PDA

View Full Version : T - Tôi Chẳng Bao Giờ Được Bố Tôi Ôm Hôn Cả



Dan Lee
12-27-2010, 08:39 PM
TÔI CHẲNG BAO GIỜ ÐƯỢC BỐ TÔI ÔM HÔN CẢ!

Chủ đề: Chúng ta phải biểu lộ tình thương đối với nhau cả trong lời nói lẫn việc làm


Cách đây ít lâu, tạp chí Readers Digest có làm một cuộc "thăm dò gia đình", gồm 12 câu hỏi đặt ra cho các bậc cha mẹ. Tôi chỉ muốn đọc ra đây 3 trong số 12 câu hỏi ấy.

Câu thứ nhất: "Nếu trên truyền hình chiếu cảnh một cậu bé khoảng mười mấy tuổi vừa ôm hôn bố mẹ chúc ngủ ngon, thì liệu con cái bạn có cho như thế là chuyện bình thường không?" Bạn sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?

Và đây câu hỏi thứ hai: "Giả như bạn và chồng (hoặc vợ) của bạn đang cùng đọc sách trong một căn phòng, thì liệu con cái bạn sẽ có cùng đến ngồi trong căn phòng ấy không?"

Và cuối cùng, đây là câu hỏi thứ ba: "Có bao giờ con cái bạn kể cho bạn rằng chúng mong ước tạo được một mái gia đình giống như gia đình bạn khi chúng bước vào cuộc sống lứa đôi không?"

Ðiều đập ngay vào mắt chúng ta là cả 3 câu hỏi trên đều liên quan đến mọi gia đình ở một cấp độ nền tảng nhất của đời sống gia đình tức là cấp độ tình yêu thương. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn cấp độ này.

Một trong những câu hỏi bông đùa thú vị nhất của Bob Hope liên quan đến tình yêu ông dành cho Bing Crosby, và cũng không có điều gì mà Crosby lại không muốn làm cho tôi. Nhưng đó mới là điều gây ra rắc rối. Chúng tôi đã tiêu phí đi cả cuộc đời mình mà chả làm gì cho nhau hết.

Chủ ý của Hope rất hay. Chúng ta thường có khuynh hướng lơ là biểu lộ tình thương đối với nhau. Khi dừng lại suy nghĩ chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy hiếm khi chúng ta biểu lộ tình yêu đối với nhau trong lời nói hoặc trong một thái độ cụ thể nào đó. Chẳng hạn lần sau cùng mà bạn nói với một người nào đó trong gia đình bạn qua một cuộc nói chuyện hoặc trong một lá thư, là bạn yêu quí người ấy, lần ấy cách đây bao lâu rồi?

Sự lơ là biểu lộ tình yêu, bằng lời nói hay cử chỉ rõ ràng, đặc biệt đối với đám người trẻ, sẽ có thể gây ra những hậu quả thảm hại. Hơn bất cứ ai khác, những người trẻ khát khao biết rằng họ đang được yêu mến. Họ cần nhìn thấy, cần cảm nếm được điều đó.

Trong quyển sách nhan đề Bố Tôi, Con Trai Tôi (My Father, My Son). Bác sĩ Lee Salk đã mô tả cuộc phỏng vấn đầy cảm động dành cho Mark Chapman, tên sát nhân đã bị khép tội giết John Lennon trong ban nhạc Beatles. Giữa cuộc phỏng vấn, Chapman kể lại: "Tôi không hề nghĩ rằng tôi dã từng được ba tôi ôm hôn. Ông ấy chẳng bao giờ nói với tôi rằng ông ấy thương tôi... Tôi cần cảm nhận được tình yêu và sự nâng đỡ, thế mà tôi chẳng bao giờ có được những thứ ấy". Chapman mô tả cách thức anh sẽ cư xử với con anh nếu như anh có một đứa con trai. Ðiều ấy quả thật là bi đát vì có lẽ Chapman chẳng bao giờ được ra khỏi tù để tạo lập được mái gia đình riêng cho mình. Chapman nói: "Tôi sẽ ôm con tôi và hôn hít nó... và làm như thế là để cho nó biết rằng... nó có thể tin cậy tôi và đến với tôi... và tôi sẽ nói cho nó rằng tôi yêu thương nó".

Bác sĩ Salk kết thúc quyển sách trên với lời khuyên sau đây gởi đến các bậc làm cha và các cậu con trai. Và lời khuyên này cũng nên áp dụng cho các bậc cha mẹ và các cô con gái: "Ðừng e ngại biểu lộ xúc cảm của bạn, đừng ngại nói với Bố mình hoặc con trai mình là mình yêu mến và quan tâm đến người ấy. Ðừng ngại ôm cổ hôn hít bố mình hoặc con trai mình. Ðừng chờ cho đến lúc ngồi cạnh giường chết mới nhận ra là mình đã lầm lẫn, thiếu sót".

Cách đây ít lâu, Ann Landers có nhận được một lá thư của một bà mẹ hỏi rằng đến tuổi nào thì một ông Bố và cậu con trai thôi ôm hôn nhau và thôi nói với nhau câu nói "Bố yêu con" hoặc "Con yêu bố". Ann Landers liền trả lời cho bà mẹ ấy một chữ gọn lỏn "Never". (Không bao giờ)

Sau đó ít lâu, Ann Landers lại nhận được một lá thư khác của một ông bố nọ. Ông ta nói rằng câu trả lời gọn lỏn trên, cho lá thư bà mẹ kia đã làm cho ông cảm động chảy nước mắt. Ông cắt nghĩa lý do như sau: "Cách đây vài tuần, lần đầu tiên tôi ôm hôn đứa con trai và nói với nó rằng tôi yêu nó. Nhưng khốn nạn thay, nó không biết được điều ấy vì nó đã chết mất rồi. Nó đã dùng súng tự sát trước đó rồi!". Người bố này tiếp tục viết: "Niềm hối hận lớn lao nhất trong đời tôi là tôi đã ngại ngùng trong việc biểu lộ âu yếm đối với nhau thì xem ra nhu nhược quá!... Tôi sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai được nỗi ngu dốt khờ khạo này".

Ðiều gì đúng nơi mối tương giao giữa bố và con trai thì cũng đúng y như thế đối với tương giao giữa tất cả con cái trong cùng một gia đình với nhau.

Khó có thể hiểu được rằng Chúa Giêsu Người đã từng khóc bên mộ người bạn Ngài là Lazarô, lại không bao giờ ôm hôn mẹ mình và nói với mẹ: "Mẹ ơi, con yêu Mẹ".

Và khó có thể hiểu được rằng Chúa Giêsu, Người từng kể lại câu chuyện hai bố con ôm nhau trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, lại không từng ôm thánh Giuse và nói: "Bố ơi, con thương bố".

Các bài Thánh Kinh trong lễ mừng kính Thánh Gia hôm nay nêu ra một câu hỏi cực kỳ quan trọng: "Chúng ta với tư cách làm cha, làm mẹ, làm con trai, con gái, chúng ta đã góp phần vào việc biểu lộ yêu thương trong gia đình riêng của chúng ta như thế nào?"

Hãy nhớ lại những câu hỏi trong "cuộc thăm dò về gia đình". Nếu trên truyền hình chiếu cảnh một cậu bé khoảng mười mấy tuổi vừa ôm hôn bố mẹ vừa nói lời chúc ngủ ngon thì liệu con cái bạn có cho rằng điều này là chuyện bình thường không?. Nếu câu trả lời của chúng ta là không thì các bài đọc Kinh Thánh hôm nay có thể chứa đựng một sứ điệp quan trọng gởi cho chúng ta đấy.

Ðể kết thúc, chúng ta khẩn nguyện suy tư về chủ đề tình yêu trích từ thư thứ nhất của thánh Gioan. Xin vui lòng yên lặng hiệp ý cầu nguyện cùng tôi:

"Các con hãy xem Chúa Cha đã yêu mến chúng ta dường nào! Tình yêu của Ngài to tát quá đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa -- và qủa thực, chúng ta là thế đấy... Hỡi các con của ta, tình yêu của chúng ta đừng chỉ dừng lại ở nơi lời nói mà phải là một tình yêu đích thực biểu lộ ra bằng hành động" (1 Ga 3: 1-18).

Cha Mark link S.J.