PDA

View Full Version : V - Vẻ đẹp đâu rồi



Dan Lee
02-19-2011, 12:03 PM
VẺ ĐẸP ĐÂU RỒI?

Hỏi: Mỗi nghệ sĩ là một đấng được chọn. Với khoảng 500 vai diễn (kể từ lúc 8 tuổi đến nay), anh sinh ra là nghệ sĩ hay anh trở thành nghệ sĩ?

Trả lời: Tôi tin con người do Thượng Đế tạo ra. Và tôi là nghệ sĩ do sự phân công, sắp đặt của Thượng Đế. Nhưng trở thành diễn viên kịch là lựa chọn của tôi. Tài năng nghệ thuật là sứ mạng, nhưng thành công là kết quả của trí tuệ và lao động. Tôi hoài nghi rằng, nếu tôi không là nghệ sĩ mà làm việc khác, thì làm việc rất tệ và năng suất rất thấp.

Đó là một đoạn trong bài phỏng vấn nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc do nhà báo Hải Miên thực hiện, đã được đăng tải trên báo chí và nhiều website mấy năm trước.

Thành Lộc sinh ra trong gia đình nghệ sĩ, theo đạo Phật, nhưng suy tư của anh rất gần với giáo lý Công giáo. Khi người ta đạt đến gần cái đẹp, thì người ta cũng dễ nhận ra lẽ thật và sự tốt lành.

Vậy thế nào là cái đẹp? Thật không dễ định nghĩa. Vẻ đẹp rất thường được nhận xét theo chủ quan. Một cô gái có thể tuyệt đẹp đối với người này nhưng lại rất đỗi bình thường trước những người khác. Bông hoa cũng vậy. Có người bảo hoa này đẹp, người thì cho hoa khác đẹp hơn. Những sản phẩm sử dụng hành ngày cũng tuỳ vào cái nhìn của mỗi người, cho nên có nhiều chọn lựa khác nhau, lắm khi đối nghịch nhau, nhưng xét chung, không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp chung quanh mình.

Và người ta cũng không thể phủ nhận những tiêu chí về cái đẹp. Đó là sự hài hoà và sự tinh tế. Xét theo ý nghĩa này thì những loài Thiên Chúa tạo nên thì đẹp gấp vạn lần những sản phẩm do con người. Nhìn cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ít ai không trầm trồ ngưỡng mộ.

Khi một nghệ sĩ làm việc hết mình để tạo nên cái đẹp cho công chúng, họ cộng tác đắc lực và hữu hiệu vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và do vậy họ dễ đến gần Thiên Chúa. Trong ý nghĩa này, các khoa học gia và các nhà nghiên cứu cũng dễ khám phá ra sự hiện hữu của Đấng tác thành và làm chủ mọi loài.

Con người xét về hình thể và đặc điểm là đẹp nhất trong muôn loài. Vì cái đẹp mà mình lãnh nhận, con người với lý trí có khả năng nhận ra Thiên Chúa dễ dàng. Nhưng cũng có những con người, với sự tự do của mình, đã huỷ hoại mọi vẻ đẹp một cách tàn nhẫn nhất. Và sự huỷ hoại khắc nghiệt bi đát nhất chính là nỗ lực loại trừ Thiên Chúa.
Môi trường sinh thái là đẹp. Nhưng con người lại ra sức huỷ hoại nó. Rồi họ lại quay sang trách Thiên Chúa. Con người vốn là đẹp, là tốt lành. Nhưng những nền giáo dục vô thần và vô luân lý đẩy con người ra khỏi nguồn của vẻ đẹp, sự tốt lành. Rồi con người lại trách móc nhau.

Ai trong chúng ta khi đi học cũng nhìn thấy trong trường mấy câu của Quản Trọng thời Xuân Thu được viết trại đi một chút: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Trồng cây mà cứ đứng nhìn cây mà hét lên: “Không có Chúa nào dựng nên mầy cả”, thì cây cũng buồn mà héo đi thôi. Trồng người mà cứ rỉ rả: “Chúa chúng nó ở đâu” như dân ngoại nhạo báng Israel ngày xưa, thì người cũng ngày càng đi xa cái đẹp trong nhân cách và trong cuộc đời.

Ngày Tết, tôi thích quan sát những em bé nhận tiền lì xì. Có em nhìn phong bao rực rỡ và cười toe. Có em mở ra đếm tiền và cười những sắc độ khác nhau. Có em thì nhìn cử chỉ yêu thương của người lớn và lí nhí cám ơn. Mỗi em bé nhìn một vẻ đẹp khác nhau của việc lì xì may mắn.

Điều làm người lớn chúng ta cảm động nhất là có những em bé nhìn tiền lì xì ở một vẻ đẹp khác, ấy là hồng ân Chúa ban. Em cám ơn Chúa và nghĩ đến việc chia sẻ.
Thái độ các em trước từng vẻ đẹp là do nền giáo dục mà các em nhận được, đồng thời sự đáp trả từ thơ bé của các em trước tiếng Chúa gửi vào lòng các em nhẹ nhàng. Từng sự đáp trả là cái đẹp lạ lùng.

Bài viết này đến đây đã có thể khép lại với lời kết luận với một câu đã viết ở trên: Khi con người càng đến gần cái đẹp, họ càng nhận ra Thiên Chúa. Thế nhưng, ngày Xuân người viết xin đi xa thêm một chút nữa.

Trong buổi gặp gỡ đầu Xuân, cha An Thanh có nhận xét: “Tết năm nay có vẻ bạc hơn”. Dường như càng ngày sắc xuân càng vơi đi bớt. Có thể do hoàn cảnh, do xã hội và do lòng người. Nhưng có một điều là mỗi mùa Tết đến, người ta lại nhớ đến những anh chị em nghèo đói, gặp bất hạnh và chịu đựng oan trái ở đâu đó trên quê hương vốn yêu mến và đi tìm mùa Xuân này.

Công lý là vẻ đẹp. Công lý là dấu hiệu của Mùa Xuân, bởi vì Công lý là đặc tính của Chúa Mùa Xuân. Mời Chúa Mùa Xuân đi ra khỏi con người thì Mùa Xuân cũng bạc đi thôi. Mời Công lý đứng ngoài mưa gió mùa đông thì Xuân có dám bước vào nhà?
Nghệ sĩ Thành Lộc nói: “Tài năng nghệ thuật là sứ mạng”. Đi tìm Công lý cũng là sứ mạng. Không chú tâm đến Công lý, thì e rằng con người sẽ “làm việc rất tệ và năng suất rất thấp”.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs