PDA

View Full Version : T - Tự Do Vâng Phục



Dan Lee
02-14-2011, 06:12 PM
TỰ DO VÂNG PHỤC



Vào năm 1998, tờ Washington Post có đăng một câu chuyện đáng khâm phục của ông Daniel Crocker, một người sống ở ngoại ô Virginia với vợ và hai con. Ông có một đời sống khá tươm tất nhờ công việc làm quản lý một kho hàng. Tuy nhiên, ông vẫn giữ trong lòng một điều bí mật: mười chín năm trước, ông đã giết một phụ nữ ở Kansas tên là Tracy Fresquez.

Tuy vụ án đã chìm vào quên lãng nhưng ông vẫn không chịu nổi gánh nặng của điều bí ẩn này. Sau cùng, ông trở về với Thiên Chúa để xin ơn tha thứ và trở nên một tín hữu Kitô. Ông và gia đình ngày càng lớn lên trong đức tin và chính ông trở thành một mục sư trong Giáo Hội Tin Lành. Tuy vậy, ông vẫn không đủ can đảm để trình diện với nhà chức trách về tội ác ghê tởm mà ông đã phạm mười chín năm trước đây.

Mục Sư Daniel làm tuyên uý nhà tù và một ngày kia sau khi công tác ở nhà tù về, ông đã cầu nguyện và tiết lộ bí mật đó, trước hết, với vợ của ông, bà Nicolette, sau đó hai người bàn tính việc thú tội với nhà chức trách ở Kansas. Điều khó khăn nhất cho ông Daniel là phải nói thế nào với hai con nhỏ của ông, một đứa chín tuổi và một đứa tám tuổi, về việc từ giã các con để đi ở tù.

Đến ngày ra đi, các con ông khóc nức nở, nài nỉ ông đừng đi, và ông nói: “Bố phải trình diện thú tội. Vì nếu bố dậy các con phải sống Lời Chúa mà bố lại không thi hành thì bố là người giả hình.” (trích trong Prison Fellowship Ministries).

Câu chuyện cuộc đời của ông Daniel Crocker giúp chúng ta hiểu thêm về lời Chúa trong bài phúc âm hôm nay. Đúng ra bài phúc âm hôm nay rất dài với nhiều chi tiết, nhưng Hội Thánh cho phép dùng những đoạn ngắn như chúng ta vừa nghe.

Trong phần đầu của bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận rằng lề luật có giá trị của nó và cần thiết cho sinh hoạt của một tổ chức, dù đó là một tổ chức tôn giáo. Chúa Giêsu nói với các môn đệ,“Đừng nghĩ rằng Thầy đến để phá bỏ lề luật hay lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bác bỏ nhưng để kiện toàn.” (c. 17)

Đối với luật lệ nói chung, có hai phản ứng trái ngược nhau: một là sự tuân thủ, vâng phục; hai là sự phản kháng, chống đối. Có người sẵn sàng tuân theo lề luật, nhưng cũng có người tìm cách luồn lách, tránh né lề luật.

Những người tránh né, bất chấp lề luật thường là vì họ không thấy được lý do chính đáng của lề luật. Thí dụ, hệ thống đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư đường là để điều hoà sự lưu thông của xe cộ, ai vi phạm thì sẽ bị phạt tiền. Nhưng đèn xanh hay đèn đỏ, nó chỉ là dấu hiệu bên ngoài của một mục đích quan trọng hơn ở bên trong: sự an toàn cho mọi người. Nếu mọi người thấy được lý do quan trọng này thì có lẽ không còn tai nạn xảy ra, có khi chết người, vì những người vượt đèn đỏ. Sinh mạng con người thì quý giá hơn số tiền bị phạt.

Trái với sự bất tuân lề luật là sự tuân thủ lề luật một cách máy móc – luật viết như thế nào thì theo đúng như vậy. Cả hai thái độ này đều có điểm giống nhau là không thấy được lý do chính yếu của lề luật. Đây là thái độ của giới Biệt Phái và kinh sư thời Chúa Giêsu, họ coi lề luật của tôn giáo là cùng đích, là đỉnh cao trong sinh hoạt tôn giáo nên họ tuân giữ rất chi ly, cặn kẽ nhưng họ quên đi tinh tuý của lề luật. Áp dụng vào thực tế, điều này tương tự như khi tôi nói rằng, “tôi đi lễ mỗi Chúa Nhật, tôi không vi phạm mười điều răn, đương nhiên tôi sẽ lên thiên đàng”.

Thoạt nghe thì ai cũng thấy đó là điều hợp lý, là tiêu chuẩn của một Kitô Hữu, nhưng thử hỏi nếu tôi đến nhà thờ nhưng chỉ có thân xác của tôi ở trong buổi lễ mà tâm hồn tôi đang ở đâu đó với những bận rộn làm ăn, những mưu mô tính toán, những ý tưởng tội lỗi, v.v., thì việc tham dự Thánh Lễ của tôi có ích lợi gì? Nói cách khác, tôi không đạt được mục đích tôn giáo của việc tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật.

Đây cũng là trường hợp của ông Daniel Crocker, dù đã ăn năn thống hối khi trở lại Kitô Giáo, dù là mục sư rao giảng Lời Chúa, nhưng ông vẫn không đạt được mục đích của Kitô Giáo khi chưa can đảm đối diện với chính mình. Những việc đạo đức của ông vẫn chỉ là bề ngoài. Và Chúa Giêsu đã cảnh cáo chúng ta về thái độ bề ngoài này, “Nếu sự công chính của anh [chị] em không trổi vượt hơn các kinh sư và Biệt Phái, anh [chị] em sẽ không vào được Nước Trời.” Nói cách khác, nếu chúng ta chỉ chú ý đến các hình thức đạo đức bên ngoài thì Kitô Giáo sẽ chẳng có ích lợi gì cho chúng ta.

Trong thực tế đời sống của người Công Giáo ngày nay, điều đáng buồn là nhiều người vẫn không thấy được mục đích quan trọng của các quy luật mà Hội Thánh đưa ra. Thí dụ, Giáo Hội Hoa Kỳ yêu cầu các đôi nam nữ trước khi kết hôn phải trải qua sự chuẩn bị, ít nhất là sáu tháng. Ngày trước chúng ta thường gọi là giáo lý hôn nhân, nhưng thực sự không đúng, bởi vì trong sự chuẩn bị đó, đôi nam nữ còn phải tìm hiểu nhiều điều khác nữa, về tài chánh, về đời sống chung, v.v..

Mục đích của sự chuẩn bị hôn nhân là để đôi nam nữ biết rõ tính tình của nhau qua những thảo luận, và cùng nhau tìm hiểu những khác biệt, những khó khăn có thể xảy ra trong tương lai để họ nghĩ trước những biện pháp đối phó, với hy vọng là sẽ không còn những bất ngờ, những xung đột trầm trọng đến độ tan vỡ sau khi họ kết hôn.

Nói chung, sự chuẩn bị hôn nhân đem lại ích lợi thực sự cho đôi nam nữ. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều bạn trẻ và ngay cả các cha mẹ Công Giáo coi quy tắc này là một gánh nặng, một cản trở, bởi thế, họ tìm cách luồn lách, tránh né. Cha mẹ thì đến năn nỉ với linh mục để thông qua sự chuẩn bị với lý do đơn giản là “hai đứa nó yêu nhau”, và muốn làm lễ cưới trong nhà thờ. Đôi nam nữ thì tham dự các lớp chuẩn bị cho có lệ, càng ngắn gọn càng tốt. Điều họ quan tâm là đám cưới, là lễ cưới trong nhà thờ chứ không phải hôn nhân. Họ chú ý đến hình thức đạo đức bên ngoài hơn là thực chất của tôn giáo. Họ không thấy rằng Hội Thánh thực sự lưu tâm đến phúc lợi của các phần tử và muốn họ được hạnh phúc lâu dài.

Khi không thấy được lý do sâu xa của luật lệ chúng ta sẽ coi luật lệ là một cản trở sự tự do của con người. Nhiều người Công Giáo ngày nay cũng cho rằng Hội Thánh Công Giáo quá khắt khe trong những vấn đề riêng tư, tỉ như vấn đề ngừa thai nhân tạo, vấn đề tiêu hôn hay tái hôn, v.v.. Vì thời gian giới hạn của một bài giảng nên chúng ta không thể đi vào chi tiết, nhưng hãy thử quan sát sinh hoạt xã hội ngày nay chúng ta sẽ nhận thấy rằng, trong một vài thập niên gần đây, số gia đình đổ vỡ nhiều hơn thời trước thập niên 1950 – đó là khi viên thuốc ngừa thai bắt đầu lan tràn rộng rãi và kéo theo sự tự do luyến ái. Hội Thánh không muốn con cái mình đau khổ, bởi thế, Hội Thánh đang cố gắng đi theo con đường của Chúa Giêsu là đem lại hạnh phúc cho con người không những ở đời sau mà ngay tự bây giờ.

Với cái nhìn đó, chúng ta sẽ thấy lề luật của Chúa không phải là sự cản trở mà là một phương tiện giúp con người có hạnh phúc. Tỉ như trong bài phúc âm hôm nay, luật Môsê cấm không được giết người, nhưng Chúa Giêsu còn đi sâu hơn nữa để nhìn đến nguyên do của hành động là sự tức giận, là ý định bên trong tâm hồn, và Chúa khuyên hãy cố gắng hoà giải, tha thứ. Bởi vì, trên thực tế, sự tức giận ảnh hưởng đầu tiên và trước hết đến chính sức khoẻ và tâm tính của người tức giận. Ngoài ra, người ta có thể giết nhau không cần gươm giáo, mà bằng những âm mưu thâm độc. Nhưng khi hãm hại người khác, dù một cách kín đáo, không ai biết, người hãm hại sẽ bị dằn vặt, bị ám ảnh và mất bình an suốt cả cuộc đời, giống như ông Daniel Crocker.

Luật Môsê cấm không được ngoại tình, nhưng trên thực tế người ta có thể ngoại tình trong tư tưởng, dù người đó độc thân hay đã lập gia đình, dù ở ngoài đời hay trong tu viện kín cổng cao tường. Hành động ngoại tình có thể chóng qua nhưng tư tưởng ngoại tình sẽ kéo dài, bởi vì những gì trong tưởng tượng thì đẹp hơn, hấp dẫn hơn thực tế phũ phàng, và vì vậy nó sẽ ảnh hưởng tệ hại đến chính bản thân và tình yêu vợ chồng. Với những người trong đời sống hôn nhân, Chúa Giêsu muốn nói với họ rằng, chính tình yêu đem lại hạnh phúc lâu dài chứ không phải một thoả mãn, một khoái lạc ngắn ngủi xuất phát từ một thèm khát bất chính.

Luật Môsê cấm không được thề gian, nhưng trên thực tế làm thế nào để biết rằng lời thề của một người vô tôn giáo là sự thật, bởi vì họ không tin có Thượng Đế? Nói cách khác, không phải lúc nào lời thề cũng có giá trị. Thay vì lời thề, chúng ta hãy tin chắc rằng Thiên Chúa thấu suốt tất cả mọi bí ẩn trong tâm hồn, do đó, “‘Có’ thì nói ‘có’, ‘không’ thì nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

Qua một vài chia sẻ trên đây, chúng ta thấy mục đích của lề luật Thiên Chúa là giúp cho loài người được tự do, được hạnh phúc nhờ thoát khỏi những ràng buộc của tội lỗi – cũng như ông Daniel Crocker, chỉ sau khi thực sự sống lời Chúa ông mới thoát khỏi gánh nặng của tội lỗi và được bình an, dù ở trong tù.

Con người được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, và một trong những điểm quan trọng là sự tự do. Thiên Chúa có tự do hành động thì loài người cũng được tự do lựa chọn. Trong cuộc sống hàng ngày, hầu như lúc nào chúng ta cũng phải lựa chọn, đúng như bài đọc I hôm nay đã nói, “Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, ai thích điều gì thì sẽ được điều đó… Nếu con chọn tuân giữ các giới răn, các giới răn đó sẽ giải thoát con.” (Dịch theo New American Bible – Sir. 15:15-17). Thánh Vịnh Đáp Ca hôm nay cũng nói, “Phúc cho ai vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa!”

Xin Thiên Chúa giúp chúng ta thấy được lý do quan trọng của các lề luật, các quy tắc mà Hội Thánh đã đưa ra và can đảm vâng phục.

Pt Giuse Trần Văn Nhật