PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 3 Mùa Chay năm A



Dan Lee
03-25-2011, 10:05 PM
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 3 Mùa Chay năm A


Kính thưa quí ông bà anh chị em, nếu ta quan sát cuộc sống sinh hoạt thường ngày, ta thấy những người dễ cáu bẳn, hay phàn nàn trách móc, khó chịu điều này, điều kia thường là những người thiếu sự kiên nhẫn, chịu đựng, hy sinh, nên dễ thay đổi khi không được như ý, từ đó bắt đầu đòi hỏi nhiều thứ nơi người khác.

Dân Do-thái xưa trong sa mạc đã phàn nàn, trách móc Chúa và suýt nữa là họ ném đá ông Môisê, vì họ bị đói khát trong sa mạc. Mặc dù, họ đã chứng kiến bao phép lạ nhãn tiền Chúa đã thực hiện cho họ ở Ai cập; thế mà khi mới bị thử thách về cơm bánh một chút thì đã nổi loạn. Như thế há không phải là họ thiếu sự kiên nhẫn, thiếu đức tin và niềm hy vọng đó sao? Nếu như họ có sự kiên nhẫn thì chắc chắn họ vẫn bền tâm vững chí trong mọi thử thách, vì biết rằng: Chúa đã thương cứu ra khỏi cảnh nô lệ Ai cập, thì đời thuở nào Ngài lại để cho chết đói, chết khát trong trong sa mạc một cách lãng xẹc như thế được, và nếu như thế thì Thiên Chúa đâu phải là Chúa của yêu thương nữa. Không, Chúa không bao giờ hành động như đôi lúc con người hành động mà ta hay gọi là (đưa con bỏ chợ) như vậy cả.

Xưa kia dân Do-thái không được toại nguyện như ý thì phàn nàn trách móc Chúa và tính lấy đá ném Môisê, thì ngày nay, không chừng nhiều người trong chúng ta cũng đang hành động như thế, khi ta không được điều này, điều kia. Khi ta không được thoả mãn, hài lòng về công kia, việc nọ, hay về những người chung quanh ta, thì Ta dễ cáu bẳn, phàn nàn, trách móc, than thân, trách phận…, rồi từ đó có những hành động, lời nói chẳng mấy tốt lành cho những người này, người kia, kể cả những người ta mang ơn nữa, rồi lại nghi ngờ Chúa, ngã lòng tin, nên dẫn đến sự bê tha và có khi bỏ cả Chúa luôn. Nếu ai có những thái độ như thế thì họ đang lạc xa Thiên Chúa, hay họ có Chúa một cách hời hợt, cho nên họ dễ thay lòng đổi dạ, dễ nổi loạn, dễ bỏ cuộc.

Thế thì, muốn sửa đổi, uốn nắn những sự sai trái, xấu xa đó thì cần có một sự gặp gỡ đích thực; gặp gỡ đổi đời như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria, mà bài Tin Mừng của Thánh Gioan thuật lại, cho ta thấy đời sống chẳng mấy tốt đẹp, suông sẻ của người đàn bà Samaria này; bởi vì bà có tới sáu người đàn ông mà chẳng có ai là chồng chính thức, nhưng khi gặp được Chúa Giêsu bà đã có một cái nhìn mới, lòng khoả lấp được những trống vắng và niềm khát vọng vô biên, qua việc, bà còn tuyên xưng niềm tin, và trở thành người loan báo Tin Mừng, cụ thể: “Bấy giờ người đàn bà để vò nước xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: "Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Đấng Kitô? Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: "Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm" (Ga 4:28-39).

Chúng ta thấy, qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người đàn bà bên giếng Giacóp là một cuộc đối thoại tiệm tiến: Chúa Giêsu, trước hết bắt đầu làm quen bằng việc xin nước, rồi từ nước uống của đời thường dẫn tới nước trường sinh; còn đối với người đàn bà, khởi đầu là một cái nhìn chẳng mấy thiện cảm đối với người Do- thái; để rồi bà nói với Chúa Giêsu: “Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người Samaria?” Rồi qua cách nói chuyện của Chúa Giêsu làm cho bà nhận ra có một cái gì rất đặc biệt nơi con người đang đối thoại với bà, nên làm cho bà thay đổi cái nhìn qua cách xưng hô tiếp theo: “Thưa Ngài.”

Câu chuyện dần dần dẫn bà tới nhận rõ người xin bà nước uống hoá ra lại là người ban cho bà thứ nước bà đang cần và khao khát; nước tâm linh, nước sự sống, bà đã xin nước đó, bà đã tuyên xưng đức tin: “Tôi biết Đấng Mêsia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Chúa Giêsu đã quả quyết với bà: “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây” (Ga 4,26).

Với sự gặp gỡ, đỉnh cao là lời tuyên xưng đức tin được xác nhận bởi Đấng mà mình tuyên xưng đức tin, nên chi làm cho kẻ tin được rủ sạch những gì còn hình thức bên ngoài, những tập tục cổ lỗ hủ, những chướng ngại không những ngăn cản sự gặp gỡ Thiên Chúa, mà nó còn đè nặng lương tâm bởi bao tội lỗi, nên chi cần có sự gặp gỡ Chúa để được thanh tẩy cho lòng nhẹ vơi, cho đời tốt đẹp, cho hồn bay vút trời cao, bởi không bị ràng buộc bất cứ điều gì của trần thế. Phải chăng, khi con người có được như vậy, là lúc đó con người đang được uống nước hằng sống.

Một kinh nghiệm cho thấy, bất cứ ai suốt đời mà cứ lao mình đi tìm mọi sự ở trần gian này thì không bao giờ được thỏa mãn cơn khát, và chẳng có cái gì ở trần gian này lấp đầy sự khát vọng sâu thẳm của lòng người; mà chỉ có Thiên Chúa, Ngài mới lấp đầy của bao cơn khát vọng lòng người. Đây là điều mà thánh Augustino đã trải qua kinh nghiệm sau một khoảng đời đi tìm kiếm danh vọng, địa vị, tiền tài, tình yêu, hạnh phúc, và không có gì khoả lấp được cơn khát vọng, ngài đã chán ngán; cuối cùng, ngài đã ăn năn sám hối trở lại với Chúa, để rồi ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, thế mà bấy lâu nay con chỉ mãi mê tìm kiếm cái gì khác ngoài Chúa. Vì vậy lòng con luôn khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa. lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng.”

Về phần chúng ta, ngày hôm nay thì sao? Nếu như xưa, người đàn bà đã được biến đổi qua sự gặp gỡ ở bên giếng nước Giacóp, thì hôm nay, giếng Giacóp là thánh lễ và các bí tích có một sức mạnh hiệu năng biến đổi cuộc đời của mỗi người; vì qua các bí tích, Chúa Giêsu đang trực tiếp kế cận với mỗi người, như Ngài đã tiếp cận, cảm hoá người đàn bà xưa, nhưng với điều kiện đòi hỏi nơi mỗi người là: phải có hình ảnh của một Đấng vô biên vẫn ở trong sâu thẳm lòng người, để từ đó người ta mới khao khát để đi tìm kiếm, gặp gỡ Thiên Chúa, và khi đã gặp được Chúa thì Ngài sẽ giúp ta giải thoát khỏi những giây trói buộc con người trong sự chật hẹp tù túng và dẫn ta đến suốt nước hằng sống.

Xin Chúa cho chúng con luôn biết khao khát nước hằng sống là chính Chúa, để chúng con gặp gỡ Chúa qua mọi biến cố của cuộc sống; nhất là gặp gỡ Chúa qua thánh lễ, qua các bí tích, qua sự hy sinh phục vụ người khác. Mùa chay là dịp thuận tiện khơi dậy lòng khao khát Chúa là nguồn mạch sự sống cho con người. Amen.

Lm Phaolô Cao Thế Bình SDD