PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật III Mùa Vọng



Dan Lee
12-11-2010, 06:04 PM
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật III Mùa Vọng


Kính thưa quí ông bà anh chị em, hy vọng, chờ mong là một nguồn trợ lực lớn lao cho con người; vì sống mà không có hy vọng thì như đi vào con đường cùng, ngõ cụt không lối thoát, và hy vọng cần phải đi với sự kiên nhẫn đợi chờ. Đó là tư tưởng của lời Tiên Tri Isaia cũng như của Thánh Giacôbê trong bài đọc 1 và bài đọc 2, của Chúa Nhật thứ 3 mùa vọng hôm nay.

Tiên tri Isaia khuyên đoàn dân Chúa hãy hoan hỷ mừng vui giữa bao nhiêu đau khổ dù trong cảnh lưu đày Babilon; bị đàn áp, bóc lột, rồi lại xa quê hương xứ sở, nhất là xa đền thờ Giêrusalem, một biểu tượng cho niềm tin tôn giáo. Trong cuộc sống cằn cõi, cô đơn lẻ loi v àđau khổ đó, Thiên Chúa sẽ đến giải thoát họ nay mai, cho nên hãy can đảm lên, đừng sợ. Đây là chính lời của Thiên Chúa nói qua miệng tiên tri I-sai-a: “Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa các ngươi sẽ đem lại điều báo ứng; chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi.” (35,4). Chúa hứa và Chúa sẽ thực hiện, có điều là con người có đủ kiên nhẫn để tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa hay không.

Sự kiên nhẫn đợi chờ là bài học cần phải có nơi mỗi người. Bài học kiên nhẫn được thánh Giacôbê Tông Đồ dạy ta qua hình ảnh người nông phu trông đợi hoa màu; sự trông đợi này dù muốn dù không cũng phải chờ đợi bởi thời gian, không có cách nào khác. Bài học này cũng được áp dụng trong đức tin; Kinh Thánh nói rất nhiều về thời gian chờ đợi như: kiên nhẫn trong cầu nguyện, hãy kiên nhẫn khi gặp gian truân thử thách, kiên nhẫn khi sửa dạy người khác… Kiên nhẫn là một đức tính cần thiết trong cuộc sống lòng tin, và nhờ sự kiên nhẫn sẽ giúp có một sự thanh thản chấp nhận khó khăn trong đời sống thường ngày.

Lòng kiên nhẫn này là một thách đố lớn cho mọi người. Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại cho ta về Thánh Gioan Tẩy Giả, lòng kiên nhẫn của ông bị chao đảo khi ông bị cầm tù: “Ông sai môn đề đến thưa Chúa rằng: Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?” (Mt 11, 3). Có lẽ đây là một điều khó hiểu vì: Gioan là người bà con với Chúa Giêsu. “Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà…” (Lc 1 36). Gioan là người dọn đường cho Chúa đến. “Có tiếng kêu trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1 30). Gioan là người giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dép cho người” ( Mc 1,7). Giới thiệu ai thì phải biết người đó chứ . À ! ấy thế mà bây giờ Gioan lại sai môn đệ của ông đến gặp Chúa Giêsu để hỏi về sự mong đợi Đấng Mêsia là ai đây? Thật khó hiểu.

Kính thưa quí ông bà anh chị em, trong cuộc sống lòng tin của chúng ta, đôi lúc chúng ta cũng khó hiểu khi có những khó khăn làm đức tin của chúng ta chao đảo bởi nghi ngờ về Chúa, nghi ngờ về tình yêu thương của Ngài; chẳng hạn khi ta gặp phải thử thách như: bệnh tật, đau khổ, đói khát, thất bại, bị bỏ rơi, gia đình đổ vỡ... đó là những thử thách làm ta dễ nghi ngờ Chúa không thương mình, hay Chúa thử thách mình qúa nặng nề, hoặc tại sao tôi ở hiền lành mà lại gặp những chuyện không may, còn người kia ăn ở ác độc thì lại được nhiều sự may lành…. Những điều này cũng chẳng lấy làm lạ khi ta gặp những thử thách như vậy; vấn đề là phần kết của thử thách như thế nào. Gioan đã đi, và kết thúc phần kết thật tuyệt vời bởi lòng tin: bị cầm tù và đầu rơi máu đổ chỉ vì dám ngăn cản nhà vua làm những chuyện sai trái luân lý.

Làm chứng cho sự thật của Chúa, ngăn cản những việc làm sai trái của người khác là bổn phận người con của Chúa. Rồi lại nữa, mỗi người tín hữa của Chúa thì cần phải kiên nhẫn hy sinh trong mọi hoàn cảnh, dù bị thử thách, ta vẫn kiên nhẫn giữ vững đức tin, hy vọng và chờ đợi Chúa sẽ ban cho ta những gì Chúa đã hứa, và Ngài sẽ đến giải thoát chúng ta; Chúa đến với từng cá nhân, Chúa đến chung cho toàn thể nhân loại: “Anh em hãy tỉnh thức và dẵn sàng vì anh em không biết ngày nào giờ nào.” ( Mt 25, 13). Hướng đi của mùa vọng là vậy đó. Giáo Hội cử hành mỗi mùa vọng hằng năm cũng nhằm nhắc nhở con cái mình; một mặt mừng đón kỷ niệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, mặt khác là nhắc nhở mỗi người phải luôn tỉnh thức đợi chờ trong niềm hy vọng Chúa đến để đưa chúng ta tới nơi toàn vẹn của niềm vui sướng hạnh phúc khôn tả.

Xin cho lòng trí chúng ta luôn hướng về Chúa để ta đón mừng lễ sinh nhật Con Thiên Chúa làm người, đồng thời cho niềm tin của chúng ta mỗi ngày mỗi sáng rực lên qua lời nói và việc làm thường ngày trong cuộc sống. Amen.

Lm Phaolô Cao Thế Bình S.D.D