PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa, Lễ Giáng Sinh 2010



Dan Lee
12-23-2010, 04:00 PM
Suy Niệm Lời Chúa, Lễ Giáng Sinh 2010

Kính thưa qúi ông bà anh chị em, đêm hôm qua, qủa thật là một bầu không khí tưng bừng, đây đó cảnh đón mừng Chúa Giáng sinh thật náo nhiệt, và nếu ai có dịp đón giáng sinh ở Sài Gòn, nhất là ở nhà thờ Đức Bà thì mới thấy được cảnh chen lấn nhau; cả một rừng người trong đó có cả những người không công giáo, họ ra đường để đi xem lễ hội.

Sáng nay thì bầu không khí đã lắng đọng lại, rồi các bài đọc trong thánh lễ này mang tính chất thần học hơn. Bài đọc 1, với viễn tượng của Isaia về hình ảnh rất đẹp của người loan báo Tin Mừng; loan báo Tin Mừng gì đây, nếu không phải là tin vui trọng đại chưa từng có trong lịch sử loài người. Tin mừng, tin vui cứu độ này sẽ được người sứ giả loan báo ở giữa cảnh điêu tàn hoang vu của Giêrusalem; cho dù cảnh điêu tàn như vậy, nhưng hãy hân hoan và vui lên vì ngày Chúa sắp ra tay bênh đỡ họ. Giêrusalem hoang tàn đổ nát đó, phải chăng là những tâm hồn của những ai đang u sầu, đang bị tội lỗi giày xéo, đang ngồi trong bóng tối tử thần, giờ đây hãy hân hoan, hãy vui lên vì Chúa sắp đến để giải thoát. Tin mừng tin vui như thế ai lại không mừng vui hoan hỉ, ai lại không reo hò ca hát; vì cảnh vật cũng reo vui, huống hồ là con người, như Tiên Tri Isai nói trong chương 49 thì: “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Đức Chúa ủi an dân Người và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người” (Is 49,13).

Đất trời, núi đồi là những vật vô cảm, thế mà nó còn biết reo hò múa nhảy, bởi nó cũng trông chờ ngày của Chúa đến giải thoát, như lời thánh Phaolô trong thơ gởi tín hữu Rôma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.” ( Rm 8,19.22).

Vậy thì, lời hứa giải thoát của Thiên Chúa đã đến thời đến buổi Thiên Chúa thực hiện, như bài đọc 2, trích từ sách Do Thái, tác gỉa cho ta thấy: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” ( Dt 1,1-2)

Qủa thật khi yêu ai thì người ta tìm đủ mọi cách để gặp gỡ, và không có sự gặp gỡ nào cho bằng sự hiện diện cụ thể với nhau; cũng vậy Thiên Chúa yêu con người qúa đỗi nên đã tìm hết mọi cách để đến với con người. Trước hết Ngài đến với con người qua các hiện tượng như Thần hiện qua các tổ phụ, rồi qua những sự lạ lùng trong suốt hành sa mạc như:cột mây, gió lửa, mây mù, sấm chớp…. , rồi Ngài đến qua lời giảng dạy của các tiên tri nhưng con người vẫn không chịu nghe theo (Mt 21,33-43). Thời cuối cùng đích thân Thiên Chúa đến với nhân loại qua Thánh Tử Giêsu, với một con người bằng xương, bằng thịt, để cùng chia sẻ kiếp người lam lũ, khổ đau, và qua đó Ngài dẫn nhân loại về sự sống đời đời, nâng con người lên tận trời cao.

Vì yêu thương con người mà Thiên Chúa tìm đủ mọi cách để đến sống kiếp làm người. Như vậy phải chăng Thiên Chúa cần đến con người hay sao? Vì, xem ra như Thiên Chúa cần đến con người; bởi Ngài luôn đi bước trước. Thực ra Thiên Chúa đâu cần con người và cũng chẳng cần vũ trụ mặt đất này làm chi; vì tất cả là của Ngài, nơi Ngài đã trọn vẹn đầy đủ tất cả, Ngài đâu cần con người ca tụng, như trong kinh tiền tụng IV của Sách Lễ Rôma viết: “Thực ra Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa là một hạnh phúc cho chúng con; vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa nhưng mang lại ơn cứu rỗi muôn đời cho chúng con.” Cho nên hạnh phúc và phần rỗi của mỗi người là tuỳ thuộc vào thái độ tin nhận Chúa qua các lời Ngài phán dạy, nhất là qua Thánh Tử đã Nhập Thể được sinh ra, đặt nơi máng cỏ bò lừa tanh hôi. Nhưng đó lại là Vua cả đất trời, là Thiên Chúa, Đấng cứu độ muôn loài, như thánh Gioan thuật lại qua bài Tin Mừng hôm nay.

Thánh Gioan là người chìm đắm trong chiêm niệm nên ngài đã cảm nhận được Mầu Nhiệm Giáng Sinh vì thế, khi chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu nằm nơi máng cỏ, thánh Gioan muốn giúp mọi người nhận ra gia phả của Hài Nhi Giêsu có nguồn gốc từ trời; với câu mở đầu sách Tin Mừng ngài viết: “ Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” ( Ga 1,1). Hay nói khác đi: Gia phả của Hài Nhi Giêsu là gia phả thuộc về thần linh, thuộc về Thiên Chúa.

Sự kiện giáng sinh đó là công trình cứu độ, là sự sáng tạo thế giới mới, là quà tặng Chúa Cha trao ban cho loài người bởi một tình yêu sâu thẳm không ai hiểu thấu, nên chi, khi ta chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu đặt nơi máng cỏ nghèo nàn tanh hôi, nhưng lại khác hẳn bao nhiêu trẻ thơ khác, bao nhiêu hoàng tử, vĩ nhân, bao kẻ giàu sang. Cho dù họ sinh ra nơi lụa là gấm vóc, và biết bao quan khách vị vọng tới chúc tụng rồi qùa cáp dâng tặng, nhưng tất cả chẳng ăn thua gì, và cũng không thể nào mà sánh với trẻ Hài Nhi Giêsu được, mặc dù Ngài sinh ra nơi nghèo khó nhất, nhưng đó lại là Đấng giàu sang và quyền uy vô cùng. Vì thế mà cả thế giới phải hướng về thờ lạy tung hô, nhưng đáng tiếc thay con người vì lòng dạ ích kỷ kiêu căng nên không nhận ra vị Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã cho con một của Ngài sinh xuống làm người để mang lại cho con người hạnh phúc bình an, như lời các thiên sứ hát vang trong đêm giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Than ôi! con người ngày xưa vì tiền mà khước từ Chúa đến nhà mình, nên Chúa phải sinh ra nơi chuồng bò tanh hôi giá rét, thì nhân loại ngày nay xem ra cũng không biết bao nhiêu người đang đi lại con đường đó khi họ lấy tiền bạc, quyền lực và những thú vui bất chính làm chúa của họ.

Thật là đau khổ ngày hôm nay lễ giáng sinh đã bị tục hóa bởi người ta chỉ dừng lại bên ngoài coi đó là ngày lễ hội để có dịp thương mại, chưng diện, có dịp ăn uống vui chơi, hay người ta trang hoàng hang đá, đèn, cây giáng sinh lộng lẫy, khắp mọi nơi, thế mà cái cốt yếu để làm nên lễ giáng sinh là Hài Nhi Giêsu thì lại không có, và người ta thay vào đó là ông già Noel.

Cái đau nữa là: lễ giáng sinh khi xưa Giáo Hội đã vất vả khó khăn để công bố cho thế giới không phải là lễ thần mặt trời được thế giới ngoại giáo tổ chức hằng năm vào ngày 25 tháng 12, mà Thần Mặt trời công chính đích thực là Đức Giêsu Kitô, vì thế Giáo hội đã làm phép rửa cho lễ hội từ ngoại giáo này trở thành lễ sinh nhật của Chúa Giêsu. Thế nhưng, ngày hôm nay đã 2010 năm rồi, vậy mà khi mừng lễ giáng sinh xem ra người ta muốn đi lại con đường của người ngoại giáo xưa, nghĩa là mừng lễ thuần túy về vật chất, hướng về tiền bạc, quyền lực, sắc đẹp, và mọi thứ thương mại khác, để rồi coi đó như là một lẽ sống và cứu cánh cùng đích của họ, còn cái tinh thần, đời sống siêu nhiên thì họ cho là xa vời, viễn vông. Xem ra thế gian đã giăng đúng bẫy, vì biết bao nhiêu người đã sa vào và chôn vùi trong đó, nên hậu qủa của nó là thảm cảnh đau thương mà ngày nay chúng ta đang chứng kiến và gánh chịu. Vậy để cứu vãn nhân lại đang ở bờ vực thẳm của bao nhiêu tệ nạn, thảm cảnh chiến tranh tương tàn thì chi bằng mỗi người hãy trở về tinh thần đơn sơ, hồn nhiên của trẻ thơ mà lễ giáng sinh muốn nói cho thế giới điều đó. Hãy để cho Chúa sinh ra trong cõi lòng mỗi người, đó là điều cần thiết khi mừng lễ giáng sinh.

Ước gì mỗi người trả lại cho ngày lễ giáng sinh ý nghĩa của nó, đêm an bình, đêm an hoà, đêm của sự cứu rỗi. Xin tình yêu của Chúa Giêsu giáng sinh đem lại cho chúng con niềm vui, sự an bình thật sự trong tâm hồn, để chúng con đến với anh em, có như thế mừng lễ giáng sinh mới có ý nghĩa. Xin Mẹ Maria giúp chúng con luôn chiêm ngắm Chúa Hài Đồng trong máng cỏ để chúng con học được bài học yêu thương, hoà bình và hạnh phúc. Amen.

Lm Phaolo Cao Thế Bình S.D.D.