PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 26 thường niên năm C



Dan Lee
09-25-2010, 06:08 PM
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 26 thường niên năm C


Kính thưa quí ông bà anh chị em, ở đời, bất cứ ai lại không muốn có những lời chúc tốt đẹp như: Phúc-Lộc-Thọ. Nghĩa là Hạnh phúc- Giàu có và trường thọ. Một trong ba điều đó được thể hiện rõ nét qua ăn uống và dung các phương tiện, như bài đọc 1, sách Tiên Tri A-mốt đã mô tả: “Chúng nằm dài trên gường ngà, ngã ngớn trên trường kỷ: ăn chiên con và bê béo trong đàn, và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ”( Am 6, 4). Hay như bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói tới nhà phú hộ ăn mặc toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Hình ảnh ăn uống sung sướng, mặc đẹp đẽ trên đây, là bao là giấc mơ và lòng khao khát của con người mà, thế thì tại sao lại bị tiên tri Amốt nguyền rủa: “ Khốn thay” và còn hơn thế nữa, Thiên Chúa phạt họ trong lửa đời đời như hình ảnh của nhà phú hộ. Tại sao vậy! Có phải tại vì giàu có sung sướng ở đời này thì phải vào hoả ngục đời sau? Chắc chắn không phải như vậy, vì như tổ phụ Áp-ra-ham cũng giàu có vậy. Rồi ông Gióp trước và sau khi Chúa thử thách: “Ông là người giàu có nhất trong các con cái phương đông” ( G 1,3).

Sự giàu có như các tổ phụ hay của nhiều người mà Kinh Thánh nói tới, là sự giàu có khác với hình ảnh những kẻ giàu có mà bài sách A-mốt hôm nay đề cập đến. Giàu có mà biết sử dụng của cải như là phương tiện mua sắm nước trời thì tuyệt vời biết mấy. Ông Gióp là người giàu có, nhưng ta xem ông có thái độ đối xử với người khác như thế nào. “Ông không về phe với hàng thủ lãnh, không trọng người giàu, khinh kẻ nghèo, vì tất cả đều là công trình do tay Chúa sáng tạo. Kẻ giàu người nghèo. Kẻ mạnh người yếu người cư xử như nhau” ( G 34,18-19). Còn những hạng giàu có mà chỉ tìm kiếm những thú vui hưởng thụ cho chính bản thân mà không biết đếm xỉa đến người khác, thì sự giàu có như thế sẽ lãnh án phạt trầm luân mai sau. Đây là cái tội lớn của nhà phú hộ mà Tin Mừng muốn nói cho ta biết. Nhà phú hộ hằng ngày yến tiệc linh đình, thức ăn, thức uống thừa thải, trong khi kẻ nghèo khổ ngay bên cạnh thèm khát những thứ dư thừa đó mà không được. Tội là nằm ở chổ đó; Tội dửng dưng, tội thờ ơ, tội ích kỷ, hay nói cách khác, những người giàu có mà không quan tâm đến những người đói khổ bên cạnh, chết sống mặc bay, đói khổ mặc mày, tao chỉ biết tao thôi. Đây phải chăng là một trong những tội lớn của thời đại ngày hôm nay, đâu đâu cũng có những người giàu có đủ mọi thứ ăn chơi, trong khi bên cạnh có những người thèm khát sự thừa thải của họ mà không được. Điều này ta thấy rất rõ nét nơi những ông lớn ở quê hương Việt Nam chúng ta, những kẻ vô thần, sự giàu có của họ là do bởi hút máu thịt của người khác, để rồi ăn uống xa xỉ, thừa mửa phung phí, chơi bời vô độ. Quyền cao chức trọng của họ dẫn đến gian xảo, đổi trắng thay đen, bị vu khống oan ức kẻ nghèo đã khổ lại khổ thêm. “Đừng bóc lột người nghèo vì họ đã nghèo sẵn; cũng đừng chà đạp người yếu thế nơi cửa công”.( CN 22,22). Những hạng giàu có mà bóc lột người nghèo như thế tội của họ thì sao đây? Vì nhà phú hộ trong bài Tin Mừng cho ta thấy, sự giàu có của ông không phải do bóc lột, hay mưu mô xảo quyệt, gian dối, thủ đoạn, hay giết chết những người vô tội, mà ông chỉ có sự dửng dưng không giúp đỡ người nghèo, thế mà ông đã bị lãnh án phạt trầm luân rồi, huống hồ là những hạng giàu sang như vừa kể trên thì làm sao tránh khỏi được sự công thẳng của Thiên Chúa, trừ khi họ biết sám hối ăn năn và sống cuộc đời tốt đẹp.

Ngày hôm nay không những tội ích kỷ của cá nhân là thế mà còn tội tập thể cũng không kém. Bao nhiêu tập đoàn giàu có, bao nhiêu quốc gia giàu sang. Họ không ngừng tìm đủ mọi cách để thu vén mọi của cải về cho mình, rồi chính vì sự giàu có này lại sinh ra đủ mọi trò ác quỷ, sự bất công giữa giàu nghèo ngày càng to lớn. Ôi! nhân loại đang từ từ đi vào sự tự huỷ bởi lòng ích kỷ. Và tất cả một ngày nào đó phải trả lẽ trước toà án công thẳng của Thiên Chúa tuỳ theo việc mỗi người làm; Được ngồi trong lòng Áp-ra-ham hay bị đày đọa trong hoả ngục.

Một vấn đề nữa là, người nghèo được hưởng phúc lộc quê trời sau khi chết, có phải là vì người đó nghèo khổ ở đời này như là một sự đánh đổi cho đời sau? Chắc chắn không phải thế; vì sự nghèo đói là một tệ nạn, cần phải đẩy lui. Chính Chúa Giêsu cũng muốn cho chúng ta sống cuộc sống xứng với nhân phẩm của một con người, và còn hơn thế nữa, như lời của Thánh Phaolô nói trong thơ gởi cộng đoàn Côrintô: “ Chúa Giêsu vốn giàu sang phú quí, nhưng đã tự trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. ( 2 Cr 8,9). Chính vì thế mà các Đức Giáo Hoàng, cụ thể là gần đây ĐGH Gioan Phalô Đệ Nhị, cũng như Đức Giáo Hoàng đương kim không ngừng kêu gọi các nước giàu giúp đỡ những nước nghèo để họ đẩy lui sự nghèo đói cùng cực, san bằng hố ngăn cách giữa giàu nghèo.

Trở lại người nghèo khó trong bài Tin Mừng, sở dĩ ông ta được ngồi trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham là vì, ông nghèo nhưng lại chấp nhận thân phận nghèo của mình một cách vui vẻ, không oán hận, hờn căm, chưởi bới hay nguyền rủa những người giàu, hoặc than thân trách phận mình, hay than trách Chúa; Trái lại qua sự nghèo khổ đó lại là cơ hội để họ phó thác và lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa, chính cái nghèo như thế là cái nghèo để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Vậy, xã hội thời nào cũng có đủ mọi thành phần; Giàu- nghèo. Trong cái chênh lệch đó, Chúa muốn mời gọi con người giúp đỡ lẫn nhau, và chính sự giúp đỡ nhau như thế là “ Tấm vé” giúp ta vào cổng nước trời. Cho nên, Hỡi bạn! tôi và bạn, nếu là những người có được cuộc sống hơn bao nhiêu người khác thì ta hãy mở cánh cửa lòng mình ra để biết quan tâm đến người khác, vì chung quanh ta đang có rất nhiều ladarô đau khổ, đang cần đến những sự giúp đỡ của chúng ta, và có khi chỉ cần những cái dư thừa của chúng ta thôi cũng là lẽ sống cho họ rồi. Và nếu bạn nói: “Tôi đâu phải là những người giàu có thì lấy gì mà giúp đỡ người khác”. Nếu bạn nghỉ như thế là bạn lầm rồi; Vì chúng ta, ai cũng có một kho tàng của cải nào đó: vật chất hay tinh thần. Nếu chúng ta không phải là những người giàu có về của cải vật chất thì chúng ta cũng là những người giàu có về tinh thần được chứ, chẳng hạn như: nở một nụ cười với người đang đau buồn, một lời thăm hỏi tới người đang cô đơn, một sự an ủi người đang sầu khổ, một sự quan tâm chăm sóc người bị bỏ rơi…. Đây là kho tàng mà ai cũng có được, chỉ sợ rằng chúng ta không chịu giết chết con người ích kỷ để cho con người yêu thương được lớn lên qua lòng trắc ẩn, tình liên đới, huynh đệ, bắc nhịp cầu nối kết anh em bốn bể một nhà.

vậy thì giàu hay nghèo, tất cả mỗi người đều có sẵn một kho tàng tinh thần để chia sẻ, và nếu không chịu chia sẻ cho người khác thì đó là do lòng ích kỷ, hay sợ phiền phức, sợ liên lụy, ngại ngùng, hay vì sự lười biếng. Như thế, sống mà không biết cho đi, không biết chia sẻ, không có một mối tương quan nào với người khác, thái độ thờ ơ, dửng dưng hay kiêu căng, coi thường , khinh bỉ…. tất cả những hành vi đó là tự kết án mình và tự mình đi vào con đường của sự đau khổ trầm luân, và khi đã vào đó rồi thì không còn có cơ hội nào để làm lại, như hình ảnh nhà phú hộ ở trong hoả ngục, xem thấy sự hạnh phúc của ladarô , nhưng không thể đến đó được, và muốn trở về thế gian để báo cho anh em của ông biết mà cũng không thể được; Vì khi còn ở trần gian ông có rất nhiều cơ hội tới với ladarô, thế mà không chịu. Cánh cửa trần gian không chịu mở để cho đi, thì cánh cửa thiên đàng cũng sẻ không mở ra để đón nhận họ. Đây là qui luật ngàn đời mà mỗi người cần phải suy gẫm và run sợ để hành động theo con tim thổn thức của Chúa, chứ không theo lòng dạ ích kỷ của con người.

Lạy Chúa, xin cho con biết mở mắt tâm hồn để con nhìn thấy Chúa qua những anh em sống chung quanh con. Xin mở tai con, để con nghe được tiếng Chúa đang nói qua những người cùng khốn. Xin mở tim con để con luôn rung động, thương mến, ủi an, giúp đỡ những ai cần đến con. Amen.

Lm. Phaolô Cao Thế Bình, SDD