Dan Lee
10-09-2010, 07:34 PM
SỐNG TRI ÂN
"Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu?" (Lc 17:17)
Cách đây không lâu, giới điện ảnh Hollywood có phát hành một cuốn phim mang tựa đề Schindler’s List dựa trên một câu chuyện có thật thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Schindler là một nhà kinh doanh giàu có người Đức. Khi gặp cảnh những người Do thái bị ức hiếp, giết hại, ông đã tìm cách cứu họ qua việc mua chuộc các sĩ quan Đức để được phép chiêu mộ nhân công Do thái cho các cơ xưởng của ông. Việc này nếu bị bại lộ thì không những gia sản bị tước đoạt mà mạng sống của ông cũng chẳng còn, vì Hitler sẽ không dung thứ cho kẻ nào dám bao che hay bênh vực dân Do thái.
Cuốn phim được kết thúc không bằng cảnh quân đội đồng minh tiến vào giải phóng người Do thái, nhưng là cảnh Schindler phải chạy trốn vì bị tố cáo có chân trong Đảng Quốc xã. Lúc chia tay với các nhân công, ông đã bật khóc. Người ta tò mò hỏi tại sao ông khóc? Ông cho hay: "Tôi hối tiếc vì đã không cứu được nhiều người Dothái." Không ít người ngạc nhiên hỏi lại: "Thế nhưng ông đã cứu được hàng ngàn người Do thái chúng tôi cơ mà?"
Sau lúc dằn nén cảm xúc, Schindler trả lời: "Nếu tôi bớt được tính ích kỷ thêm một chút nữa thì có lẽ nhiều người Do thái đã không phải chết oan. Nếu những chiếc đồng hồ, cà rá trên tay tôi được bán đi sớm hơn một chút thì tôi đã cứu thêm được vài người. Nếu tôi không dùng chiếc xe quá sang trọng kia thì có lẽ tôi đã giải thoát thêm được ít là 10 người Do thái nữa rồi."
Câu nói của Schindler, người mà sau này dân Do thái vinh danh như một anh hùng, đáng cho con người hôm nay suy nghĩ: Làm việc thiện nhưng không nghĩ đến trục lợi. Lo cứu người đến độ không quản ngại tài sản, địa vị, và tính mạng của mình. Làm nhiều việc thiện, cứu được nhiều người mà vẫn còn cảm thấy như chưa thực hiện được bao nhiêu.
Thử hỏi động lực nào đã thúc đẩy Schindler ra tay cứu mạng người Do thái như thế? Phải chăng vì lợi nhuận? Hay mưu đồ riêng tư? Hay phải thi hành một sự báo đáp nào đó?
Không một động lực hay lôi cuốn lớn lao nào đã khiến cho Schindler dám trả giá mạng sống, địa vị, và tài sản mình có để cứu "kẻ thù của dân tộc Đức," ngoại trừ lòng xác tín vào một chân lý: chỉ mình Thượng Đế mới có toàn quyền trên sự sống con người; còn con người là phải biết tôn trọng và bảo vệ sự sống đó cho nhau.
Việc tôn trọng, bênh vực và làm thăng hoa chân lý đó, cộng với thái độ dám hy sinh của cải, sức lực và an toàn cá nhân chính là hành động biết ơn và tôn vinh Đấng ban sự sống cho mình cách chân thành và sâu xa nhất.
Trong sách Các Vua có nhắc đến chuyện ông Naaman, một người dân ngoại đang bị chứng phong cùi bào mòn sự sống. Ông được chữa lành sau khi nghe lời tiên tri Elisa đi tắm tại sông Giođan. Thế rồi, trước khi về lại quê hương, Naaman đã tuyên bố trước mặt vị tiên tri: "Từ nay, ngoài Chúa ra, tôi tớ ngài sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy tế tôn vinh bất cứ thần minh nào khác." Tâm tình biết ơn và tự nguyện vinh danh Thiên Chúa này đã được Đức Giêsu nhắc lại sau khi chữa lành cho 10 người phong cùi, nhưng chỉ có một người biết trở lại để tri ân và tôn vinh. Đức Giêsu phải thốt lên: "Còn chín người kia đâu? Chớ thì không phải họ đã được lành sạch hết sao? Tại sao chỉ có một người ngoại giáo này?"
Không phải Đức Giêsu cần đến lòng tri ân và lời ca ngợi chúc vinh của con người, nhưng bởi những ai biết ơn, kẻ đó sẽ nhận ra ơn mới. Một con người có lòng tri ân sẽ không bao giờ thiếu vắng hạnh phúc, vì nhận thức mình luôn được yêu thương và tặng ban. Chính điều này làm cho sức sống nơi họ thêm phong phú và tràn đầy. Sức sống đó sẽ giúp họ thêm quảng đại, cảm thương, và trao ban cho tha nhân. Đây chính là điều Đức Giêsu muốn nhìn thấy nơi con người, và đây cũng chính là điều mà Schindler đã thực thi.
Đức Giêsu muốn con người nhận ra ơn Chúa trong đời mình để tri ân và đáp đền qua việc bảo vệ và làm thăng hoa cho sự sống của người xung quanh. Biết ơn sẽ làm cho đời người thêm hạnh phúc.
Tôi muốn tri ân Thiên Chúa đã ban cho tôi sự sống, biết ơn Ngài vẫn hằng tuôn đổ ân thiêng từ trời cao, biết ơn những ai giúp làm phong phú đời mình, cả thể xác lẫn tinh thần, chính là thái độ cần có nơi những người mang danh Kitô hữu.
Có tâm tình biết ơn như vậy, tôi mới dám vượt trên danh dự cá nhân, gia đình để bảo vệ sự sống thay vì huỷ diệt.
Có biết ơn như vậy, tôi mới tích cực dùng khả năng, thời gian, sức lực, của cải vào việc giáo dục dạy dỗ, củng cố niềm tin, và gia tăng sức sống của tha nhân.
Và có biết ơn như vậy, tôi mới có thể đi sâu hơn vào ý nghĩa của Hiến lễ Tạ ơn--trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu--nơi đó tôi tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa qua Đức Giêsu, và cũng nơi đó tôi đón nhận chính Ngài để làm phong phú cho sức sống của tâm hồn, gia đình, và xã hội.
Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR
"Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu?" (Lc 17:17)
Cách đây không lâu, giới điện ảnh Hollywood có phát hành một cuốn phim mang tựa đề Schindler’s List dựa trên một câu chuyện có thật thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Schindler là một nhà kinh doanh giàu có người Đức. Khi gặp cảnh những người Do thái bị ức hiếp, giết hại, ông đã tìm cách cứu họ qua việc mua chuộc các sĩ quan Đức để được phép chiêu mộ nhân công Do thái cho các cơ xưởng của ông. Việc này nếu bị bại lộ thì không những gia sản bị tước đoạt mà mạng sống của ông cũng chẳng còn, vì Hitler sẽ không dung thứ cho kẻ nào dám bao che hay bênh vực dân Do thái.
Cuốn phim được kết thúc không bằng cảnh quân đội đồng minh tiến vào giải phóng người Do thái, nhưng là cảnh Schindler phải chạy trốn vì bị tố cáo có chân trong Đảng Quốc xã. Lúc chia tay với các nhân công, ông đã bật khóc. Người ta tò mò hỏi tại sao ông khóc? Ông cho hay: "Tôi hối tiếc vì đã không cứu được nhiều người Dothái." Không ít người ngạc nhiên hỏi lại: "Thế nhưng ông đã cứu được hàng ngàn người Do thái chúng tôi cơ mà?"
Sau lúc dằn nén cảm xúc, Schindler trả lời: "Nếu tôi bớt được tính ích kỷ thêm một chút nữa thì có lẽ nhiều người Do thái đã không phải chết oan. Nếu những chiếc đồng hồ, cà rá trên tay tôi được bán đi sớm hơn một chút thì tôi đã cứu thêm được vài người. Nếu tôi không dùng chiếc xe quá sang trọng kia thì có lẽ tôi đã giải thoát thêm được ít là 10 người Do thái nữa rồi."
Câu nói của Schindler, người mà sau này dân Do thái vinh danh như một anh hùng, đáng cho con người hôm nay suy nghĩ: Làm việc thiện nhưng không nghĩ đến trục lợi. Lo cứu người đến độ không quản ngại tài sản, địa vị, và tính mạng của mình. Làm nhiều việc thiện, cứu được nhiều người mà vẫn còn cảm thấy như chưa thực hiện được bao nhiêu.
Thử hỏi động lực nào đã thúc đẩy Schindler ra tay cứu mạng người Do thái như thế? Phải chăng vì lợi nhuận? Hay mưu đồ riêng tư? Hay phải thi hành một sự báo đáp nào đó?
Không một động lực hay lôi cuốn lớn lao nào đã khiến cho Schindler dám trả giá mạng sống, địa vị, và tài sản mình có để cứu "kẻ thù của dân tộc Đức," ngoại trừ lòng xác tín vào một chân lý: chỉ mình Thượng Đế mới có toàn quyền trên sự sống con người; còn con người là phải biết tôn trọng và bảo vệ sự sống đó cho nhau.
Việc tôn trọng, bênh vực và làm thăng hoa chân lý đó, cộng với thái độ dám hy sinh của cải, sức lực và an toàn cá nhân chính là hành động biết ơn và tôn vinh Đấng ban sự sống cho mình cách chân thành và sâu xa nhất.
Trong sách Các Vua có nhắc đến chuyện ông Naaman, một người dân ngoại đang bị chứng phong cùi bào mòn sự sống. Ông được chữa lành sau khi nghe lời tiên tri Elisa đi tắm tại sông Giođan. Thế rồi, trước khi về lại quê hương, Naaman đã tuyên bố trước mặt vị tiên tri: "Từ nay, ngoài Chúa ra, tôi tớ ngài sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy tế tôn vinh bất cứ thần minh nào khác." Tâm tình biết ơn và tự nguyện vinh danh Thiên Chúa này đã được Đức Giêsu nhắc lại sau khi chữa lành cho 10 người phong cùi, nhưng chỉ có một người biết trở lại để tri ân và tôn vinh. Đức Giêsu phải thốt lên: "Còn chín người kia đâu? Chớ thì không phải họ đã được lành sạch hết sao? Tại sao chỉ có một người ngoại giáo này?"
Không phải Đức Giêsu cần đến lòng tri ân và lời ca ngợi chúc vinh của con người, nhưng bởi những ai biết ơn, kẻ đó sẽ nhận ra ơn mới. Một con người có lòng tri ân sẽ không bao giờ thiếu vắng hạnh phúc, vì nhận thức mình luôn được yêu thương và tặng ban. Chính điều này làm cho sức sống nơi họ thêm phong phú và tràn đầy. Sức sống đó sẽ giúp họ thêm quảng đại, cảm thương, và trao ban cho tha nhân. Đây chính là điều Đức Giêsu muốn nhìn thấy nơi con người, và đây cũng chính là điều mà Schindler đã thực thi.
Đức Giêsu muốn con người nhận ra ơn Chúa trong đời mình để tri ân và đáp đền qua việc bảo vệ và làm thăng hoa cho sự sống của người xung quanh. Biết ơn sẽ làm cho đời người thêm hạnh phúc.
Tôi muốn tri ân Thiên Chúa đã ban cho tôi sự sống, biết ơn Ngài vẫn hằng tuôn đổ ân thiêng từ trời cao, biết ơn những ai giúp làm phong phú đời mình, cả thể xác lẫn tinh thần, chính là thái độ cần có nơi những người mang danh Kitô hữu.
Có tâm tình biết ơn như vậy, tôi mới dám vượt trên danh dự cá nhân, gia đình để bảo vệ sự sống thay vì huỷ diệt.
Có biết ơn như vậy, tôi mới tích cực dùng khả năng, thời gian, sức lực, của cải vào việc giáo dục dạy dỗ, củng cố niềm tin, và gia tăng sức sống của tha nhân.
Và có biết ơn như vậy, tôi mới có thể đi sâu hơn vào ý nghĩa của Hiến lễ Tạ ơn--trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu--nơi đó tôi tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa qua Đức Giêsu, và cũng nơi đó tôi đón nhận chính Ngài để làm phong phú cho sức sống của tâm hồn, gia đình, và xã hội.
Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR