PDA

View Full Version : V - Vua Tình Yêu



Dan Lee
11-21-2010, 11:25 PM
VUA TÌNH YÊU


Bằng nhiều hình thức và cách thế khác nhau, Chúa Giêsu tiếp cận con người để có thể ban phát tình yêu cứu độ. Khi thì như thầy giảng, lúc giống vị thẩm vấn; lúc giống người cha, khi như bác sĩ; lúc giống nhà tư vấn, khi như người bạn thân thiện; khi như chàng rể, lúc giống người hầu; lúc giống người anh, khi như em nhỏ; khi như người phàm, lúc giống Đấng tối cao; lúc giống người trồng trọt, khi như ngư phủ chuyên nghiệp; khi như nhà nghiên cứu lịch sử, lúc lại giống nhà chiêm tinh; khi như nhà làm luật, lúc giống người đi học…
Ngài không đóng vai như một diễn viên, nhưng là do khéo léo và khôn ngoan bởi sáng kiến tình yêu mang lại. Ngài thực sự sống với dân trong nhiều vai trò khác nhau giúp con cái mình khỏi mọi nguy cơ của sự dữ và chết chóc và đón nhận được nhiều ân sủng nhất.

Chúa Giêsu, người thầy tuyệt vời

Ngài khởi đi từ những sự thật. “Không ai thắp đèn rồi đem đặt gầm giường, nhưng đặt trên đế” (Mc 4,21-25; Lc 8,16-18). Không ai đốt đèn rồi lấy thùng úp lên…
Người nghe sẽ chấp nhận, vì đó là sự thật. Rồi Ngài dẫn xa hơn: đặt trên cao để ai đi thì nhìn thấy ánh sáng. Rồi tiếp, vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Rồi lại dẫn từ ánh sáng thường đến ánh sáng chân lý mà chính mỗi người phải thắp lên. Vì thế hãy cẩn thận và chăm chú đến cách thức anh em nghe.

Ngài khởi đi từ những dư luận. "Người ta nói Thầy là ai?" Kẻ nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ. Ngài lại hỏi: "Thế anh em bảo Thầy là ai?" Phêrô thưa: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,13-16; Lc 9,18-22). Ngài cho các ông nhập cuộc từ xa, người ta bảo, rồi đến anh em nói Thầy … rồi lúc đang hào hứng, sôi nổi, Ngài mới hỏi đến các ông.

Ngài khởi đi từ những câu truyện. Ngài dùng rất nhiều hình ảnh đời thường liên quan đến nghề nghiệp và cuộc sống con người để giải thích cho người nghe dễ đón nhận sứ điệp hơn. Như: dụ ngôn người gieo giống, người cha nhân từ, con chiên lạc, các thợ làm vườn nho, những nén bạc, lễ phục ngày cưới…

Ngài khởi đi từ những tiền nhân. Người xưa bảo, luật xưa dạy rằng: “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ ly dị, đừng bội thề, mắt đền mắt, răng đền răng, hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù”.

Còn Thầy, Thầy bảo rằng: đừng giận, đừng mắng chửi, đừng bất bình với anh em mình; Còn Thầy, Thầy bảo rằng: chớ nhìn người khác phái mà thèm muốn, chớ ngoại tình dù là trong tâm hồn; Còn Thầy, Thầy bảo rằng: trời là ngai Chúa, đất là bệ dưới chân Người, Giêrusalem là thành của đức Vua cao cả. Vì thế đừng có thề. Mà có thì nói có không thì nói không. Thêm điều đặt chuyện là do ma quỷ; Còn Thầy, Thầy bảo rằng: đừng chống cự mà hãy chia sẻ. Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình. Có như vậy ta mới trở thành con cái của Cha anh em Đấng ngự trên trời (Mt 5,21-48). Ngài không phủ nhận quá khứ của các vị tiền nhân, nhưng muốn kiện toàn giới luật cho con người.

Ngài khởi đi từ những mệnh lệnh. “Hôm nay con đi làm vườn nho cho ta” (Mt 21, 28-32). Ngài không cần phải nại đến các tiền nhân, những câu truyện, hay dựa vào một sự thật, hoặc từ dư luận, mà là một áp lực. Vì giáo dục cần thiết phải có sự đòi hỏi và áp lực. Cách thức này không phải để biểu dương quyền lực, nhưng vâng lời là việc cần có trong tiến trình trưởng thành nhân cách.

Chúa Giêsu, người thẩm phán chí công

Con người thường thích đặt dấu chấm hết cho nhau, hoặc cho mình là quan tòa để khiển trách, xử phạt người khác. Đang khi Đức Giêsu lại tỏ ra nhẹ nhàng, biết nhìn đến hoàn cảnh của người khác, và trong mọi cách, Ngài luôn mở một lối thoát, chỉ một con đường để người khác có cơ hội làm lại cuộc đời. Như câu truyện người phụ nữ bị bắt quả tang vì phạm tội ngoại tình, đáng lẽ phải bị ném đá. Nhưng Ngài lại bảo: “ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá trước đi…

Chúa Giêsu, người của bao dung tha thứ

Ngài không bao giờ nhìn vào quá khứ để coi thường, kết án hay hủy diệt, nhưng luôn đặt con người trước một tương lai tươi sáng, và nhiều cơ hội thay đổi cuộc sống nhờ sức mạnh của Thiên Chúa, giúp ta hoàn thành được lý tưởng một cách tốt đẹp, cho cả đời này lẫn đời sau. Dù tội lỗi đến đâu mà chạy đến với Ngài, đều được ơn trở lại, được chúc phúc và có thêm sức mạnh thay đổi cuộc đời. Như người phụ nữ ngoại tình, những người phong cùi, người mù, người phụ nữ bên bờ giếng Giacop, phụ nữ lấy dầu thơm xức chân, lấy tóc lau chân Chúa.

Chúa Giêsu, người của cứu vớt và chữa lành

Quả thật, Ngài luôn tìm mọi cách để phục hồi nhân phẩm, sự sống, và giúp cho con người có một cuộc sống hạnh phúc, vui tươi, dù chết như Lagiarô, Ngài cũng ra tay, như Phêrô sắp chìm xuống biển, Ngài cũng sẵn sàng cứu giúp. Hoặc chữa bệnh cho người bị quỷ ám ở Caphácnaum, cho mẹ vợ ông Simon, cho những người phong cùi, bại liệt, phù thũng, chữa người bại tay trong ngày sabat, người bị quỷ ám ở Ghêraxa, người nô lệ của viên đội trưởng, cô Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, người đàn bà băng huyết, chữa đứa bé khỏi kinh phong, người phụ nữ bị quỷ ám mười tám năm, người mù tại Giêrikhô, cho kẻ điếc được nghe, người cùi được sạch, kẻ què đi được, người mù được thấy, người chết chỗi dậy, người bị giam cầm được phóng thích…

Chúa Giêsu, người của mọi người

Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Người. Quả đúng như vậy. Vì thích ở giữa dân, nên Ngài không hề để cho ghen tị, dư luận, những tội lỗi, thói xấu của con người ràng buộc hay cản trở việc yêu thương của mình. Với Ngài, con người luôn đáng được trân trọng và yêu quý. Vì thế, Ngài sẵn sàng hiện diện bất cứ nơi đâu với ai và nhà nào để được cùng chia vui sẻ buồn với họ. Bất cứ nơi nào có Ngài, thì bóng tối cuộc đời biến đi, thay vào đó là niềm vui, ơn trở lại, mạnh dạn bác ái, sẵn dấn thân loan báo về Đấng Messia. Nhờ lối sống giản dị, bình dân mà nhiều người có thể gặp gỡ và đi theo Ngài.

Chúa Giêsu, người của kẻ nghèo và bị áp bức

Người nghèo khó và người bị áp bức luôn phải lệ thuộc vào những kinh sư, biệt phái, luật sĩ, cùng với những gánh nặng do họ đè lên vai, và với áp lực của dân chúng, coi họ như những kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ.
Họ không có quyền công dân nên cũng không làm chứng trước toà. Nhưng lại rất dễ bị ngược đãi mà không có một sự bảo trợ nào của tôn giáo hay xã hội theo lẽ công bằng.
Họ không những nghèo về vật chất, mà còn nghèo cả ca tinh thần, bởi họ phải chịu quá nhiều nỗi tủi nhục do người khác đưa đến.
Khác với người kinh sư biệt phái, Đức Giêsu, dù thuộc giai cấp trung lưu, nhưng Ngài đã hoà mình với những người thấp hèn nhất trong tầng lớp hạ lưu và hoà đồng với họ. Người trở thành một kẻ bị ruồng bỏ một cách tự nguyện. Ngài luôn chạnh lòng thương dân chúng. Toàn bộ Tin mừng đều diễn tả hoạt động thương của Ngài, khi chia sẻ nỗi mất mát, đau khổ của con người. Ngài luôn an ủi, động viên dân chúng: “đừng khóc nữa, đừng lo lắng, đừng sợ?”. Ngài luôn bị xúc động một cách sâu sắc trước đau khổ của người khác.

Chúa Giêsu, người của dâng hiến trao ban

Tình yêu của Thiên Chúa thật vô cùng lớn lao, khi ‘‘ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3, 16). Tất cả chỉ để diễn tả một chữ duy nhất, đó là yêu. “Ngài vốn dĩ là là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. (Pl 2,6-8).
Ngài nhập thể, rồi nhập thế, sẵn sàng dùng thời gian, sức khỏe, quyền năng, sự thánh thiện của mình trao ban cho con người.
Ngài yêu con người đến cuồng si, nên dù có phải chịu nhiều thương tích, phỉ nhổ, nhạo báng, đánh đập, giết chết, Ngài cũng vui lòng đón nhận, miễn là con người được an bình hạnh phúc. “Không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu của người dám hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 13,15).
Ngài đã vâng phục Chúa Cha, sẵn sàng chịu chết nhục nhã trên thập tự, nên “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11).


-----------------

Lễ Chúa Kitô Vua, Giáo hội mời gọi mọi người chiêm ngắm Chúa Giêsu,
Trước là tẩy rửa tâm hồn, sửa lại những quan niệm lệch lạc về Thiên Chúa. Chúa Giêsu không tìm tư lợi, danh dự, vinh quang, an toàn, an tâm, cho riêng mình, nhưng hết lòng phục vụ và cứu vớt con người, không giống như những vị vua đầy quyền lực, bạo lực trong phim ảnh, trong lịch sử, mà ta đã biết.
Sau là nhìn đến Vua Tình Yêu, tình yêu mới có khả năng cứu vớt, chữa lành, phục hồi nhân phẩm và sự sống. Nhờ tình yêu, con người mới có khả năng để yêu thương và tha thứ, khoan dung và nhân hậu, chữa lành và cứu vớt. Vì tình yêu mà con người mới không so đo tính toán hơn thiệt, nhưng rộng rãi giúp đỡ. Bởi tình yêu mà người ta có sức mạnh để chiến thắng cám dỗ. Tình yêu đem con người đến vinh quang và chân lý, hạnh phục và bình an. Tình yêu lôi ta qua khỏi cái chết muôn đời để gặp gỡ và sống mại bằng tình yêu Thiên Chúa, Vua chúng ta, Đức Giêsu Kitô, trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.