PDA

View Full Version : Tin Tức Về Sức Khỏe



Nhím Hoàng Kim
01-23-2011, 05:14 PM
Liều Thuốc Sinh Tố B12

Do ban Báo Chí Ðài Bắc , Formosa

Sinh Tố B12 Là Gì ?

Sinh tố B12 là gì và quan trọng đối với sức khỏe của con người như thế nào ? Sinh tố B12 mang trọng trách tạo ra máu . Nó chỉ có thể được hấp thụ để xử dụng khi có sự hiện diện của nhân tố hỗ trợ , đó là chất mucoprotein tìm thấy trong bao tử và ruột . Sinh tố B12 nguyên thủy được rút ra từ gan động vật vào đầu năm 1947 , và được dùng để trị bệnh thiếu máu ác tính (sự giảm dần hồng huyết cầu kinh niên trong máu). Sau này , những nhà khảo cứu đã dùng phương pháp lên men để kết tạo ra những lượng lớn Sinh tố B12 từ một dung dịch có vi khuẩn (streptomyces griseus). Kỹ thuật này vẫn tiếp tục được xử dụng rộng rãi trong ngành y dược . Tên hóa học của Sinh tố B12 là cyanocobalamin . Sinh tố B12 , còn được gọi là Cobalamin , có thể dùng để chữa bệnh thiếu máu ác tính và thường được gọi là "yếu tố chống bệnh thiếu máu ác tính." Sự hiện diện của khoáng chất phosphorous và cobalt trong cấu trúc phân tử của B12 khiến nó có màu đỏ , và là loại sinh tố duy nhất với màu đỏ trong suốt , nên được mệnh danh là "Sinh tố đỏ". Là chất sinh tố duy nhất chứa đựng tất cả những khoáng chất thông dụng , sinh tố B12 có nhiều dạng , chẳng hạn như B12a , B12b , và B12c . Nó thường gồm có một phân tử coban nối liền với một nhóm CN và một nhóm OH hay NO2 .

Sinh Tố B12 và Sức Khỏe Cơ Thể

Sinh tố B12 là một trong những yếu tố tối cần thiết trong cơ thể con người . Thí dụ , nó đóng một vai trò quan trọng trong sự phân chia và sinh trưởng của nhiều loại tế bào khác nhau , kể cả hồng huyết cầu . Ngoài ra , nó cũng cần thiết cho sự đổi mới của những tế bào thượng bì và trưởng dưỡng chất myelin , lớp bảo bọc chung quanh dây thần kinh . Nói về sự vận hành trong cơ thể , Sinh tố B12 có bảy chức năng chánh như sau :

* Giúp biến thể những chất đạm , chất béo , và tinh bột (carbo-hydrates). Ðiều này có nghĩa là nếu chúng ta tiêu thụ càng nhiều những thứ này thì cơ thể càng cần nhiều B12 hơn để biến thể chúng . Trong các chất dinh dưỡng này , chất đạm (prô-tê-in) tiêu thụ nhiều Sinh tố B12 nhất .

Cung cấp một chất liệu cần thiết cho tiến trình cấu tạo máu (qua sự hỗ tương tác dụng với át xít folic), từ đó ngăn ngưà bệnh thiếu máu .

Giúp duy trì sự vận hành bình thường của hệ thống thần kinh trung bộ .

Giúp trẻ em phát triển , và ăn thấy ngon miệng hơn .

Tăng sức mạnh .

Giúp tránh bệnh hay lo âu và tính hiếu động .

Tăng sức chú ý , trí nhớ , và cảm giác thăng bằng .


Sự Hấp Thụ và Dự Trữ Sinh Tố B12 Trong Cơ Thể Con Người

Theo những khảo cứu y khoa , khi Sinh tố B12 vào cơ thể , nó sẽ tạo nên một hợp chất với một nhân tố bên trong do những tế bào lớn của tuyến tiêu hóa (parietal) trên niêm mạc (màng chất nhờn) dạ dày tiết ra , trước khi được hấp thụ bởi những cơ hấp thụ (receptor) trong hồi tràng [phần hạ] của ruột non với sự hiện diện của những ion chất vôi . Trên lý thuyết , nếu bao tử chúng ta hoạt động bình thường và chúng ta đã dùng một ít lượng ion chất vôi , cơ thể sẽ hấp thụ được tất cả Sinh tố B12 trong bất cứ thức ăn nào , do đó sẽ không bị thiếu B12 . Vì vậy , nói rằng số lượng lớn Sinh tố B12 trong rong biển và một số loại đậu phụng không được cơ thể hấp thụ trực tiếp là không đúng .

Một khám phá đáng mừng cho biết rằng sự mang thai sẽ dẫn đến sự tăng trưởng lạ thường số lượng cơ hấp thụ trong ruột hồi , dó đó đảm bảo sự hấp thụ Sinh tố B12 tốt hơn . Ngược lại , sự vắng mặt của nhân tố hỗ trợ bên trong có thể dẫn đến sự thiếu Sinh tố B12 . Sự giải phẩu cắt xén đi một phần hay tất cả bao tử (gastrectomy) cũng như bệnh bao tử do tiết ra nhân tố hỗ trợ thấp cũng có thể ngăn trở cơ thể hấp thụ Sinh tố B12 , gây nên bệnh thiếu máu ác tính (sự giảm dần hồng huyết cầu kinh niên trong máu). Những trường hợp này phần lớn là do bao tử không thể tạo nhân tố hỗ trợ cần thiết cho sự hấp thụ Sinh tố B12 .

Một khi Sinh tố B12 được hấp thụ , nó được chứa trong gan , và được di chuyển bởi những chất hỗ trợ như transcobalamin I và II vào trong máu khi cơ thể cần đến . Ngoài việc cấu tạo máu , Sinh tố B12 cũng tham gia trong sự hóa sinh nhóm mê-thyl , và do đó , có một ảnh hưởng gián tiếp nhưng mạnh mẽ trong tiến trình hóa hợp chất purine và pyrimidine nucleotides tức là những phần của át-xít nucleic là cấu trúc hình thành của DNA . Sinh tố B12 hoạt động tốt nhất khi được hấp thụ cùng lúc với át-xít folic , và có thể phục hồi sức sống cho cơ thể trong một thời gian rất ngắn . Nó bổ sung cho những phần tử khác của nhóm Sinh tố B cũng như là Sinh tố A , C , và E . Sinh tố B12 được hấp thụ dễ dàng khi tuyến giáp (thyroid gland) hoạt động bình thường . Những triệu chứng thiếu Sinh tố B12 chỉ được phát hiện khoảng 5 năm sau khi cơ thể bị mất hết Sinh tố B12 .

Sinh tố B12 có thể chịu được độ nóng cao , nhưng bị tổn thương khi gặp át-xít , chất kiềm (alkalis), sự ẩm ướt , cà-phê , thuốc lá , rượu , kích thích tố estrogen , và thuốc ngủ . Nếu dùng những thứ này cùng lúc với Sinh tố B12 , chúng sẽ trung hòa ảnh hưởng của B12 hoặc ngăn trở sự hấp thụ B12 vào trong cơ thể . Rượu cũng ngăn cản sự hấp thụ của Sinh tố B1 , B2 , B6 , và B12 , át xít folic , Sinh tố C và K , chất kẽm (zinc), magnesium , và chất vôi (calcium). Vì tính ức chế này có hại đến sức khỏe , chúng ta nên ngừng uống rượu .

Thực Phẩm Chay Có Sinh Tố B12

Những nhà khảo cứu y học và chuyên gia dinh dưỡng đã từng cho rằng Sinh tố B12 chỉ có trong thịt , như bò , heo , gà , và gan , cũng như trong trứng , và rất hiếm có trong thực phẩm thực vật . Từ những cuộc khảo cứu , họ kết luận rằng sự suy thiếu Sinh tố B12 thường thường là nguyên nhân gây nên bệnh thiếu máu trong những người ăn chay . Quan niệm sai lầm này có thể là do sự khảo sát không đầy đủ hoặc sự quên sót về những thực phẩm thực vật như Chlorella (rong xanh nước ngọt) và Sprirulina , là những thực phẩm có nhiều Sinh tố B12 , nhiều chất đạm và nhiều chất bổ dinh dưỡng hơn thịt bò và gan . Cộng đồng Ðông Y cũng tìm thấy nhiều dược thảo Trung Hoa như Chinese Angelica (cây bạch chỉ), Angelica keiskei , và Comfrey (Symphytum officinale) có Sinh tố B12 ... lúa mì nguyên chất , gạo lức , rong biển (seaweed), cỏ ngũ cốc , cám gạo , hoa cúc , nấm , đậu , rau củ ngâm dấm chua , sản phảm phụ lên men của đậu (ví dụ miso , chao , và đậu đen lên men), và những chất men [yeast] (ví dụ beer không có chất rượu), tất cả đều có sinh tố này . Cho nên , những người ăn chay không cần phải lo thiếu Sinh tố B12 . Thượng Ðế đã cho đầy đủ . Chúng ta chỉ cần hiểu biết để khai mở kho tàng vô tận này .

Người lớn , ăn chay hay không , chỉ cần số lượng rất ít Sinh tố B12 để được khỏe mạnh . Tuy nhiên có những nơi trên thế giới mà con người có thể tạo ra Sinh tố B12 bên trong cơ thể . Thử nghiệm vi trùng lấy từ ruột của một số người ăn chay tại Ấn Ðộ đã tìm ra những siêu sinh vật có khả năng này . Tình trạng thiếu Sinh tố B12 cũng có thể biết được qua sự thử máu . Nếu lượng sinh tố này gần hay dưới mức bình thường , cần phải dùng thuốc bổ sung .

Chức Năng Mới của Sinh Tố B12 Khám Phá Bệnh Ung Thư

Y học đã chứng thực rằng tất cả sinh vật cần Sinh tố B12 như một đồng sự gây men trong tiến trình biến thái và tái tạo (hình thành DNAvà RNA ) của tế bào cơ thể . Sự suy thiếu Sinh tố B12 lâu dài có thể gây nên một số bệnh . Chẳng hạn như hồng huyết cầu của một người bình thường sinh trưởng và chết đi trong vòng 120 ngày . Tế bào máu mới được cấu tạo từ trong những tế bào tủy để đảm bảo sự vận chuyển bình thường của thân thể . Mặc dầu vậy , tình trạng thiếu Sinh tố B12 có thể làm cho hồng huyết cầu hoạt động rối loạn hoặc không thành hình được , do đó gây nên bệnh thiếu máu megaloblastic (trong máu có những hồng huyết cầu với kích thước không bình thường). Trong một vài truờng hợp , tình trạng thiếu Sinh tố B12 kéo dài có thể trì trệ sự thành hình và hoạt động của tủy sống (myelin), cuối cùng dẫn đến chứng rối loạn thần kinh (viêm màng óc) hoặc sự phát triển não bộ không được đầy đủ . Nói một cách khác , dùng Sinh tố B12 đầy đủ rất quan trọng cho sức khỏe của con người . Dựa trên lý thuyết là tất cả các tế bào của cơ thể , đặc biệt là những tế bào biến hóa nhanh chóng , cần Sinh tố B12 , những nhà khảo cứu tại Bệnh Viện Mayo ở Hoa Kỳ đã sáng chế một vai trò mới cho sinh tố này , đó là dò bệnh ung thư . Tất cả tế bào ung thư đều trải qua sự biến thái nhanh chóng , có nghĩa là chúng cần một số lượng lớn Sinh tố B12 để sinh trưởng . Những nhà khảo cứu tại Viện Mayo đã tìm thấy là nếu Sinh tố B12 được kết hợp với nguyên tử phóng xạ , rồi chích vào cơ thể , máy chụp hình quang tuyến X ba chiều (CAT scan) sẽ cho thấy mức độ phóng xạ khác nhau của các tế bào . Ðiều này giúp các nhà khảo cứu theo dõi tới đúng chỗ của những tế bào ung thư , là những tế bào tiêu thụ nhiều Sinh tố B12 phóng xạ hơn những tế bào bình thường . Những thí nghiệm khởi đầu tại Viện Mayo đã tìm thấy kỹ thuật "khám phá tài tình" này đã thành công trong việc định vị trí phát triển của ung thư trong 90 phần trăm bệnh nhân . Kỹ thuật này rất hữu ích trong việc định bệnh ung thư vú , trong khi chụp hình quang tuyến X theo cách thông thường ít xác thực hơn . Một bệnh nhân nữ chẩn bệnh bằng kỹ thuật mới này tại Viện Mayo chỉ cần phải cắt bỏ một phần thay vì tất cả bộ ngực của bà . Khảo cứu cũng cho thấy là kỹ thuật mới có thể dùng để chẩn bệnh ung thư phổi , tuyến giáp (thyroid), tuyến tiền liệt (prostate), ruột , não bộ , và xương . Khám phá này là một phát hiện chính trong sự chẩn bệnh và chữa bệnh ung thư .

Nhím Hoàng Kim
01-24-2011, 10:56 PM
Khoa Ký Sinh Trùng và Việc Ăn Chay

Do nữ đồng tu Hsu Weilin ,
Ðài Bắc , Formosa .

Lời mở đầu : một bữa tiệc , một bà kia gọi một đĩa thức ăn toàn là rau cải vì bà ăn chay . Một người đàn ông mà bà không hề quen biết , ngồi bên cạnh , cũng chỉ có một đĩa rau để trước mặt . Ông này hỏi : "Thưa bà ăn chay hay sao ?" Bà ấy trả lời : "Dạ phải , còn ông ?" Ông đáp : "Không , không phải ; tôi là người kiểm tra thịt."

Là sinh viên y khoa và ăn chay trường , nhiều năm qua tôi đã hiểu thêm rất nhiều và ấn chứng một cách rộng rãi sự lợi ích và cần thiết của việc ăn chay trong đời sống con người . Qua những học hỏi về các nghiên cứu khoa học , tôi hy vọng nhiều người sẽ ý thức tầm quan trọng của việc ăn chay , sự liên hệ giữa nguyên nhân và hậu quả , và sự nguy hại của việc ăn thịt đối với thể xác cũng như tinh thần . Từ xưa , nghành thuốc bắc đã nhấn mạnh rằng : "Với lực dương ở bên trong chúng ta , lực âm không thể làm phiền tới chúng ta." Cho nên , ngừa bịnh hơn chữa bịnh . Nếu loài người chọn tiêu thụ các loại thực phẩm có lợi cho cơ thể , trí óc và tâm linh , chấp nhận và theo đuổi khái niệm ăn chay đúng cách , khỏe mạnh và bổ dưỡng , đồng thời giữ vệ sinh trong việc ăn uống thì họ không còn phải sợ những độc tố , do đó sẽ có một đời sống tự do , khỏe mạnh , hạnh phúc , thoải mái và vô tư hơn .

Có người biện hộ việc ăn thịt , lấy lý do rằng thân thể con người cần thịt mới đủ dinh dưỡng và có sức khỏe tốt , nhưng nhà thương vẫn đầy bệnh nhân , hầu hết là những người ăn thịt . Trong trường hợp này thì rõ ràng là ăn thịt không giảm bớt bệnh trạng và triệu chứng đau đớn của những người này . Trái lại họ còn mắc phải nhiều thứ bệnh thật không đáng cũng chỉ vì ăn thịt . Ðiều này khiến tôi nhớ tới câu nói của một vị bác sĩ ăn chay nổi tiếng , ông J. H. Kellogg , tại một bữa tiệc chay : "Thật vui sướng khi chúng ta ăn chay , như vậy sẽ không phải lo tới nguyên nhân gì đã làm chết những con vật mà chúng ta ăn !" Sau khi hiểu nhiều hơn về sự thật này , phải chăng chúng ta nên cẩn thận hơn trước khi cầm đũa gắp thức ăn ?


Sự liên hệ giữa ký sinh trùng với chủ nhân và hình thức nhiễm bệnh

Tùy sự liên hệ với chủ nhân , ký sinh trùng có thể được sắp làm sáu loại khác nhau . Loại thứ nhất là ngoại ký sinh trùng , như con chấy sống trên thân thể . Loại thứ hai là nội ký sinh trùng , kể cả sán xơ mít , sán đũa , và các loại sinh vật khác , sống trong lỗ hổng của thân thể , ruột , cơ tạng và tế bào của chủ nó .

Vì loại ký sinh trùng thứ hai này phần đông sống trong các lỗ hổng của thân thể và ruột , chúng ta có thể suy ra một cách dễ dàng rằng chúng bắt nguồn trực tiếp từ những thói quen sống và cách ăn uống của chủ . Ăn thịt của loài vật ăn thịt và loài vật ăn cây cỏ , kể cả bộ phận bên ngoài và bên trong của heo , bò , tôm , cá , là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh ký sinh trùng trong cơ thể con người . Con đường nhiễm bệnh nhiều nhất là đi qua miệng . Thí dụ như trứng của sán tròn , sán roi , và những cục sán con hay ấu trùng (dòi) của các loài vật ký sinh khác đi vào cơ thể con người qua thức ăn , nước uống bị ô uế . Nhiễm bệnh từ rau cỏ thường là do ăn sống , cái này có thể tránh được dễ dàng . Tuy nhiên , đối với những loại ký sinh trùng khác , nếu không phải là người ăn chay , thì xin hãy coi chừng . Ngoài những nguyên nhân gây bệnh này còn có chất bài tiết (phân) của gia súc , đây cũng là căn nguyên phát sinh ra nhiều loài vật ký sinh . Người có thể bị nhiễm qua da , qua đồ ăn thức uống bởi ruồi , muỗi , phân người và phân thú , qua nước dơ và nhiều phương cách khác .

Các thí dụ khác về ký sinh trùng có hại cho cơ thể con người là sán lãi , được phân loại như sau :

1. Tuyến trùng (sán) : sán tròn , sán kim , sán móc .

2. Sán (fluke) : sán gan tàu , sán ruột .

3. Sán xơ mít : sán xơ mít trong heo , sán xơ mít trong bò .

Sán đơn bào sống trong các lỗ hổng cơ thể : Sán Entamoeba histolytica ; E-coli.

Ký sinh trùng gây bệnh cho chủ qua ba hoạt động dưới đây :

1. Hút dinh dưỡng : Ký sinh trùng hút chất dinh dưỡng từ chủ nhân để ăn , lớn , sinh sôi nẩy nở và sinh tồn . Ðây là một trong những hậu quả tai hại thông thường nhất mà ký sinh trùng gây ra cho chủ . Thí dụ : Sán tròn và sán xơ mít của heo sống trong ruột , rút chất bổ trong thân thể nơi ruột , gây chứng thiếu dinh dưỡng .

2. Tác dụng cơ học : Ký sinh trùng có thể gây nguy hại cho chủ bằng cách làm nghẽn , ép và phá hoại trực tiếp . Thí dụ : Nhiều sán tròn trong ruột có thể gây sự nghẽn ruột ; bọc ấu trùng có thể ép mô não , gây nên bệnh kinh phong ; sán ruột bám vào màng ruột bằng vòi hút gây chứng sưng ruột , chảy máu liên tục , kể cả phá hoại các mô bào của ruột .

3. Tác dụng hóa học : Tính kích thích của biến chất (sinh ra bởi sự biến hóa trong cơ thể), phân và các chất bài tiết của ký sinh trùng , những chất hóa học sinh ra từ ký sinh trùng đã chết , có thể gây nhiều thiệt hại cho thân thể . Thí dụ : Loại sán Entamoeba histolytica tiết ra chất men phá hủy màng ruột và phía trong là mô ruột , gây bệnh loét ruột . Nếu có quá nhiều chất tiết ra bởi ấu trùng trong mô , những dị chứng nặng nề có thể phát sinh , người bệnh có thể bất tỉnh vì thụ độc . Khi ký sinh trùng hút máu từ cơ thể của người , chúng cũng tiết ra những chất khác có tác dụng làm loãng máu , đau nhức chỗ chích gây nên chứng viêm ruột .

Khi sức đề kháng của thân thể cao hơn sức tấn công của ký sinh trùng thì những ký sinh trùng vào bộ phận sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn hoặc bị trục xuất ra khỏi thân thể . Khi sức đề kháng của thân thể tạm thời ngang ngửa với sức tấn công của ký sinh trùng , một số nhỏ các ký sinh trùng có thể sống hoặc sinh sản trong thân thể . Dù chúng có thể chưa làm hại hoặc gây những triệu chứng gì đối với bộ phận đó , nhưng người mắc phải có thể trở thành người mang nọc bịnh . Khi sức đề kháng của thân thể yếu hơn của ký sinh trùng , những thay đổi bệnh trạng và triệu chứng rõ rệt sẽ xảy ra , người đó trở thành mắc bệnh ký sinh trùng .

Loại sán xơ mít thường tìm thấy trong đường tiêu hóa của người là sán Taenia solium (còn gọi là sán heo), sán Taenia saginata (sán bò), và sán Hymenolepis nana (sán lùn). Bây giờ chúng ta dùng sán heo làm ví dụ . Sán heo mẹ (trưởng thành) sống trong ruột non của người gây nên bệnh sán xơ mít . Những sán con (ấu trùng) được gọi là cysticerci , sống trong thịt heo và thịt người gây chứng bọc sán . Khi ăn thịt heo tái hay chưa chín hẳn có loại sán con này , chúng bị kích thích bởi mật trong đường tiêu hóa , co đầu lại và móc vào lớp nhày trong ruột . Những đốt sán từ cổ tiếp tục mọc ra và trở thành sán mẹ trong hai tới ba tháng . Bình thường , có một con sán mẹ sống trong thân thể của người , nhưng cũng có thể có nhiều . Sán mẹ có thể sống tới trên 25 năm . Sán con sống trong thân thể của người gây chứng bọc sán , làm hại thân thể của người nhiều hơn là sán mẹ , tùy theo chỗ chúng tụ tập trong cơ thể và tùy theo số lượng .

Số ấu trùng này sống trong thân thể con người có thể có nhiều từ 1 tới 10 ngàn con . Những nơi trong thân thể mà loại ấu trùng này sống , kể theo thứ tự là mô dưới da , bắp thịt , não , tim , gan , phổi và bụng . Khi chúng sống dưới da và trong thịt , những cục bứu nhỏ hình thành , nhiều khi gần nhau thành chùm , đa số ở trong đầu và thân mình , rất ít khi có ở tứ chi . Thường thường không thấy triệu chứng rõ ràng , chỉ một vài đau nhức trong bắp thịt . Nếu ấu trùng của sán xơ mít sống trong não bộ , chúng sẽ ép bên trong đầu làm bịnh nhức đầu , nôn mửa , bất tỉnh , mờ thị giác và kinh phong . Trầm trọng hơn nữa là chúng có thể gây liệt một bên người , liệt nửa thân dưới , không nói được và chứng thần kinh . Nếu chúng sống trong mắt , thị giác sẽ bị ảnh hưởng , nhiều khi những cử động của sán có thể trông thấy được , và nếu nặng hơn nữa , mù mắt có thể xảy ra .

Sán Entamoeb histolytica cũng gọi là Amoeba dysenteriae , phần nhiều sống trong ruột của người . Dưới những điều kiện nào đó , nó có thể làm thủng ruột đi vào máu , gây chứng kiết lỵ và những chứng khác .

Trong những năm gần đây , trước sự lo sợ của bệnh "bò điên", bệnh dịch gà tại Hồng Kông , và những trường hợp heo , gà bị nhiễm khác , người ta bắt đầu thận trọng hơn , để ý tới những vấn đề nguy hại gây ra bởi ký sinh trùng , vi trùng , và vi khuẩn . Do đó , vì sức khỏe và sự an toàn , nhiều người bắt đầu dùng đồ chay bổ dưỡng thay vào đồ thịt . Việc ăn chay nhờ vậy không những trở nên một xu hướng của thời nay mà còn là một sự tỉnh thức của con người .