisiêu chẳng những vì họ là “thành phần tham lam”, mà còn vì họ đã “cười nhạo Người”, nghĩa là không tin lời Người khẳng định “Không tôi tớ nào có thể làm tôi hai chủ... Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi cho tiền bạc được”, vì họ cho rằng, dù cho họ có thực sự tham lam đi nữa, nhưng, như dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện trong Phúc Âm Thánh Luca cho thấy, họ vẫn giữ đủ mọi luật lệ dâng cúng theo lề luật, tức là họ vẫn có thể được rỗi.

Nói với nhóm Pharisiêu dụ ngôn người phú hộ và Lazarô này, Chúa Giêsu như muốn chỉnh lại ảo tưởng vô cùng nguy hại này của họ, như muốn ngầm nói với họ rằng: Thế thì các người hay nghe dụ ngôn sau đây và hãy suy nghĩ cho kỹ, chứ đừng có mà tưởng bở, kẻo sẽ bị lãnh số phận vô cùng bất hạnh như người phú hộ trong dụ ngôn đó. Thật vậy, nếu Chúa Giêsu nói với nhóm Pharisiêu dụ ngôn này thì nhà phú hộ trong dụ ngôn chính là hình ảnh sống động của họ, và Lazarô trong dụ ngôn còn ai hơn là hạng người tội lỗi, được hiện thân nơi người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, hạng người đáng khinh bỉ dưới con mắt ngạo mạn của người Pharisiêu cũng đang cầu nguyện trong đền thờ bấy giờ. Qua dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy hai cảnh hoàn toàn trái ngược nhau, chẳng những ở đời này, một người giầu sang phú quí là người phú hộ, và một người thì cùng cực khổ đau là Lazarô, mà còn ở đời sau nữa, người phú hộ thì bị muôn đời trầm luân khốn nạn, còn Lazarô thì được ngàn thu vinh phúc. Tại sao người phú hộ trong dụ ngôn bị hư đi và Lazarô cùng khổ được cứu độ? Phải chăng chỉ vì người phú hộ giầu sang phú quí đến nỗi đã phũ phàng hất hủi Lazarô khi còn sống? Và phải chăng Lazarô được cứu độ chỉ vì cảnh cùng khổ của Lazarô trên trần thế?

Trước hết, về số phận hư đi đời đời của người phú hộ đã được xác định rõ trong dụ ngôn, ở câu: “Người phú hộ chịu cực hình trong chốn kẻ chết, ngước mắt lên thấy Abraham từ xa và Lazarô đang nghỉ ngơi trong lòng ông… Abraham đáp lời hắn: Giữa ngươi và chúng ta có một vực sâu thăm thẳm ngăn cách, không ai có thể từ đây sang đó hay không ai có thể từ đó sang đây”. Thế nhưng, số phận bị đời đời hư đi “trong chốn kẻ chết” đây của người phú hộ chẳng lẽ, như lời Abraham nói với hắn, là vì “hỡi con, con hãy nhớ rằng con đã được may lành trong cuộc sống”. Như thế, số phận “may lành trong cuộc sống” nói chung chẳng lẽ lại chính là cớ làm cho con người hư đi đời đời hay sao? Phải chăng cũng chính vì thế Chúa Giêsu đã khẳng định trong Phúc Am Thánh Luca đoạn 6 câu 24 về cái khốn đầu tiên trong tứ khốn là: “Khốn cho các người là những kẻ giầu có, vì giờ đây các người đã được an ủi rồi”. Như thế thì đúng là cái khốn của thành phần giầu có là ở chỗ “được an ủi”, “được may lành trong cuộc sống”! Tại sao? Nếu không phải vì tình trạng “được an ủi”, “được may lành trong cuộc sống” này sẽ dễ làm cho lòng tham vô đáy của con người nơi họ chỉ nghĩ đến hưởng thụ mà thôi. Thái độ “chỉ nghĩ đến hưởng thụ” này của thành phần tham lam giầu có cũng được Chúa Giêsu đề cập đến ở một dụ ngôn Chúa Giêsu dạy trong bài Phúc Âm Thánh Luca Chúa Nhật Thường Niên XVIII Năm C, cách đây 9 tuần, đó là trường hợp của “một người giầu có được mùa” liền nghĩ cách tích chứa những gì thặng dư của mình, sau đó anh ta tự nhủ mình như sau: “Hãy sống thoải mái! An cho ngon, uống cho đã. Hưởng cuộc đời”. Người phú hộ “ăn mặc lụa là gấm vóc, hằng ngày yến tiệc linh đình” trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXVI Thường Niên hôm nay cũng thế, chỉ biết hưởng thụ đến nỗi, như lời Chúa Giêsu diễn tả, không hề biết đến Lazarô là một kẻ cùng khổ ngồi ngay “trước cổng nhà của mình”, nghĩa là ở ngay trước mắt người phú hộ. Bởi thế, cho dù người phú hộ chẳng hề ra mặt khinh khi và phũ phàng hất hủi hay tống cổ Lazarô đi cho khuất mắt, trái lại, chỉ vì ông đã neglect, đã không để ý đến mà thôi, ở chỗ không chịu ra tay giúp đỡ khi có thể, mà bị đời đời hư đi vậy.

Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ đơn giản có thế. Bởi vì, số phận hư đi đời đời ở đây còn liên quan đến một vấn đề sâu xa hơn nữa, hay nói cách khác, liên quan đến một nguyên nhân sâu xa khiến cho chung người giầu có, điển hình là người phú hộ trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói với nhóm Pharisiêu ở bài Phúc Âm hôm nay, chỉ biết sống hưởng thụ, ngoài ra không còn biết đến, hay không hề nghĩ đến, tha nhân cùng khổ chung quanh mình nữa. Nguyên nhân sâu xa khiến con người sống vị kỷ trên đời này, cũng là nguyên nhân khiến họ hư đi đời đời đó là gì, nếu không phải chỉ vì họ đã không sống đức tin, hay có đức tin mà không áp dụng, một đức tin phải được thể hiện qua việc thực thi bác ái, như nguyên tắc Thánh Phaolô đề ra trong Thư gửi Giáo Đoàn Galata đoạn 5 câu 6: “Đức tin hoạt động qua đức ái”. Đó là lý do, để trả lời cho lời yêu cầu của người phú hộ xin cho người chết hiện về báo cho 5 người anh em của hắn biết về số phận vô cùng khốn nạn để họ khỏi bị chung số phận đời đời trầm luân như hắn, vị tổ phụ đã trả lời với hắn là: “Họ đã có Moisen và các tiên tri… Nếu họ không nghe Moisen và các tiên tri thì dù kẻ chết có hiện về họ cũng không tin”. Mà toàn bộ luật Moisen và lời các tiên tri dạy gì, nếu không phải được tóm gọn trong tinh thần mến Chúa yêu người, đúng như Chúa Giêsu đã xác nhận trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 22 câu 40: “Toàn thể lề luật và lời các tiên tri được dựa vào hai giới răn này”. Vậy thành phần hư đi nói chung chính là thành phần không mến Chúa yêu người. Ap dụng lời Chúa vào trường hợp người phú hộ trong dụ ngôn hôm nay thì sở dĩ hắn có bị vĩnh viễn hư đi cũng chỉ vì hắn không mến Chúa yêu người. Mà lòng mến Chúa được thể hiện qua đức bác ái yêu thương, tức không biết yêu nhau thì không thể nào mến Chúa, trái lại, “họ chỉ là kẻ nói dối”, như Thánh Gioan xác nhận Thư Thứ Nhất của ngài ở đoạn 4 câu 20. Vậy người phú hộ, hiện thân của nhóm Pharisiêu, dù có giữ lề luật tỉ mỉ, những việc liên quan đến lòng mến Chúa, song không tỏ lòng yêu thương tha nhân trong tầm tay của mình, trái lại, còn ra mặt khinh bỉ những người tội lỗi, thì thực sự họ không sống trong chân lý, sống giả tạo trước nhan Thiên Chúa.

Nếu người phú hộ bị muôn đời trầm luân vì không sống đức tin, được thể hiện qua việc mến Chúa yêu người, thì Lazarô được rỗi chắc chắn cũng phải có đức tin, cũng phải mến Chúa yêu người, chứ không phải chỉ ở trong cảnh cùng khổ là tự nhiên hay tất nhiên sẽ được cứu độ. Hình ảnh Lazarô ngồi trong lòng tổ phụ Abraham là cha của những kẻ tin tưởng cũng đủ chứng tỏ Lazarô đã sống đức tin trong đời này. Tuy Phúc Âm không kể lại rõ ràng những cách thức Lazarô chứng tỏ đức tin của mình, chứng tỏ lòng mến Chúa yêu người của mình, ngoại trừ cho thấy hình ảnh của một Lazarô âm thầm chịu đựng nỗi cùng cực khổ đau của anh ta về phần xác, như bị chó đến liếm tấm thân ghẻ lở cùng mình, mà còn chấp nhận cả những bất hạnh, nhục nhã bởi cùng khổ mà ra, như bị đồng loại khinh bỉ, bỏ rơi, quên lãng, song anh vẫn hoàn toàn không hề than thân, trách phận, oán trời, hận đời v.v. Thế nhưng, trong bài Phúc Am theo Thánh Luca Chúa Nhật XXVI Mùa Thường Niên Năm C hôm nay Chúa Giêsu không quan trọng hoá số phận của Lazarô cho bằng của người phú hộ. Vì Người cố ý nói dụ ngôn này với thành phần Pharisiêu là thành phần chẳng những tham lam, chỉ biết sống cho mình, mà còn bị mù tối bởi ảo tưởng về việc tự công chính hóa của họ, đến nỗi, đã tỏ ra không tin tưởng Người, ở chỗ, cười nhạo lời Người khẳng định với các môn đệ trong bài Phúc Am tuần trước, đó là: “Không tôi tớ nào có thể làm tôi hai chủ... Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi cho tiền bạc được”. Phúc Am Thánh Luca không thuật lại cho chúng ta biết phản ứng của những người Pharisiêu sau khi nghe dụ ngôn người phú hộ này ra sao, nhưng theo thực tế sống đời và kinh nghiệm sống đạo, ai trong chúng ta dám phủ nhận lời Chúa Giêsu, hay dám chứng minh ngược lại những gì Chúa nói không còn công hiệu hay giá trị nữa, lời Người phán: “Không tôi tớ nào có thể làm tôi hai chủ... Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi cho tiền bạc được”.

Vấn đề thực hành sống đạo: Nếu quả thực người phú hộ trong bài Phúc Am Chúa Nhật XXVI Mùa Thường Niên theo Thánh Luca Năm C hôm nay bị hư đi đời đời chỉ vì ông ta không có đức ái với tha nhân, ở chỗ, có khả năng mà không chịu ra tay giúp người, chứ không phải lỗi phạm đức ái với tha nhân, như hiếp dâm, sát nhân hay trộm cắp v.v., thì phải chăng chỉ cần loài người chúng ta nói chung, và Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô chúng ta nói riêng, không có bác ái, như không có hay không mặc áo cưới khi được mời đến dự tiệc cưới Nước Trời (xem Mt 22:11-12), thì sẽ bị trầm luân muôn kiếp, như thành phần dê không chịu phục vụ Chúa nơi đồng loại của mình trong ngày chung thẩm (xem Mt 25:42-43)?

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh