PDA

View Full Version : M - Mầu nhiệm về sự phản bội



Dan Lee
03-08-2011, 09:43 PM
Mầu nhiệm về sự phản bội

(Đọc tác phẩm Giêsu Nazareth – Phần II của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI)

Phản bội cũng là một mầu nhiệm? Phản bội cũng có mầu nhiệm?

Đúng vậy, chính Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, trong tác phẩm Giêsu Nazareth – Phần II được công bố vào thứ Năm 10-03-2011, ngay sau Thứ Tư Lễ Tro, đã dành một đoạn trong Chương III để viết về mầu nhiệm của sự phản bội.

Các trích dẫn tác phẩm Giêsu Nazareth – Phần II trong bài viết này được lấy từ nguồn: http://eucharistiemisericor.free.fr/index.php?page=0203115_extraits

Biến cố Giuđa phản bội Thầy là mặc khải về Đấng Thiên-Chúa-làm-người bị con người phản bội

Trong mầu nhiệm Nhập thể, Ngôi Lời của Thiên Chúa sống trọn vẹn thân phận làm người, trong đó điển hình nhất là chịu đau khổ và phải chết.

Trước lúc bị bắt, chịu xét xử, bị sỉ nhục và chết như một phạm nhân trọng án, Chúa Giêsu phải nếm trải nỗi đau đớn tinh thần lớn nhất của một người Thầy, đó là bị môn đệ phản bội.

Suy ngẫm về biến cố bi đát này, ĐTC đọc và giải thích đoạn Tin Mừng Ga 13, 21-31. Qua đó ngài nhấn mạnh:

“Rõ ràng Chúa phải chịu đến cùng và đến từng chi tiết vận mệnh khổ đau của người công chính” (Bênêđictô XVI, Giêsu Nazareth – Phần II).

Như vậy, hành động phản bội của Giuđa chính là một “chi tiết” trong tổng thể bức tranh về cõi nhân gian muôn hình vạn tướng. Sự kiện Chúa “bị phản bội” là một trong những “chi tiết” lớn nhất và tiêu biểu nhất thân phận làm người đầy bi kịch.

Thiên Chúa yêu thương và mời Giuđa làm môn đệ, rốt cuộc đã bị chính con người được yêu thương và tin cậy này phản bội. Bi kịch bị phản bội xảy ra liền trước bi kịch Chúa chịu chết, trở thành những mặc khải hoàn tất đại-mặc-khải về Tình yêu của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập thể.

ĐTC tiếp tục những suy nghĩ của mình về mầu nhiệm Thiên Chúa bị con người phản bội:

“Sự phản bội của Giuđa cho thấy, sẽ còn mãi nỗi đau khổ vì hứng chịu sự bất trung. Thánh vịnh viết: ‘Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!’ (Tv 41, 10). Sự đổ vỡ của tình bạn cũng chạm đến cộng đoàn bí tích là Giáo Hội. Trong Giáo Hội, cũng luôn xuất hiện những con người ‘nhận lấy bánh’ được Chúa trao và quay lại phản bội Ngài” (Bênêđictô XVI, Giêsu Nazareth – Phần II).

Đó là bi kịch của Giáo Hội. Nói đúng hơn, Giáo Hội tiếp tục sống bi kịch Thiên Chúa bị phản bội, như một trong những chứng từ về mầu nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa.

Như vậy, trong mầu nhiệm Nhập thể có mầu nhiệm Thiên Chúa bị phản bội.

Do đó, Giáo Hội làm chứng về Tình yêu của Thiên Chúa cũng phải sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ, trong đó có đau khổ bị phản bội, vốn là mầu nhiệm khởi đầu cho tiến trình mạc khải về tình yêu qua cuộc Khổ nạn của Thiên Chúa.

Suy gẫm về câu trong Phúc âm Gioan: ‘Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó trời đã tối’ (Ga 13, 30), ĐTC viết:

“Ý nghĩa sâu xa nhất của chi tiết ‘Giuđa liền đi ra’ là: hắn đi vào trời đêm, lìa bỏ ánh sáng, bước đến với bóng tối; quyền lực của bóng tối đã tóm được hắn” (Bênêđictô XVI, Giêsu Nazareth – Phần II).

Vậy, trong mầu nhiệm về phản bội, Thiên Chúa muốn cho con người nhận biết sự thật về ánh sáng và bóng tối, về sự lựa chọn bóng tối và phản bội ánh sáng.

Phản bội là lìa bỏ ánh sáng để đi vào bóng tối, chịu khuất phục và chấp nhận làm tôi tớ cho quyền lực của bóng tối.

Đừng để mình trở thành những Giuđa tân thời

ĐTC viết trong tác phẩm Giêsu Nazareth – Phần II của ngài: “Trong Giáo Hội, cũng luôn xuất hiện những con người ‘nhận lấy bánh’ được Chúa trao và quay lại phản bội Ngài”.

Một lời nhìn nhận thống thiết.

Nhìn nhận trong Giáo Hội vẫn luôn xuất hiện những Giuđa mới.

Giuđa ngày xưa nhận miếng bánh trong Tiệc ly được đích thân Chúa trao và rời khỏi cộng đoàn các môn đệ, nộp mình cho sự dữ, tự nguyện trở thành tay chân của những kẻ giết Chúa.

Còn Giuđa ngày nay?

ĐTC không mô tả cụ thể, nhưng dựa vào Tin Mừng, ngài khái quát hóa chân tướng của kẻ phản bội: “đi vào trời đêm, lìa bỏ ánh sáng, bước đến với bóng tối; quyền lực của bóng tối đã tóm được hắn”.

Như vậy trong hành động phản bội Giuđa, mọi sự thật về phản bội được phơi bày.

ĐTC dù không cụ thể hóa những hình tướng hiện nay của phản bội, nhưng đã giúp mọi người dễ dàng nhận ra bóng dáng và thực chất của kẻ phản bội mọi thời và mọi nơi.

Giuđa đã lìa bỏ ánh sáng.

Những Giuđa mới cũng lìa bỏ ánh sáng.

Ánh sáng của sự thật. Ánh sáng của hiền hòa, khiêm nhường, khó nghèo, thanh sạch, chấp nhận chịu bách hại vì lẽ công chính… Đó là di sản Chúa Giêsu để lại cho Hội Thánh và Hội Thánh trung thành với di sản đó.

Kẻ phản bội thì chối bỏ di sản.

Kẻ phản bội khước từ sự thật, lấp liếm, che đậy, xuyên tạc sự thật. Không nói thành có. Có bảo rằng không. Dàn dựng, thêm thắt, cắt xén khiến cho sự thật bị bức tử.

Ngày nay, việc khước từ sự thật tác hại bội phần. Bởi các phương tiện truyền thông hiện đại một khi hợp tác với hành vi phản bội, sẽ làm tăng hậu quả của dối trá và lừa mị. Chúng giúp cho việc phát tán các thông tin phản sự thật với tốc độ loan truyền khủng khiếp và sự lừa mị cũng theo đó tăng về bề rộng, thấm vào chiều sâu. Người ta đọc biết bao thông tin dối trá hàng ngày hàng giờ trên internet, qua truyền hình, trên báo chí…, đầu óc mụ mị, hoang mang, không tin điều cần tin, trông đợi những điều không đáng trông đợi, tôn thờ những thần tượng được dựng lên nhằm những mục đích thuần túy thế gian, và đập phá thẳng tay những giá trị, bôi nhọ những con người đang tận tụy lo việc chung chỉ vì không ngả theo một thiểu số đang tính toán những lợi ích vị kỷ.

Những kẻ phản bội từ bỏ ánh sáng và quy phục bóng tối.

Hệt như Giuđa “đi ra, lúc đó trời đã tối” (Ga 13, 30). ĐTC Bênêđictô XVI suy ngẫm: “hắn đi vào trời đêm, lìa bỏ ánh sáng, bước đến với bóng tối; quyền lực của bóng tối đã tóm được hắn” (Bênêđictô XVI, Giêsu Nazareth – Phần II).

Bóng tối mà Giuđa xưa quy phục, nguyện làm đầy tớ tay chân, là nhóm người thù ghét Con Đức Chúa Trời.

Còn bóng tối ngày nay là những thế lực với những mưu đồ thuần túy trần gian, những trào lưu xã hội phủ nhận Thiên Chúa và các giá trị Tin Mừng.

Những mưu đồ này phục vụ lợi ích vị kỷ của một thế lực xã hội. Phủ nhận Thiên Chúa và những giá trị Tin Mừng nhằm thượng tôn trần gian và thần dữ.

Các Giuđa xưa và nay đều đầu hàng bóng tối, quay lại ‘giơ gót đạp’ ánh sáng.

Giơ gót đạp ánh sáng khi phủ nhận những giá trị cốt lõi của Giáo Hội như: tin thờ Thiên Chúa duy nhất và không sùng bái bất kỳ thần tượng nào, cử hành và sống bí tích, cầu nguyện và sống Tin Mừng, thương yêu và tha thứ, khiêm hạ và không lên án, công bằng và bác ái, cổ võ sự hiệp nhất và không gây oán thù, chia rẽ…

Những Giuđa mới trong thời đại ngày nay đã nắm lấy mọi phương tiện để phủ bóng tối lên khắp bề mặt của trần gian và đẩy bóng tối vào sâu trong lòng người.

Một trong những phương tiện gây tác hại nặng nề nhất là các phương tiện truyền thông hiện đại.

ĐTC Bênêđictô XVI, trong tác phẩm Ánh sáng cho trần gian, đã nói với nhà báo Peter Seewald: “Bản chất của giới truyền thông chính trị hiện nay là ngăn chặn sự hiểu biết những khía cạnh tế nhị của bối cảnh” (tạm dịch từ: Benedict XVI, Light of the World – Ignatius Press San Francisco 2010, p. 98)

ĐTC đã trả lời như trên khi được Peter Seewald hỏi về những suy nghĩ của ngài sau sự kiện bài diễn văn đọc tại Regensburgh bị giới báo chí làm rùm beng, dẫn đến sự phản ứng trong thế giới Hồi giáo.

ĐTC đã nhìn thấy rất rõ tác hại ghê gớm của loại truyền thông đầu hàng bóng tối, phản bội ánh sáng sự thật. Đó là loại truyền thông phục vụ chính trị.

Không chỉ các phương tiện truyền thông, mà còn biết bao phương thế khác ngày càng cúc cung phụng sự bóng tối thế gian, phản bội và ‘giơ gót đạp’ ánh sáng Chân, Thiện Mỹ.

* * *

Đi vào trần gian, Thiên Chúa đã đi đến tận cùng thân phận con người là chịu đau khổ và chịu chết.

Qua việc chịu đau khổ như mọi người, nhất là chịu sự phản bội, Chúa đã muốn nói với con người Ngài thấu hiểu thân phận làm người và yêu thương con người biết bao.

Vì thế, đau khổ là một mầu nhiệm. Sự phản bội cũng là mầu nhiệm, để qua đó Thiên Chúa mặc khải cho nhân loại được biết Con của Ngài đã đến trong trần gian, đã yêu thương và đã cứu con người.

Giáo Hội, cộng đoàn những người theo Chúa, cũng đang tiếp tục bước trên đường khổ nạn của Đấng Sáng lập.

Tiếp tục chịu đau khổ và tiếp tục bị phản bội.

Nói như đại văn hào Pascal, được ĐTC trích dẫn trong tác phẩm Giêsu Nazareth – Phần II: “Cơn hấp hối của Chúa Giêsu, nỗi thống khổ của ngài, còn kéo dài mãi cho đến tận thế”, nhưng chính ĐTC đã bình luận bằng cách điều chỉnh vài từ của Pascal “cho đến tận cùng nỗi thống khổ của lịch sử”.

Nghĩa là, sở dĩ Giáo Hội – những người đi theo Chúa – còn phải chịu mọi đau khổ là vì lịch sử con người vẫn chưa hết khổ đau.

Trong đó có nỗi đau bị phản bội.

Mùa Chay 2011

Gia Bảo