PDA

View Full Version : P - Phép rửa tội trong bối cảnh văn hóa



Dan Lee
01-06-2011, 11:25 PM
PHÉP RỬA TRONG BỐI CẢNH VĂN HÓA


Lời đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng Mattheu là lời yêu cầu ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho Ngài; lý do được nêu lên là để làm trọn ý của Thiên Chúa (c.15). Phép rửa mà Ngài muốn lãnh nhận không phải là điều xa lạ đối với bối cảnh văn hoá Đức Giêsu đã nhận làm bối cảnh văn hoá của mình. Nhưng ý nghĩa của phép rửa ấy so với phép rửa Đức Giêsu truyền cho các môn đệ thực hiện cho muôn dân (Mt 28,19), ý nghĩa ấy có những đặc sắc nào ?

Trước thời Đức Kitô. - Phép rửa bằng nước khá thịnh hành tại Ai cập, Babilon, Ấn độ và trong một số tôn giáo gốc Hy lạp. Phép rửa ấy từng được thực hiện tại bờ sông Nilô, sông An Phát (Euphrate), sông Giang tử (Gange) của Ấn độ nhằm mục đích thanh tẩy người khỏi những bất xứng về luân lý hoặc về nghi lễ, đôi khi để tăng sinh lực và mang lại tính bất tử.

Riêng trong tôn giáo Ít-ra-en. Dìm mình trong nước là phương tiện thanh tẩy theo luật dạy đối với người phong hủi (Lv 14,8), đối với ô uế về giới tính (Lv 15,16-18). Các đồ vật phải được rửa trước khi dùng (Lv 11, 32-40). Ngoài những bó buộc theo Luật, các thầy thông luật còn đưa ra một số điều buộc khác như rửa tay, rửa chén bát, rảy nước trên những đồ mua ở chợ về v.v…(x.Mc 7,1-5).

Điều đáng lưu ý là các thầy Pharisêu còn thiết lập một số nghi thức về trong sạch, trong đó có nghi thức làm phép rửa cho người tân tòng muốn nhập đạo Do thái. Nghi thức này nhằm mục đích thanh tẩy người tân tòng mới trở lại, lý do vì người đó xuất xứ từ thế giới ngoại đạo là thế giới mà người Do thái kể là ô uế (Ga 18,28; Cv 10,28).

Phép rửa do ông Gioan Tẩy giả được thực hiện trong nước sống Giođan đối với những người nhờ nghe ông giảng nên thống hối ăn năn và xưng thú các tội của mình.

Phép rửa này ăn khớp với bối cảnh Do thái đã có sẵn những cuộc thanh tẩy được thực hiện, tuy với những đặc sắc riêng của ông Gioan. Đó là phép rửa tỏ lòng thống hối nhắm tới ơn tha tội (Mc 1,4; Lc 3,3) nên khác hẳn các nghi thức thanh tẩy chỉ nhằm đáp ứng những điều luật buộc mà thôi, không diễn tả một biến chuyển nội tâm (metanoia).

Nhưng phép rửa của ông Gioan chỉ mới loan báo Nước Thiên Chúa đang đến, còn phép rửa của Đức Kitô cho thấy Nước đó đã được khai trương nhờ Chúa Thánh Linh (Cv 19,1-6). Các sách Tin Mừng và sách Công Vụ Tông Đồ phân biệt phép rửa của Gioan là phép rửa trong nước; còn phép rửa Kitô giáo là phép rửa trong Thánh Thần (Mt 3,11; Mc 1,8; Lc 3,16; Ga 1,33; Cv 1,5;11,16).

Phép rửa Kitô giáo bắt đầu từ Đức Kitô

Phép rửa Kitô giáo bắt đầu từ Đức Kitô, Đấng đã khiêm nhường xin ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho mình tại sông Giođan. Tin Mừng Matthêu (3,13-17) và Máccô (1,9-11) đều thuật lại biến cố này. Tin Mừng Luca (3,21-22) chỉ nhắc tới biến cố cách thoáng qua nhưng nhấn mạnh điều xảy ra trước và sau biến cố ấy. Luca cho thấy “khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa” (3,21). Liền sau đó, đang khi Người cầu nguyện, thì từ trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha, ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.” (c.22). Như vậy, Đức Giêsu hiện diện ngay trong hành vi tỏ lòng thống hối của toàn dân nhắm tới ơn tha tội. Một đàng, Ngài không tách rời khỏi dân trong hành vi quan trọng này; đàng khác, chính Ngài cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1,21). Bằng cách nào? Bằng cách chịu đóng đinh trên thập giá mà vẫn cầu nguyện “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34).

Tại sao Đức Giêsu là Đấng vô tội tuyệt vời lại có thể chịu phép rửa do ông Gioan Tẩy giả là phép rửa để xin ơn tha tội ? Mt 3,15 giải đáp khi nói rằng Đức Giêsu làm thế là để giữ trọn đức công chính, nghĩa là để chu toàn ý Thiên Chúa. Còn Luca cho thấy Đức Giêsu hiện diện trong hành vi đó để cầu nguyện nhắm tới sự can thiệp của TC là Đấng duy nhất có thể tha tội cho loài người. Còn Gioan (1,29) cho thấy Đức Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian.

Sự hiện diện và hành động cứu độ của Đức Giêsu vượt hẳn cử chỉ của ông Gioan Tẩy giả. Ông chỉ loan báo Đấng sẽ đến tha tội cho loài người mà thôi.

Điều quan trọng là màn thần hiệp tiếp nối biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa. Cả ba Tin Mừng Mt, Mc và Lc đều tường thuật màn thần hiện này (Mt 13,16-17; Mc 1,10-11; Lc 3,21-22). Đức Giêsu được giới thiệu là một ngôn sứ qua trung gian biểu tượng chim bồ câu hiện diện trong màn thần hiện. Điều được diễn tả là việc khai trương thời đại mới với “các tầng trời mở ra”. Từ nay chính Thiên Chúa, Con của Ngài trong vai ngôn sứ và Chúa Thánh Linh, sẽ hành động cách mới mẻ. Nơi Đức Giêsu chịu phép rửa, ta có mẫu gốc của bí tích rửa tội theo nghĩa là người chịu bí tích này sẽ trở nên con Thiên Chúa và cũng nhận được Chúa Thánh Linh ở với.

Thiên Chúa đã muốn đến với chúng ta cách rất nhân loại

Thiên Chúa đã muốn đến với chúng ta cách rất nhân loại và hữu hình. Chúng ta cảm nghiệm được Ngài qua nhân tính của Đức Kitô, qua Hội Thánh là dấu chỉ của Chúa Kitô. Nhờ đó Ngài thông ban Thánh Thần là tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa cho ta. Đó là ý nghĩa của các bí tích, ta gặp gỡ Chúa Kitô và có thể nói rằng ta đụng chạm tới Ngài.

Nhờ Đức Kitô, Lời Thiên Chúa vang lên trong Hột Thánh và mời gọi con người tin. Lời đó mạc khải cho tín hữu một kế hoạch cứu độ. Toàn thể tạo thành bao gồm mọi thọ tạo và loài người, cùng với lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai, đều được đưa vào kế hoạch này, để đưa tới sự hoàn thành của chúng ta. Vậy Nước Thiên Chúa được Lời Chúa loan báo, được tiếp nhận trong đức tin, trở nên hiện diện cách hữu hình, cụ thể qua các bí tích.

Phép rửa là bước gia nhập đời sống Kitô hữu và Nước Thiên Chúa, chính là bí tích thứ nhất của Tân Ước.

Để ta có được sự sống mới : Chúa Kitô đã thiết lập bí tích này để tất cả chúng ta có được sự sống mới. Ngài giao bí tích thánh tẩy cho Hội Thánh của Ngài cùng với Tin Mừng : “Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, thánh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.” (Mt 28,19).

Do đó thánh Phêrô đã khuyến cáo đám đông nghe Ngài trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống : “Hãy hối cải và mỗi người trong anh em hãy chịu thánh tẩy nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được tha thứ các tội lỗi, và anh em sẽ được lãnh ơn Thánh Thần.” Vậy những ai đã lãnh nhận lời tông đồ Phêrô thì chịu thánh tẩy... (Cv 2,38).

Thánh tẩy là bí tích của đức tin và là khởi đầu của cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Do đó, Hội Thánh hỏi người dự tòng khi người đó xin được chuẩn bị để chịu thánh tẩy: “Con xin gì cùng Hội Thánh Chúa?” “Thưa, con xin đức tin.” “Đức tin mang lại cho con điều gì?” “Thưa, sự sống đời đời.” Thế rồi, trước khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy, người dự tòng sẽ tái xác nhận chọn lựa của mình bằng cách công khai từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin của mình trước mặt cộng đoàn.

Các trẻ em mới sinh
cũng được rửa tội trong đức tin của Hội Thánh.

Cha mẹ, các người đỡ đầu, các người hiện diện trong buổi cử hành bí tích thánh tẩy, đều tái cam kết về các lời hứa dịp thánh tẩy và lời tuyên xưng đức tin. Họ cũng cam kết giáo dục các trẻ em trong đời sống Kitô hữu, tới ngày các em trưởng thành để có thể khẳng định sự gắn bó riêng các em với Chúa Kitô và Hội Thánh.

Bí tích thánh tẩy luôn là một hành động của cộng đoàn Kitô hữu. Hành động ấy tập hợp người chịu phép rửa vào cộng đoàn mà Chúa Kitô, qua Thánh Thần, đã thiết lập nên mạch suối ơn cứu độ. Cộng đoàn ấy ẵm bồng con cái “mới sinh” nâng niu dìu dắt qua các giai đoạn kế tiếp của cuộc hành trình đức tin.

Nhưng, ngược dòng thời gian, mẫu gốc của bí tích thánh tẩy của Hội Thánh đã xuất hiện tại sông Giođan. Đức Giêsu, Đấng trong trắng vô tội đã khiêm nhường chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy giả. Con Thiên Chúa vô tội đến ở giữa chúng ta là tội nhân để cứu độ chúng ta. Cử chỉ này mạc khải ý nghĩa của cả đời Ngài. Ngài chẳng cần phải sám hối và chịu thánh tẩy nhưng Ngài đã chấp nhận để cho mình bị luận án bất công và bị kết án tử chính là để cứu độ ta.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Vì sao Đức Giêsu là Đấng vô tội lại vui lòng chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy giả, là phép rửa xin ơn tha tội?

2. Tại sao các trẻ em mới sinh mà đã được chịu phép thánh tẩy. Ai là người có trách nhiệm giáo dục đức tin cho các em? Giáo dục các em như thế nào và cho tới khi nào?

Lm Augustine S.J.