PDA

View Full Version : C - Chết vì yêu



Dan Lee
03-23-2011, 07:21 AM
Chết vì yêu

Thứ Tư tuần thứ 2 Mùa Chay

Lời Chúa: Mt 20,17-28

17Lúc sắp lên Giêrusalem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: 18"Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, 19sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy." 20Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21Người hỏi bà: "Bà muốn gì?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." 22Đức Giêsu bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi." 23Đức Giêsu bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được." 24Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."

Con Người đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mt 20,28)

Suy niệm:

Mở đầu đoạn Phúc Âm hôm nay là việc Chúa tiên báo về cái chết hy sinh chuộc tội của Chúa. Đây là lần thứ ba Chúa nói về nơi chết là Giêrusalem – cách chết: bị nộp cho lương dân, bị đòn vọt và đóng đinh – sau chết: Phục sinh. Hãy thử tưởng tượng như nếu chúng ta biết trước mình sẽ trải qua những khổ nhục và phải chết tất tưởi như thế liệu chúng ta có đủ bình tĩnh mà làm được việc gì nữa không. Có khi còn chạy trốn. Còn Chúa Giêsu, Ngài vẫn bình tĩnh lập các Bí tích cũng như giảng dạy như thường việc gì tới sẽ tới. Ngài đương đầu với tử thần và Ngài đã chiến thắng chính sự chết bằng việc phục sinh.

Người ta tự hỏi tại sao Chúa không phán một lời đủ để cứu chuộc nhân loại cần gì phải chết đau thương nhục nhã như thế. Phải rồi, Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự. Tuy nhiên, chịu đóng đinh chịu chết lại là ý muốn của Ngài. Ngài muốn như thế. Một lãnh tụ mà không chịu lăn lưng khổ nhục, không chịu đồng lao cộng khổ, mà chỉ đứng chỉ tay năm ngón, thì có xứng là lãnh tụ không? Yêu ai đó, mà không dám chia sẻ nỗi thương đau với người mình yêu, thì tình yêu đó có thật không? Cái chết đối với chúng ta là một chuyện bắt buộc, là hậu quả của tội tổ tông. Nhưng đối với Chúa Giêsu, cái chết Ngài đón nhận là do ý muốn tự do, phát xuất từ tình yêu vô biên và mãnh liệt của Ngài.

Dựa vào mạc khải chúng ta biết rằng: bằng lòng chết như thế là vì tình yêu quá lớn lao của Ngài đối với loài người. “Không còn tình yêu nào to lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống cho kẻ mình yêu” (Ga 15,13), “Một Thiên Chúa thương nhân loại quá đỗi đến nỗi ban Con Một Mình cho nhân loại”. Đó là Thiên Chúa yêu thương đến cùng, đến giọt máu yêu thương cuối cùng (Ga 13,1).

Ngoài ra việc Chúa chết như thế là để đền tội nhân loại: “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đấy ơn lộc chứa chan” (Rm 5,20). Một trái đất chúng ta chỉ là một hành tinh bé nhỏ so với vũ trụ và những hành tinh khác. Trái đất bé hạt tiêu, trái đất nhỏ bé nhất nhưng cũng là nơi nhiều tội lỗi nhất. Từ dòng máu của Abel cho tới Gioan tiền hô, Chúa Giêsu và... tới đâu nữa, cho tận cùng phán xét.

Chúng ta tự hỏi xem cái chết của Chúa có ảnh hưởng gì đến chúng ta hôm nay không? Hay nói khác đi, cái chết của Chúa là do đâu? Phải chăng chính tội lỗi chúng ta cũng góp phần vào đó? Chúng ta có dám rửa tay như Philatô để tự biện hộ “ta vô can” (Mt 27,24). Nếu chúng ta coi cái chết của Chúa dửng dưng như mọi cái chết khác thì Ngài không thể cứu chuộc chúng ta đâu. Chúng ta biết đó: cái chết của Chúa là cái chết giải phóng.

- Chúa Giêsu chết để giải phóng nhân loại khỏi những ác quả của tội tổ tông và tội riêng đáng trầm luân mãi mãi. Thánh Phaolô nói thần chết là quyền lực mãnh liệt nhất và là kẻ thù cuối cùng của nhân loại, thế mà Chúa Kitô đã chiến thắng để dành lại sự sống thực. Nếu chúng ta có đồng ý theo Ngài thì chúng ta mới đạt tới sự sống như Ngài.

- Chúa Kitô chết để giải phóng nhân loại khỏi dục vọng nghĩa là ban sức phấn đấu, một thứ kháng độc tố đối với tội lỗi xác thịt (Rm 8,4).

- Chúa chết còn để giải thoát con người khỏi quyền lực của satan mờ tối. Satan được Chúa cho phép đóng một vai trò trong tấn bi kịch của luân lý nhân loại, bắt đầu từ cám dỗ Adong Eva đến tận thế.

Ước gì chúng ta hiểu được cái chết giá trị của Chúa.

Đồi Canvê nhuộm máu đào,

Cho muôn ơn thánh rớt vào tim con.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, với tấm bánh bé nhỏ, Chúa đã cho chúng con tình yêu và sự sống. Chúa đã trở nên mọi sự cho chúng con. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa để chúng con tiếp tục gieo vãi yêu thương giữa lòng nhân thế.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, ở đời ai cũng thèm có kẻ hầu người hạ. Ai cũng cần chức cao quyền trọng. Ở đời ai cũng muốn được sống an nhàn trong sự phục vụ của tha nhân. Nhưng Chúa đã không sống như thế! Chúa đã sống vì lợi ích tha nhân. Chúa đến để hầu hạ mọi người. Từ em bé cho đến cụ già. Từ kẻ bần cùng cho đến kẻ quyền quý. Chúa sẵn lòng phục vụ mà không hề so đo tính toàn. Chúa không đến để người khác phục vụ Chúa, nhưng Chúa còn hiến dâng mạng sống vì hạnh phúc tha nhân. Xin giúp chúng con luôn bé nhỏ khiêm nhu để cúi mình phục vụ mọi người. Xin giúp chúng con biết chu toàn bổn phận hằng ngày với lòng yêu mến và phụng sự Chúa trong chính công việc của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn xác tín rằng: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh,” để chúng con luôn sẵn lòng quảng đại với tha nhân. Amen

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền