PDA

View Full Version : C - Có nghe tiếng kêu trên rừng vắng



Dan Lee
02-22-2011, 10:25 PM
CÓ NGHE TIẾNG KÊU TRÊN RỪNG VẮNG ?

Trên các đài truyền hình thường có các chương trình trang trọng giới thiệu người ngoại quốc ở Việt nam. Những người này hoặc là chọn học đại học ở Việt nam, lập gia đình với người Việt nam hay đơn giản hơn, biết nói tiếng Việt dù không sõi lắm.
Dĩ nhiên giới thiệu ai trên truyền hình là quyền của người làm chương trình và nhất là điều ấy phục vụ cho ý định tuyên truyền rằng Việt nam là đất lành chim đậu, và rằng bài học “Việt nam là đỉnh cao” vẫn còn rất chính xác. Tuy nhiên, suy nghĩ sâu hơn một chút, chắc chắn người xem thấy nao lòng và xót xa.

Người Việt nam biết sử dụng ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ, thì nhiều vô kể, và chắc chắn sử dụng sành sõi hơn các vị Tây ba lô hay Tây sinh viên biết tiếng Việt trên truyền hình. Người Việt định cư ở nước khác lấy người nước đó cũng nhiều. Và sinh viên Việt nam học ở các đại học trên các nước chắc chắn là không ít.

Thế nhưng không thấy truyền hình nào ở Việt nam hay ở nước khác giới thiệu những người Việt ấy, nếu họ không có điều gì khác nổi bật.

Những chuyện ấy nói lên điều gì? Phải chăng là người Việt quá giỏi, học ngôn ngữ khác hay sống ở nước khác là chuyện đương nhiên, còn người Tây Âu mà học được tiếng Việt hay sống được ở Việt nam thì phải là thông minh xuất sắc nên cần đem ra làm gương?

Thật ra, ai xem những chương trình đề cao người nước ngoài ấy chắc hẳn là nhận ra những mặc cảm của người làm truyền thông “lề phải”. Ấy là dường như tự đáy lòng họ cho rằng ta nhỏ bé yếu kém, cho nên có ai quan tâm đến, ta đều đề cao. Hay họ có mặc cảm rằng đất nước ta không phải là rừng vàng biển bạc như ta dạy học trò, nên có ai tìm đến, ta nghĩ là chỉ vì họ thương ta mà thôi, do đó ta cần đề cao họ?

Nhiều năm trước, chúng tôi nghe những thầy cô dạy sử - chính trị bảo rằng “Người Mỹ chỉ có một ước mơ là sau một đêm ngủ thức dậy thấy mình là người Việt nam”. Lúc đó còn là học sinh mà chúng tôi mới nghe đã cười ồ lên. Tôi tưởng rằng ở thế kỷ 21 này, trong thời đại Internet này, nhận định ấu trĩ ấy đã được chỉ mặt. Nhưng không, thỉnh thoảng vẫn nghe vài sinh viên nhắc đến điều ấy với sự mãn nguyện.

Do cái mãn nguyện rất là “đáng yêu” chứng tỏ họ rất “hạnh phúc” ấy, mà những nhận định trái ngược và thực tế đều bị đả phá kịch liệt. Thời gian đi qua, câu nói thời danh của Đức Tổng Giám Mục Hà nội Giuse Ngô Quang Kiệt vẫn còn nguyên giá trị: “"Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên.” Và sự phản đối ngài do những con người ít hiểu biết về thế giới vẫn còn nguyên.
Phản đối thì phản đối vậy thôi, chứ người ta cũng thừa nhận Đức Tổng nói chí lý. Trong thâm tâm những người làm truyền thông nhà nước vẫn nhận ra sự thật. Tôi thiển nghĩ những chương trình truyền hình trên đây phản ánh sự thừa nhận ấy.

Cái tâm lý cho mình hơn hẳn mọi người mà tận trong thâm tâm mình lại mang mặc cảm thua kém mọi người sẽ sinh ra những bất thường trong tâm hồn và trong cách hành xử. Bài viết Bầu – Bí Một Giàn của Tràm Cà Mau trên www.chuacuuthe.com mới đây không chỉ nói về tình đồng hương mà còn diễn tả tinh tế về cái tâm

Để làm quân bình một hệ thống chông chênh đòi ít nhất ba điều kiện. Thứ nhất là phải nhận ra cái chông chênh ấy và nhận ra cả cài nguy cơ mà nó mang đến. Thứ hai là phải có một tiêu chí vốn cân bằng để tham chiếu. Và thứ ba là chính con người muốn thực hiện phải có tâm lý quân bình để nhìn nhận và lượng giá một cách khách quan.

Trong xã hội này, người ta còn cần phải có cái tâm trong sáng và sự anh dũng nữa. Chúng ta không lấy làm lạ khi hầu như cả xã hội như muốn nhảy mừng và đầy sức sống khi có một con người dám nói sự thật và dám đòi công lý. Chúng ta không ngạc nhiên khi những buổi thắp nến cầu nguyện cho công lý bao giờ cũng thu hút rất đông người, nhất là giới trẻ.

Tuy nhiên, những nỗ lực tìm quân bình cho xã hội chông chênh có vẻ như vô vọng khi những tiếng nói của lương tâm bị rơi vào hư vô hoặc người lên tiếng thường bị người đời xa lánh. Lý do là vì những tiếng nói ấy, những nỗ lực ấy có thể làm lung lay thế đứng của một nhóm người. Nhìn chuyện đời và suy nghĩ, chúng ta hiểu hơn tại sao tiếng kêu của Gioan Tiền Hô được gọi là “tiếng kêu trong sa mạc” hay “tiếng kêu trong rừng vắng”.
Những tiếng nói như tiếng của các chương trình truyền hình trên đây là tiếng kêu giữa phố phường, vì vui vui và dễ nghe, dễ cảm. Còn tiếng kêu cho sự thật và công lý thì mãi mãi là tiếng kêu trong rừng vắng thôi. Nhưng ai nghe tiếng kêu trong sa mạc thì được chọn vào trong số những người được cứu.

Dĩ nhiên sống là phải chấp nhận mọi khác biệt. Thế nhưng không thể nhân danh sự khác biệt để đưa ra những quan điểm sống không quan tâm đến ai và không góp phần vào việc thăng tiến cuộc sống của người chung quanh mình. Khác biệt nhưng vẫn phải có những tiêu chí rõ ràng. Một người đi ăn cướp không thể biện minh rằng “quan điểm của tôi là như thế anh phải tôn trọng”. Cũng vậy, những quan điểm và hành vi tiếp tay cho cái sai trái không thể biện minh bằng bất cứ luận điểm nào.

Trong thời đại này ít ai muốn lên rừng sống. Tuy nhiên, sống nơi phố thị người ta vẫn cần phải lắng tâm hồn để nghe tiếng kêu vọng xuống từ rừng vắng như tiếng kêu của Gioan Tiền Hô ngày xưa. Tiếng của phố phường lắm khi phức tạp vì bao tiếng ồn ào và vì bao thứ chủ nghĩa vây bọc. Xin cùng nhau thỉnh thoảng tự vấn, “Có ai nghe tiếng kêu từ rừng vắng kia để góp phần làm cho xã hội bớt chông chênh?”

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs