Dan Lee
01-28-2011, 06:54 PM
XUÂN THANH BÌNH
“Lại một mùa Xuân nữa tới à? / Một mùa Xuân nữa sắp đi qua”, đó là 2 câu mở đầu cho một bài thơ Xuân của tôi (*). Cũng chẳng khác tâm trạng Xuân Diệu “Xuân đang tới nghĩa là Xuân đang qua./ Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già” (“Vội vàng”). Tuy nhiên, Xuân Diệu thì “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ./ Em em ơi tình non đã già rồi” (“Giục giã”) để kịp hưởng hương sắc mùa Xuân; nhưng còn tôi thì ”Mai ngơ ngác nép cành thông cỗi./ Cúc ngẩn ngơ chen khóm trúc già”, nên chi cứ “bước đi một bườc lại dừng…” (Nguyễn Du). Tại sao thế? Vì đi nhanh rất có thể bị xe đụng, bị té u đầu (chấn thương sọ não là cái chắc!), rồi còn bị thiên hạ chửi “ông già mù hả? điếc à?” Khổ thế đấy! Biết làm sao được, hở trời? ĐỊnh viết một bài về Xuân, mà nói về Xuân là phải nói về những vui tươi, rực rỡ, không ngờ ngòi bút – í quên, những ngón tay gõ trên bàn phím – lại toàn gõ những câu ỉu xìu, ảm đạm. Âu cũng là nghiệp dĩ của những anh chàng ưa “bôi nhọ giấy trắng” (hay “bôi nhọ màn hình”?)
Bài Tin Mừng đêm Giao Thừa năm nay có chủ đề giống như CN IV/TN-A (30/01/2011), đó là Hiến chương Nước Trời (Tám mối Phúc). Bài này đã được chia sẻ rồi, nay xin chia sẻ bài TM Tân niên (03/02/2011) : “Tin tưởng vào Chúa quan phòng” (Ga 14, 23-27 hay Mt 6, 25-34). Bài TM đêm Giao Thừa nói về những quy định hướng dẫn con người hành động nếu muốn được hưởng hạnh phúc đích thực nơi quê Trời. Cứ kể ra thực hành được bản Hiến chương Nước Trời cũng khó khăn vô cùng, bởi con người vốn luôn ngại khó ngại khổ. Quả thật “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học). Tuy nhiên, nếu suy niệm bài TM Tân niên (Ga 14, 23-27) cho chín chắn, sẽ tìm được lối thoát để vượt qua được những cái khó, cái khổ ngăn trở trước mặt. Điều kiện tiên quyết là phải tin vào Thiên Chúa quan phòng. Tin và làm theo Lời dạy của Đức Giê-su Thiên Chúa, ắt sẽ được như nguyện ước ("Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" – Ga 14, 23). Làm theo Lời Người dạy, mà Người đã dạy thế nào?
Trong bài TM Tân niên 1 (Ga 14, 23-27), Đức Ki-tô chỉ khuyên là hãy giữ Lời Người, mà Lời ấy không phải của Người, nhưng là của Đấng đã sai Người. Người không nói rõ ở đoạn này vì Lời Người dạy nhiều lắm, nhiều không kể xiết. Tuy nhiên, nếu đọc qua bài TM 2 cùng chủ đề (Mt 6, 25-34), thì cũng hiểu được một phần. Đó là Lời dạy của Đức Giê-su Ki-tô, khuyên mọi người đừng lo cái ăn cái mặc thường ngày, việc ấy đã có Thiên Chúa quan phòng lo cho ("Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt 6, 25). Đừng lo cái ăn cái mặc, nhưng hãy lo “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chinh của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Tuy nhiên, đến câu kết, thì Người lại dạy: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 34). Và đó cũng là lý do khiến kẻ viết bài này “lại toàn gõ những câu ỉu xìu, ảm đạm”.
Vâng, chuyện cơm áo gạo tiền là chuyện – biết rồi, khổ lắm, nói mãi – đã quấy rầy tôi trong suốt cả cuộc đời, và nhất là từ năm 1975 tới nay. Nó không hề để tôi yên và hễ cứ tới Tết thì hình như nó lại lên mặt (lên giá đấy!) kênh kiệu với tôi, như thách thức. Tôi vẫn không quên được năm Ất Mão (1975) phải gánh chịu 2 đại tang (phụ mẫu cùng khuất núi trong một năm), một căn nhà đi tong và nghề nghiệp khốn đốn vì thời cuộc, cộng với một trận ốm thập tử nhất sinh. Đến năm Kỷ Mão (1999) thì vợ chết, nhà bị giải toả, bản thân thì “sung huyết bao tử”. Còn năm nay lại là Tân Mão (mà tôi tuổi Kỷ Mão – 1939), chẳng biết ra sao ? “Que sera… sera…? What will be… will be…?” (Ừ! Đúng vậy! “Sẽ ra sao ngày sau?”. Câu hát này, hồi chế độ cũ, chúng tôi đã hát thế này: “Cứ xê ra xề ra… Muốn ăn bi xài bi…” (ăn bi là ăn đạn đó). Hồi đó nghêu ngao hát cho vui, chớ ai dại gì cơm không ăn lại thích ăn đạn. Sau 1975 nhớ lại, nhiều lúc cũng muốn tự tặng mình một viên đạn cho xong; nhưng khổ một nỗi ngày nào cũng sáng khoai lang luộc, chiều luộc khoai mì, cơm còn chẳng có mà ăn thì đào đâu ra đạn mà đòi ăn. Thậm chí muốn mua được khoai lang, khoai mì cũng phải biết Xếp Hàng Cả Ngày (XHCN – Xã hội chủ nghĩa đấy!) Buồn chết được. Quả thật “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”.
Thầy Chí Thánh đã dạy: “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo”; nhưng tiếp liền theo đó thì Người lại phán: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 34). Ngày mai của hôm nay sẽ được gọi là hôm nay của ngày mai (hôm nay gọi ngày cận kề sắp tới là ngày mai, khi cái ngày cận kề ấy tới rồi thì lại gọi nó là hôm nay và cái ngày ở vế trước của câu nói đã trở thành hôm qua, không còn là hôm nay nữa). Đúng là cái vòng luẩn quẩn, nên mới “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (hôm nay: khổ, ngày mai cũng sẽ khổ, bởi hôm qua đã khổ rồi). Thôi chết! Bí mất rồi! Còn nhớ năm ngoái viết bài cho Tết (bài “Đầu năm khai bút” – xc. Tr. “các tác giả” – Thanhlinh.net) cũng chia sẻ về cùng một bài TM (Mt 6, 25-34), và cũng bí rị. Bình tâm lại, bèn đấm ngực 3 lần mà “mea culpa, mea maxima culpa”. Quả thật “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Né bài TM đêm Giao Thừa thì còn khả dĩ, nhưng ai bảo tham lam quá, ôm luôn cả 2 bài Tân niên (trong khi được chọn 1 trong 2). Thế đấy! Ham nói thì tránh sao khỏi trật đường rầy hoặc đâm vào ngõ cụt. Trong cái khó ló cái khôn, trong cái bí bỗng loé tia sáng. Hình như có ai nhắc nhở: “Ai bảo đang chia sẻ bài 1 (Ga 14, 23-27) lại sa vào bài 2 (Mt 6, 25-34) để bí rị. Quay lại bài 1 đi, và đọc kỹ đoạn cuối”. Tôi thở phào nhẹ nhõm và căng đôi mắt kèm nhèm đọc đi đọc lại bài 1, nhất là câu 26 gần cuối bài: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Vâng, đầu óc lú lẫn đã quên mất Đấng hằng soi sáng hướng dẫn tìm ra ánh sáng chân lý, đó chính là Chúa Thánh Thần.
Tuổi già nó khổ thế đấy! Lan man, ôm đồm, tham lam, và cuối cùng thì bí rị, khiến đầu óc căng lên. “Cái đầu căng thẳng là tại cái tâm thiếu an bình”, có lẽ thế chăng? Đúng vậy, tim thiếu máu hoặc tăng áp lực thì đầu óc căng thẳng, tim đập loạn xạ thì đầu óc rối tung, đột quỵ, nhưng nếu tim ngưng đập thì đầu cũng đi tong. Vì thế, trái tim phải cân bằng, phải an bình. Nhắc đến an bình lại nhớ đến bài viết “Đêm an bình” (xc. <Thanhlinh.net>, tr. “các tác giả”) trong đó có vấn nạn “Đức Giê-su giáng trần đem lại bình an cho nhân thế. Đêm Giáng Sinh là đêm an bình, mùa Giáng Sinh là mùa hoà giải. Vậy tại sao chiến tranh, khủng bố vẫn liên tục xảy ra khắp nơi, ngay đến nơi Chúa hoạt động cho sứ vụ cứu độ loài người là Giê-ru-sa-lem cũng vẫn còn xảy ra tranh chấp (giữa Israel và Palestin) và ngòi nổ chiến tranh vẫn âm ỉ ?”. Cái đầu căng thẳng là tại cái tâm không an binh, mà nhiều cái tâm không an bình trong một xã hội có thể gây nhiễu loạn đủ thứ. Chẳng thế mà đầu năm nay (dl), ĐTC Biển Đức XVI đã mở đầu cho Sứ điệp Hoà bình : ”Năm vừa kết thúc, thật đáng buồn, lại được đánh dấu bằng sự bách hại, phân biệt đối xử, bằng những hành động đáng sợ của bạo lực và bất khoan dung đối với tôn giáo” (SĐ NHÂN NGÀY HOÀ BÌNH THẾ GIỚI, số 1). Tiếp theo là ngài nhắc đến vụ bạo lực khủng bố tại I-rắc khiến 2 linh mục và 50 giáo dân tử thương (ngày 31/10/2010). Ai cũng nghĩ muốn có hoà bình thì phải chấm dứt chiến tranh, khủng bố. Nghĩ như thế tuy không sai, nhưng chưa đủ, vì “Hòa bình là một ơn Chúa ban và cũng là một kế hoạch phải được thực hiện, nhưng chẳng bao giờ đạt được trọn vẹn. Một xã hội đã giao hòa với Thiên Chúa thì tiến đến gần hòa bình hơn, và hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh, cũng không đơn giản là kết quả của một ưu thế quân sự hay kinh tế, càng không phải là những thủ đoạn dối trá hoặc các dàn xếp khôn khéo. Hòa bình, trên thực tế, là kết quả của một quá trình thanh luyện và nâng cao văn hoá, đạo đức và tinh thần của mỗi người và của từng dân tộc, một quá trình mà trong đó nhân phẩm con người được tôn trọng đầy đủ.” (ibid, số 15). “Thanh luyện, nâng cao văn hoá, đạo đức và tinh thần...”, có như thế thì mới có được cái tâm an bình. Muốn có hoà bình, mỗi người và mọi người cần thiết phải có một cái tâm an bình trước đã.
Từ lời chúc đầu năm của ĐTC Biển Đức XVI: “Đầu năm mới, tôi muốn gửi đến mọi người và từng người lời chúc an vui, thịnh vượng, và trên tất cả, là lời chúc bình an” (ibid, số 1), xin mọi người – trong tâm tình phụ tử – cùng mở rộng tấm lòng đón nhận lời chúc của vị Cha chung và biến nó thành lời cầu nguyện (như lời kinh của Thánh Phan-xi-cô As-si-si – “Kinh Hoà bình“), để có được một cái tâm an bình hầu chung tay góp sức xây dựng một mùa Xuân Thanh Bình, một nền hoà bình trường cửu trên quê hương Việt Nam, cho đến tận cùng trái đất. Vâng, xin hiệp lời: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phung sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa... Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ƠN AN BÌNH“. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
---------------------------------------------
(*) Nguyên văn bài thơ : XUÂN LẠI VỀ SAO?
“Lại một mùa Xuân nữa tới à?
Một mùa Xuân nữa sắp đi qua.
Mai ngơ ngác nép cành thông cỗi.
Cúc ngẩn ngơ chen khóm trúc già.
Tuổi có Xuân đâu, mà Hạ gắt.
Đời còn Thu đó, đã Đông tà.
Cũng đành vui với Xuân thiên hạ
Nhấp chén trà thiu – một tiếng “khà!”
“Lại một mùa Xuân nữa tới à? / Một mùa Xuân nữa sắp đi qua”, đó là 2 câu mở đầu cho một bài thơ Xuân của tôi (*). Cũng chẳng khác tâm trạng Xuân Diệu “Xuân đang tới nghĩa là Xuân đang qua./ Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già” (“Vội vàng”). Tuy nhiên, Xuân Diệu thì “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ./ Em em ơi tình non đã già rồi” (“Giục giã”) để kịp hưởng hương sắc mùa Xuân; nhưng còn tôi thì ”Mai ngơ ngác nép cành thông cỗi./ Cúc ngẩn ngơ chen khóm trúc già”, nên chi cứ “bước đi một bườc lại dừng…” (Nguyễn Du). Tại sao thế? Vì đi nhanh rất có thể bị xe đụng, bị té u đầu (chấn thương sọ não là cái chắc!), rồi còn bị thiên hạ chửi “ông già mù hả? điếc à?” Khổ thế đấy! Biết làm sao được, hở trời? ĐỊnh viết một bài về Xuân, mà nói về Xuân là phải nói về những vui tươi, rực rỡ, không ngờ ngòi bút – í quên, những ngón tay gõ trên bàn phím – lại toàn gõ những câu ỉu xìu, ảm đạm. Âu cũng là nghiệp dĩ của những anh chàng ưa “bôi nhọ giấy trắng” (hay “bôi nhọ màn hình”?)
Bài Tin Mừng đêm Giao Thừa năm nay có chủ đề giống như CN IV/TN-A (30/01/2011), đó là Hiến chương Nước Trời (Tám mối Phúc). Bài này đã được chia sẻ rồi, nay xin chia sẻ bài TM Tân niên (03/02/2011) : “Tin tưởng vào Chúa quan phòng” (Ga 14, 23-27 hay Mt 6, 25-34). Bài TM đêm Giao Thừa nói về những quy định hướng dẫn con người hành động nếu muốn được hưởng hạnh phúc đích thực nơi quê Trời. Cứ kể ra thực hành được bản Hiến chương Nước Trời cũng khó khăn vô cùng, bởi con người vốn luôn ngại khó ngại khổ. Quả thật “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học). Tuy nhiên, nếu suy niệm bài TM Tân niên (Ga 14, 23-27) cho chín chắn, sẽ tìm được lối thoát để vượt qua được những cái khó, cái khổ ngăn trở trước mặt. Điều kiện tiên quyết là phải tin vào Thiên Chúa quan phòng. Tin và làm theo Lời dạy của Đức Giê-su Thiên Chúa, ắt sẽ được như nguyện ước ("Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" – Ga 14, 23). Làm theo Lời Người dạy, mà Người đã dạy thế nào?
Trong bài TM Tân niên 1 (Ga 14, 23-27), Đức Ki-tô chỉ khuyên là hãy giữ Lời Người, mà Lời ấy không phải của Người, nhưng là của Đấng đã sai Người. Người không nói rõ ở đoạn này vì Lời Người dạy nhiều lắm, nhiều không kể xiết. Tuy nhiên, nếu đọc qua bài TM 2 cùng chủ đề (Mt 6, 25-34), thì cũng hiểu được một phần. Đó là Lời dạy của Đức Giê-su Ki-tô, khuyên mọi người đừng lo cái ăn cái mặc thường ngày, việc ấy đã có Thiên Chúa quan phòng lo cho ("Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt 6, 25). Đừng lo cái ăn cái mặc, nhưng hãy lo “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chinh của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Tuy nhiên, đến câu kết, thì Người lại dạy: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 34). Và đó cũng là lý do khiến kẻ viết bài này “lại toàn gõ những câu ỉu xìu, ảm đạm”.
Vâng, chuyện cơm áo gạo tiền là chuyện – biết rồi, khổ lắm, nói mãi – đã quấy rầy tôi trong suốt cả cuộc đời, và nhất là từ năm 1975 tới nay. Nó không hề để tôi yên và hễ cứ tới Tết thì hình như nó lại lên mặt (lên giá đấy!) kênh kiệu với tôi, như thách thức. Tôi vẫn không quên được năm Ất Mão (1975) phải gánh chịu 2 đại tang (phụ mẫu cùng khuất núi trong một năm), một căn nhà đi tong và nghề nghiệp khốn đốn vì thời cuộc, cộng với một trận ốm thập tử nhất sinh. Đến năm Kỷ Mão (1999) thì vợ chết, nhà bị giải toả, bản thân thì “sung huyết bao tử”. Còn năm nay lại là Tân Mão (mà tôi tuổi Kỷ Mão – 1939), chẳng biết ra sao ? “Que sera… sera…? What will be… will be…?” (Ừ! Đúng vậy! “Sẽ ra sao ngày sau?”. Câu hát này, hồi chế độ cũ, chúng tôi đã hát thế này: “Cứ xê ra xề ra… Muốn ăn bi xài bi…” (ăn bi là ăn đạn đó). Hồi đó nghêu ngao hát cho vui, chớ ai dại gì cơm không ăn lại thích ăn đạn. Sau 1975 nhớ lại, nhiều lúc cũng muốn tự tặng mình một viên đạn cho xong; nhưng khổ một nỗi ngày nào cũng sáng khoai lang luộc, chiều luộc khoai mì, cơm còn chẳng có mà ăn thì đào đâu ra đạn mà đòi ăn. Thậm chí muốn mua được khoai lang, khoai mì cũng phải biết Xếp Hàng Cả Ngày (XHCN – Xã hội chủ nghĩa đấy!) Buồn chết được. Quả thật “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”.
Thầy Chí Thánh đã dạy: “Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo”; nhưng tiếp liền theo đó thì Người lại phán: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 34). Ngày mai của hôm nay sẽ được gọi là hôm nay của ngày mai (hôm nay gọi ngày cận kề sắp tới là ngày mai, khi cái ngày cận kề ấy tới rồi thì lại gọi nó là hôm nay và cái ngày ở vế trước của câu nói đã trở thành hôm qua, không còn là hôm nay nữa). Đúng là cái vòng luẩn quẩn, nên mới “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (hôm nay: khổ, ngày mai cũng sẽ khổ, bởi hôm qua đã khổ rồi). Thôi chết! Bí mất rồi! Còn nhớ năm ngoái viết bài cho Tết (bài “Đầu năm khai bút” – xc. Tr. “các tác giả” – Thanhlinh.net) cũng chia sẻ về cùng một bài TM (Mt 6, 25-34), và cũng bí rị. Bình tâm lại, bèn đấm ngực 3 lần mà “mea culpa, mea maxima culpa”. Quả thật “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Né bài TM đêm Giao Thừa thì còn khả dĩ, nhưng ai bảo tham lam quá, ôm luôn cả 2 bài Tân niên (trong khi được chọn 1 trong 2). Thế đấy! Ham nói thì tránh sao khỏi trật đường rầy hoặc đâm vào ngõ cụt. Trong cái khó ló cái khôn, trong cái bí bỗng loé tia sáng. Hình như có ai nhắc nhở: “Ai bảo đang chia sẻ bài 1 (Ga 14, 23-27) lại sa vào bài 2 (Mt 6, 25-34) để bí rị. Quay lại bài 1 đi, và đọc kỹ đoạn cuối”. Tôi thở phào nhẹ nhõm và căng đôi mắt kèm nhèm đọc đi đọc lại bài 1, nhất là câu 26 gần cuối bài: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Vâng, đầu óc lú lẫn đã quên mất Đấng hằng soi sáng hướng dẫn tìm ra ánh sáng chân lý, đó chính là Chúa Thánh Thần.
Tuổi già nó khổ thế đấy! Lan man, ôm đồm, tham lam, và cuối cùng thì bí rị, khiến đầu óc căng lên. “Cái đầu căng thẳng là tại cái tâm thiếu an bình”, có lẽ thế chăng? Đúng vậy, tim thiếu máu hoặc tăng áp lực thì đầu óc căng thẳng, tim đập loạn xạ thì đầu óc rối tung, đột quỵ, nhưng nếu tim ngưng đập thì đầu cũng đi tong. Vì thế, trái tim phải cân bằng, phải an bình. Nhắc đến an bình lại nhớ đến bài viết “Đêm an bình” (xc. <Thanhlinh.net>, tr. “các tác giả”) trong đó có vấn nạn “Đức Giê-su giáng trần đem lại bình an cho nhân thế. Đêm Giáng Sinh là đêm an bình, mùa Giáng Sinh là mùa hoà giải. Vậy tại sao chiến tranh, khủng bố vẫn liên tục xảy ra khắp nơi, ngay đến nơi Chúa hoạt động cho sứ vụ cứu độ loài người là Giê-ru-sa-lem cũng vẫn còn xảy ra tranh chấp (giữa Israel và Palestin) và ngòi nổ chiến tranh vẫn âm ỉ ?”. Cái đầu căng thẳng là tại cái tâm không an binh, mà nhiều cái tâm không an bình trong một xã hội có thể gây nhiễu loạn đủ thứ. Chẳng thế mà đầu năm nay (dl), ĐTC Biển Đức XVI đã mở đầu cho Sứ điệp Hoà bình : ”Năm vừa kết thúc, thật đáng buồn, lại được đánh dấu bằng sự bách hại, phân biệt đối xử, bằng những hành động đáng sợ của bạo lực và bất khoan dung đối với tôn giáo” (SĐ NHÂN NGÀY HOÀ BÌNH THẾ GIỚI, số 1). Tiếp theo là ngài nhắc đến vụ bạo lực khủng bố tại I-rắc khiến 2 linh mục và 50 giáo dân tử thương (ngày 31/10/2010). Ai cũng nghĩ muốn có hoà bình thì phải chấm dứt chiến tranh, khủng bố. Nghĩ như thế tuy không sai, nhưng chưa đủ, vì “Hòa bình là một ơn Chúa ban và cũng là một kế hoạch phải được thực hiện, nhưng chẳng bao giờ đạt được trọn vẹn. Một xã hội đã giao hòa với Thiên Chúa thì tiến đến gần hòa bình hơn, và hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh, cũng không đơn giản là kết quả của một ưu thế quân sự hay kinh tế, càng không phải là những thủ đoạn dối trá hoặc các dàn xếp khôn khéo. Hòa bình, trên thực tế, là kết quả của một quá trình thanh luyện và nâng cao văn hoá, đạo đức và tinh thần của mỗi người và của từng dân tộc, một quá trình mà trong đó nhân phẩm con người được tôn trọng đầy đủ.” (ibid, số 15). “Thanh luyện, nâng cao văn hoá, đạo đức và tinh thần...”, có như thế thì mới có được cái tâm an bình. Muốn có hoà bình, mỗi người và mọi người cần thiết phải có một cái tâm an bình trước đã.
Từ lời chúc đầu năm của ĐTC Biển Đức XVI: “Đầu năm mới, tôi muốn gửi đến mọi người và từng người lời chúc an vui, thịnh vượng, và trên tất cả, là lời chúc bình an” (ibid, số 1), xin mọi người – trong tâm tình phụ tử – cùng mở rộng tấm lòng đón nhận lời chúc của vị Cha chung và biến nó thành lời cầu nguyện (như lời kinh của Thánh Phan-xi-cô As-si-si – “Kinh Hoà bình“), để có được một cái tâm an bình hầu chung tay góp sức xây dựng một mùa Xuân Thanh Bình, một nền hoà bình trường cửu trên quê hương Việt Nam, cho đến tận cùng trái đất. Vâng, xin hiệp lời: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phung sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa... Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ƠN AN BÌNH“. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
---------------------------------------------
(*) Nguyên văn bài thơ : XUÂN LẠI VỀ SAO?
“Lại một mùa Xuân nữa tới à?
Một mùa Xuân nữa sắp đi qua.
Mai ngơ ngác nép cành thông cỗi.
Cúc ngẩn ngơ chen khóm trúc già.
Tuổi có Xuân đâu, mà Hạ gắt.
Đời còn Thu đó, đã Đông tà.
Cũng đành vui với Xuân thiên hạ
Nhấp chén trà thiu – một tiếng “khà!”