PDA

View Full Version : S - Sứ Điệp của ĐTC Bênêđictô XVI nhân Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2010



Dan Lee
10-20-2010, 10:15 PM
Sứ Điệp của ĐTC Bênêđictô XVI nhân Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2010


Xây Dựng Sự Hiệp Thông trong Hội Thánh Là Chìa Khóa Của việc Truyền Giáo

Anh chị em thân mến,

Tháng mười, với việc cử hành Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo, là ngày cống hiến cho các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, các dòng tu, các phong trào Hội Thánh, và toàn thể Dân Thiên Chúa một cơ hội để canh tân quyết tâm rao giảng Tin Mừng, và cho các hoạt động mục vụ một triển vọng truyền giáo rộng lớn hơn. Biến cố hằng năm này mời gọi chúng ta sống một cách mãnh liệt những tiến trình phụng vụ và giáo lý, bác ái và văn hóa mà qua đó Đức Chúa Giêsu Kitô triệu tập chúng ta đến bữa tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để nếm thử hồng ân sự hiện diện của Người, để được đào luyện trong trường của Người và để sống kết hợp mật thiết hơn với Người, là Thầy và Chúa của chúng ta. Chính Người nói với chúng ta: “Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14:21). Chỉ nhờ dựa vào cuộc gặp gỡ Tình Yêu Thiên Chúa này là điều làm thay đổi cuộc đời mà chúng ta có thể sống hiệp thông với Người và với nhau, cùng cống hiến cho anh chị em mình một chứng từ đáng tin cậy, là điều giải thích cho họ lý do của niềm hy vọng đang ở trong chúng ta (x. 1 Pr 3:15). Một đức tin trưởng thành, có khả năng tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa với tình con thảo, được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và học hỏi các chân lý đức tin, là điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh một chủ nghĩa nhân đạo mới, được xây dựng trên Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Hơn nữa, ở nhiều quốc gia, nhiều sinh hoạt Hội Thánh được tiếp tục vào tháng mười, sau kỳ nghỉ hè, và Hội Thánh mời gọi chúng ta học nơi Đức Maria, qua việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, chiêm ngắm kế hoạch yêu thương của Chúa Cha dành cho nhân loại, để yêu mến Mẹ như Ngài yêu mến Mẹ. Đây chẳng phải là ý nghĩa của việc truyền giáo sao?

Quả thật, Chúa Cha mời gọi chúng ta trở nên những người con được Ngài yêu trong Con Yêu Dấu của Ngài và nhận ra rằng tất cả chúng ta là anh chị em trong Người, Đấng là Ơn Cứu Độ dành cho nhân loại bị phân chia vì bất hòa và tội lỗi, cùng là Đấng Mặc Khải dung nhan đích thực của Thiên Chúa, Đấng “đã quá yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một của Ngài, để bất cứ ai tin vào Người thì không phải hư mất, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3:16).

“Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Ga 1:21), là yêu cầu trong Tin Mừng Thánh Gioan mà một số người Hy Lạp, đến Giêrusalem để hành hương lễ Vượt Qua, đã nói cùng Tông Đồ Philipphê. Lời này cũng vang lên trong tâm hồn chúng ta trong tháng mười này, nhắc nhở chúng ta về quyết tâm dấn thân, cùng công tác loan báo Tin Mừng, là nhiệm vụ của toàn thể Hội Thánh, mà “tự bản chất đã là truyền giáo” (Ad gentes, s. 2), và mời gọi chúng ta trở thành những nhà vô địch trong việc canh tân đời sống tạo thành bởi những sự liên hệ đích thực trong các cộng đoàn được xây dựng trên nền móng Tin Mừng. Trong một xã hội đa chủng tộc càng ngày càng kinh nghiệm nhiều hơn những hình thức đáng e ngại của sự cô đơn và lãnh đạm, các Kitô hữu phải học cách ban tặng những dấu hiệu của hy vọng và trở nên anh chị em của mọi người, biết vun trồng những lý tưởng lớn có thể biến đổi lịch sử, và phải cố gắng biến hành tinh này thành ngôi nhà của mọi dân tộc, một cách không ảo tưởng hão huyền hay lo sợ viển vông.

Cũng như những khách hành hương người Hy Lạp hai ngàn năm về trước, người của thời đại chúng ta, có thể ngay cả khi họ không ý thức, cũng đang yêu cầu các tín hữu, không những chỉ “nói về” Chúa Giêsu, mà còn phải “làm cho họ cho thấy” Chúa Giêsu, phải làm cho dung nhan của Đấng Cứu Độ chiếu rọi mọi ngõ ngách của của trái đất trước mặt các thế hệ của thiên niên kỷ mới và đặc biệt cho giới trẻ của mọi lục địa, là những người có đặc quyền làm mục tiêu của việc loan báo Tin Mừng. Họ phải cảm thấy rằng các Kitô hữu mang Lời của Đức Kitô vì Người là Chân Lý, và vì các Kitô hữu đã tìm thấy nơi Người ý nghĩa và chân lý cho cuộc sống của chính mình.

Những suy tư này nhắc đến mệnh lệnh truyền giáo mà tất cả mọi người đã chịu Phép Rửa và toàn thể Hội Thánh đã lãnh nhận nhưng không thể chu toàn được nếu không có một sự hoán cải sâu xa của cá nhân, cộng đoàn và mục tử. Quả thật, ý thức về ơn gọi loan báo Tin Mừng không những khuyến khích từng cá nhân tín hữu, mà còn toàn thể các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ vào một cuộc canh tân toàn diện và không ngừng mở ra hơn nữa sự hợp tác truyền giáo của các Hội Thánh, để cổ võ việc loan báo Tin Mừng trong tâm hồn mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, mỗi chủng tộc và mỗi quốc gia ở khắp nơi. Ý thức này được nuôi dưỡng qua công việc Fidei Donum (ban phát món quà Đức Tin) của các Linh Mục, tu sĩ, giáo lý viên, các nhà truyền giáo giáo dân, trong một cố gắng không ngừng để cổ võ sự hiệp thông trong Hội Thánh, để ngay cả hiện tượng “hội nhập văn hóa” có thể sát nhập vào một mô thức hiệp nhất, mà trong đó Tin Mừng là men của tự do và tiến bộ, nguồn mạch của tình huynh đệ, khiêm tốn và hòa bình (cf. Ad gentes, s. 8). Quả thật, trong Đức Kitô, Hội Thánh “theo bản chất bí tích, chính là một dấu chỉ và công cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp nhất giữa tất cả mọi người” (Lumen gentium, s. 1).

Sự hiệp thông trong Hội Thánh đã phát sinh từ việc gặp gỡ Con Thiên Chúa, Đức Chúa Giêsu Kitô, là Đấng, nhờ việc rao giảng của Hội Thánh, đã đến với con người, và tạo nên một tình bằng hữu với chính Người, và nhờ đó với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (x. 1Ga 1:3). Đức Kitô đã thiết lập liên hệ mới giữa con người và Thiên Chúa. “Người mạc khải cho chúng ta rằng ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ (1Ga 4:8), và Người dạy chúng ta rằng luật căn bản để nên người hoàn hảo, và nhờ đó biến đổi thế gian, là giới răn mới về yêu thương. Người đảm bảo với những ai tín thác vào tình yêu Thiên Chúa rằng con đường tình yêu được mở ra cho tất cả mọi người, và rằng nỗ lực thiết lập một tình huynh đệ phổ quát sẽ chẳng vô ích” (Gaudium et spes, s. 38).

Hội Thánh trở nên “sự hiệp thông” trên nền tảng Thánh Thể mà trong đó Đức Kitô hiện diện trong bánh và rượu với hy tế tình yêu, xây dựng Hội Thánh như thân thể Người, kết hợp chúng ta với một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi, và với nhau (x. 1Cr 10:16tt.). Trong Tông Huấn Sacramentum caritatis, tôi đã viết: “Tình yêu mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ không phải là điều chúng ta có thể giữ lại cho riêng mình. Tự bản chất, tình yêu này đòi phải được chia sẻ với mọi người. Điều mà thế gian cần là tình yêu của Thiên Chúa; nó cần phải gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người” (số 84). Vì lý do ấy mà Thánh Thể không những chỉ là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Hội Thánh, mà còn của việc truyền giáo của Hội Thánh nữa: “Một Hội Thánh Thánh Thể đích thực phải là một Hội Thánh thừa sai” (ibid.), có khả năng mang tất cả mọi người đến hiệp thông với Thiên Chúa, và loan báo với niềm xác tín rằng: “điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, thì chúng tôi cũng loan báo cho anh em, để anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1Ga 1:3).

Anh chị em thân mến, trong Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo này, trong đó tầm mắt tâm hồn chúng ta trải rộng đến những vùng truyền giáo bao la, tất cả chúng ta hãy đóng vai trò chủ động trong quyết tâm loan báo Tin Mừng của Hội Thánh. Thôi thúc truyền giáo đã luôn luôn là dấu chỉ của sức sống của các Hội Thánh chúng ta (x. Redemptoris missio, s. 2), và sự hợp tác là bằng chứng hùng hồn về sự hợp nhất, về tình huynh đệ và liên đới, là điều đem lại sự tín nhiệm cho những người loan báo Tình Yêu cứu độ!

Cho nên tôi xin nhắc lại cùng mọi người lời mời gọi cầu nguyện và, bất chấp những khó khăn về tài chánh, cung cấp sự nâng huynh đệ và cụ thể cho các Hội Thánh còn trẻ trung. Hành động yêu thương và chia sẻ này, mà Hiệp Hội Giáo Hoàng về Truyền Giáo, mà tôi chân thành cảm ơn, sẽ đặc trách việc phân phối, sẽ nâng đỡ việc đào tạo các linh mục, chủng sinh và giáo lý viên ở những xứ ‘truyền giáo’ thật xa xôi, và khích lệ cho các cộng đoàn Hội Thánh non trẻ.

Để kết luận sứ điệp hằng năm dành cho Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo này, tôi xin ưu ái bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với các nhà truyền giáo, là những người đang làm chứng cho Triều Đại Thiên Chúa ở các vùng hẻo lánh xa xôi và thách đố nhất, thường bằng mạng sống của mình. Mọi tín hữu gửi đến họ, là những người tiền phong trong việc loan báo Tin Mừng, tình thân hữu, sự gần gũi và nâng đỡ. Nguyện xin Thiên Chúa là Đấng yêu thương những ai vui vẻ cho đi (x. 2Cr 9:7) đổ đầy trên họ tinh thần hăng say và niềm vui sâu thẳm.

Như với lời “xin vâng” của Đức Maria, mỗi lời đáp trả quảng đại của cộng đoàn Hội Thánh đối với lời Chúa mời gọi yêu thương anh chị em mình, phát sinh một tình mẫu tử Tông Đồ và Hội Thánh mới (x. Gl 4:4,19,26), làm cho chúng ta phải ngạc nhiên bởi mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, là Đấng “khi đến thời viên mãn… đã sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ” (Gl 4:4) để ban đức tin và sự mạnh dạn cho các Tông Đồ mới. Một lời đáp trả như thế sẽ làm cho mọi người có thể “vui mừng trong hy vọng” (Rm 12:12) trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa, Đấng muốn “rằng toàn thể nhân loại hợp thành một dân duy nhất của Thiên Chúa, được kết hợp trong Thân Thể duy nhất của Đức Kitô, và xây dựng thành một Đền Thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần” (Ad gentes, s. 7).

Ban hành từ Vatican, ngày 6 tháng 2 năm 2010
+ Bênêđictô XVI

(Dịch từ bản tiếng Anh với sự tham khảo bản tiếng Pháp của Tòa Thánh Vatican)

Phaolô Phạm Xuân Khôi