Dan Lee
03-02-2011, 10:19 PM
Chúa Nhật IX thường niên - Năm A
Bởi tin chứ không phải bởi việc làm luật dạy
Đời sống con người không phải chỉ có những khó khăn trước mắt. Chính cuộc sống hàng ngày đã là một khó khăn; vì ngày nào ngày nào con người cũng phải cố gắng; ngưng các cố gắng này, đời sống chẳng còn ra gì nữa. Và con người phải cố gắng về nhiều mặt. Hôm nay Lời Chúa bảo chúng ta phải cố gắng về mặt đạo đức, đem Lời Người ra thực hành.
A. Lệnh Truyền Của Chúa
Bài sách Thứ luật đơn sơ vắn tắt. Nó làm vọng lại thời xưa; nhưng chân lý của nó vẫn có giá trị hiện đại. Đó là những lời Thiên Chúa trực tiếp nói với dân Israel ở thời Giao Ước núi Sinai. Đúng hơn, đoạn trích hôm nay kết thúc những chương trình bày giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người.
Người đã cho Dân ấy hiểu rằng chính Người đã ra tay oai hùng và mạnh mẽ cứu Dân ra khỏi đất tôi mọi. Người muốn chọn họ làm Dân Riêng của Người nếu họ bằng lòng chỉ nhận Người làm Chúa. Dĩ nhiên trăm người như một, họ đã đồng thanh hưởng ứng vì uy quyền và ân huệ của Thiên Chúa trong việc cứu Dân đang còn rõ ràng trước mắt. Họ thấy theo Người không thiệt gì cả mà chỉ có lợi, vì nếu không, nay họ đã không là một Dân có lịch sử và tương lai nhưng đã hao mòn, mạt kiếp nơi chỉ toàn gặp những chuyện bất công ức hiếp. Do đó trong lúc phấn khởi, họ đã nhận hết mọi lệnh truyền của Chúa do Môsê truyền lại. Ông đã ghi tất cả vào bia đá và sách vở. Nhưng chưa đủ. Cần thiết hơn là mỗi người phải nắm vững, và đem ra thi hành. Thế nên để kết luận, Môsê nói với Dân những lời chúng ta vừa nghe đọc.
Ông yêu cầu họ hãy đặt lệnh truyền của Chúa vào lòng, vào linh hồn; hãy buộc nó làm dấu nơi tay để luôn có thể nhìn thấy; cũng như hãy lấy nó làm khăn chít nơi trán để nhắc nhở cho nhau. Bởi vì hạnh phúc tùy thuộc ở việc tuân giữ lệnh truyền ấy. Người ta sẽ được chúc lành khi đem nó ra thi hành; ngược lại họ sẽ bị chúc dữ khi lạc xa đường lối Thiên Chúa đã vạch ra. Không tất nhiên Người phải phạt họ. Chính đường lối họ đi theo khi bỏ đường lối của Thiên Chúa sẽ đưa họ đến những bất hạnh vô cùng khốn khổ. Đó là con người của tà thần nơi các dân ngoại. Bước vào con đường đó, Israel sẽ ra khỏi Lời Hứa và mất tất cả những gì làm cho Dân ấy nên vinh dự và độc đáo. Israel sẽ ra khỏi ơn gọi làm Dân Riêng của Thiên Chúa và không còn lẽ sống đặc biệt nữa. Do đó đứng trước lệnh truyền của Chúa là đứng trước lời chúc lành hay lời chúc dữ, là đứng trước hạnh phúc hay bất hạnh, sự sống hay sự chết. Israel có quyền lựa chọn. Thiên Chúa kính trọng sự tự do của con người. Tuy nhiên không lúc nào Người không muốn Israel lựa chọn đường lối sự sống. Đến nỗi sau khi đã nhiều lần nhiều cách khuyên nhủ họ qua các tiên tri, cuối cùng Người đã phải sai chính Con Một của Người đến để giúp họ, kéo họ trở về với lệnh truyền và chúc lành của Người. Đó là Đức Yêsu Kitô mà hôm nay bài Tin Mừng cho chúng ta thấy cũng đang kết thúc Bài giảng trên Núi, giống như Môsê đã kết thúc huấn từ về Giao ước trong bài sách Thứ luật vừa nghe.
B. Hãy Xây Nhà Trên Đá
Thật vậy đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc một bài giảng dài trong sách Tin Mừng Matthêô. Đó là Bài giảng trên Núi, khởi đầu với các mối phúc thật. Rồi Chúa Yêsu đã đề cập đến việc cầu nguyện ăn chay và bố thí, là những việc đạo đức đặc biệt trong dân Dothái. Người cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác nữa. Cuối cùng nhìn vào đám thính giả đang chăm chú nghe, Người như muốn nói với các cộng đồng tín hữu cử hành Phụng vụ của Người sau này. Nói đúng hơn, tác giả sách Tin Mừng nhìn thấy các cộng đồng Kitô hữu nơi đám thính giả đang chăm chú nghe Đức Yêsu. Và người muốn đặt những lời này trên miệng Chúa: “Không phải mọi kẻ nói với Ta: lạy Chúa! lạy Chúa! là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành Ý Cha Ta”.
Những ai quen biết Kinh Thánh lập tức đã nhận ra bối cảnh của ngày chung thẩm trong những lời vừa nghe. Người ta đến lay cửa Nước Trời như những trinh nữ khờ dại, không chuẩn bị dầu đèn, nên khi mọi người đã vào phòng cưới và cửa đã đóng mới chậm chân đến gõ cửa xin vào (25,11). Đức Yêsu bấy giờ không còn như lúc rao giảng ở trần gian nữa. Người đã là “Chúa”. Tước hiệu đặc biệt này Người đã nhận được khi sống lại và người ta được chiêm ngưỡng khi Người trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Sách Tin Mừng Matthêô hay dùng chữ “trong ngày ấy” để nói về thời thế mạt.
Vậy trong ngày ấy, nhiều kẻ sẽ đến nói với Đức Yêsu: Lạy Chúa, lạy Chúa! Họ làm chúng ta liên tưởng đến những con người quen đọc kinh, những người thường đọc kinh và đọc kinh nhiều, nhưng lại là những kẻ không thi hành Thánh ý Chúa. Họ giữ đạo như những người nơi dân ngoại và như dân Dothái mà các tiên tri đã nói rằng họ chỉ thờ Chúa bằng môi miệng, còn lòng họ thì ở xa Người. Dĩ nhiên những người như vậy sẽ không được Đức Kitô nhìn đến.
Ở đây, sách Tin Mừng Matthêô còn nói đến cả những người đã nhân Danh Chúa mà nói tiên tri, nhân Danh Người mà trừ quỷ, nhân Danh Người mà làm phép lạ. Đó chẳng phải là những người ở trong hàng ngũ môn đệ sao, mà sách Tin Mừng đã có lần nói rằng họ cũng được Chúa sai đi giảng đạo và họ cũng đã làm được nhiều phép lạ? Phải, có nhiều người ở trong Giáo hội, ngay cả nơi phẩm trật Hội Thánh nữa vẫn “nhân Danh” Chúa mà làm nhiều truyện. Trong ngày ấy họ đến với Chúa; họ chào Chúa: lạy Chúa, lạy Chúa; nhưng họ sẽ được trả lời: Ta không hề biết các ngươi! Nghĩa là Ta không thấy có gì mật thiết với các ngươi, Ta không thấy các ngươi là bạn hữu, vì như lời Phaolô nói: có những kẻ làm phép lạ mà không có đức mến. Những người ấy đã làm việc chiếu lệ. Và tệ hơn nữa, lời Tin Mừng hôm nay nói: họ hết thảy là phường tác quái. Tác giả Matthêô quen dùng từ ngữ này để nói đến những hành động thiếu bác ái, yêu thương (xem 13,41; 23,28; 24,12). Và như thế làm chúng ta thấy rõ những lời Chúa phán xét ở đây cũng y hệt như ở một đoạn khác, đoạn 25 trong sách Tin Mừng Matthêô nói về chung thẩm. Và Người cũng nói với những kẻ không thi hành bác ái rằng: hãy xéo đi xa Ta! y như hôm nay Người tuyên bố với hạng người không thi hành Lời Chúa.
Tuy nhiên chúng ta đừng nghĩ tưởng Nước Trời và hạnh phúc thiên đàng như một thứ phần thưởng ngoại tại sẽ được trao tặng cho những kẻ thi hành Ý Chúa. Nhưng cây xiêu đàng nào thì đổ đàng ấy. Con người không giữ Luật Chúa, thì như lời sách Thứ luật hôm nay nói, họ đã đi vào con đường bất hạnh. Và con người không làm bác ái, thì đã là phường tác quái. Đời sống và công trình của họ giống như của người xây nhà trên cát: mưa đổ, sông tràn, gió thổi, nó sập và sập đổ lớn.
Đây không phải là văn chương. Đó là những nét gợi lại cảnh hồng thủy ngày xưa và gợi lên cảnh trời long đất lở trong ngày chung thẩm. Vào ngày đó, con người tác quái sẽ thấy họ đã sống vô ích. Công việc họ làm theo thế gian đã qua đi với thế gian. Thánh Phaolô bảo trong ngày đó chỉ còn đức ái tồn tại. Và ở đây thánh Matthêô nói, chỉ còn cuộc đời bác ái mới đứng vững trước mặt Chúa. Chính Người là Đá Vững Chắc để ai gắn bó với Người mới tồn tại qua các cơn phong ba và đặc biệt trong cơn bão táp cuối cùng là thời tận thế. Thánh Yoan nói: “Ai bảo mình biết Chúa Yêsu mà không giữ lệnh truyền của Người, thì là kẻ nói láo” (1Yn 2,3-6). Lời ấy có thể giải thích vì sao “trong ngày ấy nhiều kẻ nói với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa... mà sẽ bị Ta tuyên bố: Ta không hề biết các ngươi”.
Do đó, giữ đạo không phải chỉ là đọc kinh xem lễ, nhưng nhất là lắng nghe Lời Chúa và thi hành Ý Người. Chính Người đã phán: chỉ những ai làm như vậy mới là mẹ, là anh, là em của Người, nghĩa là mới có tình nghĩa với Người và mới có đức bác ái.
C. Bởi Tin Chứ Không Phải Bởi Việc Làm Luật Dạy
Đọc qua, chúng ta có thể tưởng Phaolô không nhất trí với sách Thứ luật và Tin Mừng Matthêô. Người nghĩ rằng “con người mà được giải án tuyên công (= được công chính hóa) ấy là bởi tin, chứ không phải bởi việc làm Luật dạy”. Do đó người Tin Lành thường nói: chúng ta được rỗi chỉ nhờ lòng tin.
Tuy nhiên chúng ta có thể tạm phân biệt hai giai đoạn trong cuộc đời của người tín hữu: lúc họ đi từ nơi tối tăm sang nơi ánh sáng, tức là từ tình trạng tội lỗi được trở nên công chính; và cuộc đời từ đó trở đi. Ở đây thánh Phaolô muốn nói đến giai đoạn thứ nhất, lúc con người được công chính hóa, nghĩa là được tha thứ tội lỗi để nên thánh thiện, được giải án là con cái của lôi đình giận dữ để được tuyên bố là con cái của ân sủng và tình thương. Điều này không tùy vào luật nào hay việc nào, nhưng hoàn toàn chỉ nhờ bởi tin vào Đức Yêsu Kitô, Đấng mà Thiên Chúa đã bày ra trước mắt thiên hạ như phương xá tội. Chỉ nhờ ơn Người, nhờ việc cứu chuộc trong Máu Người mà mọi kẻ tin đều được công chính hóa.
Đàng khác, “tin” đối với thánh Phaolô không chỉ là một hoạt động của trí tuệ chấp nhận chân lý, nhưng tự bản chất là một hoạt động của cơ thể con người hiến thân cho mạc khải cứu độ của Thiên Chúa. “Tin” như vậy chính là “yêu”, và yêu không chỉ ở trong tư tưởng nhưng là dấn thân và hành động. Người ta tin Phúc Âm thì vâng lời Phúc Âm; và người ta tin Chúa thì phải giữ lệnh Người truyền.
Phaolô và Matthêô không nói khác nhau như thoạt đầu chúng ta tưởng. Phaolô nói đến hành vi vào đạo; đang khi Matthêô nói với một cộng đoàn đã có đạo. Nhưng trong tư tưởng của cả hai tác giả, tin vẫn là dấn thân cũng như không được kêu “lạy Chúa, lạy Chúa” mà không giữ lệnh Người truyền. Phaolô phi bác giá trị của các việc Luật dạy làm khi người ta quả quyết chúng có thể giải án tuyên công, tức là cứu chuộc con người ra khỏi tội lỗi. Vì như vậy mầu nhiệm Chúa Yêsu Kitô và việc Người hy tế sự sống mình trở nên vô ích. Còn Matthêô lại nói đến các việc làm mà đức tin đòi buộc để chứng tỏ đức tin chân thật. Phụng vụ hôm nay đọc cho chúng ta nghe lời của cả hai tác giả để chúng ta có một cái nhìn đầy đủ và hàng ngày biết sống xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu.
Ngay trong giờ phút này, chúng ta cử hành Thánh lễ. Đức tin cần thiết biết bao! Vì chính đây là mầu nhiệm đức tin. Không tin ở lời toàn năng biến đổi bánh rượu nên Mình Máu Chúa, chúng ta không có Bí tích tình yêu ở giữa chúng ta. Chúng ta không tham dự vào mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh của Chúa. Chúng ta không được thêm ơn cứu độ.
Nhưng khi đức tin làm cho chúng ta biết nhìn nhận và lãnh nhận Mình Máu Chúa trong mầu nhiệm cứu thế này thì đức tin đồng thời đòi hỏi chúng ta phải chết đi cho con người cũ và sống cho con người mới. Không như vậy làm sao có thể nói tham dự vào mầu nhiệm Chúa chết và sống lại? Và khi đã tham dự vào Bí tích biến đổi như thế, ai nghĩ rằng mình có thể trở về mà cứ sống như trước đây? Hay là tất cả chúng ta đều thấy “lễ xong” chúng ta phải ra về để thi hành Lời Chúa và Luật Chúa? Đời sống Kitô hữu không phải là thực thi lệnh truyền của Chúa hay sao? Và như vậy là vì đã phát xuất từ niềm tin và luôn được niềm tin nâng đỡ. Vì thế, chúng ta hãy tin và hãy làm như Lời Chúa hôm nay dạy bảo.
Đức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Bởi tin chứ không phải bởi việc làm luật dạy
Đời sống con người không phải chỉ có những khó khăn trước mắt. Chính cuộc sống hàng ngày đã là một khó khăn; vì ngày nào ngày nào con người cũng phải cố gắng; ngưng các cố gắng này, đời sống chẳng còn ra gì nữa. Và con người phải cố gắng về nhiều mặt. Hôm nay Lời Chúa bảo chúng ta phải cố gắng về mặt đạo đức, đem Lời Người ra thực hành.
A. Lệnh Truyền Của Chúa
Bài sách Thứ luật đơn sơ vắn tắt. Nó làm vọng lại thời xưa; nhưng chân lý của nó vẫn có giá trị hiện đại. Đó là những lời Thiên Chúa trực tiếp nói với dân Israel ở thời Giao Ước núi Sinai. Đúng hơn, đoạn trích hôm nay kết thúc những chương trình bày giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người.
Người đã cho Dân ấy hiểu rằng chính Người đã ra tay oai hùng và mạnh mẽ cứu Dân ra khỏi đất tôi mọi. Người muốn chọn họ làm Dân Riêng của Người nếu họ bằng lòng chỉ nhận Người làm Chúa. Dĩ nhiên trăm người như một, họ đã đồng thanh hưởng ứng vì uy quyền và ân huệ của Thiên Chúa trong việc cứu Dân đang còn rõ ràng trước mắt. Họ thấy theo Người không thiệt gì cả mà chỉ có lợi, vì nếu không, nay họ đã không là một Dân có lịch sử và tương lai nhưng đã hao mòn, mạt kiếp nơi chỉ toàn gặp những chuyện bất công ức hiếp. Do đó trong lúc phấn khởi, họ đã nhận hết mọi lệnh truyền của Chúa do Môsê truyền lại. Ông đã ghi tất cả vào bia đá và sách vở. Nhưng chưa đủ. Cần thiết hơn là mỗi người phải nắm vững, và đem ra thi hành. Thế nên để kết luận, Môsê nói với Dân những lời chúng ta vừa nghe đọc.
Ông yêu cầu họ hãy đặt lệnh truyền của Chúa vào lòng, vào linh hồn; hãy buộc nó làm dấu nơi tay để luôn có thể nhìn thấy; cũng như hãy lấy nó làm khăn chít nơi trán để nhắc nhở cho nhau. Bởi vì hạnh phúc tùy thuộc ở việc tuân giữ lệnh truyền ấy. Người ta sẽ được chúc lành khi đem nó ra thi hành; ngược lại họ sẽ bị chúc dữ khi lạc xa đường lối Thiên Chúa đã vạch ra. Không tất nhiên Người phải phạt họ. Chính đường lối họ đi theo khi bỏ đường lối của Thiên Chúa sẽ đưa họ đến những bất hạnh vô cùng khốn khổ. Đó là con người của tà thần nơi các dân ngoại. Bước vào con đường đó, Israel sẽ ra khỏi Lời Hứa và mất tất cả những gì làm cho Dân ấy nên vinh dự và độc đáo. Israel sẽ ra khỏi ơn gọi làm Dân Riêng của Thiên Chúa và không còn lẽ sống đặc biệt nữa. Do đó đứng trước lệnh truyền của Chúa là đứng trước lời chúc lành hay lời chúc dữ, là đứng trước hạnh phúc hay bất hạnh, sự sống hay sự chết. Israel có quyền lựa chọn. Thiên Chúa kính trọng sự tự do của con người. Tuy nhiên không lúc nào Người không muốn Israel lựa chọn đường lối sự sống. Đến nỗi sau khi đã nhiều lần nhiều cách khuyên nhủ họ qua các tiên tri, cuối cùng Người đã phải sai chính Con Một của Người đến để giúp họ, kéo họ trở về với lệnh truyền và chúc lành của Người. Đó là Đức Yêsu Kitô mà hôm nay bài Tin Mừng cho chúng ta thấy cũng đang kết thúc Bài giảng trên Núi, giống như Môsê đã kết thúc huấn từ về Giao ước trong bài sách Thứ luật vừa nghe.
B. Hãy Xây Nhà Trên Đá
Thật vậy đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc một bài giảng dài trong sách Tin Mừng Matthêô. Đó là Bài giảng trên Núi, khởi đầu với các mối phúc thật. Rồi Chúa Yêsu đã đề cập đến việc cầu nguyện ăn chay và bố thí, là những việc đạo đức đặc biệt trong dân Dothái. Người cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác nữa. Cuối cùng nhìn vào đám thính giả đang chăm chú nghe, Người như muốn nói với các cộng đồng tín hữu cử hành Phụng vụ của Người sau này. Nói đúng hơn, tác giả sách Tin Mừng nhìn thấy các cộng đồng Kitô hữu nơi đám thính giả đang chăm chú nghe Đức Yêsu. Và người muốn đặt những lời này trên miệng Chúa: “Không phải mọi kẻ nói với Ta: lạy Chúa! lạy Chúa! là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành Ý Cha Ta”.
Những ai quen biết Kinh Thánh lập tức đã nhận ra bối cảnh của ngày chung thẩm trong những lời vừa nghe. Người ta đến lay cửa Nước Trời như những trinh nữ khờ dại, không chuẩn bị dầu đèn, nên khi mọi người đã vào phòng cưới và cửa đã đóng mới chậm chân đến gõ cửa xin vào (25,11). Đức Yêsu bấy giờ không còn như lúc rao giảng ở trần gian nữa. Người đã là “Chúa”. Tước hiệu đặc biệt này Người đã nhận được khi sống lại và người ta được chiêm ngưỡng khi Người trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Sách Tin Mừng Matthêô hay dùng chữ “trong ngày ấy” để nói về thời thế mạt.
Vậy trong ngày ấy, nhiều kẻ sẽ đến nói với Đức Yêsu: Lạy Chúa, lạy Chúa! Họ làm chúng ta liên tưởng đến những con người quen đọc kinh, những người thường đọc kinh và đọc kinh nhiều, nhưng lại là những kẻ không thi hành Thánh ý Chúa. Họ giữ đạo như những người nơi dân ngoại và như dân Dothái mà các tiên tri đã nói rằng họ chỉ thờ Chúa bằng môi miệng, còn lòng họ thì ở xa Người. Dĩ nhiên những người như vậy sẽ không được Đức Kitô nhìn đến.
Ở đây, sách Tin Mừng Matthêô còn nói đến cả những người đã nhân Danh Chúa mà nói tiên tri, nhân Danh Người mà trừ quỷ, nhân Danh Người mà làm phép lạ. Đó chẳng phải là những người ở trong hàng ngũ môn đệ sao, mà sách Tin Mừng đã có lần nói rằng họ cũng được Chúa sai đi giảng đạo và họ cũng đã làm được nhiều phép lạ? Phải, có nhiều người ở trong Giáo hội, ngay cả nơi phẩm trật Hội Thánh nữa vẫn “nhân Danh” Chúa mà làm nhiều truyện. Trong ngày ấy họ đến với Chúa; họ chào Chúa: lạy Chúa, lạy Chúa; nhưng họ sẽ được trả lời: Ta không hề biết các ngươi! Nghĩa là Ta không thấy có gì mật thiết với các ngươi, Ta không thấy các ngươi là bạn hữu, vì như lời Phaolô nói: có những kẻ làm phép lạ mà không có đức mến. Những người ấy đã làm việc chiếu lệ. Và tệ hơn nữa, lời Tin Mừng hôm nay nói: họ hết thảy là phường tác quái. Tác giả Matthêô quen dùng từ ngữ này để nói đến những hành động thiếu bác ái, yêu thương (xem 13,41; 23,28; 24,12). Và như thế làm chúng ta thấy rõ những lời Chúa phán xét ở đây cũng y hệt như ở một đoạn khác, đoạn 25 trong sách Tin Mừng Matthêô nói về chung thẩm. Và Người cũng nói với những kẻ không thi hành bác ái rằng: hãy xéo đi xa Ta! y như hôm nay Người tuyên bố với hạng người không thi hành Lời Chúa.
Tuy nhiên chúng ta đừng nghĩ tưởng Nước Trời và hạnh phúc thiên đàng như một thứ phần thưởng ngoại tại sẽ được trao tặng cho những kẻ thi hành Ý Chúa. Nhưng cây xiêu đàng nào thì đổ đàng ấy. Con người không giữ Luật Chúa, thì như lời sách Thứ luật hôm nay nói, họ đã đi vào con đường bất hạnh. Và con người không làm bác ái, thì đã là phường tác quái. Đời sống và công trình của họ giống như của người xây nhà trên cát: mưa đổ, sông tràn, gió thổi, nó sập và sập đổ lớn.
Đây không phải là văn chương. Đó là những nét gợi lại cảnh hồng thủy ngày xưa và gợi lên cảnh trời long đất lở trong ngày chung thẩm. Vào ngày đó, con người tác quái sẽ thấy họ đã sống vô ích. Công việc họ làm theo thế gian đã qua đi với thế gian. Thánh Phaolô bảo trong ngày đó chỉ còn đức ái tồn tại. Và ở đây thánh Matthêô nói, chỉ còn cuộc đời bác ái mới đứng vững trước mặt Chúa. Chính Người là Đá Vững Chắc để ai gắn bó với Người mới tồn tại qua các cơn phong ba và đặc biệt trong cơn bão táp cuối cùng là thời tận thế. Thánh Yoan nói: “Ai bảo mình biết Chúa Yêsu mà không giữ lệnh truyền của Người, thì là kẻ nói láo” (1Yn 2,3-6). Lời ấy có thể giải thích vì sao “trong ngày ấy nhiều kẻ nói với Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa... mà sẽ bị Ta tuyên bố: Ta không hề biết các ngươi”.
Do đó, giữ đạo không phải chỉ là đọc kinh xem lễ, nhưng nhất là lắng nghe Lời Chúa và thi hành Ý Người. Chính Người đã phán: chỉ những ai làm như vậy mới là mẹ, là anh, là em của Người, nghĩa là mới có tình nghĩa với Người và mới có đức bác ái.
C. Bởi Tin Chứ Không Phải Bởi Việc Làm Luật Dạy
Đọc qua, chúng ta có thể tưởng Phaolô không nhất trí với sách Thứ luật và Tin Mừng Matthêô. Người nghĩ rằng “con người mà được giải án tuyên công (= được công chính hóa) ấy là bởi tin, chứ không phải bởi việc làm Luật dạy”. Do đó người Tin Lành thường nói: chúng ta được rỗi chỉ nhờ lòng tin.
Tuy nhiên chúng ta có thể tạm phân biệt hai giai đoạn trong cuộc đời của người tín hữu: lúc họ đi từ nơi tối tăm sang nơi ánh sáng, tức là từ tình trạng tội lỗi được trở nên công chính; và cuộc đời từ đó trở đi. Ở đây thánh Phaolô muốn nói đến giai đoạn thứ nhất, lúc con người được công chính hóa, nghĩa là được tha thứ tội lỗi để nên thánh thiện, được giải án là con cái của lôi đình giận dữ để được tuyên bố là con cái của ân sủng và tình thương. Điều này không tùy vào luật nào hay việc nào, nhưng hoàn toàn chỉ nhờ bởi tin vào Đức Yêsu Kitô, Đấng mà Thiên Chúa đã bày ra trước mắt thiên hạ như phương xá tội. Chỉ nhờ ơn Người, nhờ việc cứu chuộc trong Máu Người mà mọi kẻ tin đều được công chính hóa.
Đàng khác, “tin” đối với thánh Phaolô không chỉ là một hoạt động của trí tuệ chấp nhận chân lý, nhưng tự bản chất là một hoạt động của cơ thể con người hiến thân cho mạc khải cứu độ của Thiên Chúa. “Tin” như vậy chính là “yêu”, và yêu không chỉ ở trong tư tưởng nhưng là dấn thân và hành động. Người ta tin Phúc Âm thì vâng lời Phúc Âm; và người ta tin Chúa thì phải giữ lệnh Người truyền.
Phaolô và Matthêô không nói khác nhau như thoạt đầu chúng ta tưởng. Phaolô nói đến hành vi vào đạo; đang khi Matthêô nói với một cộng đoàn đã có đạo. Nhưng trong tư tưởng của cả hai tác giả, tin vẫn là dấn thân cũng như không được kêu “lạy Chúa, lạy Chúa” mà không giữ lệnh Người truyền. Phaolô phi bác giá trị của các việc Luật dạy làm khi người ta quả quyết chúng có thể giải án tuyên công, tức là cứu chuộc con người ra khỏi tội lỗi. Vì như vậy mầu nhiệm Chúa Yêsu Kitô và việc Người hy tế sự sống mình trở nên vô ích. Còn Matthêô lại nói đến các việc làm mà đức tin đòi buộc để chứng tỏ đức tin chân thật. Phụng vụ hôm nay đọc cho chúng ta nghe lời của cả hai tác giả để chúng ta có một cái nhìn đầy đủ và hàng ngày biết sống xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu.
Ngay trong giờ phút này, chúng ta cử hành Thánh lễ. Đức tin cần thiết biết bao! Vì chính đây là mầu nhiệm đức tin. Không tin ở lời toàn năng biến đổi bánh rượu nên Mình Máu Chúa, chúng ta không có Bí tích tình yêu ở giữa chúng ta. Chúng ta không tham dự vào mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh của Chúa. Chúng ta không được thêm ơn cứu độ.
Nhưng khi đức tin làm cho chúng ta biết nhìn nhận và lãnh nhận Mình Máu Chúa trong mầu nhiệm cứu thế này thì đức tin đồng thời đòi hỏi chúng ta phải chết đi cho con người cũ và sống cho con người mới. Không như vậy làm sao có thể nói tham dự vào mầu nhiệm Chúa chết và sống lại? Và khi đã tham dự vào Bí tích biến đổi như thế, ai nghĩ rằng mình có thể trở về mà cứ sống như trước đây? Hay là tất cả chúng ta đều thấy “lễ xong” chúng ta phải ra về để thi hành Lời Chúa và Luật Chúa? Đời sống Kitô hữu không phải là thực thi lệnh truyền của Chúa hay sao? Và như vậy là vì đã phát xuất từ niềm tin và luôn được niềm tin nâng đỡ. Vì thế, chúng ta hãy tin và hãy làm như Lời Chúa hôm nay dạy bảo.
Đức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm