PDA

View Full Version : M - Mùa Giáng Sinh có bình an



Dan Lee
12-25-2010, 12:20 PM
MÙA GIÁNG SINH CÓ BÌNH AN?

Tuổi thơ tôi thường đón Giáng Sinh trong hân hoan rạo rực nhưng cũng đầy lo lắng bất an. Một trái pháo, một viên đạn hay một tiếng nổ bất thường đâu đó là cả giáo xứ tán loạn ngay.

Những năm sau này, Giáng Sinh là thời điểm phải lo lắng, ngủ không yên và có thể bị khám xét khi đi lễ. Đọc lại hồi ký Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng, tôi hiểu rằng ngày xưa anh chị em ở Hà nội đón Giáng sinh cũng trong phập phồng lo lắng. Tôi thương Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê và cha chính Vinh ở Tòa Giám Mục Hà nội những năm tháng vô cùng đau khổ ấy.

Những năm gần đây, tin tức trong Hội Thánh khắp nơi bay về vào dịp mừng Chúa Giáng Sinh là những tin không vui. Trái với những bông hoa ông nọ bà kia chúc mừng, trái với đèn xanh đỏ nhấp nháy, người Công giáo ở khắp nơi gặp không biết bao nhiêu phiền toái.

Hai năm trước, vào Mùa Vọng, giáo xứ Thái Hà của Bố chúng tôi gặp nạn. Gần đây nhất, Dòng Chúa Cứu Thế, nhà Dòng của dân nghèo quê tôi, dồn dập bao nhiêu oan trái.

Vậy Giáng Sinh có bình an không? Chúa ơi, thiên thần Chúa đã hát vang “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Sao dân tộc con lại ít bình an đến thế?
Từ những Mùa Giáng Sinh như thế, tôi tự hỏi mình bình an Chúa ban là ở đâu? Hóa ra sự bình an không nằm ở cuộc sống yên ổn bên ngoài, mà là niềm vui ơn Cứu chuộc tận trong thâm sâu của lòng mình. Và con người phải hy sinh nhiều và vác thập giá đời mình để đón nhận nó.

Là người Công giáo, chúng ta vui mừng và hãnh diện vì nhiều chủ chăn anh dũng sẵn sàng sống chết cho đoàn chiên. Hầu như tất cả những người nghe tin về các cuộc bách hại và những đối đáp hay ứng xử khôn ngoan và can trường của các chủ chăn và các giáo dân anh dũng, đều cảm thấy thán phục và cảm thấy được an ủi rất nhiều. Và dân Chúa bình an nhờ các vị chủ chăn như thế.

Nhưng đôi khi người ta cũng nghe những câu hỏi đại khái như: “Ai chịu bách hại vì đạo ngay ấy là phúc thật, tại sao không cam chịu để được phúc mà lại phải lên tiếng?”. Thậm chí trong buổi tĩnh tâm nọ, có một bạn lên tiếng cầu nguyện cho các chủ chăn biết lên tiếng cho công lý, thì một linh mục dòng nọ bảo là thôi đi, để lúc khác !

Khi nghe những câu hỏi và đề nghị loại ấy tôi rất đau lòng bởi vì vẫn còn những người chưa hiểu “chịu bách hại vì đạo ngay” nghĩa là gì và cũng chưa hiểu ý nghĩa của những việc đã và đang xảy ra cho Hội Thánh ngay trên quê hương này. Và rõ ràng nhiều người còn nghĩ bình an nghĩa là cứ im lặng để cho mọi chuyện trôi đi, người nghèo có làm sao mặc họ, miễn là mình yên ổn có cơm ăn mỗi ngày!

Trong bài giảng trên núi, Chúa truyền cho dân hiến chương Nước Trời, trong đó có việc “chịu gian khổ vì lẽ công chính”, hay “chịu bách hại vì đạo ngay”. Tất cả những ai chịu đau khổ, bắt bớ, hành xích và bị giết hại vì công lý, vì Chúa là có phúc. Các Thánh Tử Đạo đã nêu tấm gương anh dũng về việc chấp nhận con đường vinh quang ấy.

Nhưng nếu hiểu chịu bách hại nghĩa là im lặng cam chịu mà không hề lên tiếng bảo vệ Đạo Chúa, bảo vệ công lý và bênh vực anh em nghèo khổ của mình là thiếu trách nhiệm. Nếu im lặng cho người ta vả má mình, có thể có công đức cho riêng mình. Nhưng nếu mình im lặng để anh em mình cũng chịu vả vô cớ thì mình lỗi bác ái với anh em. Không ai có thể tử đạo nếu không chu toàn nghĩa vụ bác ái. Các Thánh Tử đạo không im lặng mà chết. Các ngài luôn lên tiếng cho thế gian hiểu trước khi các ngài ra đi.

Thứ hai, khi đối diện với cường quyền, với sự hiểm ác của thế gian, người môn đệ Chúa phải lên tiếng để cho thế gian biết đường lối chúng là sai trái. Nếu môn đệ Chúa im lặng không nói cho thế gian biết, thì không phải là “chịu bách hại vì đạo ngay”. Nếu môn đệ Chúa im lặng không lên tiếng, thì làm sao trách được thế gian độc ác, và họ có cớ biện hộ rằng “có ai nói cho chúng tôi nghe đâu?”
Thứ ba, nếu im lặng để cam chịu thì hoàn toàn không có phúc. Rõ ràng là khi chúng ta câm miệng lại thì chúng ta lập tức hưởng mọi ưu đãi thế gian dành cho. Khi môn đệ Chúa ra công đường cứ dạ dạ thưa thưa thì có cớ gì cho thế gian hành xích? Trái lại, lúc đó người môn đệ lại an nhàn chẳng cần lo lắng vì đã có thế gian bảo bọc, nhưng còn đoàn chiên tội nghiệp thì sao?

Mừng Mầu Nhiệm Giáng Sinh chính là mừng hồng ân Cứu độ. Ngôi Lời làm người để lên tiếng cho nhân loại này được đứng lên làm Con Chúa, nghĩa là được trả lại quyền làm người.

Mừng Mầu Nhiệm Giáng Sinh còn là mừng cho phía bóng tối của thế gian được vinh quang Thiên Chúa chiếu đến. Họ đón nhận hay không là việc của họ, nhưng môn đệ Chúa phải là người bật cho đèn sáng lên. Nếu môn đệ Chúa tiêu cực, không dấn thân vào công cuộc dọi chiếu ánh sáng thì đừng hỏi tại sao trần gian vẫn còn “u mê đắm đuối”.

Xin Ngôi Lời là ánh sao của muôn đời, chiếu ánh sáng và nguồn bình an cho dân tộc chúng con, là con cháu các anh hùng Tử đạo, những con người đã dùng chính mạng sống của mình làm chứng cho bình an của Chúa.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs