PDA

View Full Version : DĐ - Đức Giêsu bị cám dỗ



Dan Lee
03-08-2011, 10:40 PM
Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm A

ĐỨC GIÊSU BỊ CÁM DỖ


A. DẪN NHẬP.

Chúng ta bắt đầu bước vào mùa Chay thánh. Mùa chay kéo dài trong 40 đêm ngày. Đây là thời gian chiến đấu, chiến đấu với ngọai cảnh, chiến đấu với chính bản thân mình. Thánh Kinh gọi chung là chiến đấu với sự dữ. Lịch sử đã chứng minh : Adong và Eva – những con người đầu tiên – bị ma quỉ cám dỗ và đã bị sa ngã. Hậu quả đem lại cho lòai người là mất quyền làm con Chúa, phải sống dưới quyền lực của ma quỉ và tội lỗi và sau cùng là sự chết.

Đức Giêsu – được gọi là Adong mới – cũng bị ma quỉ cám dỗ trong sa mạc, nhưng đã kiên cường chống trả và sau cùng đã chiến thắng vẻ vang. Chúng ta cũng bị ma quỉ cám dỗ vì Chúa cho phép ma quỉ cám dỗ để chúng ta trở nên con người trưởng thành và có giá trị, bởi vì như Kinh Thánh nói :”Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Chúa đòi chúng ta phải chiến đấu kiên cường để chống lại các chước cám dỗ.

Chúng ta phải nhận định rằng Thiên Chúa yêu thương con người, ban cho con người mọi ơn lành hồn xác, nhưng yêu thương không có nghĩa là không bị thử thách. Thử thách là điều kiện cần để làm cho con người có giá trị, mới biết rõ vàng thau, mới biết ai trung thành, ai phản bội. Thử thách đòi con người phải “lựa chọn”. Chọn lựa có thể đúng, có thể sai. Chọn đúng theo ý Chúa thì được hạnh phúc, chọn sai ý Chúa, nghĩa là theo ý mình, thì bất hạnh. Sự lựa chọn làm cho con người phải băn khoăn, đắn đo vì phải lãnh lấy hậu quả. Adong đã lựa chọn, Đức Giêsu cũng lựa chọn, nhưng ai đã chọn đúng, ai đã chọn sai ? Chúng ta hãy đọc các bài Sách Thánh để rút ra bài học thực hành.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1 : St 2,7-9.

Thiên Chúa yêu thương và thánh thiện vô cùng không bao giờ cám dỗ để làm hại ai, nhưng Ngài để con người bị cám dỗ với mục đích có quyền tự do lựa chọn để con người tỏ lòng trung thành hay chống lại Ngài.

Ma quỉ đã nắm lấy cơ hội này, lấy hình dạng con rắn để cám dỗ bà Evà. Lý do đưa ra rất đơn giản : cứ ăn đi, chẳng chết chóc gì đâu vì Thiên chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ trở nên như vị thần biết điều thiện ác. Chính sự kiêu ngạo đã thúc đẩy ông bà đến chỗ không muốn tôn trọng thánh ý Thiên Chúa mà muốn sống tự lập, không qui phục Thiên Chúa nữa.

Đúng là gieo gió thì gặt bão, ông bà đã sa ngã , phải lãnh nhận lấy trách nhiệm về việc làm của mình, hậu quả của sự sa ngã ấy là mất quyền làm con Chúa, phải mang thân phận tôi đòi dưới quyền lực tội lỗi, chịu đau khổ hồn xác, và sau cùng phải chết. Hậu quả tai hại này là do sự lựa chọn sai lầm.

+ Bài đọc 2 : Rm 5,12-19.

Thánh Phaolô so sánh Đức Kitô với Adong để nhìn thấy sự khác biệt giữa hai vị. Adong vì bất trung đã sa ngã phạm tội, làm cho mọi người trở thành tội nhân, đã đem sự chết đến cho mọi người kể cả những người không trực tiếp lỗi luật Chúa. Còn Đức Kitô nhờ sự vâng phục và sự dâng hiến mình làm cho mọi người tìm lại sự sống, hạnh phúc và tình yêu.

Thánh Phaolô ca tụng vai trò của Đức Kitô, sự hy sinh chịu chết của Ngài lớn lao hơn tất cả tội lỗi của nhân lọai. Nhờ Ngài mà nhân lọai nên công chính, được tái lập tình trạng nghĩa thiết với Thiên Chúa và được đón lại sự sống của Thiên Chúa.

+ Bài tin mừng : Mt 4, 1-11.

Thiên Chúa thì không bao giờ bị cám dỗ, nhưng Đức Giêsu với tính cách là một con người thì vẫn bị cám dỗ như thường. Ma qủi đã cám dỗ Đức Giêsu đừng thi thành thánh ý Chúa Cha hoặc thi hành sứ vụ cứu thế của mình bằng một đường lối khác với kế họach của Thiên Chúa Cha : thay cho sự khiêm hạ và khổ nạn bằng quyền lực thế gian và sức mạnh vật chất.

Qua bài tường thuật, thánh Matthêu cho biết ma quỉ đã cám dỗ Đức Giêsu xoay quanh 3 vấn đề :


a) Chuộng những thứ vật chất thỏa mãn cho nhu cầu cuộc sống thân xác mà bỏ quên lương thực nuôi dưỡng cuộc sống thần linh.

b) Đối với Thiên Chúa thì không chú ý vâng theo ý Ngài mà lại bắt Ngài phải chiều theo ý riêng của mình.

c) Không thờ phượng một mình Thiên Chúa, nhưng lại tôn thờ những vinh hoa lợi lộc của thế gian.

Đức Giêsu đã cương quyết tuân phục thánh ý Chúa Cha nên đã chiến thắng tất cả các cơn cám dỗ. Khác với Adong-Evà, Đức Giêsu, một Adong mới, đã biết lựa chọn đúng và kết quả là đem lại ơn cứu rỗi và sự sống cho lòai người.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Sống là lựa chọn.

I. ĐỨC GIÊSU BỊ MA QUỈ CÁM DỖ.

1. Đức Giêsu vào hoang địa.

Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu được Thánh Thần đưa vào hoang địa. Ở đó sống trong cô tịch, ăn chay 40 đêm ngày, sau đó Ngài cảm thấy đói và nhân cơ hội này quỉ hiện ra cám dỗ Ngài.

Đức Giêsu đi vào trong hoang điïa, xa chốn kinh thành để tĩnh tâm. Hoang địa hay sa mạc là nơi trơ trọi, vắng vẻ, thiếu thốn, khác hẳn với phố thị ồn ào, tiện nghi, nơi mà con người phải đối diện với chính mình và Thiên Chúa. Nếu khám phá và phó thác nơi tình yêu Thiên Chúa, con người lại cảm nhận được tình yêu lớn lao ấy. Do đó, theo quan niệm Thánh Kinh, sa mạc hay hoang địa tiềm ẩn một giá trị thật to lớn vì giúp con người dễ “gặp gỡ Thiên Chúa”. Nhưng cũng là nơi mà con người phải chiến đấu chống các cám dỗ do ma qủi bầy ra để làm ta xiêu lòng.

Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày. Đây là con số biểu tượng thường được Thánh Kinh dùng để chỉ một khỏang thời gian : 40 ngày lụt đại hồng thủy (St 7,4), 40 năm dân Do thái trong sa mạc (Xh 16,35), Maisen lên úi cầu nguyện 40 đêm ngày (Xh 24,18)… Ở đây muốn nói lên việc phải có thời gian cần thiết để huấn luyện và thử thách trước khi nhận lãnh một sứ mệnh.

2. Ngài bị ma qủi cám dỗ.

a) Ai tiết lộ việc Đức Giêsu bị cám dỗ ?

Không ai đọc câu chuyện này lại không nhớ rằng nguồn cung cấp duy nhất mọi dữ kiện này phải do từ chính Đức Giêsu. Trong hoang địa Ngài ở một mình, trong cơn chiến đấu không có ai ở bên cạnh Ngài nên không ai biết được; như vậy phải do chính Đức Giêsu kể lại cho các môn đệ Ngài nghe. Từ cuộc chiến đấu cá nhân Ngài đã vén màn để giúp chúng ta trong cuộc chiến đấu của mình.

b) Ý nghĩa chước cám dỗ.

Thông thường cám dỗ có nghĩa xấu, bao giờ cũng bao hàm ý xúi giục làm điều quấy, tìm cách lôi cuốn vào đường tà. Nhưng trong nguyên ngữ “peirazein” có nghĩa là thử nghiệm (khác hẳn với cám dỗ). Một trong những truyện tích vĩ đại nhất của Cựu ước là truyện Abraham súyt phải dâng Isaac là con trai độc nhất làm của lễ :”Khi mọi việc kia đã xong thì Thiên Chúa thử Abraham”(St 22,1). Rõ ràng chữ “thử” ở đây không có nghĩa là dụ dỗ làm điều ác.

Nói rõ hơn, trong tiếng Do thái, chữ “cám dỗ” có nghĩa là “thử thách”, “thử tài”, giống như chữ “đi thi” của chúng ta ngày nay. Cám dỗ là đi thi : ai thắng cám dỗ là thi đậu. Ai sa ngã là thi rớt. Bởi thế cám dỗ là dịp tốt để ta “lấy bằng cấp”. Người qua thử thách mới có giá trị, người chưa qua thử thách chưa hẳn là người đã đứng vững :

Có gió lung mới biết tùng bá cứng,

Có lửa hừng mới biết thức vàng cao.

c) Có người hồ nghi việc Đức Giêsu bị cám dỗ.

Cách cám dỗ diễn ra, có người bảo là không thể tin được. Nhưng xét ra nó rất hợp với tính tình con người. Con Thiên Chúa dám xông pha vào nguy cơ của con người hay gặp nhất để con người nhận thấy rằng Ngài ở bên cạnh mà nâng đỡ, Ngài hiểu rõ người ta khi bị cám dỗ :”Vì Ngài bị cám dỗ, Ngài có thể cứu giúp những ai bị cám dỗ”(Dt 2,18).

3. Ba chước cám dỗ diễn ra.

Cũng cần nhớ sự khác biệt giữa Cựu ước và Tân ước về cám dỗ. Quan niệm trong Cựu ước là chính Thiên Chúa đã thử thách con người. Tân ước minh định tác nhân cám dỗ con người là ma quỉ. Vì thế, trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Matthêu đã mô tả Đức Giêsu đã phải trải qua ba cơn cám dỗ.


a) Cám dỗ thứ nhất (Mt 4,3-4) “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”. Qua cám dỗ này, chúng ta thấy ma quỉ không có ý cám dỗ Chúa về sự mê ăn uống mà cám dỗ Ngài làm phép lạ cho đá hóa thành bánh, nghĩa là chúng muốn cám dỗ Ngài dùng sai khả năng, sai mục đích, dùng uy quyền vô lý mà biểu diễn một phép lạ không có lý do chính đáng. Nếu Ngài nghe nó mà làm phép lạ thì Ngài mắc mưu nó vì Ngài không còn tin vào sự quan phòng của Chúa nữa. Ngài đã chiến thắng và dựa vào Kinh Thánh mà bảo nó :”Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4,4).

b) Cám dỗ thứ hai (Mt 4,5-7). “Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy gieo mình xuống đi”. Trong cơn cám dỗ này, ma quỉ xúi giục Đức Giêsu về sự kiêu ngạo, muốn tôn mình lên. Trong cám dỗ thứ nhất, Đức Giêsu đã dựa vào sự quan phòng che chở của Thiên Chúa để chiến thắng ma quỉ. Trong cơn cám dỗ này, quỉ lại lợi dụng sự che chở ấy để dụ dỗ Đức Giêsu đòi hỏi Thiên Chúa can thiệp để che chở cho mình (Tv 91,13). Và như vậy, con người áp đặt ý muốn của mình trên Thiên Chúa, muốn Thiên Chúa phải theo ý mình mà thực hiện một phép lạ, tức là thử thách Thiên Chúa. Đức Giêsu đã trả lời cho ma quỉ qua Thánh Kinh :”Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”(Mt 4,7).

c) Cơn cám dỗ thứ ba (Mt 4,8-10). “Nếu ông sấp mình thờ lậy tôi”. Đây là cám dỗ mà xưa kia dân Do thái đã sai phạm. Khi con người ham mê bất cứ thứ gì đến độ lơ là , xem nhẹ bổn phận làm con Chúa là đã sa vào cám dỗ này. Đức Giêsu đã từ chối thờ ngẫu tượng để được vinh quang trần thế. Đối lại, Ngài sẽ chinh phục thế giới không phải bằng cách “sấp mình thờ lạy Satan”, nhưng bằng thập giá. Vì vậy, Ngài đã từ chối bằng câu Thánh kinh :”Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”(Mt 4,10).

4. Sau cùng, Đức Giêsu đã chiến thắng.

Đức Giêsu đã không thể thắng các cơn cám dỗ nếu Ngài chỉ qui hướng về mình. Ngài sẽ thua ma quỉ nếu Ngài tìm vinh danh mình khi hóa đá thành bánh. Ngài sẽ bị sập bẫy Satan khi nhảy xuống từ nóc cao đền thờ để được khen ngợi tung hô. Ngài sẽ thất bại thảm thương khi quỳ lạy ma quỉ để được vinh hoa thế gian. Nhưng không, không bao giờ Ngài làm thế, vì tinh thần chủ đạo của Ngài, vũ khí sắc bén của Ngài chính là :”Thánh ý Cha”. Ngài suy nghĩ , nói năng, hành động bất cứ điều gì cũng là để theo thánh ý Cha. Chính trong cơn cám dỗ khốc liệt nhất của Ngài trước cái chết, Ngài cũng chỉ thốt lên :”Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha”(Mt 26,39).

II. CHÚNG TA CŨNG BỊ MA QUỈ CÁM DỖ.

1. Mọi người đều bị cám dỗ.

Nếu không có bài Tin mừng hôm nay, người ta dễ dàng nghĩ rằng sở dĩ Đức Giêsu hòan tòan vô tội là vì Ngài không hề bị cám dỗ. Nhưng đọan Tin mừng này cho thấy chính Đức Giêsu – dù là Con Thiên Chúa, có bản tính thần linh hòan tòan trong sạch – cũng bị ma quỉ cám dỗ. Thật là một mạc khải bất ngờ, đáng ngạc nhiên và lý thú, đồng thời cũng là điều an ủi chúng ta, tạo động lực cho chúng ta thắng những cơn cám dỗ xẩy đến. Đức Giêsu là Thiên Chúa mà cũng bị cám dỗ, nên chúng ta vốn là người phàm, nếu có bị cám dỗ, dù nặng nề tới đâu, cũng là chuyện dễ hiểu. Điều đó có nghĩa : đã là con người thì đều bị cám dỗ.

Cám dỗ không phải là xấu. Nó có thể giúp người ta nên tốt hơn. Cám dỗ không phải là tội. Nó sẽ giúp thấy rõ hơn sự thánh thiện nơi một con người. Cám dỗ cũng không phải là hình phạt, song nó sẽ là triều thiên vinh quang cho những ai chiến thắng (W. Barclay). Kinh Thánh nói :”Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Có qua cám dỗ mới biết được ai là người thánh thiện, ai là kẻ đê hèn. Waterstone có viết :”Đầu hàng cám dỗ là hành động của thú tính, chiến thắng nó mới là con người”.

2. Sự cao quí của cám dỗ.

Người Do thái có câu nói :”Hỡi Đấng Thánh, nguyện danh Ngài được chúc tụng, vì Chúa không hề nâng một người nào lên chức vị cao trọng cho đến chừng Ngài đã tra xét và thử nghiệm người ấy và nếu người ấy đứng nổi trong cơn cám dỗ, lúc ấy Ngài sẽ nâng người ấy lên địa vị cao trọng”.

Đây là một chân lý lớn lao và cao quí. Điều chúng ta gọi là cám dỗ không có mục đích khiến ta phạm tội mà để ta vượt thắng tội lỗi. Nó không có mục đích làm ta xấu, mà làm chúng ta trở nên tốt, không nhắm làm ta suy yếu mà để khi ta ra khỏi cơn thử nghiệm sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta nên nhớ sự cám dỗ không phải là một hình phạt mà là vinh hiển, nên xem cả biến cố và kinh nghiệm này không phải là sự cám dỗ mà là cuộc thử nghiêm của Đức Giêsu.

3. Sách lược của cơn cám dỗ.

Sách lược, đường lối và mưu mẹo của ma quỉ phải nói là tinh vi thâm hiểm. Nói khác đi, ma quỉ là lòai thông minh quảng bác hơn hẳn con người nhiều, nên những cách thức dụ khị con người thì thiên hình vạn trạng. Do đó, chúng không bao giờ cám dỗ con người phạm tội ngay vì làm như thế con người dễ phản ứng, nhưng chúng lại rất khôn khéo chỉ xúi giục con người phạm những lỗi nhẹ, cứ thế tăng dần lên cho đến lúc con người dễ dàng phạm tội trọng, tức là sa ngã hòan tòan vào vòng phong tỏa của chúng. Ngòai ra, ma quỉ rất kiên nhẫn chịu khó, thất bại lần này chúng sẽ bầy keo khác, không chỉ cám dỗ đôi ba lần, nhưng mãi mãi, liên tục cho đến khi đánh gục con người mới thôi. Ma quỉ nguy hiểm như thế, ai dám tự hào và coi thuờng ?

Truyện : Từ bước khởi đầu nhỏ.

Hắn giết một cảnh sát viên. Bây giờ hắn phải trả bằng giá hình phạt. Người ta cột buộc hắn vào ghế điện trong nhà tù Sing Sing. Người ta buộc những miếng kim khí vào cái vòng trên đầu hắn và bắp chân hắn. Một lát nữa, dòng điện mạnh sẽ chạy qua thân xác hắn, đủ gây nên một sự mất ý thức ngay lập tức và chết luôn. Viên chức phụ trách hỏi tội nhân bị kết án xem hắn có muốn nói gì cuối cùng không ! Hắn nói buột ra với giọng điệu đau đớn cực độ :”Đây, tất cả đã khởi đầu khi tôi ăn cắp đồng năm xu ở túi áo của mẹ tôi. Rồi tôi ăn cắp hai đồng năm xu. Tôi đã bắt đầu ăn cắp đồ vật ở trường học, ở tiệm tạp hóa, tiệm thuốc. Hai đứa bạn và tôi bắt đầu tập luyện, muốn kiếm được càng ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi quyết định cướp ngân hàng, và lần đó tôi đã bắn viên cảnh sát. Đó, tất cả bắt đầu với một đồng năm xu” (A. Tonne, Bài giảng TM Chúa nhật A, tr 39).

Chúng ta sẽ bị cám dỗ, không ai có thể thể thóat được. Khi bị cám dỗ, câu đầu tiên chúng ta phải biết nói ba chữ “không” : không chiều theo đòi hỏi của xác thịt, không chiều theo sự tự tôn tự đại và không đặt mammon lên làm Chúa tể.

4. Phương pháp chống cám dỗ.

Mùa Chay là mùa dọn mình để chiến đấu với các cơn cám dỗ. Cám dỗ từ ma quỉ, từ nơi người khác, và nhất là từ ngay chính bản thân. Có bao nhiêu giác quan là có bấy nhiêu cửa ngõ cho cám dỗ đi vào. Nếu so sánh vũ khí để chiến đấu với cơn cám dỗ là “cung và tên” thì “cung”chính là lòng khiêm tốn nhận mình yếu hèn cần nhờ ơn Chúa, và “tên” chính là ý chí cương quyết nói “không” trước cơn thử thách. Trong các kế sách để thắng cám dỗ có một diệu kế mà chúng ta cần thực hiện : đó là “Đào vi thương sách”. Diệu kế này đặc biệt phải dùng khi bị cám dỗ về đức trong sạch.

Ngòai ra, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, đừng xông pha vào nơi nguy hiểm, nơi dễ dẫn đến dịp tội. Hãy tránh xa những hòan cảnh có thể đưa chúng ta đến phạm tội. Cổ nhân của ta đã từng khuyên :”Cẩn tắc vô ưu” : cẩn thận đề phòng thì bớt phải ưu phiền.

Truyện : Đề phòng sụt lún.

Trên một số bãi biển xứ Bretagne bên Pháp, đặc biệt quanh vùng Mont Saint-Michel, đôi khi xẩy ra những biến cố mà du khách không có kinh nghiệm gặp phải một cái chết rất đáng sợ : đó là sự sa lầy. Nhà đại văn hào Victor Hugo đã từng chứng kiến và đã mô tả lại cảnh tượng ghê rợn đó như sau : “Thủy triều xuống anh ta đi dạo trên cát không xa bờ biển bao nhiêu. Ban đầu chưa cảm thấy gì nên anh ta không để ý lắm, nhưng dần dần đôi chân anh ta dường như càng lúc càng nặng hơn. Bất thình lình anh ta lún xuống, đôi chân ngập sâu trong cát. Anh ta định rút chân quay lại thì càng lún sâu hơn. Cát đến mắt ca,ù rồi đến nửa chân. Mỗi lần cử động là mỗi lần lún xuống. Bấy giờ anh mới nhận ra anh đang bị sa lầy trong bể cát di động. Anh cầu cứu nhưng vô ích. Anh la hét. Anh khóc than. Anh cầu khẩn. Anh khua đôi tay. Càng lúc cát đến ngực, đến vai. Giờ đây chỉ còn lại cái mặt. Anh định mở miệng kêu cứu lần cuối thì cát đã lấp đầy miệng. Chỉ còn im lặng và đôi mắt trợn tròn thao láo, nhưng rồi cát cũng đóng chúng lại : thế là đêm tối và cái chết”(Quê Ngọc).

5. Cám dỗ với giới trẻ ngày nay.

Xét về mặt đạo đức càng văn minh tiến bộ bao nhiêu thì hình như con người càng gặp lắm thử thách, cám dỗ bấy nhiêu. Đối với giới trẻ ngày nay thì cái từ “cám dỗ” là chuyện cổ lỗ, lỗi thời rồi… Vì cho là nó xưa mãi cái thời bà Evà trao quả cấm cho ông Adong ăn… Thời nay con người văn minh tiến bộ, bận tâm làm chi tới chuyện cám dỗ nữa ? Phải chăng vì nghĩ như thế mà tuổi trẻ hôm nay có khuynh hướng sống bất cần, tùy tiện, theo sở thích riêng – Mà sở thích của tuổi trẻ thì có mấy khi được lâu ?

Thế nên nếu bình tâm suy nghĩ chúng ta sẽ khám phá ra rằng cũng chính vì con người ngày nay “văn minh, tiến bộ” mà các cám dỗ cũng “đa dạng” và “tinh vi” hơn, thậm chí nó được núp bóng dưới các mác “văn hóa”, “nghệ thuật”, “giải trí”, “thời trang”, “vật lý trị liệu”… Trong khi thực chất chỉ vì “tiền” hoặc “các tham vọng bất chính” mà thôi ! Chúng ta chỉ cần phân tích các lọai hàng hóa, văn hóa nghệ thuật… thì chúng ta sẽ thấy nó bị động lực kim tiền khống chế đến độ nào. Mọi yêu cầu, thị hiếu… đều có thể được đáp ứng nếu chịu “chi”.

III. THÁI ĐỘ SỐNG CỦA CHÚNG TA : PHẢI LỰA CHỌN.

1. Sống là lựa chọn.

Người ta nói : cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Con vật không có quyền lựa chọn, nó chỉ hành động theo bản năng. Con người chúng ta thì khác, Chúa ban cho chúng ta có lý trí và tự do để hiểu biết, suy tính, đắn đo rồi đi đến quyết định tự do của mình : làm hay không làm, làm thế này hay thế khác…

Lựa chọn có hai yếu tố đi liền nhau : “lựa” và “chọn”. Lựa mới là phân ra từng lọai, từng cái một để dễ so sánh. Còn chọn mới là quyết định nhận hay không nhận, nhận cái này hay cái kia, hay chọn một trong nhiều cái. Chính sự lựa chọn làm cho chúng ta phải băn khoăn, lo âu vì có những sự lựa chọn liên quan đến cả cuộc sống tương lai, ví dụ : có nên dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì hay không, làm Linh mục hay tu sĩ. Có nên lập gia đình hay không hoặc lập gia đình với ai.

Ngày nay người ta nói nhiều đến dấn thân. Dấn thân, nhập cuộc là thân phận của con người. Sống là lựa chọn. Mà lựa chọn là liều lĩnh vì không bao giờ ta nắm được một cách rành rọt như 2 với 2 là 4 tất cả những lý do lựa chọn và những điều tương lai dành cho sự lựa chọn của ta. Nhưng không phải vì thế mà ta không dám liều mình. Khi đã dùng trí khôn để duy nghĩ, cân nhắc như ta có thể rồi, ta có quyền hành động.

2. Thử thách và lựa chọn.

Bình thường chúng ta nói rằng con người phải được thử thách để nên người hòan thiện, nó có tính cách tích cực, còn cám dỗ xem ra có tính cách tiêu cực. Nhưng trong đạo chúng ta có thể gọi thử thách là “cám dỗ” vì chính cám dỗ làm cho con người nên lành thánh hơn hay xấu xa hơn, phân biệt được ai trung thành, ai phản bội Chúa.

a) Thử thách cần thiết.

Con người chỉ có giá trị khi đã được thử thách đầy đủ. Đứng về phương diện triết học, người ta đánh giá một người : không ai hỏi anh LÀ gì nhưng anh đã LÀM được một cái gì và làm được bao nhiêu. Chính cái LÀM mới đem giá trị đến cho con người chứ không phải cái LÀ. Cho nên thử thách là điều cần thiết để đánh giá con người.

- Kinh Thánh nói :”Lửa thử vàng, gian nan thử đức”.

- Chí sĩ Phan bội Châu cũng nói :

Nếu phải đường đời bằng phẳng hết,

Anh hùng hào kiệt có hơn ai.

- Thi sĩ Nguyễn công Trứ, một thi sĩ của chủ nghĩa anh hùng, một con người đã từng lên voi xuống chó, cuộc đời ông đã trải qua đầy gian nan khốn khó, đã từng nếm mùi thất bại chua cay, nhưng ông đã kiên trì chịu đựng và đã vượt qua, ông đã từng khuyên thanh niên phải sống can trường, vượt qua mọi gian nan thử thách theo châm ngôn “vô họan nạn, bất anh hùng” :

Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,

Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.

Chí những toan xẻ núi lấp sông

Làm nên đấng phi thường đâu đấy tỏ.

b) Ích lợi của thử thách.

Thử thách hay cám dỗ làm cho người ta trưởng thành hơn, nghị lực hơn, làm chủ được con người của mình. Vàng thau chỉ là đống quặng hỗn độn nhưng nhờ lửa thiêu đốt mới chọn ra được thứ vàng ròng. Chưa vượt qua gian nan thử thách, chưa ai được gọi là anh hùng :

Văn vô sơn thủy vô kỳ khí,

Nhân bất phong sương vị lão tài.

(Nguyễn công Trứ)

Ông Abraham đã bị Chúa thử thách cực kỳ gây cấn về lòng tin của ông vào Chúa. Bình thường không ai chấp nhận được cuộc thử thách ấy vì nó đi ngược lại với lối suy luận của con người : giết con một duy nhất đi thì làm sao có con nối dõi tông đường ? Nhưng ông đã đặt hết tin tưởng vào Chúa, để cho Chúa lo, còn ông thì cứ thực hiện theo ý Ngài… và ông đã thành công. Vì vậy, Abraham được gọi là tổ phụ của các kẻ tin (Pater credentium).

c) Phải biết lựa chọn.

Trong thử thách, con người phải biết lựa chọn để đi đến quyết định : tiến hay lùi, tiếp tục hay tháo lui ? Trong thử thách, hễ không tiến là lùi, không thắng thì thua.


Truyện : thần Hercule.

Theo thần thọai Hy lạp, Hercule một lần đứng giữa ngã ba đường và tự hỏi đi về đâu ? Hai người chỉ đường đến với ông. Một người nói :”Hãy theo tôi, đây là con đường thỏai mái, hạnh phúc và lối đi dễ dàng”. Người thứ hai nói :”Đây là con đường cố gắng, nỗ lực, khó khăn. Tuy là đường khó khăn, nhưng đưa tới hạnh phúc”. Hercule đã chọn con đường khó khăn. Và quả thực ông khôn ngoan vì khó khăn đưa tới vinh quang theo châm ngôn của đạo chúng ta “Per crucem ad lucem” : qua thập giá tới vinh quang.

3. Lựa chọn của chúng ta.

Không ai trong chúng ta là không bị thử thách, không bị cám dỗ. Chúng ta phải biết chọn lựa, thành công hay thất bại là do lựa chọn đúng hay sai. Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta đã có một bài học về lựa chọn đúng hay sai : Adong đã lựa chọn sai vì không chọn ý Chúa mà chọn ý mình, nên đã để hậu quả tai hại cho con cháu. Đức Giêsu – một Adong mới – đã chọn lựa đúng vì biết lựa chọn thánh ý Chúa Cha chứ không theo ý mình, nên đã dành được chiến thắng lẫy lừng và đã đem ơn cứu độ đến cho lòai người.

Đức cha L. Daloz, trong cuốn Le Règne des cieux s’est approché” đã viết :”Chúng ta thấy : những cám dỗ của Đức Giêsu cũng là của chúng ta hôm nay. Chẳng có gì phải ngạc nhiên, chúng ta biết rằng nơi Đấng là Đầu, tòan Thân Mình đã chiến thắng cám dỗ. Chính nhờ cậy dựa vào Người, mà đến lượt mình, chúng ta có thể thóat được cạm bẫy của tên cám dỗ. Đức Giêsu dạy ta phải đương đầu như thế : bằng cách chạy đến với Lời Chúa. Lời Chúa soi đường chỉ lối cho chúng ta đó. Lời Chúa che chở, bảo đảm cho chúng ta khỏi bị lầm lạc. Thật là nguy hiểm nếu chúng ta để mình buông theo xu hướng tự nhiên của lòai người : ma quỉ cũng không mong gì hơn chúng ta đồng lõa với chúng như thế. Khi ấy, Lời Chúa sẽ là thành lũy bảo vệ chúng ta”(Fiches dominicales, năm A, tr 172).

Truyện : Ngọn đuốc Vân Trường.

Đời Tam quốc, Quan Vân Trường bị thất thủ thảm bại ở Hạ bì. Thân đơn nhất mã, phò hai người chị dâu (tức vợ của Lưu Bị) qua nương nhờ nhà Tào Tháo. Đêm đến, Tào Tháo cho ba người ngủ chung một phòng, dụng tâm là muốn cho chị em lọan luân, chủ tôi phải thất lễ.

Quan vân Trường một dạ thẳng ngay không để tà tâm vật dục quyến rũ, tay cầm đuốc, tay cầm sách Xuân Thu đọc đến sáng.

Mọi người thấy vậy khen Vân Trường là người chính trực. Từ đó, “Ngọn đuốc Vân Trường” được dùng để ám chỉ những kẻ ngay thẳng, không để vất dục quyến rũ lòng mình (Thiên Phúc).

Con người ai cũng bị vật dục quyến rũ , đấy là một sự kiện hiển nhiên, vấn đề đặt ra là có thắng đuợc nó hay không. Dù thế nào đi nữa, cám dỗ vẫn là số phận của con người ở trần thế. Đối với người Kitô hữu, cám dỗ càng đeo đuổi họ như hình với bóng, nó chỉ buông tha khi họ đã đi hết cuộc hành trình trần gian. Tuy nhiên thành công hay thất bại cũng tùy thuộc họ chiến thắng hay đầu hàng các cơn cám dỗ. Số phận đời đời sẽ căn cứ vào việc họ đã vượt qua cuộc thử thách hay buông xuôi bỏ cuộc.

Cám dỗ nào cũng dẫn chúng ta đến một lựa chọn : hoặc chọn thánh ý Chúa hoặc chọn chính mình. Hãy để cho Lời Chúa hướng dẫn cùng với sự cầu nguyện, ăn chay, hãm mình. Tuy Chúa sẽ hướng dẫn và giúp đỡ, chúng ta cũng phải khôn ngoan tránh những dịp đưa đến cám dỗ, chớ khinh thường vì “Họa mạc đại ư khinh địch” : không có cái hại nào to bằng khinh địch (Đại học).

Chúng ta bắt đầu buớc vào mùa Chay của năm Phụng vụ. Nhưng thật ra, cuộc sống của mỗi người là một mùa chay liên lỉ, bởi vì chúng ta thường xuyên gặp cám dỗ và phải luôn chiến đấu, để sống tinh thần của Chúa Kitô. Chúng ta nhiều lúc phải cam chịu thiếu thốn, đói khát mà không sử dụng tự do, khả năng của mình để tìm thỏa mãn, phụng sự cho chính bản thân mình và sống ích kỷ. Đôi lúc chúng ta bị coi như thất thế, ngu dại và bị giới hạn, yếu đuối bởi vì chúng ta đang tôn thờ và tùng phục đường lối của Thiên Chúa. Và rất nhiều khi chúng ta phải chịu thiệt thòi, từ chối những vui thú và vinh dự của trần gian để trung thành phụng sự Chúa.

Lm Giuse Đinh lập Liễm