PDA

View Full Version : C - Công bố Tài liệu đề cương Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 13



Dan Lee
03-04-2011, 07:31 PM
Công bố Tài liệu đề cương Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 13


VATICAN -. Hôm 4-3-2011, Tòa Thánh đã công bố Tài liệu đề cương (Lineamenta) của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13, sẽ tiến hành tại Vatican từ ngày 7 đến 28-10-2012 về chủ đề ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô”.

Công nghị Giám Mục thế giới này có mục đích cứu xét tình trạng trong các Giáo Hội, để ”đề ra những cách thức và lối diễn tả mới mẻ hầu thông truyền Tin Mừng cho con người ngày nay, với một nhiệt huyết mới”.

Đức TGM Nikola Eterovic, người Croát, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới, đã cùng với vị Phụ tá là Đức Ông Fortunato Frezza, đã giới thiệu văn kiện này trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Tài liệu đề cương được ấn hành bằng 8 thứ tiếng (latinh, Pháp, Anh, Ý, Ba Lan, Bồ đào Nha, Tây Ban Nha và Đức) nhắm mục đích khơi lên cuộc thảo luận về đề tài của Thượng HĐGM thế giới vào năm tới, có kèm theo một bản 71 câu hỏi giúp các Giáo Hội địa phương thảo luận và trả lời góp ý.

Bản tổng hợp các câu trả lời cần gửi về văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM trước ngày 1-11-2011. Sau đó, Hội đồng của Văn phòng này sẽ nghiên cứu để soạn Tài liệu làm việc cho Công nghị GM thế giới năm tới.

ĐTC đã quyết định chọn vấn đề tái truyền giảng Tin Mừng như đề tài của Thượng HĐGM thế giới 13 sau một tiến trình tham khảo ý kiến. Nhân danh ĐTC, Văn phòng Tổng thư ký THĐGM đã hỏi ý kiến của 13 Giáo Hội Công giáo Đông phương tự quản, 113 HĐGM, 25 cơ quan trung ương Tòa Thánh, và hiệp hội các Bề trên tổng quyền dòng nam. Mỗi cơ quan được yêu cầu đề nghị 3 chủ đề cho Thượng HĐGM năm tới. Sau đó Hội đồng gồm 15 HY và GM thành viên của Văn phòng Tổng thư ký nhóm họp, cứu xét các câu trả lời, đa số đều đề nghị vấn đề thông truyền đức tin làm chủ đề. Vấn đề này gặp nhiều khó khăn do những thay đổi lớn trong lãnh vực xã hội, văn hóa và tôn giáo.

Ngoài ra, có một biến cố khác, ảnh hưởng tới việc ĐTC chọn chung kết đề tài cho Thượng HĐGM kỳ 13, đó là việc ngài thành lập Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng, với tự sắc Ubicumque e sempre (ở mọi nơi và mãi mãi) ngày 21-9-2010. Ngài đưa vấn đề thông truyền đức tin vào trong bối cảnh rộng lớn hơn là việc tái truyền giảng Tin Mừng, chủ yếu hướng tới những người đã xa lìa Giáo Hội, nhưng người đã chịu Phép Rửa nhưng không được rao giảng Tin Mừng đầy đủ.

Đi vào chi tiết hơn, Đức TGM Eterovic cho biết: ngoài Lời tựa, rồi phần nhập đề và kết luận, Tài liệu Đề Cương được chia làm 3 chương, phản ánh chủ đề của Thượng HĐGM kỳ thứ 13 đó là:

1. Thời kỳ tái truyền giảng Tin Mừng

2. Công bố Tin Mừng của Chúa Kitô

3. Khai tâm về kinh nghiệm Kitô giáo.

- Trong phần Nhập Đề, tài liệu nhấn mạnh rằng Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 nằm trong nỗ lực của Giáo Hội được đổi mới từ sau Công đồng chung Vatican 2 nhắm thi hành công cuộc truyền giảng Tin Mừng.. Trong bối cảnh đó, việc tái truyền giảng Tin Mừng muốn đáp lại những thách đố lớn của thế giới đang biến chuyển mau lẹ. Phần này trình bày những lý lẽ thần học và Giáo Hội học của hoạt động như thế.

- Chương thứ I của tài liệu Đề Cương trình bày sự khai sinh ý niệm ”nuova evangelizzazione” (truyền giáo mới), hoặc tái truyền giảng Tin Mừng, được Đức Gioan Phaolô 2 sử dụng lần đầu tiên ngày 9-6-1979 trong bài giảng tại Đền Thánh Thánh Giá ở Mogila, Ba Lan, và sau đó được ngài sử dụng rất nhiều.

Trong diễn văn trước các tham dự viên Đại Hội thứ 19 của Liên HĐGM Mỹ châu la tinh (Celam) ngày 9-3-1983 tại Port-au-Prince, Haiti, Đức Gioan Phaolô 2 minh định rằng “đây không phải là truyền giáo lại, nhưng là một cuộc cuộc truyền giảng Tin Mừng mới mẻ: mới về lòng nhiệt thành, mới về phương pháp, mới về cách diễn tả” (L 5).

Chương I cũng trình bày hiện tượng tục hóa ngày nay trên thế giới, đặc biệt tại Tây phương. Nó lan tràn trong đời sống thường nhật của con người, - đôi khi có sắc thái chống Kitô và chống tôn giáo, - tạo nên một não trạng trong đó Thiên Chúa vắng bóng. Đó là một nền văn hóa duy tương đối với những hậu quả trầm trọng về nhân loại học, ảnh hưởng cả trong đời sống Giáo Hội. Kèm theo đó là hiện tượng di dân, hoàn cầu hóa, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng, cuộc khủng hoảng kinh tế..

Tài liệu đề cương nhận xét rằng 'vấn đề không có hiệu quả trong việc rao giảng Tin Mừng ngày nay, việc huấn giáo hiện nay, là một vấn đề Giáo hội học, liên hệ tới khả năng hoặc sự thiếu khả năng của Giáo Hội tự trình bày như một cộng đồng đích thực, một huynh đoàn chân thực, một thân thân, chứ không phải là một guồng máy hay xí nghiệp”.

- Chương II của Tài liệu Đề cương nói về việc Công bố Tin Mừng của Chúa Kitô.

Tin Mừng không được hiểu như một cuốn sách hoặc một đạo lý, nhưng chính là Con người của Chúa Giêsu Kitô, Lời chung kết của Thiên Chúa nhập thể làm người. Các tín hữu Kitô được mời gọi thiết lập một quan hệ bản thân với Chúa Giêsu, trong cộng đoàn các tín hữu, tức là trong Giáo Hội. Đối tượng việc thông truyền đức tin, rao giảng Tin Mừng, là thực hiện một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, trong Thánh Linh, để cảm nghiệm được Chúa Cha của Chúa Giêsu và của chúng ta” (L 11).

Chương này bàn sâu rộng về việc thông truyền đức tin mà Giáo Hội sống, và biểu lộ qua chứng tá và các hoạt động bác ái.

- Chương III nói về việc khai tâm kinh nghiệm Kitô giáo, đề nghị suy tư về các phương thế của Giáo Hội để dẫn vào đức tin, đặc biệt là việc khai tâm Kitô giáo: qua bí tích rửa tội, thêm sức và Thánh Thể. Đây là những ”giai đoạn trong hành trình tiến vào đời sống Kitô trưởng thành, qua tiến trình học hỏi về đức tin” (L 18).

Tài liệu đề cương đề cập đến một số vấn đề như: duyệt lại việc ban các bí tích khai tâm Kitô giáo, nhất là bí tích Thêm Sức. Văn kiện cũng nhấn mạnh rằng ”Đứng trước những thách đố ngày nay, công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng phải giúp các tín hữu khắc phục sợ hãi và tin tưởng nhiều hơn nơi Chúa Thánh Linh, Đấng dẫn dắt Giáo Hội trong lịch sử.. Trong hoạt động này, điều tối quan trọng chính là việc huấn giáo dành cho những người đã được rao giảng Tin Mừng và tin nơi Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải. (SD 4-3-2011)

LM Trần Đức Anh OP