PDA

View Full Version : T - Tiếng nổ



Dan Lee
12-25-2010, 12:26 PM
TIẾNG NỔ

Tiếng nổ của chất gây nổ

Tiếng nổ do xăng dầu, ga, chất gây nổ, đạn bom, dễ tạo hỏa hoạn, gây thương tích, làm kinh động cuộc sống và chết chóc.

Tiếng nổ do những thiết bị hiện đại, sức nổ càng lớn, càng mạnh như bom nguyên tử, thì sức công phá và hủy diệt càng kinh khủng. Chỉ trong tức khắc, chúng có thể hủy diệt toàn thành phố, cả quốc gia.

Tiếng nổ do con người tạo ra vì chính trị, do bất cẩn, cố tình hay vô ý, đã gây ra nước mắt và đau khổ, chia ly và chết chóc, mất mát và hủy diệt, về tinh thần cũng như vật chất, về con người cũng như loài vật.

Đang khi đó, lại có một tiếng nổ khác còn hơn bom đạn, lớn hơn bom nguyên tử hàng trăm triệu lần, nhưng lại không hề gây xáo trộn cuộc sống, không làm con người sợ hãi, cũng không làm hại bất cứ thứ gì, người cũng như vật, càng không hề gây mất mát chia ly, thương tích hay hủy diệt, đau khổ hay bất hạnh cho con người.

Trái lại, vì tiếng nổ này mà nhân loại thêm phấn khởi và an vui, bình an và hạnh phúc, nhiều can đảm và nghị lực, tăng hy sinh và phấn đấu, phát huy chia sẻ và đỡ nâng, bao dung và tha thứ, hy vọng và vượt khó.

Nhờ tiếng nổ này mà con người được phục hồi nhân cách và sự sống, được cứu khỏi bến mê cuộc đời để sống dồi dào và sống mãi. Đó là:

Tiếng nổ của Con Thiên Chúa nhập thể

Như cha mẹ với con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè, đồng nghiệp yêu thương nhau, liệu có ai dám hóa thành gà vịt, chó mèo hay trâu bò, để chứng minh tình yêu của mình không?

Nhưng với Thiên Chúa thì: “Ngài đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Một Thiên Chúa vô cùng thông minh và sáng suốt, đẹp đẽ và hoàn mỹ, trong sáng và thánh thiện, tuyệt đối và vĩnh cửu, lại trở nên người phàm như chúng ta, trừ tội lỗi.
Đó là chuyện không thể hình dung ra, không thể tưởng tượng nổi, càng không thể suy cho cùng, hiểu cho thấu về tình yêu của Ngài dành cho con người mạnh mẽ đến dường nào.

Mạnh đến độ Ngài dám từ bỏ “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-11).

Tiếng nổ của Con Thiên Chúa nhập thế

Như vị vua dù thương dân như con, có thể ra khỏi hoàng cung để vi hành khắp chổn để tìm hiểu đời sống con người, và tìm cách giúp đỡ, tạo điều kiện để thần dân có một đời sống ấm no hạnh phúc hơn, nhưng chẳng vua nào dám từ bỏ luôn ngai vàng của mình, dành trọn thời gian để cùng dân chúng suốt đời.

Còn Con Thiên Chúa thì dám. Từ trời cao xuống nơi đất thấp, Ngài từ bỏ tất cả mọi sự, chỉ mang theo trái tim tình yêu đỏ thắm, nồng nàn, rực cháy, và muốn trao lại cho con người, cho bất cứ ai.

Chính vì thế mà Ngài không chịu dừng chân ở đâu. Đời Ngài luôn ra đi, đi mãi khắp chốn phố phường, làng mạc, bước hoài không biết mỏi mệt để tìm kiếm, kết thân với con người, chẳng màng chi đến những khốn khó cực nhọc của bản thân, dù chỉ là những điều kiện và tiện nghi tối thiểu như nhà cửa, dụng cụ nghề nghiệp…

Bước chân của Ngài hoàn toàn khác với nhân loại. Con người ra đi để tìm cách vun đắp cho đời sống của mình thêm giàu sang, sung túc, thoải mái, thăng tiến, phát triển. Còn Con Thiên Chúa lại tìm cách giúp đỡ để người khác khỏe mạnh, an mình, no ấp, hướng thiện. Ngài chỉ muốn được chia sẻ, gánh bớt những khốn khó cực nhọc, những đau thương vất vả của con người. Ngài luôn tìm cách để cho đi, cho mãi, cho hoài….

Tiếng nổ của Con Thiên Chúa tha thứ và cứu vớt

Người ta có thể tha thứ và cứu vớt. Nhưng nếu đụng chạm hay xúc phạm đến quyền lợi, vật chất, uy tín, danh dự, tình cảm và sự sống của mình, thì việc không dễ chút nào. Nhiều người còn coi việc báo thù, xem việc đạp đổ là nghĩa vụ cao cả cần phải giữ để đền đáp nghĩa hiếu với cha mẹ, với thầy cô…Nếu nay chưa trả thù được thì năm sau, nhiều năm sau, và cả trăn trối lại cho con cháu tiếp tục sứ vụ trả thù nữa.

Đang khi ấy, Con Thiên Chúa, dù bị con người xúc phạm nhiều lần, thường bị chê bai nghi ngờ, dù bị lên án chống đối, sỉ nhục, thì Ngài vẫn hết mực tha thứ.

Ngài luôn hành động một cách quân tử, và giúp người khác hãy biết độ lượng, khoan dung với nhau. Vì ai trên đời này cũng đều đáng thương và cần được thương yêu.
Như người bị rơi xuống biển thể nào, thì tình trạng nhân loại cũng đang đắm chìm trong biển đời như vậy. Vì thế hãy biết nâng đỡ nhau mà sống, và cùng nhau đưa tay ra để nắm lấy tay Con Thiên Chúa, nhờ thế mà được cứu. Giống như Phêrô trên mặt biển, sắp chết chìm được Thầy Giêsu nắm kéo lên vậy.

Không ai rõ hoàn cảnh bi đát của con người cho bằng Con Thiên Chúa, vì lẽ ấy mà Ngài dốc hết thời gian, sức lực và tâm lực để cứu giúp con người, dù Ngài có bị hất hủi, dửng dưng, hay bị xúc phạm.

Đấng Công Chính được chứng minh bằng hành động. Tình yêu vĩ đại của Con Thiên Chúa được chứng minh rõ nét bằng tình yêu tha thứ và cứu vớt.

Tiếng nổ của Con Thiên Chúa chết cho con người

Chồng vợ có thể chết cho nhau, cha mẹ có thể chết cho con cái, tình nhân có thể chết vì nhau, hoặc con người có thể chết vì tổ quốc... Nhưng chỉ có Con Thiên Chúa mới dám chết thay cho bất cứ ai, không phân biệt chủng tộc hay ranh giới quốc gia.

Người ta thường bảo vệ danh dự, uy tín của mình cho mãi thơm tho bằng bất cứ giá nào, chứ không muốn bị ô uế hay mất đi. Đang khi ấy, Con Thiên Chúa vốn vô cùng tinh tuyền trong sáng, nhưng lại dám nhận tội thay, chết thay cho con người. Con người xử với Ngài như là tội nhân, hành hạ như tên cướp, và treo trên thập giá một tử tù.

Thật không thể tưởng tượng nổi một Thiên Chúa có đầy đủ quyền sinh tử, lại để cho con xử với mình tệ bạc và nhục nhã đến thế.

Chính nhờ tiếng nổ của Con Thiên Chúa nhập thể, nhập thế, tìm kiếm, tha thứ, cứu vớt và chết thay, mà con người có cơ hội được hưởng ơn cứu độ phát xuất từ tình yêu vô bờ bến của Ngài. “Lưỡi đòng đâm thâu, nước và máu từ cạnh sườn chảy ra”. Nhờ sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa mà nhân loại được phục hồi sự sống, được sống lại cùng Ngài.

Nếu con người biết dựa vào những tiếng nổ của Con Thiên Chúa như kim chỉ nam để định hướng cho cuộc đời, rồi năng suy gẫm, cố gắng vâng phục, tích cực bắt chước Lời Ngài dạy, thì chắc chắn sẽ đón nhận được bình an đích thực của Ngài. “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14).

THANH THANH