PDA

View Full Version : H - Hãy mở ra



Dan Lee
02-11-2011, 07:38 AM
Hãy mở ra!

Thứ Sáu Tuần thứ 5 Thường Niên

Lời Chúa: Mc 7,31-37


31Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. 32Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. 33Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Épphatha", nghĩa là: hãy mở ra! 35Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. 37Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."




Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Épphatha", nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. (Mc 7,34)

Suy niệm:

Thường thường đã bị điếc thì cũng bị câm, vì người điếc khi mới sinh ra không được nghe tiếng người khác nói cho nên không bắt chước, nên không nói được gì. Nhưng theo bản dịch LXX nguyên chữ Hy Lạp dùng chữ Mogilaon: câm thôi. Về sau bản dịch phổ thông dịch là câm và điếc. Thật ra chữ Molilalon không có nghĩa là câm hẳn, nhưng là khó nói, nói ngọng. Đúng với c.35 “Nút cột lưỡi liền tuột ra và người ấy liền nói được rành rọt.”

Dù sao thì câm và ngọng cũng mất đi nhiều hạnh phúc cho cuộc đời. Hiểu như thế, thân nhân đã đem anh ta tới gặp Chúa và xin Chúa đặt tay trên anh ta. Đặt tay là dấu chúc lành như thói tục Israel (St 18,14) và đó cũng là dấu Chúa hay làm khi chữa bệnh hay chúc lành cho trẻ em (Mc 6,5-8, 23-25). Lời cầu xin được Chúa chấp nhận. Có điều đặc biệt trong phép lạ này là Chúa kéo nạn nhân ra khỏi dân chúng và Chúa dùng nước miếng để chữa bệnh.

Tại sao Chúa lại đưa ra như thế? Có hai lý do:


1. Để tránh sự tò mò háo hức, tình cảm nồng nhiệt nhất thời của dân chúng, chỉ muốn xem sự kỳ lạ mà không muốn mở rộng con mắt đức tin. Thật ra cũng có những phép lạ Chúa làm trước công chúng, thí dụ bánh hoá nhiều (Mt 14,13t), người bại tay (Mc 3,1-6). Chúa chỉ làm phép lạ khi có lợi cho đức tin và ơn cứu rỗi cho nhiều người hoặc để sửa soạn lòng tin cho lương dân. Ngoài ra có những trường hợp Chúa làm phép lạ cho một số người mà thôi. Chẳng hạn khi cho con của Giairô sống lại (Mc 3,37) thì chì có năm nhân chứng là 3 môn đệ, hai cha mẹ. Khi chữa bệnh cho người mù thành Betsaida. Chúa cũng đưa ra xa xa với một số nhân chứng thôi. Lý do là củng cố lòng tin của người hiện diện trong phép lạ đó.

2. Để tránh những tiếng rỉ tai đồn thổi có hại khi họ thấy những cử chỉ bên ngoài họ có thể cắt nghĩa là phù phép bùa chú. Nên tránh xa họ. Thật ra những cử chỉ bên ngoài Chúa dùng để chỉ những thúc đẩy bên trong cần phải đủ. Đối với người câm và ngọng này, còn cách nào hơn là chạm vào tai anh ta và Chúa dùng chút nước bọt chạm vào lưỡi anh ta nữa.

Tại sao Chúa lại dùng nước bọt để chữa bệnh, là thứ mà những thầy Babbin tối kỵ như có ghi trong lề luật rằng là khi chữa bệnh cấm đọc lời nào trầm trầm và nước miếng cấm dùng. Những người ngoại giáo coi đó là thứ quỉ thuật. Riêng trong y học, nước bọt là một thứ nước vị toan do hạch nước miếng tiết ra cho đồ ăn dễ tiêu hóa và dễ xuôi. Nước bọt có thể làm bớt sưng mụn nhọt. Nước miếng trẻ con cắn nhau còn có thể làm độc, cho nên việc dùng nước bọt không phải là một vị thuốc xét theo y học.

Thế nhưng Chúa Giêsu đã dùng nó để xóa bỏ quan niệm coi khinh nước miếng; về phía dân Do Thái coi là lỗi luật. Nước bọt không xấu đến nỗi bị cấm đoán như thế. Nếu như xưa kia Chúa đã dùng nước biến ra rượu thì việc Chúa dùng nước miếng để làm phép lạ có gì là khó, và không có gì là mất vệ sinh với Thiên Chúa Đấng dựng nên mọi sự đều tốt lành. Nếu như Thiên Chúa có thể đổi sự dữ thành sự lành thì Ngài có thể dùng một hành động như thế để tăng cường lòng tin còn thiếu sót. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết được đường lối của Thiên Chúa đâu.

Việc Chúa chữa bệnh hôm nay là một phép lạ chữa được câm điếc. Nhưng đó cũng là một dấu chỉ Thiên Chúa uy quyền toàn năng. Chúa Giêsu đã để lại trong Giáo Hội Ngài một số cử chỉ còn được dùng trong Bí tích Rửa tội.


- Phép rửa tội mở tai người dự tòng để được nghe và hiểu lời Thiên Chúa.

- Phép Rửa tội cởi lưỡi người dự tòng, để từ đó tuyên xưng đức tin rao truyền Phúc Âm.

Chúng ta đã được qua rửa tội là để nghe và thực hành Lời Chúa, làm chứng cho Lời Chúa trong cuộc đời mình.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thương ngự đến linh hồn chúng con. Xin Chúa cũng mang ơn thánh nâng đỡ và chữa lành hồn xác chúng con. Xin quyền năng Chúa mở tai chúng con để có thể nghe được tiếng Chúa. Xin mở miệng chúng con để có thể ca khen danh Chúa. Xin mở mắt chúng con để có thể thấy những mảnh đời bất hạnh mà cảm thông nâng đỡ. Xin hãy mở tay chúng con để có thể đón nhận nhau trong yêu thương chân thành.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin cho chúng con khả năng biết yêu thương đồng loại. Xin đừng để chúng con giả điếc làm ngơ trước cảnh khốn cùng của tha nhân. Xin đừng để chúng con mù quáng trước nỗi đau của anh em. Xin giúp chúng con biết làm vơi đi những khổ đau cho anh em. Cuộc đời quanh chúng con còn biết bao nỗi thống khổ tột cùng, xin cho có nhiều người mang trái tim của Chúa để xoa dịu những thương đau.

Lạy Chúa, Chúa là vị lương y từ mẫu. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa để biết lắng nghe và an ủi nhau, biết chạnh lòng thương và chia sẻ những đau thương vất vả trên đường đời. Xin giúp chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen