PDA

View Full Version : T - Tu sĩ sống Lời Chúa



Dan Lee
12-08-2010, 11:06 PM
TU SĨ SỐNG LỜI CHÚA



Có lẽ khi gặp thấy tựa đề: “TU SĨ SỐNG LỜI CHÚA” sẽ không ít người xầm xì: chẳng có gì mới mẻ, chuyện biết rồi nói mãi, hoặc vấn đề xưa như trái đất… Thật vậy, là tu sĩ đương nhiên tràn ngập trong Lời Chúa, vì lời Chúa khắc trên cổng nhà dòng, trên lịch treo tường, trên sách vở, trên các tấm thiệp, trên cả bàn giấy… Hằng ngày, tu sĩ tiếp xúc với Lời Chúa qua các bài đọc, qua giảng huấn; tu sĩ đọc Lời Chúa qua Lectio Divina, qua các giờ kinh nguyện… Có thể nói, cả thời gian và không gian, tu sĩ luôn luôn chìm ngập trong Lời Chúa. Thật vậy, nhưng không phải những ai sống trong một một không gian và thời gian được bao quanh bằng Lời Chúa đều cảm nhận và sống được trọn vẹn tinh thần Lời Chúa cả đâu. Vì đọc Lời Chúa, nghe Lời Chúa, nói về Lời Chúa, viết về Lời Chúa nhớ từng chương từng câu là một chuyện, nhưng cảm nhận và để cho Lời Chúa nhập thể vào đời sống mình lại là chuyện khác. Vì thế, sau khi đọc tông huấn Verbum Domini của ĐTC Benedicto XVI, người viết có một vài suy nghĩ về sự cảm nhận và sống Lời Chúa ngày hôm nay.

1. CẢM NHẬN LỜI CHÚA

Có một thời, có lẽ ít có bạn trẻ nào bỏ qua chương trình “Làn Sóng Xanh” tối thứ tư hàng tuần của đài FM 99,9MHz, vì chương trình này phát những bài cảm nhận của các thính giả viết về những bài hát đánh động tâm hồn họ. Điều này cho thấy thính giả nghe đài có hàng triệu người, ai cũng nghe một bài hát đó, cũng thưởng thức một dòng nhạc đó và thậm chí biết ngay bài hát do nhạc sĩ nào sáng tác và ca sĩ nào thể hiện, nhưng cảm nhận về bài hát thì rất ít và trong số rất ít đó lại có sự rung cảm tâm hồn rất khác nhau. Cũng thế, không thiếu những người nói Lời Chúa rất hay, nói đến đâu trích thuộc lòng từng chương từng câu đến đó, hoặc nghe người khác nói hay đọc là biết ngay tác phẩm của thánh ký nào… nhưng sự cảm nhận lại không dừng lại ở giác quan, thậm chí không dừng lại ở những suy luận lý trí, mà là sự rung cảm của trái tim và sự khao khát hưởng nếm của nội tâm sâu xa, nghĩa là cảm nhận Lời Chúa như một bức thư tình, một dòng lưu bút và sự hiện diện của Chúa trên cuộc đời. Nói đến đây, người viết nhớ lại một bức thư tình rất hay được đăng trên blog.yahoo.com/thuthuydtm như sau:

“Anh yêu quý của em ! Thế là chúng mình xa nhau gần một năm rồi anh nhỉ, em nhớ anh nhiều lắm! Em không sao quên được những ngày mình bên nhau với bao kỷ niệm… Giờ này mỗi đứa mỗi phương, em không còn được hưởng những cử chỉ âu yếm, những lời yêu thương, những cuộc hẹn hò, những sự giận dỗi, những sự vui đùa lãng mạn… Anh biết không, xa anh rồi mọi thứ trở nên buồn, không gian bao trùm một nỗi nhớ tha thiết. Những đêm không ngủ được, em chỉ biết nhìn lên bức hình của anh đặt trên bàn học, em lần giở từng trang lưu bút của anh, đặc biệt những lá thư anh gửi cho em, em đọc ngấu nghiến không biết bao nhiêu lần, em ôm chặt vào lồng ngực cho vơi nỗi nhớ… Ôi ! Những dòng lưu bút, những bức thư như là sự hiện diện của anh và trở thành của ăn tinh thần nuôi dưỡng tình yêu của chúng ta và là động lực giúp em vượt qua những “cây si” trước cổng trường, cũng như quanh ngõ nhà em…

Nhớ anh nhiều…”

Bức thư có lẽ khơi lên cho chúng ta một chút xao xuyến, vì mấy ai lại không một lần yêu hay không chút kỷ niệm tình đời. Ước gì sự cảm nhận Lời Chúa cũng đánh động tâm hồn mọi người như thế. Đức Giêsu đã đến với con người trong kiếp phàm nhân, đã từng sống, từng ăn uống và đồng hành với con người… bây giờ Người về trời và Thánh Kinh đã trở thành bức thư tình, trở thành trang lưu bút ghi lại lời của Người để lại cho hiền thê Giáo Hội.

Theo nghĩa rộng hơn, ngày tuyên khấn, tu sĩ lập hôn ước với Chúa Giêsu. Đó là một cuộc hôn nhân vĩnh cữu, Đức giêsu đã trở thành người tình của tu sĩ, để đến trên cuộc đời tu sĩ, đặc biệt là nên một với tu sĩ trong tình yêu. Nhưng sự hiện diện vô hình của bản tính Thiên Chúa, xem như là một sự vắng mặt trong mắt phàm nhân, nên Lời Chúa trở nên một sự hiện diện với đầy đủ ý nghĩa của một cuộc tình: âu yếm có, hờn dỗi có, thầm trách có, tâm sự có và cả ghen tương cũng có. Cũng như cô gái trong bức thư kia cảm nhận rằng, những dòng lưu bút và những bức thư của người yêu trở thành một sự hiện diện, một dấu chỉ, một “bí tích” để qua đó họ thấy nhau, họ trân trọng ôm ấp, nâng niu và âu yếm hôn lên những bức thư tình để thoả nỗi nhớ mong và để giúp họ vượt qua những cám dỗ bất trung có thể xảy ra. Sự cảm nhận Lời Chúa trong đời sống tu sĩ cũng thế, Lời Chúa trở nên một sự hiện diện có tính bí tích và tạo nên sự gặp gỡ thân tình. Lời Chúa trở thành kỷ vật để họ nâng niu tôn kính và đặc biệt Lời Chúa trở thành nguồn sức mạnh giúp họ trung thành với Đấng Tình Quân của mình.

Mùa World Cup đã qua, hình ảnh một số cầu thủ sau khi ghi được bàn thắng đã hôn lên chiếc nhẫn đính hôn của mình, cử chỉ đó ai cũng hiểu là họ hôn tặng người tình của họ, nghĩa là chiếc nhẫn diễn tả trọn vẹn sự hiện diện của người yêu. Vì thế, một cách nào đó việc Thừa Tác Viên cung kính hôn lên sách Tin Mừng mang một ý nghĩa về sự yêu mến Lời của Đấng Tình Quân.

Tin Mừng là lời Chúa dùng để nói với ta mỗi ngày và là lời thân thưa đẹp nhất ta dùng để tâm sự với Chúa. Chính vì lẽ đó mà không một kinh nguyện nào của Kitô giáo lại không xuất phát từ Thánh Kinh, hay nói cách khác, Thánh Kinh hàm chứa mọi kinh nguyện Kitô giáo.

2. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Như nước mưa làm cho hoa hồng tươi tắn và toả hương, Lời Chúa cũng thấm vào tín hữu trước khi toả sáng cho đời. Cảm nhận Lời Chúa và thực hành Lời Chúa chỉ là một, vì chỉ thực hành Lời Chúa cách trọn vẹn khi cảm nhận được Lời Chúa. Không ai cho cái mình không có và cũng không ai nhận món quà rỗng tuếch. Người cho quà có vỏ mà không có ruột là kẻ lừa bịp và chỉ gây bực mình cho kẻ nhận. Thật vậy, không thể nhập thế được nếu chưa nhập thể, Lời Chúa phải thấm nhuần đời tín hữu mới giúp họ sống và rao giảng Lời Chúa cho tha nhân.

Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh, nên lời Người cần được hiểu theo nghĩa thánh thiện nhất. Cần nắm được điều này để tránh sự lạm dụng lèo lái Lời Chúa theo ý mình và giải thích Lời Chúa theo hướng có lợi cho mình. Thực trạng này hiện nay xảy ra rất nhiều, như một giáo dân nọ than phiền rằng: “Cha sở tôi rất tài, bất kỳ đọc bài Tin Mừng nào thì ngài cũng cắt nghĩa thành bằng chứng trách móc giáo dân thiếu tinh thần đóng góp xây dựng cả…”.

Có người còn sử dụng Lời Chúa như một bức bình phong để che chắn cho những lầm lỗi của mình hoặc để áp đặt người khác. Đôi khi họ lại tìm cách tương đối hoá Lời Chúa, nghĩa là Lời Chúa chẳng có gì dứt khoát hay quyết liệt cả và có thể né tránh như người ta lách luật vậy. Chẳng hạn một tu sĩ kia đã tuyên khấn nhưng vẫn còn dây dưa với người yêu rồi biện minh rằng: “Đành rằng Chúa dạy khi đã cầm cày thì không ngoảnh lại sau, nhưng khi mệt mỏi giữa nắng hè oi bức, thì người cầm cày đó cũng được đón nhận ‘chiếc khăn’ lau mồ hôi hay ‘ly nước mát’ từ ai đó đem đến cho mình. Tu sĩ này còn trích dẫn chuyện bà Verônica lau mặt cho Chúa Giêsu trên đường thập giá để bào chữa cho việc yêu đương của mình… Thế đấy, cũng là trích dẫn Lời Chúa cả, nhưng người ta muốn ép Chúa theo ý mình, chứ không phải ép mình theo ý Chúa. Chính ma quỷ cũng từng trích dẫn Lời Chúa để cám dỗ Đức Giêsu trong sa mạc.

Có người lại thích dùng Lời Chúa như một “mốt” trang trí. Có lẽ đây là vấn đề cần được nhìn nhận cách nghiêm túc hơn trong cuộc sống tu trì. Dĩ nhiên, không phủ nhận tâm tình thực của rất nhiều người khi chọn những câu Lời Chúa làm biểu ngữ, xuất phát từ sự cảm nhận sâu xa để in trên thiệp trong dịp khấn dòng, tiến chức, hoặc các dịp kỷ niệm như ngân khánh, ngọc khánh, kim khánh… tuy nhiên, cũng không thiếu những người chỉ là ăn theo cho giống người ta. Chẳng hạn một tập sinh chọn câu biểu ngữ ghi trên thiệp mời lễ khấn là: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài”, nhưng khi vào xin bề trên để đi gửi thiệp, bề trên đã chỉ định cho một người khác đi thay, thì ngay lập tức tập sinh kia buồn bực khó chịu và trách bề trên.

Điều đáng nói hơn nữa là “ngôn hành bất nhất”. Nói Lời Chúa có bài bản, logic, lúc trầm, lúc bổng, thậm chí trích đoạn trích câu chính xác, nhưng những gì được nói ra chỉ là để áp dụng cho ai, còn bản thân mình thì chẳng liên quan. Chính người viết tận mắt chứng kiến một cha sở nọ giảng lễ Chúa Nhật rất hùng hồn và khi đang thao thao bất tuyệt về thư 1Cr 13,4-7: “Đức mến thì nhẫn nhục… không nóng giận…” bất chợt cái micro trục trặc, cha sở nổi nóng vứt cái micro xuống nền cung thánh và quay sang mắng xối xả vào người phục vụ âm thanh, sau đó cha sở lại tiếp tục: “Thưa quý ông bà anh chị em, thánh Phaolô dạy chúng ta: ‘Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”.

Kể lại trường hợp trên để thấy được từ nói đến thực hành Lời Chúa vẫn còn khoảng cách rất lớn đối với không ít người. Tuy nhiên, không vì thế mà bi quan vơ đũa cả nắm. Cách riêng đối với tu sĩ, được xem là những người có cơ hội được sống trong một môi trường tràn ngập Lời Chúa qua kinh nguyện, qua thánh lễ, qua việc học hỏi, qua các giờ chia sẻ, qua lectio divina, qua các biểu ngữ và châm ngôn sống hằng ngày… Như thế, thì ít ra cũng “mưa dầm thấm đất’. Người viết tin rằng sự cảm nhận và thực hành Lời Chúa của các tu sĩ sẽ tích cực hơn. Người viết mạo muội đưa ra vài phương thế thực hành lời chúa như sau:

a, Tin tưởng vào Lời Chúa.

Có người cho rằng Thánh Kinh như một tiệm tạp hoá, nghĩa là vào đó cái gì cũng có. Không phải thế, đúng hơn không phải thứ gì cũng có mà là điều gì căn bản nhất cho đời người đếu có, đều đúng cho mọi trường hợp và thích hợp cho mọi cảm nhận riêng tư nhất của từng người. Điều đầu tiên làm cho ta tin tưởng vào Thánh Kinh là trên thế giới này, không có một tác phẩm nào được ấn bản nhiều như Thánh Kinh. Tác phẩm Thánh Kinh có hàng tỉ bản, từ chép tay đến kỹ thuật in hiện đại, từ in trọn bộ đến việc chia thể loại (sử, giáo huấn, ngôn sứ…). Vả lại, không có tác phẩm nào có thời gian nào có thời gian lưu hành và phát hành dài như Thánh Kinh, từ cổ chí kim không bao giờ bị thời gian làm cho mai một. Thật đúng “Lời Chúa thì tồn tại muôn đời” (x. Đnl 6,1; Cn 30, 59, Is 55,1-11, Tv 18,8-12).

Giống như một lễ Ngũ Tuần nối dài trong cuộc đời Kitô hữu, vì ngày xưa các Tông Đồ nói một thứ tiếng mà nhiều người tuy ngôn ngữ bất đồng cũng đều hiểu cả, thì ngày nay cũng một đoạn Tin Mừng được công bố, mà mọi tín hữu bá nhân bá tánh, khác biệt cả về tri thức và nhận thức, khác biệt nhau về hoàn cảnh sống và tình trạng tâm hồn, nhưng ai cũng thấy Lời Chúa nói riêng với mình và đúng với hoàn cảnh của mình ngày hôm ấy. Chẳng hạn khi nghe dụ ngôn người cha nhân hậu, người gia trưởng muốn noi gương người cha nhân từ, kẻ thất vọng sa lầy trong tội lỗi vững niềm tin trở về như người con thứ và người thiếu rộng lượng thấy mình đáng trách như người anh cả… thật đúng như lời Vịnh Gia: “Lạy Chúa, một lời Ngài phán dạy, con nghe được hai điều” (Tv 62, 12). Không chỉ là nghe được hai điều, mà là muôn điều hướng dẫn cuộc nhân sinh.

Cũng như có tin ai hoặc tin một điều gì, người ta mới dấn thân theo chỉ dẫn của người đó hoặc điều đó. Chính vì tin vào Lời Chúa, chúng ta mới dùng Lời Chúa làm cố vấn cho ta trong mọi trường hợp phải lựa chọn. Đó chính là lý do khi gặp tình huống nào khó xử, chúng ta bình tĩnh tìm đọc trong Lời Chúa, cũng như dùng Lời Chúa soi sáng cho quyết định của chúng ta. Cũng chính sự tin tưởng vào Lời Chúa đã tạo nên một động lực giúp vượt qua sự nóng giận, đặc biệt đối với những ai dùng Lời Chúa làm lời nguyện tắt, làm châm ngôn sống của mình. Giống như một người kia kể rằng, họ có thói quen khi nóng giận thì đứng kiểu chống nạnh, hai tay thọc vào túi quần, và họ đã nghĩ ra cách lấy một hòn đá cuội khắc lên đó câu: “Ai trong các ngươi sạch tội thì cầm hòn đá này ném trước đi” Từ đó hòn đá luôn ở trong túi quần và thu về kết quả kiềm chế rất khả quan.

Một điểm nữa giúp tin tưởng vào Lời Chúa và thực hành cách chắc chắn là vì Lời Chúa là sự thật, Thiên Chúa không thể dối trá vì người là Đấng Chân Thật. Hơn nữa, mọi lời Thánh Kinh đều được Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý linh hứng, nên dùng Lời Chúa sẽ không sai lầm. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, tự bản chấr Lời Chúa thì không sai lầm, nhưng khi thực hành, con người bị tình cảm chi phối nên đã đem ý mình vào và làm cho Lời chúa bị bóp méo xuyên tạc. Vì thế, một trong những cách để thực hành lời Chúa thì rất cần đến sự yêu mến hơn là bó buộc.

b, Thực hành Lời Chúa trong sự yêu mến.

Có thể nói, không thể thực hành Lời Chúa, nếu không yêu mến Lời Chúa, nhưng thật đáng trách là có những tu sĩ khi nói đến các minh tinh màn bạc hay ca sĩ “topten” thì trả lời răm rắp, nhưng hỏi đến các nhân vật Thánh Kinh thì trả lời lắp bắp. Những người như thế chắc chắn chưa dành cho Lời Chúa ưu tiên trong khoa học thánh mà tu sĩ phải học và sống trong công việc cộng tác và cứu độ các linh hồn. Khi đánh mất sự mộ mến Lời Chúa thì Lời chúa không còn là “bí tích” giúp họ sống cùng Chúa nữa, mà việc tìm đến Lời Chúa của họ như là hành động ma thuật mà thôi.

Tiêu chuẩn đúng đắn giúp tu sĩ không thể lầm lẫn khi thực hành Lời Chúa mà không bị ý mình chi phối là tìm Ý Chúa trong đức ái. Thiên Chúa là Tình Yêu và Lời Người là Lời đem lại đạo đức, đem lại bình an cho mọi người. Chính vì thế, khi thực hành Lời Chúa phải biết phân định xem cách áp dụng của mình có hợp với đức ái Kitô giáo hay không, nghĩa là mục đích cuối cùng có mang lại hiệp nhất và lợi ích cho đối tượng không? Đức ái đích thực là chuẩn mực giúp sống Lời Chúa cách trọn vẹn mà tu sĩ phải đạt tới.

KẾT LUẬN

Kho tàng Lời Chúa vừa hiện sinh nhưng cũng rất mầu nhiệm, vừa đơn giản nhưng cũng rất phong phú, chút suy tư của người viết trên đây cũng chỉ giống như kẻ tiều phu đi nhặt lá rừng. Hơn nữa, đã là cảm nhận thì cũng chỉ hiểu bằng cảm nhận, chứ ngôn ngữ không thể diễn tả hết được điều muốn nói, bởi bản tính của con người đầy giới hạn bất toàn. Tuy nhiên, với xác tín rằng Chúa đã làm người và vì yêu con người, nên Lời Chúa trước hết không phải cho Chúa mà cho con người, cũng thế, con người sống Lời Chúa không phải chỉ để cho Chúa mà cho chính đồng loại của mình.

Ước gì Lời Chúa trở thành đèn soi bước đi của bạn và là ánh sáng dẫn bạn về với Đấng Tạo Thành.