PDA

View Full Version : DĐ - Dịp tội



Dan Lee
03-10-2011, 07:36 AM
Dịp tội

Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: '"Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài'" (Mt. 4,10).



Tại nước Hoa Kỳ, mỗi năm các chủ xe phải đem xe của mình đi kiểm tra (inspection) một lần. Khi xe còn mới và chạy tốt thì vượt qua (pass) kiểm tra dễ dàng. Nhân viên kiểm tra sẽ dán cho một thẻ chứng nhận đã pass ở kính phía trước cửa kính. Khi chiếc xe cũ kỹ, trục trặc không thể pass thì cần phải sửa chữa và thay đổi phụ tùng cho thích hợp. Nhân viên kiểm tra có máy rà xét rất kỹ về các bố thắng của 4 bánh xe, các bộ phận dầu nhớt và ống bô thoát khói. Vì để bảo đảm sự an toàn cho xe chạy và để khỏi làm ô nhiễm môi trường đường phố.

Giáo Hội bắt đầu bước vào Mùa Chay Thánh. Mùa chay là mùa tập luyện và thanh luyện tâm hồn. Mùa chay mang mầu tím. Mầu tím là mầu của sự ăn năn sám hối. Khởi đầu ra rao giảng thánh Gioan tiền hô đã mời gọi mọi người hãy sám hối: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (Mt. 3,2). Chính Chúa Giêsu cũng lên tiếng kêu gọi: Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (Mt. 4,17). Sám hối và thanh luyện là để giúp tâm hồn trở nên tinh tuyền hơn. Tâm hồn thanh sạch thì đến với Chúa dễ hơn và yêu mến Chúa nhiều hơn. Mến Chúa nhiều hơn thì dễ đến với anh em hơn và sống hài hòa hơn.

Chúa Giêsu xưa đã vào hoang địa ăn chay và cầu nguyện 40 đêm ngày. Chúa chịu cám dỗ đúng vào lúc những nhu cầu cần thiết của thân xác con người đòi hỏi. Phúc âm kể lại ba cơ hội ma quỷ đã bày ra để cám dỗ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả các cơn cám dỗ qua sự cầu nguyện, cậy trông và sống lời Chúa. Chúa Giêsu dùng chính lời Chúa để thắng các mưu chước của ma qủy. Cám dỗ thứ nhất là về của cải vật chất, của ăn của uống và nhu cầu đời sống. Cám dỗ thứ hai là về sự kiêu ngạo, tự mãn và thách thức quyền phép của Thiên Chúa. Và sau cùng, cám dỗ về đức tin, thờ lạy bụt thần và chạy theo những đam mê trần tục thế gian. Ma qủy cũng đã dùng ba loại cám dỗ này để lặp đi lặp lại đánh bẫy con người.

Ngày xưa tổ tiên loài người cũng bị ma qủy cám dỗ cùng một thể thức: Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác."(Stk.3,5). Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt, lòng thèm khát nổi dậy, lòng ham muốn tò mò, lòng kiêu căng nổi lên lấn át, thế là bà Evà và ông Adong đã rơi vào cơn cám dỗ dễ dàng: Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn (Stk. 3,6).

Hằng năm Giáo Hội cho chúng ta có cơ hội đi tái khám tâm hồn. Đây cũng là cơ hội khám xét cả hồn lẫn xác. Vì xác mạnh thì hồn thanh thản và bình an. Thường mỗi năm chúng ta cũng làm hẹn đến gặp bác sĩ gia đình để khám chung chung. Chúng ta không phải đợi tới khi mắc bệnh hay đau ốm rồi mới tìm đến bác sĩ. Người ta thường nói phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng ngừa trước vẫn tốt hơn hoặc mới chớm các triệu chứng bệnh hoạn cần uống thuốc ngăn ngừa. Trong thực tế, nhiều khi chúng ta rất lười đi khám bệnh và ỉ y rằng có bệnh gì đâu mà khám. Có người nghĩ rằng đi khám bác sĩ thì đương nhiên là có bệnh rồi. Mà nếu chúng ta biết là có bệnh trong người, thì lại đâm ra lo lắng và sống mất vui. Như thế là chúng ta tự lừa dối mình thôi.

Nghề chuyên môn của các bác sĩ là chẩn bệnh, khám bệnh và chữa bệnh. Đôi khi xem ra rất đơn giản, bác sĩ chỉ sờ sờ ấn ấn trên bụng, đo huyết áp, nghe mạch phổi, tim và gõ đầu gối rồi lấy vài ống máu thử nghiệm. Bác sĩ có thể cho chúng ta biết những triệu chứng bệnh như cao máu, máu mỡ, đau tim, suy thận, sơ gan, sưng ruột, nhức xương, ung thư…trong thân xác của chúng ta có đủ các thứ bệnh. Sau khi biết các triệu chứng nguy hiểm, chúng ta lo lắng chạy thầy chạy thuốc để chữa trị ngay. Vâng lời bác sĩ, hằng ngày chúng ta phải uống thuốc điều độ. Chúng ta đâu dám cãi lại lời của bác sĩ. Cũng thế, để chữa trị tâm hồn, tại sao chúng ta không lắng nghe lời chỉ dạy của Chúa và Giáo Hội?

Về mặt tâm linh, chúng ta cũng cần có một tâm hồn lành mạnh thánh thiện. Đầu Mùa Chay Thánh, xin giới thiệu vài triệu chứng bệnh họan mà chúng ta thường gặp trong đời sống tâm linh. Chúng ta có thể đến với các mục tử linh hướng hay chuyên viên tư vấn để dò xét cuộc sống tâm linh của mình xem đang trong tình trạng nào. Chúng ta cũng có thể tự xét mình và tự vấn lương tâm. Soi mình trước những tấm gương lời Chúa và các giới răn của Chúa để tìm ra những thiếu xót, yêu đuối, lỗi lầm để sửa sai và canh tân.

Ma quỷ sẽ tạo nhiều cơ hội để cám dỗ, vì chúng ta không thể dứt khoát nói ‘không’ một lần. Sự khôn khéo của quỷ ma là sẽ tấn công chúng ta mọi nơi và mọi lúc. Từ trong nhà ra tới ngoài công sở, trường học và rồi cả trong nơi thờ tự. Cám dỗ từ trong bản tính ham mê của cải vật chất, lòng tham lam và sự tự mãn. Những cơn cám dỗ không ở đâu xa mà ngay trước mặt kìa. Trước màn ảnh vi tính, màn ảnh truyền hình, rồi phim ảnh đồi trụy và báo chí với hình ảnh khêu gợi. Chúng ta có thể bị cám dỗ ngay trong phòng ngủ, tại nhà bếp, nơi phòng ăn, chỗ phòng khách những nơi đó gia đình thường gặp nhau. Chuyện vui chuyện buồn, cãi vã, hờn giận, lời nói nặng nhẹ cũng ở đó.

Khi chúng ta đến nhà thờ, những cơn cám dỗ cũng luồn lách theo vào. Những thói tục như chia trí lo ra, khoe khoang, giả hình, ghen tương, soi mói và phê bình chỉ trích. Có nghĩa là nơi nào ma quỷ cũng có thể mở cửa dẫn chúng ta vào những dịp tội.

Trong các Dòng tu, Tu viện ma quỷ cũng không tha. Ma quỷ len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống của các tu sĩ nam nữ. Gây sự bất đồng trong anh chị em, ghen tị, lười biếng, giả hình và hướng ngoại.

Nơi nhà xứ, các chị quỷ luôn rảo quanh tìm mồi, các dịp tội cứ khơi dậy nơi các tu sĩ, linh mục như sự nóng nảy, tự kiêu tự mãn, lười biếng, hống hách, cau có, giận dữ, thèm khát dục vọng và còn có cả những ước muốn lạm dụng tình dục trẻ em.

Trường học và trung tâm huấn luyện cũng không tránh khỏi những đưa đẩy về sự lừa đảo, ăn gian nói dối và tự mãn kiêu căng. Trường học cũng còn là môi trường của sự ghen tương, chơi bời, tranh dành đối tượng, sống bừa bãi và trả thù tình.

Trên đường xá cũng không tránh khỏi những cám dỗ gây hại. Tranh dành đường xá, đua xe ẩu đả, gây tai nạn và thù hằn giận dữ. Tụ tập băng nhóm phá hoại, rượu chè hút sách và chơi bời quá độ. Nơi đâu cũng có những dịp và cớ để cho con người phạm tội.

Chúng ta thường nghĩ bệnh viện là nơi để cứu người và chữa bệnh. Sự thật không luôn luôn là thế, ma quỷ cũng len lỏi vào bệnh viện để thúc đẩy những dịch vụ giết người, cho thuốc an tử hoặc để đói khát mà chết. Còn có cả dịch vụ phá thai, giết các hài nhi trong bụng mẹ trong mọi thời kỳ. Thật ghê gớm!

Không phải ngoài sa mạc nhưng ngay nơi tiệm buôn, chỗ làm, công sở, các nhân viên thì nạnh hẹ và vào phe nhóm kình chống nhau. Có khi họ cắt bớt, rút xén và tham lạm của công. Gian dối trong vấn đề khai thuế, trả thuế. Đó cũng là những hình thức bị cám dỗ về tiền bạc của cải đời này.

Cám dỗ ở nơi chúng ta tụ họp. Có họp nhóm tụ năm tụ ba rồi nói hành nói xấu, nói truyện mù khú và nói nhỏ cười to. Cả những khi chúng ta tụ họp để đọc kinh cầu nguyện, ma quỷ cũng chen vào giúp chúng ta kể lể truyện nhà rồi đến truyện người, ngồi tụ nhau phê bình kẻ vắng mặt, bịa truyện và thêm thắt câu truyện cho mầu mè hấp dẫn. Cám dỗ về sự ghen tương, ghét bỏ và loại trừ nhau trong nhóm trong hội thường xảy ra.

Chúng ta nên áp dụng lời Chúa vào cuộc sống ví như người xây nhà trên nền đá. Đôi khi chúng ta không muốn học biết và lắng nghe lời Chúa. Vì ươn lười và tự tin, chúng ta chẳng muốn phấn đấu để vượt qua các cơn cám dỗ. Tâm trạng chung chung là không quan tâm nhiều đến đời sống nội tâm. Mùa chay là dịp giúp chúng ta tự xét mình. Không ai có thể làm giúp cho ai cả. Muốn sửa, muốn bỏ và muốn thanh tẩy thì phải có sự cố gắng và kiên tâm của mỗi người. Lời Chúa là đèn soi giúp chúng ta tịnh tâm và làm một quyết định cho mình. Bài suy niệm này cũng chỉ mạo muội nêu ra một vài cách để giúp tự xét mình và xa tránh những dịp tội thường ngày.

Cám dỗ có nhiều lối vào và cũng có ngõ ra trong thân xác con người. Cám dỗ đi vào qua ngũ quan: qua cặp mắt, đôi tai, mũi miệng và qua chân tay sờ mó đụng chạm. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục (Mc. 9,47). Ngõ ra thì nguy hiểm và tồi tệ hơn. Những lời nói dèm pha, gian dối, chửi bới cộc cằn, cãi vã, thề thốt và còn đáng tội hơn nữa là những ý nghĩ, xu hướng, ý định và tư tưởng bất chánh xuất phát từ bên trong sẽ làm cho người ta ô uế hơn. Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế (Mc. 7,15).

Chúng ta hãy bắt đầu ngay, những gì có thể làm được ngày hôm nay thì đừng để ngày mai. Chúng ta cũng không nên đùa dỡn với ma quỷ và tội lỗi. Chúng ta có thể áp dụng câu nói: Lửa gần rơm, lâu ngày cũng cháy. Đúng vậy, thật là tiếc khi phải từ bỏ những thói hư tật xấu mà chúng ta đã nhiễm. Nghe nói thế thì hơi lạ tai, nhưng thực tế là vậy đó. Chúng ta vừa thích nên tốt lành thánh thiện, cũng lại vừa muốn sống lai rai trong tội. Sống trong tội, thì xem ra thoải mái, dễ dàng và lạc thú nhiều hơn. Chúng ta hãy coi chừng, đường thênh thang sẽ dẫn đưa chúng ta xuống tận vực sâu.

Xin Chúa thêm ơn can đảm để chúng ta đủ sức tránh xa các dịp tội, chừa cải tội lỗi và sống đẹp lòng Chúa. Lạy Chúa, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng