PDA

View Full Version : G - Gương Thánh Gia



Dan Lee
12-27-2010, 08:16 PM
GƯƠNG THÁNH GIA


Ở bên nước Đức có một thành phố cổ tên là Weinsberg nằm trên một ngọn đồi cao, trong đó có một pháo đài rất cũ và dân chúng ở đây có một huyền thoại rất lý thú về pháo đài này.

Họ kể rằng trong khoảng thế kỷ 15, là thời kỳ mà tinh thần hiệp sĩ và danh dự được đề cao, có quân địch bao vây ngọn đồi này và ngăn chặn mọi lối ra vào của pháo đài. Viên chỉ huy bên địch sai người đến pháo đài nói rằng ông sẽ để cho phụ nữ và trẻ em thoát ra ngoài trước khi ông khởi sự cuộc tấn công thật quyết liệt.

Và sau khi thương lượng thêm đôi chút, viên chỉ huy bên địch đồng ý rằng – với danh dự của một người hiệp sĩ – ông hứa sẽ để cho các phụ nữ thoát ra ngoài với tài sản quý giá nhất của họ, miễn là họ có thể mang theo trên mình.

Sau khi tin này được loan ra chừng vài phút, bên địch vô cùng sửng sốt và ngạc nhiên khi thấy tất cả các bà vợ cõng các ông chồng trên lưng và đi ra ngoài! (Phỏng theo bài giảng của Cha Mark Link).

Huyền thoại này rất phù hợp với tinh thần Kitô Giáo và tôi thấy huyền thoại này
rất đúng với nhiều gia đình Công Giáo Việt Nam. Gương hy sinh cho vợ/chồng con cái của những gia đình Việt Nam quả thật đáng được ca tụng và đáng được
“phong thánh”!

Nghe đến chữ phong thánh, nhiều người liên tưởng đến những phép lạ, những việc lạ lùng của các vị thánh khi còn sống, nhưng những biến cố xảy ra cho gia đình Thánh Giuse và Thánh Maria được ghi lại trong các phúc âm cho chúng ta thấy Gia Đình Thánh cũng rất bình thường như gia đình chúng ta.

Trước hết, sự thụ thai cách nhiệm mầu và sự sinh hạ Hài Nhi Giêsu cho thấy
sự can đảm và một đức tin phi thường của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse. Thánh Maria can đảm lãnh nhận một vai trò rất vinh dự, là mẹ Đấng Cứu Thế, nhưng đồng thời cũng đầy thử thách đức tin khi đứng trước những sự kiện khó hiểu của Thiên Chúa, tỉ như, nơi sinh hạ Đấng Cứu Thế không được đàng hoàng mà lại là một cái chuồng dành cho thú vật. Với Thánh Giuse, một người Do Thái công chính, chắc chắn thánh nhân cũng bị bối rối, xao xuyến không ít khi nhìn thấy một hài nhi mà vợ của mình cho rằng “được thụ thai nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần” thì đang nằm trong một cái máng đựng thức ăn cho loài vật! Có thể nào đây sẽ là vị cứu tinh của dân tộc Do Thái?

Không những thế, bài phúc âm hôm nay còn cho chúng ta thấy một sự kiện khó hiểu khác: vì sự tàn bạo của vua Hêrôđê mà Gia Đình Thánh phải vất vả đi tị nạn bên Ai Cập trong khi Giêsu vẫn còn là một trẻ thơ.

Hãy thử đặt mình vào vị trí của Gia Đình Thánh chúng ta mới cảm được sự thử thách đức tin lớn lao biết chừng nào! Tại sao Thiên Chúa không làm phép lạ để nơi sinh hạ của Hài Nhi Giêsu sẽ thật sang trọng, thật ấm cúng, thật tiện nghi, xứng với địa vị của Con Thiên Chúa? Tại sao Thiên Chúa không sai các thiên thần xuống trừng phạt vua Hêrôđê để Thánh Gia khỏi phải cực khổ đi tị nạn? Rồi sau thời gian trốn tránh ở Ai Cập, tại sao Thiên Chúa không đưa Thánh Gia về cư ngụ tại một nơi sung sướng như thiên đàng hạ giới, có kẻ hầu người hạ, khỏi phải vất vả với công việc thợ mộc ở một chỗ quê mùa, nghèo khổ như làng Nagiarét?

Nếu chúng ta thực sự tin vào Thiên Chúa thì chúng ta cũng phải chấp nhận rằng
đường lối của Thiên Chúa thì khác với sự suy nghĩ của thế gian. Và nếu chúng ta không thể trả lời thỏa đáng các thắc mắc này vì thuộc thẩm quyền của Thiên Chúa, một câu hỏi khác có lợi cho chúng ta để suy nghĩ, đó là, qua các sự kiện này, Thiên Chúa muốn nói gì với chúng ta?

Câu chuyện cuộc đời của Thánh Gia có nhiều ý nghĩa khác nhau cho từng người, đối với tôi, bài học đầu tiên của Thánh Gia, về phương diện con người,
là sự kiên nhẫn. Có thể nói Thánh Gia đã kiên nhẫn chờ đợi trên 30 năm mới thấy được đường lối cứu chuộc của Thiên Chúa dần dà tỏ lộ qua cuộc đời của Đức Giêsu.

Nhiều người nghĩ rằng điều quan trọng của Thánh Gia là đức tin nơi Thiên Chúa. Chắc chắn là như vậy! Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh nhân bản của Thánh Gia, vì trên thực tế, nhiều gia đình Công Giáo ngày nay cũng có đức tin, cũng đi lễ hàng tuần, cũng cầu nguyện hàng ngày nhưng tại sao họ không có hạnh phúc để rồi đi đến ly thân hay tan vỡ?

Chúng ta đang sống trong một xã hội tạm gọi là “mì ăn liền”, “fast food”:
muốn cái gì thì có ngay lập tức, không phải chờ đợi lâu. Các phương tiện hiện đại của xã hội ngày nay – như Internet, “overnight shipping” – lại càng khiến chúng ta thiếu kiên nhẫn chờ đợi. Chúng ta muốn được thỏa mãn ngay lập tức mà nhiều khi những điều mong muốn đó không phải là nhu cầu cần thiết. Sự thiếu kiên nhẫn này dần dà đi vào đời sống chúng ta trong sự tương giao với người khác, nếu chúng ta không để ý. Chúng ta dễ nóng nẩy, thiếu kiên nhẫn với nhau. Vì thế, trong một gia đình mang danh là Công Giáo nhưng vẫn có những lời đốp chát, thóa mạ, thiếu tôn trọng, thay cho những lời nói ôn tồn, hòa nhã của những người thương yêu nhau. Chúng ta thiếu kiên nhẫn với người khác, dù đó là vợ/chồng hay con cái.

Bài học thứ hai của Thánh Gia là tinh thần khó nghèo. Qua việc sinh hạ của Hài Nhi Giêsu nơi hang bò lừa, Thiên Chúa muốn dạy chúng ta hãy quý trọng một đời sống thanh bạch, đừng lệ thuộc vào vật chất, đừng nô lệ cho những vật vô tri vô giác, bởi vì, vật chất không thể thoả mãn những khát vọng sâu xa của con người. Hơn nữa, một đời sống thanh bạch sẽ giúp chúng ta chú ý đến các giá trị tinh thần. Một gia đình hạnh phúc có phải là vì nhà cao cửa rộng, xe cộ sang trọng đắt tiền, hay là vì sự đầm ấm của vợ chồng yêu thương nhau, độ lượng với nhau, và con cái hiếu thảo với cha mẹ? Có sung sướng gì khi nằm trong ngôi nhà đồ sộ, đủ thứ tiện nghi, nhưng cô đơn, lạnh lẽo? Có ngon lành gì khi mâm cao cỗ đầy, thức ăn thịnh soạn đắt tiền, nhưng vắng mặt những người thân yêu?

Bài học thứ ba của Thánh Gia là hãy tìm hiểu và sống theo thánh ý Chúa. Đây là bài học khó khăn nhất cho mọi tín hữu Kitô, bởi đó, Chúa Giêsu đã dậy chúng ta Kinh Lậy Cha, trong đó, hàng ngày chúng ta xin cho “ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, và thánh ý Thiên Chúa phải được thể hiện đầu tiên và trước hết nơi chính chúng ta. Như vậy, hàng ngày khi đọc kinh Lậy Cha, chúng ta phải tự hỏi là “Tôi có cố gắng tìm hiểu và sống theo ý Chúa, hay là tôi đang thỏa mãn ý muốn của riêng tôi?”

Làm thế nào để biết đó là ý Chúa? Qua đời sống của Thánh Gia, chúng ta có thể thấy được một vài đặc điểm của thánh ý Chúa. Thứ nhất, thánh ý Chúa đòi hỏi sự kiên nhẫn – có thể kiên nhẫn chờ đợi, hoặc kiên nhẫn luyện tập. Thứ hai, thánh ý Thiên Chúa sẽ đòi hỏi sự hy sinh – hy sinh bản thân hoặc hy sinh của cải.

Và thứ ba, thánh ý Thiên Chúa có mục đích khôi phục lại phẩm giá con người.
Thiên Chúa có thể nói với chúng ta qua nhiều phương cách khác nhau: có thể là
một đoạn Kinh Thánh, có thể là một biến cố, hoặc Thiên Chúa có thể nói với chúng ta qua người khác, dù đó là con cái hay người xa lạ, điều quan trọng là để ý lắng nghe. Qua gương mẫu đời sống của Thánh Gia chúng ta thấy rằng sống theo ý Chúa thì không dễ dàng, không thoải mái, không an nhàn như chúng ta mong muốn. Nhưng chính vì đã chu toàn ơn gọi của mình một cách trung kiên, Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse đã được vinh dự cộng tác trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Mỗi khi mừng lễ Thánh Gia là mỗi lần chúng ta được nhắc nhở về ý nghĩa đời sống và bổn phận của một người trong gia đình, đó là hãy hết sức chu toàn ơn gọi của mình một cách tốt đẹp, và hãy tin tưởng, phó thác vào chương trình của Thiên Chúa dù có những trở ngại, những khó khăn trong cuộc sống. Khi sống trọn vẹn ơn gọi của gia đình là chúng ta đang trở nên một gia đình thánh, và đang được vinh dự cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Xin Thánh Gia cầu bầu cho chúng ta, nhất là những ai đang trong hoàn cảnh khó khăn của đời sống gia đình.

Pt Giuse Trần Văn Nhật