PDA

View Full Version : C - Các con chớ áy náy về ngày mai



Dan Lee
02-23-2011, 08:33 PM
CÁC CON CHỚ ÁY NÁY VỀ NGÀY MAI

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay trích từ bài giảng trên núi. Chúa Giêsu dạy về việc cởi bỏ những lo lắng về tiền của và của ăn áo mặc để thúc đẩy ta tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng.

SUY NIỆM:

1/ “Không ai có thể làm tôi hai chủ”:

Chúa Giêsu đưa ra một tiền đề như một nguyên tắc chung là không thể làm tôi hai chủ một trật. Nguyên tắc này muốn nhấn mạnh khía cạnh phải dứt khoát lựa chọn chủ này hay chủ kia.

2/ “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được”:

“Làm tôi” ở đây mang ý nghĩa như một người nô lệ hoàn toàn, tuỳ thuộc vào ông chủ, không còn tự chủ về việc định đoạt riêng cho mình.

“Tiền của” tiếng Aram là Mammôn, nghĩa là Thần tiền: Tiền được nhân cách hoá như một sức mạnh của một vị thần có sức chinh phục thế giới.

Áp dụng nguyên tắc trên, ở đây Chúa Giêsu khuyên phải có thái độ dứt khoát trong việc chọn lựa Thiên Chúa hay tiền của. Làm tôi Thiên Chúa thì phải từ bỏ sự lo lắng về tiền của.

3/ “Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình…”:

Không những Chúa cấm làm tôi tiền của, Chúa còn khuyên ta đừng lo lắng về sự thế tục như đồ ăn áo mặc nữa. Vì khi làm tôi tiền của, sẽ dần dần xa lìa Thiên Chúa, còn lo lắng về sự thế tục sẽ trái với niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

“Lo lắng”: Matthêô dùng động từ này ở đây đến 6 lần là để nói lên lời khẩn bách mời gọi từ bỏ mọi âu lo thái quá, vì cả cuộc sống của ta đã được đặt trước mặt Thiên Chúa Cha là Đấng “biết rõ điều ta cần” (Mt 6,8 và 6,32).

Tuy Chúa Giêsu khuyên như vậy nhưng Người không có ý cổ võ sự nhàn cư rảnh rỗi, lạc quan vô tâm hay phó thác thụ động vào Thiên Chúa, nhưng đúng hơn Người muốn nêu rõ sự đối nghịch hai thái độ sâu xa trước các nhu cầu của cuộc sống con người là sự bình tâm và lo lắng. Bình tâm vì phó thác vào Thiên Chúa, lo lắng vì không tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Dĩ nhiên sự bình tâm này đòi hỏi con người phải làm việc kiếm cơm áo hôm nay, tiên liệu cho ngày mai, nhưng điều cốt yếu là trong mọi sự phải bíêt qui hướng về Thiên Chúa Cha.

“Xin cho chúng con lương thực hằng ngày”: (Mt 6,11); “Hãy xin thì sẽ được…” (Mt 7,7-11).

4/ “Nào mạng sống không hơn miếng ăn…”:

Chúa Giêsu muốn nói lên rằng: nếu Thiên Chúa đã ban cho ta hai thứ quý là sự sống và tạo dựngthân xác, thì Người cũng sẽ bảo đảm cho chúng mọi thứ cần thiết. Vậy đừng lo lắng làm chi.

5/ “Hãy nhìn xem chim trời…”:

Chúa Giêsu lấy bằng chứng về Thiên Chúa quan phòng cho chim trời để giải thích về việc Thiên Chúa quan phòng việc nuôi sống con người.

“Chúng không gieo không gặt…”: diễn tả việc Thiên Chúa quan phòng bằng cách tạo điều kiện và phương tiện để nuôi, còn chim trời phải thực hiện việc nuôi sống mình bằng cách không ngừng làm việc để kiếm thức ăn. Chỉ cần đưa mắt quan sát, ta sẽ thấy chúng bay khắp bốn phương tìm của ăn thích hợp loài nào thức ăn ấy.

6/ “Nào các con không hơn chúng sao?”:

Chim trời còn được Thiên Chúa quan phòng như vậy phương chi chúng ta làm con cái Thiên Chúa. Vậy đừng lo lắng về của ăn nhưng đừng làm biếng.

7/ “Nào có ai trong các con lo lắng áy náy…”:

Con người có lo lắng cũng vô ích, chẳng đi đến đâu “Phaolô trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa cho mọc lên” và “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” là vậy.

8/ “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng…”:

Về áo mặc, Chúa Giêsu lấy bằng chứng Thiên Chúa quan phòng về vẻ đẹp cho hoa huệ ngoài đồng để giải thích về sự Thiên Chúa quan phòng trong việc trang sức cho con người.

Hoa huệ là thứ hoa cỏ đồng nội nay còn mai mất mà Thiên Chúa còn làm cho nó một vẻ đẹp hơn vinh quang của Salomon phương chi loài người chúng ta là con cái của Thiên Chúa, lại không được Thiên Chúa quan phòng săn sóc cho hay sao?

Cũng như loài chim trên trời phải đi kiếm ăn, hoa huệ ngoài đồng không ngừng đâm rễ ngày càng sâu hơn trong lòng đất để hút lấy nhựa cần thiết cho sự sống hay sắc hương.

9/ “Vậy các con chớ áy náy lo lắng…”:

Chúa bảo chúng ta quan sát chim trời và hoa huệ ngoài đồng, tức là quan sát vũ trụ vạn vật, để giúp lòng tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa quan phòng, chứ đừng áy náy về đồ ăn áo mặc, khiến sao lãng việc tin cậy vào quyền năng và tình thương chăm sóc của Thiên Chúa.

10/ “Vì chưng dân ngoại tìm kiếm những điều đó…”:


- “Tìm kiếm”: đồng nghĩa với đam mê và lo âu.

- Khi xem những của cải vật chất và những sự thế tục là những đối tượng tìm kiếm không ngơi và đầy lo lắng, dân ngoại tỏ ra chẳng hề biết Đấng Tạo Hoá của mình. Vì vậy người Kitô hữu chỉ mải miết tìm kiếm của ăn và áo mặc thì chẳng hơn gì dân ngoại và như vậy làm mất danh nghĩa là con cái Thiên Chúa.

11/ “Nhưng Cha các con biết rõ các con cần…”:

Chính Thiên Chúa biết những nhu cầu chính đáng của ta và hằng muốn thoả mãn cho ta. Cái sai lầm cho dân ngoại là ở chỗ không nhận ra tình yêu quan phòng ấy của Thiên Chúa và vì vậy sinh ra bạo hành với tại vật của Chúa và muốn chiếm đọat cho kỳ được, khiến gây nên nhiều bất công xã hội.

12/ “ Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”:

Chữ “tiên vàn” gợi lên ý nghĩa nằm trong tinh thần Kinh Lạy Cha: Nước Chúa trước tiên đã rồi mới đến cơm bánh.

“Tiềm kiến Nước Thiên Chúa”: Thiên Chúa lo lắng cho con người mọi sự họ cần, nhưng Thiên Chúa cũng mong muốn con người chia sẻ sự bận tâm của Ngài về Nước Thiên Chúa “Nguệyn danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến…”.

“Sự công chính của Nước Trời” có nghĩa là cách ăn nết ở phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa.

Người Kitô hữu tiên vàn phải tìm cách để Thiên Chúa ngự trị trong đời mình để lời mình là lời đáp trả với tình yêu thánh ý Thiên Chúa.

13/ “Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai”.

Ở đây Chúa khuyên ta đừng lo lắng về ngày mai, tức là hãy tín vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa là Cha chúng ta vì:


- Quá khứ đã qua rồi.

- Hiện tại ở trong tầm tay ta, ta phải chu toàn bổn phận của ta.

- Tương lai, ngày mai là của Chúa, hãy phó thác nơi Người.

14/ “Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai”:

Ngày nào có công việc cho ngày ấy, vì thế mỗi ngày đều có công việc phải làm, đừng chồng chất công việc ngày mai vào ngày hôm nay, kẻo làm cho công việc ra nặng hơn.

15/ “Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”:

Chúa Giêsu chỉ cho ta ý thức rõ ràng cuộc đời không phải chỉ màu hồng hay phẳng lặng êm đẹp như mặt hồ mùa thu, nhưng cũng lắm khổ cực gian nan. Vì thế Người khuyên chúng ta đừng thổi phồng sự khổ cực này cách vô ích vì quá ưu tư, lo lắng, áy náy cho ngày mai.

ÁP DỤNG

A/ Áp dụng theo Tin Mừng

Qua bài Tin Mừng hôm nay Giáo Hội muốn khuyên nhủ chúng ta phải biết cởi mở bỏ sự ham mê của cải vật chất và sự lo lắng về những sự thế tục để được bình tâm trong sự tín thác vào Thiên Chúa quan phòng.

B/ Áp dụng thực hành

Nghe lời Chúa nói:


1/ “Không ai có thể làm tôi hai chủ”: Chúa cấm ta không được bắt cá hai tay, vì sẽ chẳng được con nào nghĩa là chúng ta phải dứt khoát chọn lựa Thiên Chúa thì phải cởi bỏ sự ham tiền của.

2/ “Các con chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình”: Chúa khuyên ta phải bình tâm trong việc làm ăn sinh sống. Đừng lo lắng áy náy kẻo mất thêm niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa là Đấng biết rõ những nhu cầu trong cuộc sống của ta.

3/ “Hãy xem chim trời, bông huệ ngoài đồng…”: Chúa khuyên ta phải biết nhìn ngắm vũ trụ vạn vật để nhận ra bàn tay quan phòng săn sóc của Thiên Chúa để tín thác vào Ngài trong mọi sự.

4/ “Dân ngoại tìm kiếm những điều đó”: Dân ngoại vì không nhận biết Đấng Tạo Thành nên say mê và lo lắng những nhu cầu của cuộc sống. Nếu chúng ta lo lắng áy náy về của ăn áo mặc, thì coi như chúng ta là dân ngoại, đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa quan phòng.

5/ “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”: Chúa khuyên nhủ chúng ta phải ưu tiên cho việc Chúa trước, việc đời sau. Ưu tiên cho sự sống siêu nhiên trước sự sống tự nhiên sau…và đồng thời hãy lo chu toàn bổn phận làm con Chúa bằng cách sống cho phù hợp với thánh ý của Chúa.

6/ “Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”: Đời sống của con người không tránh khỏi những gian nan thử thách. Vì thế phải biết chịu đựng mỗi ngày:


- Đau khổ trong quá khứ: đừng gợi lại làm chi vì đã qua.

- Đau khổ trong hiện tại: rồi sẽ qua đi đừng bối rối.

- Đau khổ trong tương lai:chắc gì xảy đến, hãy cứ vui sống.

nhóm Nha Trang