PDA

View Full Version : S - Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật thứ Ba Mùa Quanh Năm (Mt 4, 12-17)



Dan Lee
01-21-2011, 09:55 PM
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật thứ Ba Mùa Quanh Năm (Mt 4, 12-17)


Tin Mừng: Mt 4:12-17

(12) Khi Ðức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. (13) Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvunlun và Náptali, (14) để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói:
(15) Này đất Dơvunlun, và đất Náptali,
hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan,
hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại!
(16) Ðoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm
đã thấy một ánh sáng huy hoàng,
những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
(17) Từ lúc đó, Ðức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần".

*** Suy niệm ***

Quý vị và các bạn thân mến,

Khi nhắc đến những người có công khai sáng các nền văn minh, người ta thường đem lòng ngưỡng mộ và cảm phục. Riêng đối với dân tộc được khai sáng, họ biết ơn dường nào đối với những vị đã đem nền văn minh đến cho họ. Hôm nay chúng ta được nhắc đến một Người, không chỉ khai sáng một nền văn hóa, mà còn khai mở một vương quốc và sự sống mới.

Tiên tri Isaia đã loan báo về ngày mà «đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.» Ngày đó được ứng nghiệm cách hoàn hảo với sự xuất hiện của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người.

Người ta không thể cảm nhận được sự tối tăm của đêm tối, cho tới khi có ánh sáng xuất hiện. Nằm trong đêm tối người ta cứ tưởng ánh sáng là như thế, mãi đến khi lần đầu tiên họ được nhìn thấy một thứ hoàn toàn khác so với ánh sáng mà họ tưởng. Cũng thế, trước khi biết đến một nền văn minh khác, người ta cứ tưởng mình là văn minh nhất. Con người cũng thường tự mãn với sự sống mà mình đang có, mãi đến khi nhận ra rằng có một sự sống khác hoàn hảo hơn mà họ cần phải hướng tới.

Đức Giê-su đã đến và khai mở một vương quốc và một sự sống mới. Ngài mang đến, giới thiệu và Ngài còn dẫn dắt những ai muốn bước vào vương quốc và sự sống ấy. Đức Giê-su không chỉ đến để chỉ cho người ta con đường rồi bỏ đi, để mặc người ta « khôn nhờ dại chịu ». Không! Chính Ngài đích thân trở nên là ánh sáng, là con đường, là sự thật để đưa người ta đến sự sống nơi chính Ngài - là sự sống. Để bước vào vương quốc và sự sống ấy, người ta cần phải được tập luyện và chuẩn bị, như chính lời kêu gọi của Đức Giê-su: «Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần».

Con người phải sám hối về điều gì trước cảnh tượng Nước Trời đến gần? Về tội lỗi! Đúng là người ta cần phải sám hối về những tội lỗi như từ ngữ sám hối ám chỉ tới. Nhưng nơi vương quốc mới, người ta không chỉ sám hối về tội lỗi, họ còn phải sám hối về cách mà họ đã nghĩ về Thiên Chúa như một quan tòa khắc khe đối với họ. Người ta cần phải được tập luyện để cảm nhận tình phụ tử của Thiên Chúa dành cho họ. Và cuối cùng, người ta cần phải sám hối về cách mà họ coi người khác như đối thủ chứ không phải là anh em cùng một cha.

Về tội lỗi. Chính Gioan cũng đã kêu gọi người ta tỏ lòng sám hối theo kiểu này. Hơn thế nữa, Chúa Giê-su đến kêu gọi người ta sám hối tội lỗi của họ không chỉ vì sợ ngày tàn khốc ập đến, nhưng vì thật lòng hối tiếc về sự sa ngã của mình trước một Tình Yêu quá lớn, và vì muốn «trở nên hoàn thiện như cha anh em trên Trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5, 48).

Về cách thức mà người ta nghĩ về Thiên Chúa. Người ta thường nghĩ Thiên Chúa là một quan tòa khắc khe luôn rình rập kẻ nào phạm luật; và dường như Ngài kiềm chế cuộc sống và sự tự do của họ. Với quan niệm này, người ta phải sám hối vì họ đã hiểu lầm Thiên Chúa. Đức Giê-su đã dẫn con người đến để giới thiệu với Cha của mình, và để cho con người thấy về một Người Cha nhân hậu, một Người Cha đêm ngày mòn mỏi ngóng trông ngày con trở về (x. Lc 15, 11-32).

Về tương quan với đồng loại. Nhiều khi người ta nghĩ rằng, để mình được ngồi trong nước Trời thì phải có người khác nhường chỗ đó cho mình. Vì thế, người khác trở nên đối thủ cùng chia nhau một chiếc ghế với mình. Chuyện thật tế nhị nhưng không phải không có khi người ta tự cho mình tốt lành hơn anh em. Có bao nhiêu cách mà người ta đua nhau làm công đức theo kiểu này, và không tiếc lời kể công về những công đức ấy. Chúa Giê-su đến mời người ta sám hối về cách mà họ sử dụng luật đối với anh chị em đồng loại của mình: người có tội thì phải bị ném đá (x. Ga 8,5). Và Ngài mời những ai muốn bước vào vương quốc mới, hãy tập «yêu kẻ thù, và làm ơn cho kẻ ngược đãi anh em» (Mt 5, 44).

Nước Trời là những gì Đức Giê-su mời gọi chúng ta sám hối để trở nên. Nước ấy không phải «ở đây này, hay ở kia kìa", nhưng là đang ở giữa chúng ta (x. Lc 17,21). Những ai thấy mình cần phải được tiếp xúc với nền văn minh mới nơi Nước Trời mà Đức Giê-su mang lại, thì đều được mời gọi, và dĩ nhiên được thêm ơn, để luyện tập sống và xây dựng nền văn minh ấy.

Đức Giê-su khai mở ra nền văn minh mới, nền văn minh tình thương và văn minh sự sống; nơi đó người ta cần phải sám hối để có thể vào được Nước Trời đang gần kề. Với tinh thần sám hối mới, người ta không chỉ sám hối những gì đã qua, nhưng còn chuẩn bị cho những gì phía trước. Xin Chúa Giê-su là Đấng mang đến nền văn minh Nước Trời, cũng giúp chúng ta tập luyện để sẵn sàng sống trong nền văn minh của Ngài.


Hà Thanh Bình