PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 30 năm C



Dan Lee
10-23-2010, 05:04 PM
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 30 năm C


Kính thưa quí ông bà anh chị em, thời nào, ở đâu cũng có các tòa án để xét xử, và xem ra càng văn minh bao nhiêu thì lại có nhiều vụ xét xử bấy nhiêu, hay nói khác đi, có nhiều quan toà để xét xử, nhưng sự xét xử của quan tòa trần gian nhiều khi thiên vị, bất công; người vô tội thì trở thành người có tội, và người có tội lại được tha bổng.

Hôm nay, qua bài đọc 1, sách Huấn Ca có nói đến một người quan toà, người quan tòa ở đây là chính Thiên Chúa, Ngài là một vị quan án chuẩn mực, công minh và chẳng ai hối lộ được Ngài, vì mọi sự trong hoàn vũ này đều thuộc về Ngài; nên Ngài chỉ có trao ban chứ đâu cần nhận về. Cho nên tác giả sách Huấn Ca có lý để nói cho mọi người biết: “Người không xem sao vinh quang loài người, không vị nể kẻ nghịch cũng như người nghèo” (Hc 12,-13). Như vậy, Thiên Chúa là Đấng công minh tuyệt đối khi xét xử, nên chi: “Tất cả mọi người đều phải đưa ra ánh sáng trước toà Thiên Chúa, mọi người sẻ lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu họ đã làm, khi còn ở đời này” (2Cr 5,10). Quả thật, ai mà không lo sợ khi đứng trước tòa án công thẳng của Thiên Chúa, nhưng may thay cho chúng ta lại có được Một Thiên Chúa từ bi nhân ái, không chấp nhất, mà chỉ có xót thương. Được một Thiên Chúa như vậy, thì chúng ta phải vui sướng mà reo lên như lời đáp ca: “Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người” (Tv 33, 2).

Quí ông bà anh chị em thân mến, lời mà tác gỉa của Thánh Vịnh 33 trên, là một cảm nghiệm về Chúa yêu thương, về lòng từ bi thương xót của Chúa đã thực hiện không những cho tác giả mà còn cho cả dân riêng của Thiên Chúa nữa. Phải chăng trong cuộc sống, mỗi người nếu cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho bản thân, gia đình, cộng đoàn, giáo xứ muôn vàn những sự tốt lành; trong đó có khi là những điều mà xem ra đối với ta là một nỗi đau khổ, buồn phiền, nhưng ta đâu có biết Chúa đang muốn dẫn ta đi một con đường khác tốt đẹp cho cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta mà lúc này ta không thể hiểu được ích lợi của sự việc xẩy ra cho ta. Thánh Phao lô rất hiểu được giá trị của những đau khổ, đòn vọt, tù đày, bị bỏ rơi, cô đơn…nhưng qua những đau khổ đó giúp cho ngài được nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô hơn, như lời của ngài qua thơ gởi cho Ti-mô-thê, ngài viết: “Cha đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha. Trái lại mọi người đều bỏ mặc cha” (Tm 4,16).

Như vậy, là người ki-tô hữu, ta phải sống làm sao để cuộc đời của ta là lời ca tụng Chúa không ngừng thì ta cần phải có cặp mắt đức tin, để nhìn được tất cả mọi sự đều là HỒNG ÂN, có như thế ta mới đáp trả tình yêu của Thiên Chúa bằng lời ca tụng, qua tất cả mọi việc làm của chúng ta, và ngay cả cung cách cầu nguyện của chúng ta luôn mang tâm tình tạ ơn, và luôn tìm ra thánh ý Chúa, để ta thực hiện thánh ý Ngài, chứ không phải bắt Chúa phải thực hiện ý của ta. Thực hiện ý của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã để lại mẫu gương tuyệt vời: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu một người có đời sống tương quan mật thiết với Chúa thì chắc chắn các hành vi, nghĩa cử của họ mang đậm nét yêu thương và khiêm tốn như hình ảnh mà Chúa Giêsu kể dụ ngôn: hai người lên đền thờ cầu nguyện. Chúa muốn mỗi con người cần phải có lòng khiêm tốn, được trải ra trong mọi công việc; cụ thể trong lúc cầu nguyện như người thu thuế: “Đấm ngực và nguyện rằng: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.” (Mt 18,13). Phải, nếu lời cầu nguyện của chúng ta hướng về Thiên Chúa là Đấng cao cả thánh thiện, nên chi mọi loài phải mở miệng ra để ca tụng Thiên Chúa; đồng thời chúng ta hướng về chính con người của mình để nhận ra những yếu đuối, lỗi lầm, đủ mọi tính hư, tật xấu, tội lỗi, để chúng ta hạ mình khiêm tốn, nếu không chúng ta dễ rơi vào tình trạng như người Biệt Phái qua lời cầu nguyện của ông: “ Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình. Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười hoa lợi, hay như tên thu thuế kia.”(Lc 18, 11-12). Quả thật, nếu lời cầu nguyện của chúng ta mà hướng về Chúa, và lấy Chúa làm tiêu chuẩn, kích thước, mẫu mực thì ta cần phải vươn lên không bao giờ ta ngưng nghỉ. Nhưng, nếu lời cầu nguyện của chúng ta mà lấy người khác để so đo thì ta dễ tự hào, tự mãn, tự kiêu vì một vài việc làm nào đó, một vài nhân đức nào đó của ta hơn người khác. Đây là thái độ của người Biệt Phái, đại diện cho tầng lớp tự hào kiêu căng bất cứ nơi đâu, thời nào; cầu nguyện để khoe khoang những công đức với Chúa, đồng thời có những lời miệt thị, khinh khi, chê bai người khác ngay trong chính lời cầu nguyện, và nếu lời cầu nguyện như thế làm sao được Chúa nhậm lời, vì Chúa Giêsu đã quả quyết trong cuối bài Tin Mừng: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).

Xin Chúa, qua lời cầu của Mẹ Maria mà tháng mười, chúng con chạy đến với Mẹ hơn qua Kinh Mân Côi, để xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn biết hướng về Chúa, và được Chúa cuốn hút chúng con vào trái tim từ ái của Ngài, để cuộc đời chúng con thành lời ca tụng Chúa không ngừng. Amen.

Lm Phaolô Cao Thế Bình SDD.