View Full Version : Truyện của nhà văn NNN,(st)
Trước khi post chuyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn
xin post vào đây 1 chút tiểu sử về nhà văn nầy
(Nêu ai chưa từng đọc,)
Xin mời
Do TIVI TuanSan
Nguyễn ngọc ngạn ngoài đời và trên Tivi
http://www.tivituansan.com.au/Uploads/EditorImage/27012009/20127203913.jpg
I - Nguyễn Ngọc Ngạn ngoài đời...
Nguyễn Ncgọc Ngạn là một người nổi tiếng, trong lãnh vực văn chương cũng như trong vai trò MC. Điều đó ai cũng biết. Sự nổi tiếng của anh đưa tới lòng yêu thích nơi nhiều người và ngược lại cũng không tránh được tình trạng trái ngược hoặc có khi là sự dửng dưng. Một người được coi là “người của đám đông” chắc chắn không sao tránh khỏi những dị biệt nơi vấn đề tình cảm ở phiá độc giả hoặc khán thính giả dành cho mình. Ái mộ anh hoặc không là một chuyện khác, tưởng chẳng nên đề cập tới.
Nhưng dù thế nào, không ai phủ nhận được những đóng góp của anh trong giới chữ nghĩa. Và nhất là từ 12 năm qua, anh đã trở thành một người điều khiển chương trình – thường được gọi là MC – vững vàng với một con đường đi riêng biệt.
Tuy nhiên, cuộc sống ngoài đời của anh cùng những sinh hoạt của anh, đặc biệt trong những sinh hoạt trình diễn có những điều ít hoặc chưa được biết tới. Có lẽ đây là thời điểm để có được một số khám phá về Nguyễn Ngọc Ngạn, do chính anh kể...
“Tôi không có e-mail, không có computer và là người nghệ sĩ duy nhất trên thế gian này không có Cell phone. Tôi không biết computer là gì. Người ta cứ bảo tôi là e-mail, tôi không hiểu e-mail là gì . Người ta hỏi ông có vào internet không? Tôi bảo không biết internet là cái gì mà vào”.
Lời Nguyễn Ngọc Ngạn vừa nói hẳn cũng đáng được coi như một khám phá thú vị về một người được coi như ở trong thành phần những nghệ sĩ nổi tiếng nhất, không những ở hải ngoại mà còn ở cả trong nước.
Việc không sử dụng những phương tiện hiện đại trong một xã hội văn minh, tân tiến của Nguyễn Ngọc Ngạn cũng đã khiến cho ban giám đốc trung tâm anh hợp tác từ 12 năm nay là Thúy Nga lưu ý, khi có việc cần liên lạc gấp. Tuy nhiên, Nguyễn Ngọc Ngạn có một lý do xác đáng cho việc không dùng điện thoại di động chẳng hạn:“Thủy với ông Lai bảo tôi là làm việc hàng ngày mà sao không có e-mail, không có Cell phone. Tôi trả lời là thứ nhất tôi không ra khỏi nhà, tôi xài cell phone làm chi?”
Như vậy, những khán thính giả của Nguyễn Ngọc Ngạn còn có được thêm một khám phá về một con người mà họ cho rằng rất bận rộn trong việc giao tế và có những tiếp xúc rất rộng rãi. Nhưng thật ra con người đó sống một cách gần như biệt lập cùng vợ và một con trai trong một ngôi nhà khang trang tại thành phố Toronto, là nơi chỉ tiếp đón những bạn bè thân.
Ngoài những chuyến lưu diễn cho các “live shows” hoặc thu hình cho trung tâm Thúy Nga, Nguyễn Ngọc Ngạn chỉ dành thì giờ cho việc đọc sách, viết sách hoặc coi phim: “Nhất là phim thì tôi phải coi thường xuyên, gần như ngày nào cũng phải coi những shows Mỹ để có thể học hỏi ở đó rất nhiều“.
Chính nhờ sự học hỏi và tìm tòi đó, Nguyễn Ngọc Ngạn đã có thêm được nhiều kinh nghiệm để bổ sung cho hai nghề nghiệp chính của anh từ nhiều năm qua là viết văn và điều khiển chương trình. Nghề sau này càng ngày càng tỏ ra lấn lướt nghề trước là nghề anh bắt đầu theo đuổi từ năm 1979.
Nguyễn Ngọc Ngạn sinh ngày 9 tháng 3 năm 1946 tại Sơn Tây và là người con thứ ba trong một gia đình có 6 người con, 5 trai và một gái. Năm lên 8, anh theo gia đình xuống Hà Nội, sau đó ra Hải Phòng để theo “tầu há mồm” di cư vào Nam năm 1954. Những năm đầu tiên, gia đình anh cư ngụ trong một xóm Công Giáo gần Củ Chi.
Nhờ có một trí nhớ tốt cùng với một đầu óc quan sát tinh tế từ khi còn nhỏ, nên những sinh hoạt diễn ra trong cái giáo xứ nhỏ bé và nghèo nàn thời đó đã in sâu trong đầu một cậu thiếu niên chưa quá 10 tuổi. Bối cảnh đó sau này đã được Nguyễn Ngọc Ngạn khai thác để viết thành tiểu thuyết “Xóm Đạo”:“ Trời sinh cho tôi được một trí nhớ rất là đặc biệt tức là có những chuyện gì tôi đọc qua hoặc tôi nghe người ta kể qua một lần thì có thể mấy chục năm sau tôi vẫn nhớ “.
Mặc dù không nuôi giấc mơ đến với lãnh vực văn chương, nhưng Nguyễn Ngọc Ngạn công nhận là do sự mê đọc sách từ khi còn nhỏ đã giúp anh rất nhiều trong nghề viết văn mà anh bước vào một cách thật tình cờ sau khi rời Việt Nam:“Đặc biệt là tôi mê đọc tiểu thuyết từ nhỏ. Bố mẹ cấm, tôi cũng trùm mền đọc. Thí dụ những cuốn đầu tiên là của Tự Lực Văn Đoàn trong khi tôi học năm đệ Thất, đệ Lục. Dù bố mẹ có cấm cũng đi ra lề đường Lê Văn Duyệt để mua sách đọc. Nhiều khi gia đình ngủ rồi,tôi vẫn ra ngoài hè đọc sách một mình dưới trời sáng trăng hay thắp ngọn đèn dầu ngồi đọc lén. Thời bấy giờ bố mẹ khó khăn, cấm đọc tiểu thuyết mà! Phải công nhận là tôi đã có năng khiếu về văn chương từ nhỏ “.
Cũng do có một khả năng ghi nhận đặc biệt, cộng với một trí nhớ tốt, mặc dù không sống nhiều ở Việt Nam sau biến cố tháng 4 năm 75, nhưng qua những chuyện kể lại từ những người quen biết về những trường hợp “đổi đời” mang nhiều nét châm biếm trong một xã hội đổi thay, cùng với 3 năm đi tù cải tạo, Nguyễn Ngọc Ngạn đã có một số vốn liếng tích lũy – về ngôn từ cũng như những câu chuyện thật được kể lại hay do chính mắt thấy tai nghe - dồi dào để đưa vào những tác phẩm của anh sau này.
Đó là do “sự quan sát, do những tiếp xúc, do đọc báo và từ 3 năm ở trại cải tạo. 3 năm ở trại cải tạo thì hàng ngày mình lên lớp, phải nghe cán bộ giảng thì để ý tới những từ đó nhiều hơn. Tôi về được có mấy tháng rồi vượt biển, đâu có sống ở trong nước”.
Với cách sử dụng ngôn ngữ dí dỏm và lối hành văn gọn gàng và xúc tích, Nguyễn Ngọc Ngạn đã gây được nhiều cbú ý ngay từ tập sách được phát hành đầu tiên của anh tại hải ngoại là “Truyện Ngắn Nguyễn Ngọc Ngạn”.
Vào năm 57, gia đình Nguyễn Ngọc Ngạn di chuyển vào Sài Gòn và cư ngụ trên đường Thoại Ngọc Hầu, vùng ngã ba Ông Tạ. Những năm trung học, Nguyễn Ngọc Ngạn theo học trường Nguyễn Bá Tòng đến năm đệ nhị. Nhờ đậu cao kỳ thi Tú Tài 1, anh được nhận vào trường Chu Văn An và lấy được mảnh bằng Tú Tài 2 tại đây.
Một điểm đặc biệt là trong những năm theo học trường Nguyễn Bá Tòng, anh luôn được giữ vai trò trưởng ban kịch của lớp. Ít người ngờ rằng một nhà văn, một MC nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Ngạn khi còn trẻ lại nuôi một giấc mơ là bước vào lãnh vực kịch mặc dù tự nhận có năng khiếu về văn chương“Lúc trẻ tôi có 2 giấc mộng. Thứ nhất là kịch, tôi mong trở thành một người viết kịch hay một người diễn kịch, chứ giấc mộng nhà văn nó mờ nhạt lắm.”
Khi lên đệ Tam, Nguyễn Ngọc Ngạn chuyển qua ban Văn Chương để được giáo sư Pháp Văn là nhạc sĩ Lê Thương chú ý đến khả năng đóng kịch nên đã khuyến khích anh theo học bộ môn này tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Do sự khuyến khích đó, Nguyễn Ngọc Ngạn đã ghi danh theo học kịch vào năm đệ Nhị, là thời kỳ mà hai nghệ sĩ Trần Quang và Bích Thủy vừa tốt nghiệp về kịch nghệ.
Nhưng sau hai tháng theo học, anh nhận ra mình bị hạn chế rất nhiều do bị cận thị nặng, trong khi thời đó chưa có sự xuất hiện của “contact lens”. Sau khi quan sát những vai trò trên sân khấu, anh cho rằng nếu có đóng kịch thì chỉ có vai trò... thầy giáo là thích hợp nhất đối với mình do cặp kính cận dầy cộm. Trong khi đó thân phụ anh - cùng với thân mẫu anh mở một tiệm bán tạp hoá ngay tại nhà - khuyên anh nên để tâm vào việc học hành để phải lấy cho được mảnh bằng Tú Tài toàn phần hơn là đi theo con đường văn nghệ.
Nhưng trước khi giã từ trường Quốc Gia Âm Nhạc, Nguyễn Ngọc Ngạn còn chuyển qua lớp chèo cổ một thời gian ngắn “Là vì có mấy cô gái học chèo cổ rủ tôi sang, tôi cũng sang, cũng học vài câu chèo cổ như “ông Giăng khuyết chứ ông Giăng lại tròn này kia! Tôi học chèo cổ thêm được mấy tháng nữa. Rồi bố tôi bảo sắp thi thì đi về, tôi mới đành về đấy chứ !”
Cũng vì yêu thích văn nghệ, Nguyễn Ngọc Ngạn đã tự học nhạc lấy qua sách vở, để có một thời gian được mời dạy nhạc cho các trường Lê Bảo Tịnh và Saint Thomas.
Hết trung học, Nguyễn Ngọc Ngạn theo học đại học Văn Khoa và sau đó trở thành giáo sư ngoại ngạch cho một số trường công.
Ngoài giấc mơ trở thành một diễn viên hay một nhà viết kịch lúc còn trẻ, Nguyễn Ngọc Ngạn còn mong muốn thực hiện được những công tác xã hội “Thí dụ như thích xây một ngôi trường hoặc xây một cái cô nhi viện. Ngay từ nhỏ tôi đã thích làm được những việc như vậy...”
Nhưng riêng về việc làm MC thì anh chưa bao giờ nghĩ tới. Nhất là thời đó chưa có nghề MC hay làm talk show tại Việt Nam ngoài những người được gọi là hoạt náo viên hay giới thiệu chương trình.
Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ngạn bước vào đời sống quân ngũ, sau khi lập gia đình với một nữ sinh trường Saint Thomas tên Lê Thị Tuyết Lan. Đầu tiên anh ở Sư Đoàn 9 Bộ Binh, sau đó được đổi về Tiểu Khu Định Tường, nhưng không về tiểu khu mà về tiểu đoàn tác chiến ở quận Cái Bè.
Đến năm 74 , khi anh mới có con được nửa năm thì được bộ giáo dục biệt phái về dạy học tiếp với cấp bậc trung úy. Sau khi dạy được đúng một niên khoá thì xẩy ra biến cố tháng 4 năm 75.
Nhớ lại cuộc đời quân ngũ, Nguyễn Ngọc Ngạn có rất nhiều kỷ niệm, nhưng anh nhớ nhất là những kỷ niệm trong thời gian phục vụ tại Tiểu Đoàn Địa Phương Quân Tác Chiến: ”Gần như cả một tiểu đoàn không có một người nào là người Bắc cả. Cho nên ông tiểu đoàn trưởng không cần nhớ tên tôi. Ông ấy cứ kêu tôi là thiếu úy Bắc Kỳ”.
Tại đây, “thiếu úy Bắc Kỳ” giữ chức vụ trung đội trưởng vũ khí nặng, coi về súng cối và đại bác 75 ly không giật, mặc dù cận thị nặng 5 độ rưỡi và nhất là ốm yếu “như Hoài Linh bây giờ”, như lời anh nói đùa.
Thời gian này là năm 1972. sau đó anh được làm đại đội phó và một thời gian sau được chuyển về bộ chỉ huy và cuối cùng được làm sĩ quan quản trị nhân viên, coi quân số của tiểu đoàn.
Và cũng như tất cả những sĩ quan khác, sau biến cố tháng 4 năm 75, Nguyễn Ngọc Ngạn phải đi tù, tại những nơi được goi là “trại cải tạo”. Anh được trả tự do sau 3 năm. Trở về vào năm 78, Nguyễn Ngọc Ngạn tìm đường vượt biên ngay với người vợ đầu tiên cùng con trai lúc đó được hơn 4 tuổi.
Nguyễn Ngọc Ngạn là người đầu tiên trong gia đình vượt biển một cách bán chính thức vào muà Giáng Sinh năm 78 đúng vào mùa có nhiều bão lớn, với vợ lúc đó mới 26 tuổi với một con tên Nguyễn Trần Lê Chân, được đặt tên theo địa danh Tống Lê Chân, nơi xẩy ra những trận đánh khốc liệt vào năm 74 “Lúc đó là những ngày mà đài phát thanh quân đội loan những tin về vụ đánh đồn ở Lê Chân. Tôi cứ nghe đài phát thanh suốt ngày nói về Tống Lê Chân. Để nhớ cái thời gian mà tôi trong quân đội và lúc đang có biến cố về đồn Lê Chân nên tôi đặt tên cháu là Lê Chân”.
Khi chiếc tầu chở khoảng 300 người, trong đó có tiểu gia đình Nguyễn Ngọc Ngạn, đến gần Mã Lai thì bị cảnh sát Mã Lai ở trong bắn ra. Do tình trạng cuống quít của tài công nên đã loay hoay khiến tầu bị lật úp do bị sóng lớn khiến 161 người bị chết, trong số có vợ và con anh. Anh chỉ nhìn thấy được xác đứa con thân yêu bị sóng cuốn đi, trong khi không được thấy tận mắt hình ảnh cuối cùng của người vợ trẻ.
Những người sống sót của chiếc tầu định mệnh đó được đưa vào trại tỵ nạn trên đảo Kota Baru ở Mã Lai. Tại đây, Nguyễn Ngọc Ngạn được bầu làm phó trưởng trại, từ tháng 12 năm 78 đến tháng 5 năm 79. Trong thời gian này cái chết của vợ và con đã là một nỗi ám ảnh ghê gớm với Nguyễn Ngọc Ngạn, để từ đó mang nhiều suy tư khi hồi tưởng về thân phận những người phụ nữ.
.........................O............................
Nguyễn Ngọc Ngạn ngoài đời...
tiếp theo
Và cũng từ đó, anh đã không ngờ là mình bắt đầu bước vào nghề viết văn, trước đó rất mờ nhạt trong đầu óc, với tiểu thuyết đầu tay “Những Người Đàn Bà Còn Ở Lại”, theo lời anh kể “Khi bà xã tôi mất với lại cháu mất thì tôi ngồi trên đảo thì tương đối tôi cũng nhàn vì là phó trưởng trại. Tôi mới ngồi tôi nghĩ lại một điều quan trọng trong đầu tôi lúc đó là trong cuộc chiến VN thì hoá ra người đàn ông không khổ bằng người đàn bà. Là bởi rằng đàn ông dù sao tuy là ra mặt trận, kề cận cái chết nhưng không như người phụ nữ ở hậu phương vừa nuôi con, vừa, lương của chồng lại ít quá. Đôi khi lại phải làm dâu, nhiều khi lại chạy loạn vì chiến tranh. Rồi sau đó khi người chồng đi vào cải tạo thì người vợ ở nhà lại phải đi tiếp tế chồng ở trong trại cải tạo. Sau đó chồng được thả về thì có nhiều người đàn bà lại phải hy sinh, dành dụm lo cho chồng vượt biên trước, mình ở lại sau là bởi biết rằng chồng ở lại thì vất vả hơn. Thì tôi mới nghĩ lại là trong cuộc chiến và hậu chiến của mình thì người đàn bà VN là khổ nhất chứ không phải là đàn ông, cho nên vì cái ý nghĩ đó tôi mới xin giấy bút để viết truyện dài đầu tiên mà tôi chưa viết bao giờ. Tôi xin giấy bút của bà Sơ trong trại để viết truyện dài đầu tiên lấy tên là “Những Người Đàn Bà Còn Ở Lại “.
Tiểu thuyết “Những Người Đàn Bà Còn Ở Lại“ được viết liên tục trong vòng 3 tháng, dưới cái nóng như thiêu đốt trên đảo Kota Baru. Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết anh viết tác phẩm đầu tay này vừa để tưởng niệm cái chết của vợ và con, vừa để thông cảm với những người đàn bà còn ở trong nước.
Khi mang bản thảo tiểu thuyết này sang hải ngoại, anh cho nhiều người đọc và họ rất thích thú. Vì vào thời đó những chuyện về VN còn lạ đối với những người ở hải ngoại, ra đi từ những ngày đầu vì được viết trong bối cảnh sau năm 75. Nhiều người có ý ủng hộ anh để xuất bản, trong số có ông Nguyễn Thế Năng, chủ nhân tiệm vàng nổi tiếng ở Sài Gòn trước kia. Ông Nguyễn Thế Năng viết thơ cho nhà xuất bản Dziên Hồng đề nghị xuất bản, nhưng được những người chủ trương là các giáo sư Lê Bá Kông và Lê Bá Khanh trả lời là còn người thân ở VN nên không tiện xuất bản mặc dù rất thích.
Sau đó anh giao đưá con tinh thần của mình cho nhà báo Quốc Nam, nhưng mãi đến năm 87 mới ra mắt độc giả, sau khi một số tác phẩm của anh đã thành hình và đã tạo được tên tuổi cho Nguyễn Ngọc Ngạn. Đó là những tác phẩm: Truyện Ngắn Nguyễn Ngọc Ngạn, Nước Đục, Biển Vẫn Đợi Chờ, vv... Tổng cộng cho đến nay đã có 32 tựa sách được phát hành, phần lớn là truyện dài, mang tên tác giả là Nguyễn Ngọc Ngạn.
Trả lời cho câu hỏi tại sao chọn Canada làm nơi cư trú, Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết ”Nhưng mà tôi thấy tôi ngồi lâu quá tôi cũng sốt ruột. Mà thứ hai nữa là buồn bã. Coi như hàng tuần tôi phải tiếp các phái đoàn thì tôi thấy phái đoàn Canada rất là lịch sự. Họ hỏi tôi là có muốn đi Canada không thì chúng tôi bốc ông đi ngay. Thì tôi nói là vâng, ông kiếm cho tôi một vùng nào ấm, thì họ bảo vậy thì ông đi Vancouver, có vậy thôi.“
Thế là Nguyễn Ngọc Ngạn được đưa về một đảo gần Vancouver là Prince Rupert cho đến năm 86, anh chuyển về sống tại Toronto cho đến nay. Sau khi đặt chân đến thành phố này, anh dành ra hai năm để ôn lại Anh Ngữ vì được một số thân hữu có ý định giới thiệu anh vào làm cho đài VOA tại Washington, D.C. và BBB ở Luân Đôn. Cuối cùng vì có những quan hệ ở Toronto nên anh quyết định lưu lại đây để đi làm cho công ty bảo hiểm Canada Life, ngoài việc viết sách và hoạt động trong lãnh vực văn chương, báo chí cho đến khi được mời cộng tác với trung tâm Thúy Nga vào năm 1992...
II - Nguyễn Ngọc Ngạn trên video...
http://www.tivituansan.com.au/Uploads/EditorImage/27012009/20127204115.jpg
Nguyễn ngọc ngạn and Nguyễn cao kỳ duyên
Nguyễn Ngọc Ngạn đến với trung tâm Thúy Nga trong một trường hợp rất bất ngờ, đến chính anh cũng không biết lý do: ”Tôi không hiểu tại sao một hôm 10 tháng 5 năm 92 khi đi làm về thì thấy ở trong máy nhắn có một người nói là trung tâm Thúy Nga mời tôi sang Paris giới thiệu chương trình. Về sau tôi mới biết đó là ông Tô Văn Lai...“
Thật ra, Nguyễn Ngọc Ngạn được ban giám đốc của trung tâm Thúy Nga để ý và muốn mời cộng tác vì lúc đó anh đã là một người viết văn nổi tiếng, có được một số độc giả đông đảo. Cùng một lúc, họ muốn tìm một đường hướng mới cho vai trò MC mà trước đó qua những chương trình video chưa được đặt lên hàng quan trọng.
Thời gian này Nguyễn Ngọc Ngạn đang đi làm cho một công ty bảo hiểm. Ngoài ra anh còn làm thêm về thông dịch và cùng với người vợ sau tại một thư viện ở Toronto. Trước lời mời bất ngờ trong một lãnh vực quá mới lạ đối với anh, Nguyễn Ngọc Ngạn trả lời cần có thời gian suy nghĩ. Trước đó từ năm 87 ngoài việc sáng tác, Nguyễn Ngọc Ngạn còn hợp tác với một người Đài Loan tên Chiêu, làm tại thư viện trung ương Toronto, để viết truyện song ngữ thiếu nhi Anh Việt như Hoa Mộc Lan, Tôn Ngộ Không, vv...
Ông Chiêu nhận thấy sách của Nguyễn Ngọc Ngạn được hỏi mượn rất nhiều ở thư viện nên nẩy ra ý định mời anh cộng tác. Tổng cộng anh đã viết được khoảng 50 quyển sách loại này, hiện vẫn được lưu giữ trong các thư viện... Trước khi đến với Thuý Nga, Nguyễn Ngọc Ngạn đã chính thức bước vào nghề viết văn khi còn ở đảo Prince Rupert, tại Vancouver, Canada. Anh cũng là người tỵ nạn đầu tiên có sách viết bằng tiếng Anh được xuất bản. Ngoài ra anh còn giữ chức chủ tịch đầu tiên của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.
Trong lãnh vực văn chương, chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Ngọc Ngạn đã trở thành “nổi đình nổi đám “ với những Nước Đục, Cõi Đêm, vv... và được rất nhiều báo chí và nhà xuất bản mời viết. Chủ nhiệm tờ Phụ Nữ Diễn Đàn thời đó là nhà báo Chử Bá Anh từng ngỏ ý muốn lo giấy tờ cho anh qua Mỹ để giữ vai trò chủ bút cho tờ báo này. Ngoài ra chủ nhiệm tờ Ngày Nay là Lê Hồng Long cũng đưa ra cùng đề nghị, nhưng anh đã từ chối tất cả những lời mời đó vì còn “rụt rè lắm” như lời anh nói.
Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết thêm có lẽ anh ảnh hưởng tính không thích bon chen của thân phụ nên đã có quyết định như vậy. Nhưng số mệnh đã đưa đẩy Nguyễn Ngọc Ngạn đến một lãnh vực hoàn toàn xa lạ, chắc chắn anh không bao giờ nghĩ tới, ngoài sự đưa đẩy của số mệnh để “tôi nằm ở đây mà có người bưng tôi lên sân khấu chứ tôi không có tìm, thành thử về sau, tôi mới tin người ta phải có số”.
Nguyễn Ngọc Ngạn tâm sự thêm: “Thật sự ra trước khi tôi làm Paris By Night và nhất là trước khi xẩy ra vụ cuốn video Mẹ thì tôi không tin lắm... Nhưng sau, tôi nhờ những ông thầy giỏi coi tử vi cho thì tôi thấy y chang”.
Cũng về số mệnh, Nguyễn Ngọc Ngạn có lần tình cờ hỏi nhạc phụ anh là một người giỏi về khoa tử vi về tương lai của mình và được cho biết là “tên tuổi như vậy có ăn thua gì đâu, vài năm nữa sẽ lừng lẫy”, trong khi anh cho là nổi tiếng như anh vào thời đó đã là quá đủ. Nhưng sau khi cộng tác với trung tâm Thúy Nga, Nguyễn Ngọc Ngạn mới nghiệm thấy rất đúng vì dù sao viết văn cũng chỉ có một số độc giả cũng hạn chế, không sao so được với khán thính giả đông đảo của những chương trình Paris By Night.
Cũng theo sự giải đoán của nhạc phụ anh, thời kỳ cung mệnh của Nguyễn Ngọc Ngạn gặp hạn Thái Tuế, là giai đoạn anh rất nổi tiếng, nhưng sẽ rất vất vả bởi những điều thị phi nên sẽ gặp phải những tranh luận, cãi vã đưa đến vấn đề pháp luật. Nghiệm lại, anh thấy rất phù hợp với giai đoạn xẩy ra vụ video “Mẹ” (Paris By Night 40), từng gây nhiều sôi nổi...
Đúng 10 năm trước khi cộng tác với trung tâm Thúy Nga, Nguyễn Ngọc Ngạn lập gia đình lần thứ hai vào ngày 19 tháng 6 năm 1982 với một thiếu nữ tên Diệp, khi đó 28 tuổi. Diệp vượt biển và được đoàn tụ tại Paris với gia đình gồm bố mẹ và các em vào năm 80. Người anh cả của chị cùng đi với gia đình sang trại tỵ nạn ở Hoa Kỳ từ năm 75, nhờ làm việc cho cơ quan D.A.O của Mỹ nên được mang theo 10 người trong gia đình. Diệp phải ở lại với người chị đã có chồng. Từ trại tỵ nạn, song thân chị sang Pháp định cư, trong khi các em chọn Mỹ và người anh chọn Calgary, Canada làm nơi cư ngụ. Người anh cả sau đó đã qua đời do ung thư khi được đúng 40 tuổi.
Sau khi tới Paris, Diệp được thân mẫu đưa sang Calgary để thăm mộ anh. Và chính tại đây, Nguyễn Ngọc Ngạn gặp người vợ tương lai của mình lần đầu tiên, qua sự giới thiệu của một người bạn đi cùng tầu vượt biển với Diệp, nhờ anh đi đón giùm hai mẹ con vì cả hai còn quá xa lạ với nơi đặt chân tới.
Nguyễn Ngọc Ngạn đã đi đến một quyết định rất nhanh: khi mới quen Diệp vào ngày thứ Sáu, qua đến ngày Chúa Nhật đã ngỏ lời xin cưới “tại vì tôi nghĩ là bây giờ hai người ở hai phương trời cách biệt. Bà ấy ở Paris, tôi ở Canada dễ gì gặp lại nhau. Mà lúc đó thì nghèo rớt mồng tơi, mới sang đâu có đồng bạc nào. Làm bao nhiêu thì lại phải tuôn về Việt Nam hết thành thử đâu có tiền mà đi tới đi lui. Nhân dịp có bà già ở đây thì hỏi béng cho rồi”.
Thân mẫu Diệp cho biết sẽ về hỏi ý kiến chồng, trong khi Diệp đã nhận lời cầu hôn của Nguyễn Ngọc Ngạn. Nên dù ở Paris có nhiều người theo đuổi chị vẫn không đổi ý, dù mẹ chị không tán thành. Ý bà không muốn con gái lấy một người ở tận Canada vì sẽ khó lòng khi muốn gặp sau này. Nhưng Diệp vẫn giữ lời hứa để cùng Nguyễn Ngọc Ngạn chung sống cho đến nay và có với nhau một con trai, năm nay 21 tuổi.
http://www.tivituansan.com.au/Uploads/EditorImage/27012009/20127204810.jpg
Nguyễn Ngọc Ngạn và con trai
Sau khi thành hôn, Nguyễn Ngọc Ngạn bảo lãnh vợ sang Canada, về Prince Rupert (Vancouver) sinh sống. Trong 10 năm kế, năm nào chị Diệp cũng đưa con về Paris thăm Mẹ, nhưng Nguyễn Ngọc Ngạn không đi theo bao giờ vì bận công việc, nhất là trong thời gian đầu cần giúp đỡ gia đình còn lại Việt Nam. Cho đến năm 92, nhân dịp Thúy Nga mời sang Paris, lúc đó anh mới đi cùng với vợ về thăm gia đình bên ngoại.
Dịp này, Nguyễn Ngọc Ngạn mới tìm đến trung tâm Thúy Nga – là một cửa tiệm bán băng nhạc ở quận 13 Paris, trong khi trung tâm chính được đặt tại nam California từ lâu mà anh không biết - với mục đích cám ơn ông Tô Văn Lai đã gửi tặng một số video, trong khi anh vẫn chưa quyết định có nhận lời cộng tác hay không.
Khi vào đến tiệm, anh cũng không hề biết mặt vợ chồng người điều hành trung tâm. Anh hỏi muốn gặp ông Lai qua bà Thúy, vợ ông. Anh tự giới thiệu là người đã được mời làm MC cho một chương trình video sắp tới. Nguyễn Ngọc Ngạn nhận thấy sự mừng rỡ trong ánh mắt của ông Tô Văn Lai trong lần gặp gỡ đầu tiên, ít ra là qua cách ăn mặc tươm tất, tóc tai gọn ghẻ, có thể khác với sự hình dung về một nhà văn trước đó của ông giám đốc trung tâm Thuý Nga, “Rồi tôi thấy ống ấy chạy vô nói nhỏ với bà Thúy là “Thúy ơi, ông này coi còn được”. Sau khi thảo luận trong bữa ăn tối, Nguyễn Ngọc Ngạn vẫn còn lưỡng lự trước lời mời làm người điều khiển chương trình, “vì trong văn giới đã có tiếng, bây giờ làm MC mà không được thì kỳ.”
Với lý do đó, Nguyễn Ngọc Ngạn khất ông Lai thêm một thời gian. Trong khi đó, anh dò hỏi ý kiến những người cháu trong gia đình cùng một số học trò cũ gặp tại Paris thì tất cả đều phản đối. Ngay cả mấy người em vợ và chính vợ anh cũng không ủng hộ cho việc nhận lời làm MC của anh...
Nhưng chỉ có một người duy nhất ủng hộ anh là nhạc sĩ Ngọc Trọng, người em út trong gia đình, với lý do muốn bố còn ở Việt Nam thấy mặt anh, dù là qua hình ảnh và chỉ cần xuất hiện trên một chương trình video, rồi sau đó ngưng luôn cũng được. Vợ anh, trước lý do xác đáng đó cũng đã khuyên anh nên nhận lời.
Từ những khuyến khích với lý do nặng về tình cảm đó, Nguyễn Ngọc Ngạn gọi điện thoại cho ông Tô Văn Lai, đồng ý xuất hiện trong chương trình Paris By Night 17, thu hình tại Paris, ”Nhưng không biết có làm lâu dài hay không, nên tôi dứt khoát không may quần áo mới, tôi mặc bộ đồ tôi vẫn đi làm ở thư viện thường ngày. Tôi vẫn mang cái kính cũ, tôi đi đôi giầy cũ, tôi không có thay một cái gì cả. Và tóc tai là tôi cũng tự chải chứ không để ai chải đầu, làm tóc hết. Vì không biết người ta có mướn mình làm nưã hay không và mình cũng không có ý định làm lâu, thành ra tôi không có gì thay đổi”.
Chỉ sau khi nói vài lời mở đầu và sau đó giới thiệu nhạc phẩm “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” của Phạm Đình Chương do Ái Vân và Hương Lan trình bầy trên Paris By Night 17, ban giám đốc trung tâm Thúy Nga đã đề nghị Nguyễn Ngọc Ngạn cộng tác độc quyền.
Nguyễn Ngọc Ngạn trên video...
Tiếp theo
Với một giọng nói “ăn micro” cùng một đường hướng khác biệt với những người đi trước, Nguyễn Ngọc Ngạn đã ít nhiều gây được một ấn tượng tốt. Anh kể: ”Tôi chỉ biết là khi lên sân khấu, tôi chỉ mới nói mấy câu mở đầu thôi, nhờ cái giọng tôi ăn micro lắm nên gây được ấn tượng cho người ta. Thứ hai là lối nói của tôi có vẻ thầy giáo. Tôi nghĩ trong đầu là những người MC trước họ cười nhiều quá. Bây giờ mình phải làm ngược là không cười. Họ nói những chuyện bình thường trong đời sống, bây giờ tôi phải đưa một chút văn chương và một chút triết học vào”.
Ngay trong chương trình video đầu tiên, Nguyễn Ngọc Ngạn đã đưa vào phần giới thiệu chương trình một số câu thơ của Thanh Tâm Tuyền vì muốn làm một điều gì khác biệt với trước đó như anh đã nói, nhất là muốn khai thác kiến thức về văn chương của mình. Theo anh, đó là một cách thử, nhưng không ngờ lại gây được chú ý. Trước đó, chính vợ anh cũng không tỏ ra tin tưởng mấy khi anh đảm nhiệm một vai trò quá mới lạ. Khi tiễn chân Nguyễn Ngọc Ngạn ra cửa trong lần đi thu hình đầu tiên, chị Diệp cho rằng chuyến này anh đi sẽ “ôm đầu máu “ trở về, theo lời anh kể.
Sau khi video Paris By Night 17 phát hành, đã có một số trung tâm gọi đến mời anh đảm nhiệm vai trò MC, nhưng anh đều từ chối vì đã nhận lời cộng tác độc quyền với Thuý Nga vì nhận thấy trung tâm này thích hợp với đường lối của mình. Với đường lối đó, “Ông giáo làng Nguyễn Ngọc Ngạn“ đã chứng tỏ được điều “hữu chiêu thắng vô chiêu”, như nhạc sĩ Song Ngọc đã nhận xét về anh sau khi cuốn video trên phát hành trong một bài báo ngắn.
Trước khi gặp Nguyễn Ngọc Ngạn, trung tâm Thuý Nga đã mời Đỗ Văn làm MC cho video 18 với chủ đề Phạm Duy. Ngoài ra cũng đã mời Kim Anh – Trần Quốc Bảo cho chương trình đặc biệt Giáng Sinh; Lê Văn cho chương trình Phạm Duy 2 và La Thoại Tân cho một chương trình khác. Cho nên dù đã nhận lời cộng tác độc quyền nhưng anh muốn Thúy Nga giữ lời hứa với những người đã mời nên anh đã chỉ xuất hiện sau đó từ chương trình Paris By Night 20 trở đi.
Tổng cộng tính đến chương trình Paris By Night 72 anh đã có mặt trên 70 chương trình, hầu hết là đảm trách phần MC với Kỳ Duyên, ngoài một vài chương trình “độc diễn”, như chương trình 21 với chủ đề Ngô Thuỵ Miên hoặc 22 dành cho Lam Phương.
Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết anh không hài lòng một chương trình nào một cách trọn vẹn, do đầu óc luôn căng thẳng vì những chương trình thu hình thường kéo quá dài. Nhiều khi có những chương trình được thu hình 2 xuất trong một ngày, chỉ cách nhau chừng hai tiếng với sự thay đổi về thành phần ca sĩ.
Anh luôn cố gắng làm thế nào để những khán giả tham dự xuất thứ hai có cảm tưởng mới lạ đối với những diễn biến trên sân khấu mặc dù trước đó không lâu, trong cùng một ngày, cũng chương trình đó đã được diễn ra với anh là người điều khiển chương trình, cùng với Kỳ Duyên.
Đặc biệt mỗi lần thay đổi cảnh trí đối với những chương trình thu hình “live”, Nguyễn Ngọc Ngạn luôn phải tìm cách “câu giờ”, tùy theo thời gian chuyển cảnh giữa những tiết mục, nhưng “khó ở chỗ là nói làm sao để khán giả không biết là đang câu giờ “, theo anh nói.
Thời gian ngắn nhất để chuyển cảnh khoảng 3 phút và dài nhất có khi lên đến 10 phút hoặc hơn. Không ít khán thính giả thắc mắc về việc bằng cách nào người MC biết được cảnh trí đã được dàn dựng xong, sẵn sàng cho tiết mục kế tiếp, để ngưng câu chuyện đang kể trên sân khấu.
Điều này được Nguyễn Ngọc Ngạn giải thích: ”Ở giữa hoặc ở cuối rạp có một người cầm đèn pin mà khán giả không nhìn thấy. Người ta cho mình biết anh đó sẽ ngồi ở đâu. Thí dụ ngồi ở chân camera nào hay là ở hàng ghế thứ mấy. Anh ta đeo một headphone và trên sân khấu có stage manager cũng đeo một headphones. Khi nào trên stage manager dọn xong sân khấu ở sau bức màn, sẽ báo cho đạo diễn biết để ở trên sẽ nói xuống cho anh cầm đèn pin. Anh cầm đèn pin sẽ bấm hai cái thì tôi với cô Kỳ Duyên nhìn thấy. Nếu đang kể chuyện dở dang thì mình gấp rút kết luận để chuyển mục. Cho nên có nhiều chuyện định kể hoặc chưa kịp nói thì bỗng dưng thấy chớp đèn rồi thì mình mừng quá, mình vào luôn”.
Qua lời kể của Nguyễn Ngọc Ngạn, khán giả đã nhận biết được tầm mức quan trọng của một người được gọi là MC trong một chương trình video hoặc một “live show”. Ngoài tài ứng biến nhậm lẹ, thích ứng tức khắc với những thay đổi chương trình vào giờ chót cùng những lời đối đáp duyên dáng, vv...; người MC cần có một số vốn kiến thức về nhiều lãnh vực liên quan đến thời sự, xã hội, văn chương, vv... qua sự để tâm tìm tòi và nghiên cứu nhằm tạo thành “bài bản” để tạo cho người theo dõi những giây phút thích thú hay những nụ cười thoải mái.
Sau 12 năm lăn lộn trong nghề, không ai phủ nhận là Nguyễn Ngọc Ngạn có được đầy đủ những yếu tố đó. Nhưng không phải từng có nhiều kinh nghiệm mà anh không còn cảm thấy khó khăn với một số chương trình: ”Có nhiều cuốn tôi không hài lòng là những cuốn nói chung không có đề tài để nói, chẳng hạn như chương trình gồm Thế Sơn-Nguyễn Hưng-Don Ho. Tức là chủ đề chỉ có 3 ca sĩ đó thôi, mà ba ca sĩ đó thì bao nhiêu lời mình giới thiệu trong 10 năm nó đã đủ quá rồi, bây giờ không thể nhắc lại được nữa. Những cái cuốn đại khái như vậy là những cuốn khó khăn nhất cho tôi. Nói chung là những cuốn mà không có đề tài để nói là những cuốn khó khăn nhất”.
Ngược lại, Nguyễn Ngọc Ngạn cảm thấy dễ dàng hơn trong vai trò MC với những chương trình video có một chủ đề rõ ràng như: ”chủ đề về Tình Yêu hay là Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương, Cây Đa Bến Cũ, vv... đại khái như vậy hoặc những chủ đề rõ ràng như Tiền, hay Đàn Bà, hay là 20 Năm Nhìn Lại ,vv... Những cuốn đó thì dễ soạn bài”.
Với người đồng đảm nhiệm phần MC với anh là Kỳ Duyên, Nguyễn Ngọc Ngạn thường bỏ ra nguyên một ngày để cùng soạn “script” cho một chương trình thu hình: “Tụi này có thói quen là cứ thứ Bẩy trình diễn thì bắt buộc phải dành trọn ngày thứ Tư làm việc. Qua đến thứ Năm, thứ Sáu ai rảnh thì ngồi coi. Coi để thêm đuợc cái gì thì thêm. Nhưng dĩ nhiên gọi là làm mất một ngày đó thì trong cái đầu mình phải tìm tòi, gom góp những chất liệu... Kiến thức đâu có phải là cái một sớm một chiều mà xong, nó là cái chuyện tích tụ từ lâu rồi. Rồi đến lúc gặp một tình huống hay một cái gì vui vui thì trong đầu mình nẩy ngay ra ý tưởng thích hợp”.
Tuy nhiên có những trường hợp tuy đã soạn “script” sẵn, nhưng khi lên sân khấu lại phải thay đổi để thích nghi với diễn biến trên sân khấu vì “có khi đổi cảnh nhanh quá, mình chưa kịp nói thì đã đổi xong. Khi đèn pin nó chớp tức là đổi cảnh xong thì phải giới thiệu ngay vào tiết mục kế tiếp”.
Đối với Nguyễn Ngọc Ngạn, mỗi khi hoàn tất vai trò MC cho một chương trình, anh đều cảm thấy “nhẹ bụng như đẻ xong đứa con”, vì đã phải trải qua những giây phút quá nặng nề khiến đầu óc luôn bị căng thẳng. Nhất là những chương trình lớn như “Thuý Nga 20th Anniversary” thực hiện ở San Jose vào tháng 8 năm 2003. Như trong trường hợp quay bằng hình thức MTV thì nếu hư thì sẽ thu hình lại dễ dàng, nhưng đây là một buổi thu hình có sự tham dự của khán giả nên rất khó khăn.
Nhất là khán giả tham dự một chương trình thu hình “live” có tính cách tổng hợp gồm nhiều thành phần với những thị hiếu về nghệ thuật khác biệt: ”Theo tôi, khán giả tham dự những buổi trình diễn văn nghệ là một sự tổng hợp. Thí dụ có những người chỉ thích loại nhạc do Khánh Hà, Khánh Ly, Ý Lan, vv... trình bầy, thì khi nghe những ca sĩ khác thì coi như họ đành ngồi nghe thôi. Ngược lại, có những người chỉ thích loại nhạc trình bày bởi Trường Vũ, Như Quỳnh, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh mà không thích loại nhạc tiền chiến. Nên khi những ca sĩ hát loại nhạc tiền chiến ra thì họ cũng phải chịu đựng, ngồi đó thôi. Cho nên chen vào giữa các bài hát mà mình không làm được cái gì để cho không khí vui lên thì sẽ làm khổ khán giả”.
Những gì Nguyễn Ngọc Ngạn phải thực hiện khi làm MC không chỉ dừng lại ở đó mà anh còn được giao phó một số vai trò khác “như tôi phải làm ảo thuật, phải làm xiệc thì phải tập dượt trước. Rồi những màn như trước đây tôi đu trực thăng hay là nhảy xuống Niagara Falls, vv... Bên cạnh đó, tôi và cô Kỳ Duyên cũng có khi đóng những tiểu phẩm nhỏ. Thí dụ như Phi Nhung-Mạnh Quỳnh hát cải lương xong kêu tôi bằng ba, tôi phải đi ra. Có nhiều thứ lắm, không phải MC của Thuý Nga chỉ đứng giới thiệu không mà thôi. Thành ra chiếm rất nhiều thì giờ và đầu óc của mình”.
Ngoài Kỳ Duyên, trong những lần tham dự những chương trình “live show” tại khắp nơi, Nguyễn Ngọc Ngạn đã từng làm MC bên cạnh Thụy Trinh, Mai Phương, Quỳnh Hương, Khánh Ly, vv...Với bất cứ ai, anh cũng có khả năng tạo được một sự ăn khớp nhịp nhàng, nhờ biết nương theo cách ứng xử của từng người. Hiện nay, ngoài phần làm MC độc quyền cho những chương trình video Paris By Night, Nguyễn Ngọc Ngạn thường xuyên nhận được lời mời đi show khắp nơi tại Bắc Mỹ, Âu Châu cũng như Úc Châu.
http://www.tivituansan.com.au/Uploads/EditorImage/27012009/2012720534.jpg
Cùng tuổi: Nguyễn Ngọc Ngạn và Khánh Ly
Nguyễn Ngọc Ngạn trên video...
Tiếp theo
và
hết
So với những ca sĩ nổi tiếng, anh đi show không nhiều bằng - mặc dù có những tháng anh nhận tới 5 shows - vì có những vũ trường hay những chương trình nhỏ của các hội đoàn không cần đến vai trò MC. Nhưng anh nhận được rất nhiều lời mời làm MC cho những tiệc cưới, tiệc kỷ niệm thành hôn, vv... nhưng anh không nhận lời, ngoài một vài chương trình do những bạn bè thân tổ chức mà không đòi hỏi một khoản thù lao nào. Đặc biệt hơn cả là có lần anh được mời làm MC cho một... đám ma, theo lời trối trăn của người quá cố, muốn anh đọc điếu văn, nhưng anh cũng không nhận lời. Anh nói đùa thêm là “thật sự nếu làm MC cho đám ma thì sướng hơn vì không phải kể jokes!”
Đối với người MC nhiều năm kinh nghiệm này, vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là vấn đề tìm kiếm để có được những mẩu chuyện vui để kể trên sân khấu, vì những câu chuyện thích hợp với khán thính giả Việt Nam càng ngày càng cạn. Tuy anh có cả một tủ sách truyện vui cười của Mỹ, nhưng khi dịch sang tiếng Việt đã không áp dụng được với khán giả người Việt do cách chơi chữ đặc biệt hoặc mang tính cách thời sự, không thích hợp với các khán thính giả Việt Nam. Cũng đã từng có rất nhiều người đóng góp những chuyện vui cười với anh, qua trung tâm Thuý Nga, nhưng vấn đề tuyển chọn không phải là dễ dàng để hoạ hoằn mới có một chuyện được dùng.
Vai trò MC nổi bật của Nguyễn Ngọc Ngạn hầu như đã khiến vai trò một người cầm bút của anh bị lu mờ phần nào. Mặc dù hiện nay anh vẫn viết đều, nhất là những chuyện được thu vào những “audio books” mà không ai ngờ là những sản phẩm được tiêu thụ rất mạnh hiện nay.
Sau 12 năm vui buồn với nghề ăn nói, Nguyễn Ngọc Ngạn không còn bao lâu sẽ bước vào lớp tuổi 60. Anh cho rằng cũng chẳng còn bao lâu nữa, sẽ đến lúc anh bước xuống sân khấu, từ giã ánh đèn mầu, bỏ lại phiá sau nghề MC cùng cái thế giới nghệ sĩ đối với anh có nhiều gắn bó. Anh luôn mang hy vọng trong thế hệ những MC tiếp nối con đường của mình sẽ có những khuôn mặt, những giọng nói nâng cao được giá trị của cái nghề xét ra không phải dễ dàng này...
(TVTS 941 & 942)
Tác giả: Trường Kỳ
Chắc mọi người cũng đã từng đọc được chuyện nầy rồi
Nhưng đổi vởi lait nó là lần đầu
Vừa đọc vừa post vào đây, lỡ nếu ai như lait chưa được đọc
thì cũng đọc cho dzui:y21:
Chuyến xe buýt...............
Lần đầu tiên Vân tận mắt chứng kiến một người chết cách đây hơn một năm lúc còn ở Việt Nam. Chứng kiến một người chết, có nghĩa là nhìn người ấy đang từ cõi sống đột ngột bước sang thế giới bên kia. Đó là ông Thọ ở cách nhà Vân ba căn trên cùng con hẻm nhỏ thuộc phường 10 quận Tân Bình.
Chẳng phải vì là hàng xóm mà Vân quen ông, láng giềng thật xa mỗi người có một cuộc sống nên cũng ít khi gặp nhau huống chi ông lại hơn Vân quá nhiều tuổi. Nếu xưng hô cho đúng thì Vân phải gọi ông bằng chú. Nhưng sỡ dĩ Vân thân với ông chỉ vì ông là tài xế xe bus trên lộ trình từ nhà Vân đến sở làm. Dù muốn dù không, ngày nào Vân cũng phải gặp ít nhất một lần vào buổi sáng.
Có một dạo xe bus là phương tiện chuyên chở công cộng rất đắt khách, chuyến nào cũng chật ních. Nhưng khi VN chuyển sang kinh tế thị trường thì dân Sài Gòn nườm nượp mua xe gắn máy. Lại thêm xe ôm phát triển, xe bus dần dà trở nên ế ẩm vì đi lại chậm chạp trên đường phố đông đúc mà ít ai tôn trọng luật lưu thông.
Chỉ có những hành khách không có phương tiện khác như Vân mới bất đắc dĩ phải bám với xe bus mà thôi. Xe vắng khách, nên mỗi khi thấy Vân bước lên, ông Thọ thường vui vẻ hỏi chuyện vu vơ mặc dù trên nguyên tắc, ông không được nói chuyện khi lái xe. Vân cũng hân hoan đáp lại, chọn cái ghế trống gần ông để đàm đạo cho quên đoạn đường tới sở. Đại khái thì toàn những câu xã giao thủ tục thôi, lâu lâu nếu trong con hẻm nhà Vân có chuyện gì bất thường xảy ra thì hai người mới có đề tài mới để bình luận.
ông Thọ không có vợ con, sống nhờ nhà người anh ruột, nhập chung hộ khẩu và coi gia đình người anh như gia đình mình. ở tuổi bốn mươi lăm, mặt ông khắc khổ ưu tư, nước da đen sạm và mái tóc phía trước hơi dài lúc nào cũng rũ xuống trán làm Vân thấy rất ngứa mắt.
ông ít cười, dù nụ cười rất tươi. Hàm răng đều như hạt bắp, phải cái tội là lúc nào cũng úa vàng vì khói thuốc. ông ghiền thuốc lá nặng ,trong túi lúc nào cũng có gói Mai, loại thuốc đen nội hóa ít người hút. Mỗi khi đường kẹt xe, ông thường chạy xuống rít một điếu hoặc có khi chỉ vài hơi rồi lại leo lên lái tiếp. Dân Sài Gòn hút thuốc nhiều, nên chẳng ai thấy ngứa mắt và cũng không thấy khó chịu vì khói thuốc.
Một buổi sáng trên đường đi làm như thường lệ, Vân ngồi ngay chiếc ghế sau lưng ông, đang kể câu chuyện bắt ghen trong xóm, và xe đang chạy ngon trớn, thì Vân bổng giật mình thấy xe bus tự dưng rẻ nghiêng sang bên phải, rồi leo hẳn lên lề, húc mạnh vào một gốc cây rồi dừng lại. Xe vẩn nổ máy, nhưng ông Thọ gục xuống trên tay lái làm còi xe cứ inh ỏi réo liên tục. Cũng may, gặp khúc lề đường rộng lại có cây lớn chặn lối nên xe không cán phải người bộ hành hoặc đâm vào nhà người ta.
Hành khách nhốn nháo đứng ngồi cả lên, Vân lay vai ông Thọ và hốt hoảng hỏi:
- Ý thôi chết, lạc tay lái hả ông Thọ? Tỉnh dậy ông Thọ !
Nhưng lay mãi mà ông không trả lời, hành khách xôn xao đưa mắt nhìn nhau rồi bỏ xuống tìm phương tiện chuyên chở khác vì sợ trể giờ làm việc. Vài người hiếu kỳ phần lớn là khách quen ngày ngày vẩn đi cùng chuyến này xúm lại cùng với Vân lôi đầu ông Thọ ngồi thẳng lên, lập tức tiếng còi xe ngưng bặt. ông Thọ ngẻo đầu sang một bên, mặt xám ngắt, miệng hơi há ra và đôi mắt lạc thần vẫn mở trừng trừng nhưng rõ ràng là mất hết sinh khí.
ông đứng tim chết mà người ta xét theo lối dân gian là ông bị trúng gió, và không ai tin là ông đã chết thật bởi nó xảy ra quá đột ngột. Vân lo lắng nhìn quanh và hỏi:
- Ơ...Có ai có dầu nhị thiên đường không?...Dầu gì cũng được...Cho tôi mượn.
Đám đông xung quanh mỗi người một câu:
- Trời...trời, ông bà nào chịu khó chạy lên ngả tư thấy ông công an, kêu dùm một cái Người khác bảo:
- Kêu xe cứu thương chứ chờ công an đến kiếp nào...
Người ta giật tóc mai, lắc mạnh hai vai ông, hoặc ấn mạnh vào ngực ông, hy vọng có thể giúp ông hồi tỉnh trong lúc chờ vào nhà thương. Nhưng tất cả đều vô ích, có người thất vọng than:
- Thôi ! Chắc chết rồi, chết thiệt rồi. Trăm phần trăm là trúng gió rồi. Trời đất ơi ! Lúc này gió nó độc lắm nghen.
Cùng với nhận xét ấy, người ta tản mác xuống xe, lảng ra xa, tránh những phiền toái lát nữa khi nhân viên công lực đến thẩm vấn. Nhưng Vân không bỏ đi được, không nở bỏ ông hàng xóm, bởi nàng vẫn bám víu ý nghĩ là ông chưa chết hẳn, chỉ bất tỉnh nhân sự mà thôi.
Nàng xuống xe, mặt nhợt nhạt ngó quanh, rồi vẫy chiếc xích lô máy rồi nhờ người tài xế lên đỡ ông Thọ xuống và chở vào bịnh viện. Nàng bảo:
- Nhanh nhanh thì may ra cứu kịp nhé ! Chắc ông ấy chỉ bị nghẹt thở thôi, chưa có chết hẳn đâu.
Rồi nàng móc bóp lấy tiền trả ông xích lô, nhưng ông xích lô ngơ ngác nhìn Vân và hỏi: - Bộ cô không đi với ông ấy sao? Đâu có được, cô không có đi chung thì tôi không có chở ông ấy đâu ! Giỡn hoài, bộ tôi ngu sao?
Vân khẩn khoản:
- Ông ơi, tội nghiệp người ta bị ngất xỉu ,ông làm ơn đưa vào nhà thương dùm. Tại tôi....tôi còn phải đi làm.
ông xích lô trợn mắt đáp:
- Ngất xỉu đâu mà ngất xỉu? Chết ngắt rồi, tôi đưa vào bệnh viện, người ta hỏi lôi thôi lắm cô ơi. Phải có người nhà mới biết đường mà trả lời chứ !
Vân nhìn ông Thọ một lần nữa, quả thật ông chết rồi. cái xác không hồn, nằm rũ trên xích lô, đầu nghiêng sang một bên. Mắt vẫn trợn trừng, và mồm vẫn há ra. Nàng bảo ông xích lô:
- Nhưng mà tôi cũng đâu phải là người nhà !
ông xích lô vừa kinh ngạc, vừa bực bội, giậm chân lắc đầu lia lịa, ông toan **** thề, nhưng nhớ rằng trước mặt phụ nữ, nên gắt lên:
- Cô không phải là người nhà của ông ấy thì mắc mớ gì cô đòi đưa ông ấy vào nhà thương? Con người sao khờ quá ! Rồi công an hỏi cung về cái chết của ông ấy, rồi cô trả lời làm sao?
Vân cũng vừa chợt nhận ra mình tự mang cái ách giữa đàng vào cổ, nhưng một phần vì là người quen, một phần thì bây giờ cũng đã lỡ rồi làm sao rút lui được? Nàng cứ tưởng ông chỉ ngất xỉu nên mới động lòng tìm cách cứu chữa gọi xích lô đưa vào bịnh viện. Không ngờ ông đã về bên kia thế giới.
Từ lúc nghe ông xích lô xác quyết là ông Thọ đã chết, tự dưng chính Vân cũng thấy rờn rợn và không dám nhìn mặt ông nữa. Nhưng bây giờ biết làm sao, khách bộ hành đi ngang hiếu kỳ bu lại mỗi lúc một đông hơn vì ông xích lô khua chân, múa tay nói quá lớn, ông chán nản bảo Vân:
- Cà chớn ! mới sáng sớm đã gặp xui. Bây giờ cô phụ tôi khiêng ổng lên, bỏ lại trên xe bus đi rồi ai muốn làm gì thì làm. Tôi không có dính vào vụ này.
Dứt lời, ông xách nách xác chết và bảo Vân đỡ hai chân ông Thọ. Vân ngần ngại đứng yên, ông xích lô phải nạt lớn nàng mới chịu bắt tay vào khệ nệ khiêng cái xác không hồn lên xe bus, đặt vào sau tay lái. Rồi ông xích lô lao phắt xuống đường lên xe phóng vội đi miệng còn lào nhào **** Vân là đồ ngu.
Vân xuống xe đứng phân vân bên lề đường không biết nên bỏ đi hay chờ cảnh sát tới để tường trình. Đám đông bu quanh mỗi người hỏi một câu, Vân lơ đãng trả lời rồi quyết định đón honda ôm về báo tin cho gia đình ông Thọ biết và vào nhà thương làm thủ tục nhận xác của ông chôn.
Định mệnh xắp đặt khiến ông chết đột ngột và tình cờ Vân lại là người đầu tiên chứng kiến cái chết bất ngờ của ông giữa lúc ông đang nói chuyện với nàng. Cách đây hơn một tháng Vân có khoe với ông là nàng đang chờ sang Canada định cư do người anh bảo lảnh. ông Thọ chớp mắt bảo:
- Mừng cho cô Nhưng rõ ràng, giọng ông có một chút buồn tủi cho thân phận mình, ước mơ xuất ngoại mà không có con đường nào. ông bảo Vân:
- Tôi cũng có nghe nói cô sắp ra nước ngoài, người ta bảo vì vậy cô nhất định chưa chịu lấy chồng.
Vân cười rồi nói lại:
- Trước khi tôi đi thì thế nào gia đình tôi cũng làm tiệc giã từ bà con lối xóm mà. Mời ông sang cho vui với gia đình tôi nhé !
- Vâng, quý hóa quá ! Cô nghĩ đến tôi là tôi mừng rồi. Tôi thì phải qua tiễn chân cô chứ ! Câu chuyện tưởng như mới hôm qua, Vân chưa lên đường, chưa kịp làm tiệc mời ông Thọ thì ông đã về bên kia thế giới, Vân chạy về nhà báo tin, rồi cùng người anh ông Thọ lãnh ông từ nhà xác về, mua đất chôn ở nghĩa trang Tân Việt, gần Bà Quẹo.
Vân có mặt từ đầu đến cuối, từ lúc tẩm liệm cho tới khi hạ huyệt. Đám tang ông Thọ thưa thớt lại gặp ngày mưa to gió lớn, nghĩa trang ở vào khu đất trũng, nước ngập mênh mông. Quan tài thả xuống huyệt cứ nổi lềnh bềnh khiến người ta phải dùng gậy dí hai đầu xuống để lấp đất. Mà lấp bao nhiêu đất ,đất biến ngay thành bùn theo nước trôi đi, người nhà vất vả lắm, ông Thọ mới chịu an lòng.
- o O o -
Chuyến xe buýt...............
Gần một năm sau, Vân lên đường sang Canada, tạm thời ở chung với gia đình người anh đã bảo lảnh, tên là Hiếu, có vợ ba con tại Toronto. Hiếu mới mua nhà trước khi Vân qua, căn nhà mới, ở vùng ngoại ô phía bắc toronto, nằm trong khu vực vừa khai phá, giá tương đối rẻ và đất xung quanh còn rất khoảng cách. Phía sau nhà Hiếu cách một bải trống mọc đầy cỏ hoang rồi mới tới bìa rừng. Bải đất trống ấy cũng nằm trong kế hoạch xây cất tư gia hoặc chung cư, nhưng vì tạm thời kinh tế xuống, ngành địa ốc suy thoái nên người ta khựng lại bỏ không.
Gia đình Hiếu có năm người, nhưng hai đứa con đầu vừa lên đại học và đi ở xa, ở nội trú luôn trong trường. nên nhà chỉ còn hai vợ chồng với cô con gái út mười bốn tuổi. Vợ chồng Hiếu chiếm ngụ cái phòng ngủ chính trên lầu, đứa con gái cũng có buồng ngủ riêng bên cạnh. Dưới nhà bên cạnh buồng tắm, có một phòng nhỏ dành cho Vân, sát bức tường phía sau, có cửa sổ trông ra bải đất trống quạnh hiu.
Ngày ngày nhìn cảnh tượng hoang vu vắng lặng sau nhà, Vân còn đang nhớ Sài Gòn da diết thì bà chị dâu đã xa gần giục chồng kiếm việc cho Vân. Thật ra thì chẳng cẩn phải chị phải giục, chính Hiếu cũng đang để ý tìm việc cho Vân để nàng có thêm tiền chi dụng, và nhất là để vợ Hiếu khỏi cằn nhằn. Hai vợ chồng Hiếu cùng đi làm cả, cho nên vợ Hiếu rất ngứa mắt khi thấy Vân qua đây mà cứ ngồi im trong nhà.
Ba tháng sau thì Hiếu tìm được việc cho em gái ở một tiệm cà phê Dolnad mở 24 tiếng một ngày, tiệm nằm ở khu vực downtown, nghĩa là trung tâm của thành phố Toronto. Họ cho Vân làm ca đêm, bắt đầu từ 11 giờ đến 7 giờ sáng. Hiếu an ủi em:
- Thôi ! Cứ chịu khó làm tạm đi, rồi một thời gian sau sẽ đổi sang ca ban ngày. Họ có hứa với tao như vậy. Ca đêm thì buồn ngủ, nhưng mà bù lại thì ít khách hơn ban ngày.
Vân vui vẻ đáp:
- Em có ngại gì đâu, ngồi nhà chán chết.
Hiếu tỉ mỉ dặn dò Vân những kinh nghiệm làm việc nơi xứ lạ để em khỏi bở ngở, rồi Hiếu chỉ dẩn cho Vân cách đón xe đi làm.
Vì là khu tân lập ngoại ô nên trước cửa nhà Hiếu tuy đường xá mới mẻ nhưng chưa có xe bus, Vân sẽ phải đi bộ một khoảng khá xa để ra con lộ chính lấy xe bus đưa nàng tới trạm Metro. Rồi khi từ trạm Metro trồi lên, nàng sẽ lại phải đón thêm một chuyến bus nữa mới đến downtown, chỗ nàng làm việc. Hiếu dự trù vài tháng nữa, sẽ bắt Vân đi học lái xe, sắm chiếc xe hơi cũ, cho em gái đỡ vất vả.
Hiếu lấy thêm chìa khóa nhà trao cho em rồi cẩn thận bắt em ghi số phone nhà, số phone tiệm Dolnad và số phone chỗ Hiếu làm việc, cất kỹ vào bóp để lúc cần thì liên lạc, nhất là lúc chẳng may Vân bị lạc đường. Hiếu bảo:
- Mày đi làm ca đêm cũng khoẻ, sáng khỏi phải dậy sớm, ban ngày tha hồ mà ngủ. Đường sá không kẹt xe, bus rộng rãi, khỏi phải đứng mỏi chân. Vân biết ông anh vì tội nghiệp mình nên cứ phải tìm cách an ủi, nàng che dấu nét xúc động và bảo:
- Anh khỏi phải lo, việc lgì em làm cũng được mà, ở Vn em quen vất vả. Với lại đi làm học tiếng anh còn nhanh hơn học trong sách nữa.
Sáng hôm sau, Vân dậy sớm hơn thường lệ dù mãi đến tối mới phải đi làm. Ngày đầu nhận việc, nàng hồi hộp không ngủ yên giấc, nàng lục đục một lúc rồi vợ chồng Hiếu mới từ trên lầu bước xuống. Bà chị dâu hôm nay nhìn Vân âu yếm hơn vì nàng đã có việc, không ngồi chơi, ăn bám như ba tháng vừa qua. Việc của Vân tuy lương chẳng có bao nhiêu, nhưng chính Vân cũng mừng thầm trong bụng bởi từ nay khỏi phải nhìn nét mặt hầm hầm đi ra đi vào lườm nguýt của chị dâu.
Hai vợ chồng Hiếu chuẩn bị đi làm sớm, đứa con gái đáng lẽ chưa cần đi gấp, nhưng tiện xe của bố mẹ, nên cũng ké luôn tới trường, khỏi phải cuốc bộ. Nhà chỉ còn mình Vân ngồi ăn sáng, nàng dự định sẽ ngủ thêm một giấc nữa rồi dậy nấu cơm cho cả nhà ăn chiều. Riêng Hiếu thì cứ nằng nặc bảo Vân phải ngủ một giấc dài, phải đến gần giờ đi làm hẳng thức.Vân gật đầu đồng ý, nhưng lúc cả nhà đi rồi, nàng chỉ ngồi coi tivi hoặc thơ thẩn ra trước nhà rồi lại vô làm bếp, muốn ngủ, cũng không ngủ được.
Buổi tối hôm ấy cơm nước xong, cả nhà ngồi coi tivi một lúc, rồi Vân chuẩn bị đi làm. Muốn chắc ăn, nàng ra khỏi nhà lúc 9 giờ rưỡi mới không sợ trễ giờ. Trời cuối tháng 11 bắt đầu se lạnh và mau tối. Mới khoảng 5 giờ chiều là đã thấy âm u xám ngắt, có năm Toronto giờ này tuyết đã trắng xóa. Năm nay trời khô, nhưng gió buốt, nhất là quanh nhà Hiếu còn quá nhiều bải đất trống.
Vân mặc quần jean, hai ba lớp áo trong áo ngoài, cổ quấn khăn, chân đi giày bata, tay cầm cái túi đựng thức ăn và dăm ba đồ lặt vặt. Nàng lầm lũi lội bộ qua mấy khúc đường vắng tanh tăm tối rồi mới đến con lộ chính. Đúng như Hiếu nói, giờ này người và xe đã vơi hẳn nên ở trạm bus chỉ có một hành khách đang đợi, đó là một bà người Canada, ngồi trên ghế băng trong nhà lồng kiếng, sốt ruột nhìn về hướng xe bus tới.
Vân cũng bước hẳn vào trong nhà kiếng để tránh gió, nàng gật đầu chào bà cụ, rồi ngồi xuống bên cạnh và cùng quay mặt về hướng xe sẽ đến. Khoảng hơn 5 phút thì nàng vui mừng thấy xe bus hiện ra xa xa mờ mờ với ánh đèn đường. Nàng vội đứng dậy, bước hẳn ra ngoài, bà cụ cũng bước theo Vân, co ro đứng sát lề. Vân ngước nhìn con số khá lớn ghi trên đầu xe và hài lòng gật đầu vì đúng số xe mà Hiếu đã dặn. Mới đi xe bus lần đầu, nàng rất sợ lầm lộ trình rồi không biết cách nào mà quay về. Chiếc xe bus nặng nề lăn bánh tới và tách vào lề, Vân đứng trước, một tay xách túi đồ ăn, một tay cầm sẳn hai đồng bạc cắt. Bà cụ đứng sau lẩm bẩm nói một mình thứ tiếng Anh pha giọng ý rất khó nghe. Xe bus vừa mở cửa, Vân hăm hở bước lên bổng nàng giật mình sửng sốt kêu lên, đứng khựng lại và run rẩy muốn té quỵ xuống đất bởi vì người tài xế xe bus chính là....ông Thọ ngay trước mặt nàng. Giờ này ông lại ngồi sau tay lái bên Canada, quay đầu nhìn Vân cười rạng rỡ. Cái khác duy nhất giữa ông Thọ lúc trước và ông Thọ lúc này chỉ là da mặt ông không đen xạm như xưa mà trắng bệch có pha chút xanh xao, y như bôi một lớp sáp trên mặt, hàm răng ông cũng không còn vàng ám khói như nghệ mà trái lại trắng nhợt như nước sơn khiến nụ cười trông thật ma quái.
Nhất định là ông Thọ, không thể lầm được. Vân tái mặt đánh rớt cái túi thức ăn xuống đất, lạng quạng bước lùi lại mấy bước rồi kinh hồn quay đầu chạy, bà cụ người Canada đứng sau Vân đưa hai tay đỡ lấy vai Vân và hỏi bằng tiếng Anh:
- Cái gì thế, cô làm sao vậy?
Vân không hiểu gì, run rẩy chỉ ông tài xế và ấp úng mãi mới nói đại được một câu nữa tiếng Anh, nữa tiếng Việt:
- Ông ấy...ông ấy...chết..rồi...he died...ông tài xế là người chết lâu rồi..
Rồi nàng quay lưng cắm cổ chạy, bà cụ vừa leo lên, vừa ngạc nhiên nhìn theo Vân lẩm bẩm vài tiếng không ai nghe rõ.
Chạy được một khoảng khá xa, vào hẳng trước dãy phố, Vân mới dừng lại thở, nàng quay đầu nhìn lại trạm xe, thì chiếc bus đã mất hút không thấy dấu vết gì nữa. Chỉ còn trơ lại cái nhà kiếng với ngọn đèn đường vàng úa. Dãy phố chỗ Vân đứng, nhiều cửa tiệm đã đóng im lìm ngoại trừ những quán cà phê, nhà hàng ăn, và tiệm tập hóa. Vân mệt quá ngồi đại xuống bậc thềm bên cạnh tiệm bánh ngọt đang chuẩn bị đóng cửa. Hơi thở nàng vẫn còn dồn dập, nàng nhớ lại nguyên vẹn khuôn mặt trắng xanh và hàm răng trắng ngời của ông Thọ lúc thấy nàng vừa bước lên xe, làm toàn thân nàng lạnh buốt như cơn bảo bất ngờ thổi buốt thấu xương.
Nàng không thể lầm được, ông Thọ đã chết, chính nàng đã đi đám tang và chôn ông ở nghĩa trang Tân Việt, Bà Quẹo. Sao giờ này lại lái xe bus bên Canada? Vân phân vân suy nghĩ, đầu óc hoang mang, khuôn mặt đờ đẫn, quên cả cảnh vật xung quanh, đến nổi chủ tiệm bánh ngọt bên cạnh phải giục nàng đứng dậy để họ đổ rác vì nàng đang ngồi ngay bên cạnh thùng rác.
Vân đứng mép vào ngưỡng cửa nhìn ra đường, nàng nhớ tới lời Hiếu dặn là buổi tối lcứ khoảng 20 phút có một chuyến xe bus. Giờ đi làm và tan sở thì nhịp độ mau hơn. Vân uể oải bước đi, trở lại trạm cũ đứng chờ chuyến xe kế tiếp. Buổi đầu mà đến trễ, thế nào cũng bị mắng, có khi mất việc cũng chưa biết chừng. Vân chớp mắt thở dài, sực nhớ ra túi thức ăn lúc nãy đánh rớt. Vân cúi xuống nhìn lòng đường nhưng cái túi đã bị xe cán nát bấy chẳng còn hình dạng gì nữa.
Vân lại thở dài, gió khuya thổi vù vù từng cơn lạnh buốt. Nàng đứng hẳng vào trong nhà lồng kiếng, trạm xe vắng ngắt, không có ai ngoài nàng. Một lúc sau, từ khá xa xa, Vân thấy chiếc bus khác lờ mờ xuất hiện mỗi lúc một rõ ràng, nàng vén tay áo nhìn đồng hồ và hy vọng đón chuyến này vẫn còn kịp giờ đến tiệm cà phê Dolnad.
Nhưng bỗng nàng sực nghĩ ra một điều làm nàng rùng mình lạnh toát vì biết đâu trên chiếc xe bus kia, người tài xế cũng vẩn chính là ông Thọ, rõ ràng là hồn ông đã theo nàng từ Vn qua đây. Nàng mở to mắt nhìn chiếc xe đang lù lù tiến đến, rồi khi xe chỉ còn cách khoảng chưa đầy 100 thước, thì do một động lực mạnh mẽ thôi thúc trong lòng. Vân bổng hốt hoảng bỏ chạy, nàng chạy ra chỗ cũ, dãy phố chỉ còn vài căn tiệm mở cửa. Nàng đứng sát vách tường và đăm đăm nhìn ra. Khoảng cách xa quá mà trời lại tối, nàng không thấy được mặt người tài xế trên xe bus, nên không biết được người tài xế đó có phải là ông Thọ hay không? Chỉ biết chiếc xe đó hầu như trống rỗng không có hành khách.
Chiếc xe đi rồi, nàng đứng thở bần thần vì không biết tính sao? Đón xe bus thì nàng sợ gặp hồn ma ông Thọ, mà gọi taxi, thì Vân không biết có đủ tiền không? Vì nàng chưa biết từ đây ra trung tâm thành phố sẽ tốn bao nhiêu? Nhất là dù muốn kêu taxi, Vân cũng không biết kêu ở đâu số điện thoại nhà?
Cuối cùng nàng đành đi bộ về nhà, và dự định sẽ báo cho Hiếu biết hôm nay nàng không đi làm để nhờ Hiếu phone cho tiệm Dolnad. Biết Hiếu sẽ trách, nhất là bà vợ, nhưng Vân không còn cách nào khác. Trừ trường hợp Hiếu lái xe đích thân chở nàng đi làm.
Vân lầm lũi bước đi trên con đường chưa kịp tráng nhựa chạy ngoằn ngèo giữa bải đất trống cỏ mọc bừa bãi bắt đầu chết úa vì thời tiết. Nàng sang đây vào cuối tháng 8, trời Toronto còn nắng ấm chan hoà, mới gần ba tháng trôi qua, cái lạnh heo mây đã đến thật nhanh, càng gợi nổi nhớ Sài Gòn. Nhưng nhớ ai thì nhớ chứ chưa bao giờ nàng mảy may nhớ đến ông Thọ, dù chỉ thoáng trong giây phút. Mãi đến lúc nãy sau khi hồn ông hiện về nàng mới nhớ láng máng hình như trong xấp hình nàng mang theo có bức ảnh chụp đám tang ông, trong đó nàng đứng bên cạnh thân nhân của ông dưới làn mưa nhỏ sau khi hạ huyệt, nghĩa là ông Thọ đã chết thật, đã nằm sâu trong lòng đất, chính nàng đưa ra nghĩa địa, tại sao giờ này lại sang đây?
Powered by vBulletin® Version 4.2.0 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.