PDA

View Full Version : P - Phúc thật, phúc giả



Dan Lee
01-30-2011, 12:55 PM
Chúa nhật IV TN - năm A

PHÚC GIẢ - PHÚC THẬT

Xp 2,3. 3, 12-13; 1 Cr 1, 26-31; Mt 5, 1-12a


Đã là người, đã bước chân vào trong cõi đời này ai cũng mong cho mình có một đời sống hạnh phúc cả. Vì là con người nên những gì làm cho con người ta cảm thấy no thỏa, cảm thấy đầy đủ cho cuộc đời thì khi ấy người ta cảm thấy hạnh phúc. Hết sức đơn giản để hỏi cái gì làm cho con người hạnh phúc đó là tiền tài, vật chất, danh vọng và thỏa mãn được những nhu cầu của con người.

Hạnh phúc của con người là thế, bỗng dưng có một ngày đẹp trời nọ tại một ngọn núi ở bờ Bắc của Biển Galilê gần Caphanaum có một con người lại đi giảng cho các môn đệ, cho những người nghe giảng hôm ấy cái hạnh phúc khác hạnh phúc của con người. Bài giảng hạnh phúc “kỳ dị” ấy được Matthêu đúc kết lại ở cái đoạn mà người ta thường gọi là Bài giảng trên núi hay còn gọi là Hiến Chương Nước Trời.

Bài giảng trên núi có thể được so sánh với một bài giảng ngắn hơn, Bài giảng trên đất bằng, được trình thuật trong Tin mừng Luca (Lc 1, 17-49). Một số nhà bình giảng cho rằng chúng là một bài giảng, một số khác cho rằng Chúa Giêsu thường rao giảng những chủ đề tương tự ở nhiều nơi khác nhau, và một số nhà bình luận khác lại cho rằng không có bài giảng nào thực sự diễn ra, nhưng chúng được Matthêu và Luca đúc kết từ những lời giảng chính của Chúa Giêsu.

Có lẽ phần được biết đến nhiều nhất của bài giảng là Tám mối phúc thật ở đầu bài giảng. Bài giảng cũng bao gồm Kinh Lạy Cha và các huấn thị "không trả thù" và "giơ cả má kia", cũng như phiên bản Khuôn vàng thước ngọc của Chúa Giêsu. Các phần khác cũng thường được trích dẫn như "muối của đất," "ánh sáng thế gian," và "đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán." Nhiều người Kitô cho rằng Bài giảng trên núi là để diễn giải (midrash) cho Mười điều răn. Đối với nhiều người, gồm cả những nhà tư tưởng tôn giáo và đạo đức như Tolstoy và Gandhi, Bài giảng trên núi chứa đựng những nguyên lý trung tâm của giáo lý Kitô giáo.

“Tâm hồn nghèo khó” ám chỉ những người nghèo nàn về của cải vật chất mà Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm, đồng thời cũng đề cập tới sự nghèo nàn tâm linh, tức thân phận làm người phải tùy thuộc vào Thiên Chúa. Khi chúng ta biết rằng chúng ta không thể tự thỏa mãn được mà phải liên thuộc và trách nhiệm lẫn nhau, lúc đó chúng ta có “tâm hồn nghèo khó”. Trong ý nghĩa đó, từ ngữ nầy cũng biểu thị những thái độ không sở hữu của cải vật chất và không dính bén vào bất cứ sự vật nào.

“Ai than khóc” được chúc phúc bởi vì họ phải đương đầu với tình trạng ly cách chủ yếu khỏi Thiên Chúa trong thế giới hiện thực. Ở đây sự đớn đau không thuần túy ám chỉ sự đau khổ ngoại tại mà còn chính bản chất của thân phận con người khổ đau trên hành trình hoàn thiện. Sự an ủi là trạng thái cứu rỗi hay giải thoát.

“Những người hiền lành” sẽ thừa kế gia nghiệp đất đai. Sự bất bạo động là một phương cách tuyệt hảo để chiến thắng sự dữ. “Đất đai” không nhất thiết ám chỉ cuộc sống hiện tại ở đời nầy. Sự dữ luôn luôn tự hủy hoại. Điều thất bại của sự dữ hệ tại ở chính sự hữu hạn của nó. Sự hiền lành dịu dàng vượt thắng vì mang tính chất vô hạn.

“Yêu mến điều công chính” đem lại hạnh phúc. Sự công chính mang ý nghĩa kết hợp ý muốn con người với ý muốn Thiên Chúa. Sự công chính không thể tách lìa với lòng mẫn cảm thi thố trong cuộc sống.

Những người mà chúng ta thực lòng “xót thương” đến lượt họ sẽ trở thành những kẻ thương xót người khác. Hai kiệt tác về lòng thương xót được đề cập tới trong Phúc Âm bao gồm việc bố thí cho người nghèo và tha thứ cho kẻ thù địch.

Những người có “tâm hồn trong sạch” sẽ thấy Thiên Chúa. Sự trong trắng của tâm hồn bao gồm ở chỗ nhìn xem thực tại như đang xảy ra, không chút bi méo mó hay biến dạng bởi lòng vị kỷ. Điều nầy khác với đức khiết tịnh phát xuất từ lời khấn của tu sĩ và cũng khác với sự “trong sạch luân lý” theo ý nghĩa thông thường.

“Những người xây dựng hòa bình” là con cái Thiên Chúa. Sự hòa giải những kẻ địch thủ là một công trình của Kitô hữu thường được Phúc Âm khuyến khích. Những tác nhân kiến tạo hòa bình đó đã thông phần với bản tính Thiên Chúa như Thánh Phê-rô đã nói trong một Thánh Thư của ngài, bởi vì bản tính của Thiên Chúa là mang lại hòa bình và hợp nhất ở nơi nào mà sự bất hòa và chia rẽ thống trị.

Trong câu kế tiếp, tín đồ được đảm bảo là “sự đau khổ mà họ chấp nhận vì Chúa Giêsu” sẽ được phần thưởng lớn lao. Ở đây Chúa Giêsu ngỏ lời với các môn đệ. Sự đau khổ của cá nhân Kitô hữu được hội nhập với Ngài một cách riêng tư. Những Kitô hữu đầu tiên cũng là một cộng đoàn bé nhỏ bị bách hại.

Sau cùng, Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ tầm vóc quan trọng của họ trong trần thế - đó là trở nên “muối” trong cuộc sống hiện thực và “ánh sáng” của chân lý. Sứ vụ của họ phải được người đời nghe và thấy qua những công việc phát xuất từ con tim nhân hậu.

Những mối phúc mà Chúa Giêsu nói ở trên núi hôm nay quả thật chẳng ai mong đợi nghe cả. Nếu nói thật lòng thì những mối phúc ấy nó làm sao đó, nghe chói tai quá, nghe kỳ cục quá. Thế nhưng mà, nếu như chìm trong sâu lắng của cuộc đời, đặc biệt là những người tin thì ta thấy đó chính là những mối phúc thật chứ không phải là phúc giả của thế gian.

Nhưng các quan niệm, cảm nhận về hạnh phúc của con người là muôn màu muôn vẻ. Ngạn ngữ của Hy Lạp có câu: Người hạnh phúc có ba điều: Khỏe mạnh, giàu sang và có tri thức. Khoẻ mạnh là điều dĩ nhiên. Không biết có quá hay không khi có sức khỏe là có tất cả. Sức khỏe hết sức cần thiết trong cuộc sống của con người, nên lời thăm hỏi chúc nhau đầu tiên của tất cả mọi người là sức khoẻ. Nhiều hoàn cảnh, nhiều lý do mà biết bao nhiêu người sự đời làm lụng vất vả mà vẫn phải sống nghèo đói lạc hậu để rồi nhiều người đang quyết tâm xóa đói giảm nghèo. Thế hệ ngày nay phải chiến thắng được nghèo đói và lạc hậu để đem lại hạnh phúc cho dân tộc, vì cái cơ cực cái nhục của nghèo đói lạc hậu cũng chẳng kém gì cái nhục mất nước. Ai cũng mong muốn được giàu có, cả đất nước đang tập trung phát triển kinh tế để dân giàu nước mạnh. Nhưng đâu phải giàu có về tiền bạc là có hạnh phúc.

Có người nói phải giàu có thì cuộc sống mới hạnh phúc, "tiền là tiên là phật, là sức bậc của con người". Cuộc sống nghèo khổ, lạc hậu thường dẫn tới mọi khổ đau, bất hạnh. Chúng ta đã chứng kiến nhiều cảnh ngộ người nghèo khổ phải khóc đã đành, nhưng còn vì sao người giàu cũng khóc"? Xây dựng được một lâu đài sang trọng, có đầy đủ tiện nghi hiện đại, đó là việc khó, là ước mơ của nhiều người. Nhưng con người sống trong lâu đài đó như thế nào, nếu sống thiếu tình cảm, lạnh lẽo, cô đơn, hoặc sống trong mưu toan, thủ đoạn, lo sợ, bế tắc, thử hỏi trong cuộc sống ấy, tình yêu và hạnh phúc của con người sẽ ra sao?

Như vậy thì hạnh phúc nào là hạnh phúc thật và hạnh phúc nào là hạnh phúc giả ?

Cao điểm của những mối phúc thật mà Chúa Giêsu giảng dạy chúng ta hôm nay là lòng đói khát điều công chính; vì nước trời là của những người có lòng khao khát sống công chính, sống thiện tâm, sống có lòng nhân từ thương xót. Nếu chúng ta để cho mình quá đói khát những sự thuộc về đời này mà quên không để ý đến sự đói khát những cái thuộc về sự sống đời đời của linh hồn thì đó là một điều hết sức dại khờ. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã phải chỉ cho chúng ta biết rằng chúng ta còn cần phải đói khát những thứ gì.

Người tín hữu chúng ta cần phải nhận ra đâu là đói là khát cái gì là cần thiết cho cuộc đời như những mối phúc mà Chúa nói và ước ao tìm kiếm chiếm đoạt cho được. Với bản tính mỏng dòn non yếu, với bản tính tự nhiên thường con người thích chạy và đi tìm những mối phúc mang vẻ hào nhoáng bên ngoài, giả tạo chứ chúng ta không ham muốn đón nhận và thực hành những mối phúc thật mà Chúa Giêsu dạy bảo. Tâm lý con người lại không bén nhạy với những mối phúc thật có liên quan đến sự sống đời đời như Chúa Giêsu trình bày. Và vì vậy chúng ta cần phải có đức tin hướng nhìn về tương lai vĩnh cửu hầu chúng ta có thể lắng nghe và hiểu được lời của Chúa. Chỉ khi nào chúng ta có lòng khao khát những mối phúc thật ấy thì chúng ta mới chú tâm đi tìm kiếm và thực hành trong cuộc sống.

Bài giảng của Chúa Giêsu về những mối phúc thật là một thách đố, là lời mời gọi, là sự thật của những phúc của Nước Trời để chúng ta lựa chọn và thực hành. Chúng ta có quyền, có trách nhiệm lo hạnh phúc cho cuộc sống đời này của mình, của gia đình và của xã hội nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng chúng ta còn phải đói khát và lo xây dựng cho niềm hạnh phúc vĩnh cửu, niềm hạnh phúc thật mà Chúa hứa.

Nguyện xin Chúa Giêsu, tác giả bài giảng trên Núi hôm nay ban thêm sức mạnh, ban thêm lòng tin cho mỗi người chúng ta để chúng ta luôn tìm phúc thật - những mối phúc mà Chúa hứa ban cho mỗi người chúng ta.
Nếu chúng ta tin tưởng vào lời Chúa để sống tâm tình đói khát những điều Chúa Giêsu dạy bảo và can đảm nỗ lực tìm kiếm trong cuộc sống những mối phúc thật như lòng khát khao sống công chính thánh thiện, sống xót thương, sống trong sạch thì một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được hạnh phúc như lời Chúa hứa.

Anmai, CSsR