PDA

View Full Version : G - Giáo Lý về Kẻ Chết Sống Lại và Sự Sống Đời Sau



Dan Lee
11-09-2010, 08:12 PM
Giáo Lý về Kẻ Chết Sống Lại và Sự Sống Đời Sau


2 Maccabê 7:1-2, 9-14, TV 17:1, 5-6, 8, 15, 2 Thessalônica 2:16-3:5, Luca 20:27-38

Gần hết năm Phụng Vụ, Hội Thánh nhắc nhở chúng ta về việc kẻ chết Sống Lại và sự Sống Đời sau.

Việc kẻ chết sống lại được Thiên Chúa mặc khải từng bước và rất trễ trong các sách Khôn Ngoan, Ðaniel và Maccabê 2, là những sách cuối cùng của Cựu Ước [x. GLCG 992], cho nên nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng rất mù mờ về chân lý này.

Người Pharisêu và nhiều người đương thời với Chúa Giêsu tin vào sự sống lại. Còn phái Xa Đốc tuy là các tư tế, nhưng vì chỉ tin những điều trong năm cuốn sách đầu của Cựu Ước hay Ngũ Kinh, và không công nhận các sách khác, nên họ cho rằng chết là hết, vì Thiên Chúa chưa mặc khải về sự sống lại và sự sống đời sau trong các sách ấy. Chính vì thế mà họ đem câu chuyện bảy anh em có chung một vợ ra vừa để thử Chúa Giêsu, vừa chế nhạo Người và tất cả những ai tin vào sự sống lại, kể cả người Pharisêu.

Chúa Giêsu nhân dịp này dùng chính Ngũ Kinh để xác quyết rằng có sự sống đời sau. Trong Tim Mừng Thánh Luca Người còn nói: "Vì các ông không biết Thánh Kinh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm" (Mc 12,24). Ðức tin về sự sống lại dựa trên đức tin vào "Ðấng không phải là Chúa của kẻ chết nhưng là Chúa của kẻ sống" (Mc 12,27) [x. GLCG 993]. Người còn liên kết đức tin về sự phục sinh với bản thân của Người: "Ta là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11:25). Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các tín hữu đã liên kết đức tin vào Người với sự sống lại của chúng ta lại với sự sống đời đời [x. GLCG 992-996]. Cách liên kết đức tin hoàn hảo nhất với Chúa là chết vì Chúa hay Tử vì Đạo.

Sau khi chết - Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Ðức Ki-tô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện, hoặc được hưởng phúc trên trời, hoặc sa địa ngục vĩnh viễn [GLCG 1022]. Các đề tài về cánh chung này sẽ được bàn đến sau. Trong bài này chúng ta đặt trọng tâm vào niềm hy vọng sống lại của chúng ta.

Cách sống lại - Khi chết, hồn lìa xác, thân xác bị hư nát và linh hồn đến gặp Thiên Chúa trong tình trạng chờ được tái hợp với thân xác. Thiên Chúa toàn năng sẽ làm cho thân xác chúng ta vĩnh viễn không còn hư nát nữa khi hợp nhất nó với linh hồn nhờ hiệu năng của Chúa Giêsu Phục Sinh. Mọi người đã chết đều sẽ sống lại [x. GLCG 997-1001].

Sống lại với Đức Kitô - Nhờ Chúa Thánh Thần, các Kitô hữu đã dự phần vào cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô ngay từ đời này. Ðược kết hợp với Ðức Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu thật sự tham dự vào đời sống trên trời của Ðức Kitô Phục Sinh, nhưng sự sống này còn "ẩn tàng với Ðức Kitô trong Thiên Chúa" (Eph 2:6). Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, chúng ta sẽ "xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang" (Col 3:4). Thiên Chúa đã làm cho Ðức Kitô sống lại, cũng sẽ cho chúng ta sống lại [x. GLCG 1002-1004].

Chết trong Đức Giêsu Kitô - Muốn được phục sinh với Ðức Kitô, chúng ta phải cùng chết với Người. Chết là chấm dứt cuộc đời dương thế, nhưng không phải là hết. Đức tin cho chúng ta biết rằng chết là "tiền công của tội lỗi" (Rom 6:23). Mặc dù theo bản tính tự nhiên con người phải chết, nhưng Thiên Chúa đã muốn nó không phải chết. Ðối với những người chết trong ân sủng Ðức Kitô, chết là được biến đổi trong Đức Kitô, vì chết là tham dự vào cái chết của Người để được cùng sống lại với Người. Nhờ vâng phục, Ðức Kitô đã biến đổi cái chết thành lời chúc lành cho chúng ta [x. GLCG 1005-1009].

Cái chết của Kitô hữu mang một ý nghĩa tích cực nhờ Ðức Kitô - Qua bí tích Thánh Tẩy, các Kitô hữu đã cùng chết với Người cách bí nhiệm để sống một đời sống mới. Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa cho ta sống ở thế gian để làm theo ý Chúa và quyết định số phận đời đời của mình. Qua cái chết, Thiên Chúa gọi ta về với Ngài. Hội Thánh khuyên chúng ta chuẩn bị cho giờ chết như chúng ta phải chết ngay hôm nay. Chúng ta xin Ðức Mẹ bầu cử cho chúng ta trong giờ chết, và phó mình trong tay Thánh Giuse, quan thày của những người chết lành [x. GLCG1010-1019].

Tóm lại, chết vì đức tin như bảy anh em trong Cựu Ước hôm nay hay như các vị tử đạo là cách làm chứng cho đức tin hùng hồn nhất. Nhưng phần lớn chúng ta đang phải đương đầu với một cái chết âm thầm và thông thường hơn, đó là chấp nhận mọi thử thách và gian nan ở đời vì Chúa. Không có ơn Chúa khó mà chúng ta có thể đứng vững giữa trào lưu vật chất, thế tục và vô thần ngày nay. Muốn bền vững thì chúng ta phải cầu nguyện cho nhau để “xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng chúng ta bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành” (2 Tx 15:3). Có như thế chúng ta mới chắc “được sống lại trong cuộc sống đời đời” (2 Mac 7:9) và sẽ được “no thỏa chiêm ngưỡng chân dung Chúa” (Tv 17:15).

Phaolô Phạm Xuân Khôi