PDA

View Full Version : P - Phút cầu nguyện: Bản Chất Ơn Gọi Làm Môn Đệ (Mc 3,13-15)



Dan Lee
01-12-2011, 08:47 PM
Phút cầu nguyện: Bản Chất Ơn Gọi Làm Môn Đệ (Mc 3,13-15)



Quý vị và các bạn thân mến,

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,37). Dường như đã ăn sâu vào văn hóa của người Công Giáo Việt Nam, chúng ta yêu quý những con người được Chúa chọn làm môn đệ. Tuy nhiên, có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi “bản chất ơn gọi làm môn đệ của Chúa là gì?” Bài cầu nguyện hôm nay, chúng ta cùng xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta biết chiêm ngắm Chúa Giê-su chọn các môn đệ và thiết lập nhóm Mười Hai như Mc 3,13-15 tường thuật, để chúng ta hiểu đúng và hiểu sâu bản chất ơn gọi ấy. Nhờ đó chúng ta có động lực và niềm tin tưởng sâu vào tình yêu của Chúa, cố gắng sống theo bản chất đúng nghĩa của ơn gọi làm môn đệ.

Để bắt đầu buổi cầu nguyện, chúng ta cùng đọc lại đoạn Tin Mừng chúa chọn các môn đệ theo thánh Mac-cô:

“Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” (Mc 3,13-15)

Ơn gọi trước hết phải do chính Chúa Cha mời gọi. Chính Chúa Giê-su nhiều lần nói với chúng ta rằng môn đệ của Người là “những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho” (Ga 17,6a.9b.11-12) Người. Ngài khẳng định nếu như Cha không lôi kéo thì sẽ không có ai có thể đến được với Người (Ga 6,44). Ngài muốn những kẻ muốn theo Ngài biết ngồi xuống nhận định để nhận ra rằng chính họ không tự sức theo Ngài được nhưng phải có Cha lôi kéo (Lc 14,25-33; 18,18-27). Trước khi chọn các môn đệ, Chúa Giê-su đã phải lên núi (Mc 3,13), để cầu nguyện với Cha suốt đêm (Lc 6,12). Ngài cầu nguyện để nhận định xem Cha muốn Ngài chọn ai. Đến sáng hôm sau, khi đã cầu nguyện và tìm hiểu ý Cha xong, Ngài mới chọn lấy mười hai ông (Lc 6,13a; Mc 3,13b). Như vậy, chính Chúa Cha thực hiện bước trước trong ơn gọi của chúng ta, những người môn đệ của Chúa. Để nhận định ơn gợi, trước hết phải dành thời gian để cầu nguyện xem “Chúa muốn tôi làm gì?”.

Mặc dầu trong ơn gọi, chính Chúa khởi đầu mời gọi, nhưng ơn gọi vẫn luôn cần sự đáp trả một cách tự do của con người. Chính vì thế, nên Đức Giê-su mới bảo những kẻ cùng đi với Người phải ngồi xuống cân nhắc cẩn thận rồi chọn lựa (Lc 14,25-33). Thiên Chúa không bao giờ dùng quyền để ép buộc ai, Ngài chỉ mời gọi sự cộng tác của con người. Ngài cũng không bao giờ muốn dùng sự ảnh hưởng của cha mẹ, ông bà để ép chúng ta theo Ngài. Ngài cho chúng ta trí khôn, trí hiểu, quả tim biết yêu thương để nhận ra tình yêu của Ngài và suy nghĩ cẩn thận trước khi đưa ra quyết định theo Ngài. Tuy nhiên, Ngài không thích sự đáp trả nửa vời, một chân đi và một chân ở lại. Ngài thích được nhìn thấy nơi chúng ta một sự đáp trả trọn vẹn.

Được mời gọi trở nên môn đệ của Ngài là một ơn đặc biệt Chúa dành chúng ta. Tuy nhiên, tự sức chúng ta cũng không thể đáp lại lời mời gọi đó. Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Ngài. Để có thể tin tưởng và phó thác, chúng ta cần có lòng quảng đại đối với Chúa. Lòng quảng đại ấy thể hiện qua sự sẵn sàng từ bỏ những gì mình đang có để theo Ngài. Có những người như Simon, An-rê, Gia-cô-bê, hoặc Gio-an khi nghe tiếng mời gọi của Người thì bỏ mọi sự ngay lập tức mà theo Người. Nhưng cũng có người như anh thanh niên giàu có, được Chúa mời gọi, nhưng không theo Ngài được vì không dám từ bỏ những gì mình đang có để theo Người (Mc 10, 17-22). Từ bỏ tất cả để chúng ta có thể tự do, không bị ràng buộc; và chỉ có khi từ bỏ thì tim của chúng ta mới có chỗ cho tình yêu của Chúa ngự vào.

Lạy Chúa là Cha của chúng con, bây giờ thì chúng con đã hiểu rõ ơn gọi là lời mời gọi của của Cha và cũng là lời đáp trả của chính từng người chúng con. Cho nên, muốn nhận ra ơn gọi của từng người chúng con thì trước hết chúng con phải biết cầu nguyện để nhận ra tiếng Cha vang lên trong lòng. Tiếp đến, chúng con cũng xin Cha nâng đỡ chúng con để chúng con có sức mạnh từ bỏ những ràng buộc để được tự do đáp trả lại tiếng mời gọi đầy tình yêu của Cha. Vậy xin cho chúng con biết cố gắng lắng nghe Lời của Cha, để nhận ra tiếng Cha mời gọi và mau mắn, quảng đại đáp lại.

Nguyễn Hiền Nhu