PDA

View Full Version : T - Tình Yêu



Dan Lee
12-23-2010, 11:31 PM
TÌNH YÊU


Thời gian này, thời gian thuận tiện để nói về tình yêu. Nói đến tình yêu là nói đến Giáng sinh, và ngược lại nói đến lễ Giáng sinh là nói đến tình yêu. Giáng sinh không có nếu không có tình yêu- tinh thần của lễ Giáng sinh. Tinh thần ấy bắt nguồn từ câu Kinh thánh quen thuộc “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban con một mình cho nhân loại” (Ga 3,16). Đấng Emmanuel đã trở thành người và ở giữa chúng ta. Có rất nhiều khuôn mặt của tình yêu

Tình yêu thì hiền hậu, nhẫn nhục, từ tâm, trung tín.
Tình yêu là yêu thương và phục vụ.
Tình yêu không ghen tương, không khoe khoang.
Tình yêu không kiêu căng, không khiếm nhã.
Tình yêu không tìm tư lợi, không nóng giận.
Tình yêu không nghĩ điều xấu, không vui mừng trước những bất công.
Tình yêu vui mừng khi nhìn thấy chân lý.
Tình yêu tin tưởng và hy vọng.
Tình yêu chịu đựng và tha thứ tất cả.

Hôm nay, Tin Mừng cho chúng ta biết ý nghĩa và chân lý đích thực của tình yêu.

Yêu là từ bỏ thân phận

Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ của mình. Ngài chấp nhận huỷ mình đi, thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Philipphê cho biết “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống con người, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).

Nhập thể của Ngài, được diễn tả trong bài Tin Mừng hôm nay là “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta”, nghĩa là Thiên Chúa mang lấy thân xác con người. Ngài chia sẻ tất cả nhân tính của con người, để qua đó, chúng ta được tham dự, được chia sẻ thần tính của Ngài. Thiên Chúa có thể tỏ mình ra cho con người hiểu và thấy bằng cách khác. Nhưng không, Thiên Chúa “làm người”, như vậy, mắt loài người mới trông thấy được, tay loài người mới chạm tới được, trí khôn con người mới có thể hiểu, nhận biết và cảm nhận sự vui mừng và sung sướng, như thánh Gioan diễn tả “từ khởi đầu, điều chính tay chúng ta chạm đến, đó là sự sống, sự sống đã xuất hiện” (1Ga 1, 1-2).

Yêu là để vì

Ngài không như các diễn viên trên sân khấu, chỉ đóng vai. Nhưng Ngài chia sẻ thực sự thân phận con người. Ngài cũng đã phải trải qua những bước tăng trưởng chậm chạp, theo tiến trình của thời gian. Ngài giống như mọi người cũng phải học đứng, học đi; học đọc học viết; Rồi cũng phải nếm mùi đau khổ, bệnh tật, cũng như hưởng được niềm vui, sự ngọt ngào của cuộc sống. Ngài đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến với trái tim con người. Sáng kiến yêu thương con người của Thiên Chúa bằng hành động Ngôi hai Nhập Thể như vậy là “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”.

Sáng kiến trở nên giống con người là cách tuyệt vời nhất để tiếp cận, để gần gũi con người, nhờ vậy, con người nhận ra Thiên Chúa, nhận ra “tính Chúa” trong mình. Mục đích của Thiên Chúa làm người để con người trở thành chúa. Chúa trong Chúa.

Quả thật, không ai yêu thương con người cho bằng Thiên Chúa. Không ai say mê con người đến cuồng si bằng Thiên Chúa. Và cũng không ai dám hy sinh tính mạng con yêu dấu của mình cho bằng Thiên Chúa.

Yêu là hy sinh

Vì yêu mà Ngài chấp nhận nhiều cực khổ, vất vả, tủi nhục. Phải chịu nhiều chống đối dèm pha, xua đuổi. Phải chịu nghèo đói gian nan để chia sẻ thân phận với con người. Phải chấp nhận thực tế phũ phàng của con người khi vô ơn, từ chối tình yêu. Yêu là hy sinh.

Yêu là tìm kiếm

Con Thiên Chúa nhập thể rồi nhập thế để tìm kiếm, làm bạn và cứu vớt con người, đó là ước muốn và khát vọng của Ngài. Có thể nói, suốt đời Ngài gói gọn trong hai chữ “tìm kiếm”. Vâng tìm kiếm con người.

Ta cũng vậy. Vì yêu Thiên Chúa, vì yêu sự thật nên con người luôn khát khao và không ngừng tìm hiểu: tìm hiểu về vũ trụ, về thiên nhiên, và đặc biệt, con người ngày nay chú tâm nghiên cứu về chính mình.

Càng tìm hiểu, ta càng nhận thấy có “tính Chúa” trong mình. Cho nên bất cứ ai, người nghèo đến người giàu, người thường dân lẫn người quyền quý, người dốt nát đến người trí thức, người khoẻ mạnh đến người yếu đuối, bệnh tật, khuyết tật, càng nhiệt tâm tìm kiếm sự thật, tìm kiếm sự thánh thiện, thì càng cảm nhận được Thiên Chúa thực sự giống và gắn bó với mình. Vì Thiên Chúa tự bản chất là thánh thiện, là tuyệt mỹ, nên càng lành thánh bao nhiêu, ta càng cảm thấy giống Chúa nhiều bấy nhiêu. Chúa trong Chúa.

Giống Chúa, ta dễ dàng nhận ra đâu là sự thật, đâu là sự dữ, đâu là nguyên nhân phá vỡ sự liên hệ giữa thụ tạo với Đấng Sáng Tạo. Ma quỷ, chính là nguyên nhân tạo nên sự chia rẽ giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với Thiên Chúa. Bóng tối và ánh sáng không hoà chung với nhau. Có ánh sáng, bóng tối bị đẩy lui. Chúa nhập thể, mang ánh sáng vĩnh cửu cho con người. “Ánh sáng đã đến trong thế gian”. Đây, một Hài nhi bé nhỏ.

Câu truyện minh hoạ

Để chuẩn bị cho ngày lễ Chúa Giáng Sinh, một cha xứ nọ, kêu gọi giáo dân làm hang đá, một nhóm người xung phong nhận việc này. Ngày Giáng Sinh đến, cha sở đến xem đẹp xấu thế nào thì, thật thất vọng, Ngài la lớn tiếng vì Chúa Hài Đồng không lành lặn như mình nghĩ, Chúa Hài Đồng không đẹp như mình tưởng. Thay vào đó là một Giêsu với vẻ bề ngoài xấu xí, yếu ớt, khuyết tật, phong cùi.

Với Ngài, làm như vậy là xúc phạm đến Chúa Hài Đồng. Được hỏi lý do tại sao thì, thưa Cha, một người nói con thấy Chúa giống con quá, con xấu xí không bằng người khác.

Người khác nói; Thưa Cha, con thấy Chúa gần gũi với con lắm, dù con là người khuyết tật.

Người nữa lại nói Ôi, con không thể, thưa cha, không thể tả khác được, vì Chúa Hài Đồng rất thân thiện với con. Ngài quý con lắm, bạn thân của con đó.

Vâng, quan niệm của con người, xưa cũng như nay, Thiên Chúa phải đẹp, phải khoẻ mạnh, có sức mạnh, có tiền, có lãnh thổ, có quyền lực, có binh lính… Khác và rất khác, Thiên Chúa muốn gần gũi, muốn chia sẻ, nâng đỡ ủi an con người, Ngài đã dùng cách mà không ai ngờ hay tưởng tới trở nên giống con người hoàn toàn như ta.

Tâm tình với Chúa Hài đồng

Nhìn vào trẻ thơ Hài Đồng, ta nhận ra 2 điều tự nhiên và siêu nhiên.

Hài nhi đang giang đôi tay bé nhỏ, trong một thân xác nhỏ bé đơn sơ. Ngài đang cần một chút chăm sóc quan tâm, cần một chút hơi ấm, cần một chút tình người. “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ” (Tv 131,2). Hài nhi đang xoè đôi tay, con người hỡi, hãy rộng tay, hãy mở lòng cho hài nhi xin một chút tình. Một ly nước, một ly sữa, một chút gạo, một viên thuốc, một tấm áo. Tất cả, chút tình ấy sẽ cứu được Thiên Chúa - Đấng ban cho ta tất cả là tình yêu, là sự sống thì giờ đây phải chìa tay ra đi gõ cửa từng nhà, từng người để xin một chút bố thí.

Xuyên qua cái nhìn trần thế ấy, ta nhận ra rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu luôn chia sẻ và trao ban. Đôi tay Ngài luôn rộng mở, cánh tay Ngài giang mãi, như người gieo giống, gieo hạt giống trên vệ đường, gieo trong bụi gai, gieo một cách hào phóng. Ngài hào phóng đến nỗi cho đi cả mạng sống, để đổi lấy tình yêu, cứu chuộc con người.

Rồi, cánh tay Ngài, ta nhìn xem, nơi thập giá kia, cánh tay Ngài giang mãi. Ngài vẫn tiếp tục phát ban phát muôn ơn lành, cho mọi người, mọi thời, mọi nơi. Vì vậy, bất cứ ai cũng đều có thể nhận ra được là Thiên Chúa giống và gần gũi với con người.


--------------

TÌNH YÊU

(Ga 1, 1-18)


THANH THANH