PDA

View Full Version : T - “Top Ten” Người Cùi - Chúa Nhật 28 Thường Niên C



Dan Lee
10-15-2010, 09:08 PM
Chúa Nhật 28 Thường Niên C

“TOP TEN” NGƯỜI CÙI

(Bài chia sẻ cho các em Thiếu Nhi)

Chúa Giêsu cùng các môn đệ đang trên đường rao giảng Tin mừng, Ngài ngang qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê, bỗng xuất hiện một đám người cùi : 1,2,3,4,5,…10. Có đến mười người kìa (“top ten”)! Quần áo thì tả tơi, tóc tai rối tung, mình mẩy thì đỏ lòm và hôi hám… Có người 3 năm rồi chưa tắm; có người bị cụt ngón tay cái, có người thì cụt bàn chân phải; có người thì bị mất cái cằm, có người thì bị mất cái mũi... Trông họ thật đáng thương, đáng thương vì nỗi đau thể xác và nhất là nỗi đau tinh thần mà họ phải chịu thật là khủng khiếp. Họ bị xã hội phân biệt, cô lập và loại trừ. Bị người thân, bạn bè xa lánh. Đau khổ hơn nữa là người ta vẫn coi họ là những kẻ ô uế tội lỗi công khai, tội lỗi ngập đầu ngập cổ mới bị “dính” căn bệnh quái ác này.

Thế các em đã thấy người cùi bao giờ chưa ? Ngày nay bệnh phong cùi có thể chữa được, nếu được phát hiện sớm; còn ngày xưa thì bệnh phong cùi là một trong tứ chứng nan y : các bác sĩ, các thầy thuốc bó tay.com.

“Top ten” người cùi này đứng từ đàng xa. Họ phải đứng cách xa bao nhiêu thì luật không nói rõ, nhưng có một truyền thống cho biết khi chiều gió thổi xuôi từ người cùi tới người lành, thì người cùi phải đứng cách xa bốn mươi lăm mét. Điều đó phần nào nói lên sự cô lập khủng khiếp mà người cùi phải chịu trong đời sống. Họ đón gặp Chúa Giêsu và xin Người cứu chữa họ. Khi trông thấy Chúa Giêsu, cả mười dù không ai bảo ai, nhưng đồng loạt cất tiếng lớn tiếng kêu van : “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”.

Thế Chúa Giêsu có chữa lành cho họ ngay tức khắc không ? Không. Chúa truyền cho họ đi trình diện thầy tư tế vì theo luật Môisen chỉ có các tư tế mới có quyền xác nhận người đã được lành bệnh và cho hoà nhập lại cộng đoàn. Họ có nghe theo lời Chúa Giêsu truyền không ? Có. Họ lên đường ngay, không chần chừ, không do dự. Họ lên đường vì vâng theo lời Chúa truyền, và rồi đang đi thì họ thấy mình được lành bệnh. Người này nhìn xuống thấy bàn chân mình tự nhiên liền lại, người kia đưa tay ra thấy tay mình đã lành lặn, người nọ soi gương thấy cái mũi của mình bây giờ sao đẹp quá, đẹp hơn cả khi chưa bị cùi….

Nói chung cả mười người đều được lành sạch và vui mừng hết biết, vui mừng đến độ họ vừa đi vừa nhảy, nhảy điệu Lambađa. Tuy nhiên điều khác biệt là ở chổ chín người vốn là người Do thái, dân riêng của Chúa đã không quay lại cám ơn và tôn vinh Thiên Chúa, nhưng chỉ có một người (tỉ lệ 1/10) mà người đó lại là người Samari, tức là người ngoại giáo. Anh bị khinh dể trước mắt người Do thái, nhưng lại có lòng biết ơn sâu xa. Thể hiện ở chổ chẳng những anh nhận ra ơn huệ Chúa ban cho anh là ơn nhưng không, anh không xứng đáng chút nào. Anh còn biết bày tỏ cách chân thành bằng việc quay trở lại nói lời tạ ơn Thiên Chúa, và bằng hành động sấp mình bái lạy trước Chúa Giêsu. Đây là một cử chỉ qui phục Thiên Chúa, và chỉ có một mình anh được phúc lắng nghe Chúa Giêsu tuyên bố: "Đức tin con đã cứu con". Chính lòng biết ơn đã đưa anh đến thật gần Chúa Giêsu, và nhận ra Người là Đấng Cứu Thế. Nói cách khác, nếu nhờ lòng tin mà anh được chữa lành bệnh tật thể xác, tức bệnh phong cùi, thì nhờ lòng biết ơn chân thành mà anh còn được Chúa cứu chữa cả phần linh hồn. Như thế, anh nhận được không phải 1 mà là 2 phép lạ. Trái lại, 9 người Dothái thì coi ơn được chữa lành là chuyện đương nhiên mà họ đáng được hưởng, nên họ không cần trở lại cám ơn, và cũng chính vì thái độ vô ơn đó mà họ bỏ lỡ cơ hội lãnh nhận hồng ân cứu độ.

Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp theo nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Có những ơn do nơi Thiên Chúa, và cũng có những ơn đến từ con người. Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận thì người ta sẽ như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng “cám ơn”, hoặc chẳng bao giờ bày tỏ tấm lòng tri ân ! Ai không biết cám ơn trong những việc nhỏ thì cũng không biết cám ơn trong những việc lớn. Vì thế cần phải tập cám ơn trong từng việc nhỏ.

Một đứa trẻ mới bập bẹ tập nói trong một gia đình có giáo dục, thì tiếng "cám ơn" luôn nằm sẵn trên môi. Một người có nhân cách thực sự là một người có lòng biết ơn. Lòng biết ơn là nét cao đẹp nhất của con người. Biết ơn là nhận ra thân phận bất toàn của mình. Biết ơn là ý thức về tình liên đới với người khác. Biết ơn là thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng. Vì thế, lòng biết ơn chính là bông hoa rực rỡ, điểm tô cho cuộc sống con người. Một tiếng nói "cám ơn" với tất cả chân thành, một cử chỉ, một hành động biết ơn sâu xa sẽ làm cho chúng ta nên người hơn, và thể hiện niềm tin sâu sắc hơn.

Để kết thúc cha xin kể cho các em nghe câu chuyện về cách thức thể hiện lòng biết ơn sau đây :

Trong một chuyến bay từ Rôma về New York, Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen chăm chú nhìn cô tiếp viên hàng không đang đi lại phục vụ quí khách. Thấy cử chỉ lạ của Đức Tổng, cô tiếp viên mạnh dạn đến gần và hỏi:

- Thưa Đức cha, có chuyện gì mà Đức cha lại nhìn con như thế?

Ngài mỉm cười đáp :

- Vì đôi mắt của con rất đẹp!

- Vậy con phải làm gì để cám ơn Chúa đây?

- Con ạ! Chúa đã lấy tất cả sắc đẹp của những người phong cùi ở Trại Cùi Di Linh mà đem tặng cho con. Vậy con hãy đến đó chăm sóc cho họ mà đền đáp ơn Chúa.

Quả thật, chỉ ít lâu sau người ta đã thấy cô tiếp viên xinh đẹp này ngày đêm tận tụy băng bó những vết thương lở loét cho các bệnh nhân phong cùi, tại Trại Cùi Di Linh dưới lớp áo dòng nữ tu.

Một cách thế thể hiện lòng biết ơn trên tuyệt vời ! Giờ đây, các em cùng với cha, chúng ta hãy dâng lên Chúa tâm tình tri ân bằng lời nguyện chân thành này nhé !

Lạy Chúa, suốt cuộc đời chúng con ngụp lặn trong đại dương ân huệ của Chúa, suốt đời chúng con được tắm mát trong dòng suối ân tình của cha mẹ và của mọi người. Xin giúp con biết đón nhận và quí trọng những hồng ân mà Chúa và mọi người đã thương ban cho chúng con với tâm hồn tri ân, nhất là xin cho trọn cuộc đời chúng con trở thành bài ca ngợi khen Chúa hôm nay và mãi mãi. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long