PDA

View Full Version : T - Từ một nơi xa xôi, cách bao núi rừng suối đồi



Dan Lee
04-01-2011, 11:31 PM
“Từ một nơi xa xôi, cách bao núi rừng suối đồi”
Anh gởi mấy cánh hoa về người yêu.
(Đoàn Chuẩn & Từ Linh - Cánh Hoa Duyên Kiếp )

(Mt 28: 20)

Rất nhiều lần, bần đạo vẫn cứ thưa và thốt với bạn bè thích phiếm, rằng: bản thân bần đạo sở hữu không biết bao nhiêu là cố tật, kể không hết. Nay thấy, đồng hành với các cố tật ấy, còn có cả nỗi buồn hiện hữu của những thiếu sót nhỏ/to, chưa chịu biến.
Hôm nay, ngồi buồn kể lại kể thêm những khuyết tật cùng thiếu sót khác là quên lãng. Lãng rồi quên cả cái hay/cái đẹp nhận từ Bề Trên vẫn là quà tặng gửi đến chính mình. Kể rồi, sẽ xin chịu tội với bà con về những ưu tư/trăn trở lâu nay vẫn còn đó nỗi buồn.
Ôi thôi, nói gần nói xa chẳng qua nói thật, chỉ xin kể thêm rằng: đã hơn một lần, bần đạo được bạn bè viết thư phản hồi, rồi hỏi sao bần đệ cứ mải mê nhặt nhạnh mấy lời ca/tiếng hát của tay du ca Nguyển Đức Quang, để làm gì vậy?
Hôm nay, nhân lúc ngồi rồi, nhận được tin/bài về người nghệ sĩ du ca họ Nguyễn, ở báo điện có đoạn thư tâm tình để thay cho lời trần tình chứng minh với bạn ở trên, một đôi câu như sau:

“Tôi không phải là nhà phê bình âm nhạc, nhưng gọi là phiếm luận thì ai cũng có thể. Xin phiếm như sau:

Trịnh Công Sơn kêu gọi ngồi xuống, thì Nguyễn Đức Quang thôi thúc đứng lên. Cùng trong cuộc chiến, Trịnh Công Sơn than thở, thì Nguyễn Đức Quang chấp nhận. Trịnh Công Sơn nhìn thế giới trong hoàng hôn, thì ánh bình minh lại rọi sáng với Nguyễn Đức Quang. So sánh, cả với du ca Phạm Duy sống trong thế giới mùa thu, thì du ca Nguyễn Đức Quang vĩnh viễn là mùa hè. Nếu Phạm Duy tuyệt vọng trong cuộc chiến bi thảm, thì Nguyễn Đức Quang luôn thấy “hy vọng đã vươn lên”. Nếu Phạm Duy và Trịnh Công Sơn soạn nhạc cho cuộc đời ca hát, thì Nguyễn Đức Quang soạn nhạc để chính mình cùng ca hát với cuộc đời.” (x. Giao Chỉ San Jose, Viết Cho Du Ca Nguyễn Đức Quang, Calitoday 19/02/2011)

Thanh minh lình xình về nghệ sĩ du ca họ Nguyễn như thế, bần đạo chỉ muốn thêm thắt đôi lời ở đây bằng câu hát nhặt được từ nhị vị nghệ sĩ có tên là Đoàn Chuẩn & Từ Linh, như sau:

“Từ một nơi xa xôi, cách bao núi rừng suối đồi
Anh gởi mấy cánh hoa, về người yêu.
Hoa lan hương màu trắng, như duyên em thầm kín,
trong hương thu màu tím buồn.
Hẹn một ngày nao, khi màu xanh lên tà áo,
Tình thương lên quầng mắt, anh đón em về thuyền mơ.”
(Đoàn Chuẩn & Từ Linh – bđd)

Thưa xong như thế rồi, bây giờ bần đạo lại tiếp tục kể. Trước nhất, xin mượn lời nhận định của bạn viết ký tên Giao Chỉ để kể về người nghệ sĩ hát rong họ Nguyễn, rất như sau:

“Nguyễn Đức Quang, là người viết nhạc hùng với những lời ca lý luận hết sức thực tế. Đó là bài “Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi”.” Hãy đứng dậy đón chào bình minh” với “Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm, bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến. Hy vọng đã vươn lên trong mồ sâu quá ưu sầu…”

Và, Nguyễn Đức Quang cũng viết bài tình ca. Bài hát thiết tha, dịu dàng là một bài thơ phổ nhạc. Thi sĩ là ông Nguyễn Ngọc Thạch. Nhà thơ đã viết bài “Bên kia sông” độc đáo. “Núi mừng vì mây đến rồi.” Chàng nói với em rằng “Nói cho vừa mình anh nghe thôi.” Rồi những lời thơ ẩn dụ yêu thương: “Lòng đòi tình vật vã khôn nguôi.” Nhạc sĩ đã dùng lời thơ êm ái đưa vào một điệu nhạc với điều thú vị nhất là hết sức dễ hát.” (x. Giao Chỉ, bđd)

Và, một nhận định khác không kém phần nghiêm chỉnh, rất khách quan như sau:

“Du ca trở thành con đường lý tưởng của thanh niên. Tuổi 20 đi trên “Đường Việt Nam. Đi dựng lấy huy hoàng, giống da vàng này là vua đấu tranh.” Ai cũng có thể vào một buổi sáng thức giấc nghêu ngao: “Đường Việt Nam ôi vô cùng vô tận, Đường ngang tàng ngoài biển Nam, giữa Trường Sơn”.(x. Giao Chỉ - bđd)

Ấy nhưng, trích và dẫn mấy điều kể trên, bần đạo chỉ muốn chứng tỏ rằng: trong đi Đạo giữa đời và với đời, ai cũng có và vẫn có những sai sót, đúng hơn phải nói là “quên sót” cũng khá nặng. Quên và sót, những lời vàng dặn dò của Thày Chí Ái, vào buổi ấy, như sau:

“Và này đây,
Thầy ở cùng anh em mọi ngày
cho đến tận thế."
(Mt 28: 20)

Nhưng, trước khi đưa ra một khẳng định là thế, Thày Chí Ái cũng đã khuyên mọi người:

“Vậy anh em hãy đi
mà thâu thập muôn dân thành đồ đệ,
làm phép rửa cho họ
nhân danh Cha, Con và Thánh Thần,
dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.”
(Mt 28: 18-19)

Nghe lời khuyên từ Thày Chí Ái rất như thế, nhiều vị vẫn cứ hỏi han lan man những điều tưởng chừng như chưa biết, sau đây:

“Trước đây, có lần cha từng nói: Anh giáo không là Giáo hội thừa hưởng di sản Chúa để lại, qua việc kế tục vai trò mục vụ. Hôm nay, nhân thấy có sự kiện là Anh giáo đang nườm nượp sát nhập vào với Hội thánh Công giáo, xin cha cho biết di sản thừa kế nói đây là những gì và tại sao lại như thế?”

Thông thường thì, với dân con đi Đạo ở Sydney, đã không có lời hỏi thì cũng chẳng ma nào nhớ tới đức thày chuyên giải toả các thắc mắc ưu tư rất ư là linh đạo. Thế nhưng, hễ có người hỏi, là y như rằng câu hỏi sẽ được chuyển đến đấng bậc rất chính chuyên, chính mạch hoặc chính xác là đức thày linh mục mang họ Flader, tên gọi rất John, như sau:

“Nói một cách đơn giản, có thể bảo rằng việc kế tục công cuộc thừa sai/mục vụ là tiếp nối quyền hành và trọng trách rao giảng Lời Chúa khi xưa được các tông đồ của Chúa chuyên đảm trách. Nay trọng trách này được tiếp tục giao cho đấng bậc kế vị, là các giám mục ở nhiều nơi.

Khi Chúa nói với các thánh tông đồ, rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế", là Ngài không chỉ nói với các tông đồ gần gũi Ngài mà thôi, mà cả với các vị kế tục các tông đồ cho đến ngày tận cùng của thế giới nữa.

Mặt khác, giáo huấn Hội thánh cũng dạy rằng: các đấng kế vị các thánh tông đồ thật ra không là ai khác ngoài các Giám mục trong Giáo hội. Công Đồng Vatican II cũng dạy: “Bằng vào thể chế thánh thiêng, các Giám mục là đấng kế thừa công việc của các tông đồ chuyên lo chăn dắt đàn chiên trong Hội thánh.” (x. Hiến chếÁnh Sáng Muôn Dân, #20)

Khi các thánh tông đồ lên đường thiết lập Hội thánh Chúa tại các miền đất khác nhau trên thế giới, các ngài đã ủy thác sứ vụ giảng dạy, thánh hoá và cai quản con dân cho những vị có thẩm quyền. Và, các ngài lại đã đặt tay lên các đấng bậc kế tục để thông truyền quyền bính thánh thiêng này cho các vị ấy.

Thánh Phaolô cũng làm cử chỉ tương tự để khích lệ đệ tử Timôthê hãy tỏ lòng trung kiên với công việc rao giảng mà thánh nhân giao phó, đồng thời phần mình cũng phải làm như thế với đấng bậc khác trong Giáo hội: “Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng, thì hãy trao lại cho những người tin cẩn, những người sẽ có khả năng dạy cho người khác.I( 2Ti 2: 2)

Cũng nên biết là truớc đó, thánh Phaolô cũng nhắc nhở người đệ tử trung kiên vừa đón nhận quyền bính được trao phó, bằng lời dặn dò hãy đặt tay lên người nhận trọng trách bằng lời lẽ vẫn bảo rằng: “Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. (2Ti 1: 6)

Nếu dùng lời lẽ của thơ văn ngoài đời, có lẽ các bậc trưởng thượng trong Đạo, cũng sẽ hát:

“Đêm hôm nay chợt nhớ tới nơi xa,
lúc anh về nhặt mấy cánh hoa.
Kèm vào thư lá thư xanh màu yêu
cánh hoa duyên kiếp này tìm em trong ý thư.”
(Đoàn Chuẩn & Từ Linh – bđd)

Thật ra thì, trao hay không trao cho nhau quyền bính có trách nhiệm, vẫn là trao “cánh hoa duyên kiếp” rất hồng hào, truyền từ đời này sang đời khác, vẫn vang danh. Truyền, là truyền cho nhau “lá thư xanh màu yêu” có kèm theo “cánh hoa duyên kiếp” anh nhặt về, từ dạo ấy. Hoa đây, chẳng là hoa quyền quí, uy nghi, đáng nể sợ. Mà là hoa Tình yêu, hoa Sự thật được gói bọc bằng những trọng trách các thánh vẫn thủ giữ. Hoa mục vụ hôm nay, được diễn tả bằng ngôn từ chân chất, rất thật, như sau:

“Năm 189, lúc Hội thánh còn ở vào thời tiên khởi, thánh Irênê đã nói đến kế thừa mục vụ như để bảo đảm cho sự thật đã có mặt trong Hội thánh. Thánh nhân dùng lời lẽ như sau: “Có lẽ mọi người trong Giáo hội đều muốn biết sự thật về truyền thống các thánh chuyển giao cho ta lời Chúa dặn dò hãy rao giảng thừa sai /mục vụ cho toàn thể thế giới. Vì thế, hôm nay mọi người đều đã có thể kể tên các đấng được các thánh tông đồ trao cho quyền bính nối tiếp có từ thời của các ngài mãi đến hôm nay…” (x. Adv Haer 3, 3, 1)

Nếu thế, hôm nay, ta gặp ở đâu truyền thống nối tiếp công cuộc thừa sai mục vụ, từ các thánh? Trước nhất, là ở các Giám mục địa phận trong Hội thánh Công giáo là đấng bậc thừa kế công cuộc thừa sai rao giảng xuất từ thời các thánh tông đồ.

Cả các vị thượng phụ thuộc Giáo hội Đông Phương, mà mọi người có thói quen gọi là Đạo Chính thống, nữa. Dù, các thượng phụ này không trực tiếp hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, nhưng các ngài cũng thuộc thánh phẩm đúng cách vì am hiểu đúng đắn bí tích nhiệm mầu của chức thánh và cũng lĩnh nhận chức thánh từ các tông đồ.

Việc kế tục công cuộc mục vụ cũng hiện hữu đối với các nhóm giáo hội từng ly khai Hội thánh Công giáo vào thời gian gần đây. Trong số đó, có các vị là Công giáo từng rời bỏ Hội thánh từ năm 1870 do Công Đồng Vatican I tuyên bố về tính vô ngộ của Đức Giáo Hoàng.

Đồng thời, còn có nhóm khác mang tên Hiệp Hội Ái Hữu Thánh Piô X do Tổng Giám Mục Marcel Lefèbvre thành lập vào năm 1969. Được biết vào năm 1988 Tổng Giám Mục Lefèbvre đã tấn phong giám mục cho 4 vị mà không được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, để rồi cả năm vị này đều bị dứt phép thông công và Hiệp Hội của các ngài không còn hiệp thông với Hội thánh Công giáo, dù các giám mục cũng như linh mục của Hội vẫn được phong chức theo đúng qui cách .

Với người anh em Anh giáo, năm 1896, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII khi trước có ra tông thư mang tên Apostolicae Curae, theo đó các vị này không được công nhận là có chức thánh hợp lệ, là bởi vì ngôn từ sử dụng trong lễ truyền chức cho các ngài đã sai khi thuận theo ý hướng diễn tả trong ngôn từ buổi lễ truyền chức. Đức Giáo Hoàng Lêô đã định ra điều này khi thấy sai lầm của người anh em Thệ Phản được đưa vào nghi thức truyền chức, thời vua Edward VI của Anh quốc.

Dù gì đi nữa, nay có một số giám mục và linh mục Anh giáo, đặc biệt là các vị trước đây thuộc Anh-giáo-nay-trở-thành-Công-giáo có được chức thánh hợp lệ, vì các ngài được vị Thượng phụ Chính thống giáo hoặc Giám mục Công giáo truyền thống cổ xưa truyền chức cùng với giám mục Anh giáo. Các ngài đã hiểu đúng Chức Thánh, lại có ý hướng tốt. (x. Lm John Flader, Question Time The Catholic Weekly 13/12/2009, t. 14)

Nói cho cùng, theo thiển ý, tiếp tục việc rao giảng Lời Chúa, đó là việc hết sức quan trọng. Còn quan trọng hơn nữa, khi các đấng bậc trong ngoài Hội thánh quan ngại nhiều về sự hấp dẫn ơn gọi thực thi công cuộc mục vụ ấy. Nói về chức năng với chức thánh, là chuyện của đấng bậc cao sang quyền quí, rất ở trên.
Cuối cùng ra, tất cả vẫn là chọn lựa. Lựa, theo Chúa. Chọn thực hiện lời Chúa gọi mời, bấy lâu nay. Nhưng chọn lựa đây, phải là lựa chọn lâu dài có quyết tâm, âm thầm. Bền bỉ. Dù, người đời có chê bai. Bài bác. Cứ dấn bước. Dấn và bước sao cho có sức bật. Rất bền bỉ. Bền, như thép đã tôi luyện trong lửa đỏ. Tôi luyện rồi, nào sợ chi sức đốt toát ra từ cuộc đời. Tất cả là như thế. Mọi sự là như vậy. Vẫn thế vậy, như chuyện đời được kể ở chốn dân gian rất đời, như sau:

“Trên đường về, bà nội trợ nọ bắt gặp một đám tang xem ra có vẻ dị kỳ, bèn đứng lại mà xem xét. Một chiếc quan tài màu đen đi trước. Phía sau, chừng vài bước cũng lại một chiếc xe tương tự. Kế đó, là quả phụ mặc tang phục rất nghiêm trang, dắt theo một con chó ngao rất dữ. Theo sau bà, là cả một hàng người dài có đến 200 phụ nữa khác.

Không nén nổi tò mò, bà nội trợ đến gần quả phụ vận đồ đen kia, hỏi:
-Xin được chia buồn với những mất mát của bà. Tôi biết giờ nàykhông phải lúc để làm phiền, nhưng tôi chưa từng thấy đám tang nào như thế này cả. Đây là đám ma ai thế?
Quả phụ nghe hỏi, bèn đáp:
-Trong chiếc quan tài đầu, là chồng tôi.
-Chuyện gì xảy đến với ông ấy thế?
-Con chó của tôi cắn chết ông ấy!
-Thế còn chiếc quan tài thứ hai, đựng ai vậy?
-Mẹ chồng của tôi. Bà ta tìm cách gỡ con chó khỏi chồng tôi, nó lại quay sang cắn bà ấy chết luôn.
Sau một thoáng yên lặn, bà nội trợ ngớ ngẩn, lại nói tiếp:
-Bà cho tôi thuê con chó của bà nhé!
-Hãy nhập với các bà này xếp hàng mà đi đi…

Chuyện kể đây xem ra chẳng có gì là tiếu lâm, cũng chẳng là bài học để đời gì hết. Thế nhưng, người kể truyện vẫn muốn đính kèm một lời bàn kiểu “Mao Tôn Cương” rất huề vốn, tốn thì giờ, rằng: Trong đời, cũng có nhiều cảnh huống rất trớ trêu. Người thì mải rấp ranh tranh dành nhiều quyền lực, đòi ở trên. Lại quên rằng, giới thấp cổ bé họng tuy chịu đựng, nhưng vẫn muốn thoát khỏi vòng kềm toả của uy quyền. Và, xảy ra sự thể rất khó quên, nhưng dễ hiểu. Đó là lý do xảy đến những cảnh tượng rất tréo cẳng ngỗng của thời hôm nay.
Nghe lời bàn, dĩ nhiên bạn và tôi, ta chẳng muốn lên tiếng đồng thuận hay phản đối. Hãy cứ như tôi, như bạn, vẫn cứ ngâm nga một lời ca của nghệ sĩ viết hôm trước mà rằng:

“Hồng nào xinh không gai
bướm kia đâu ngờ bẽ bàng
yêu một sớm nhớ nhau bao mùa thu
em tôi hay hờn lắm
hay tô thâm quầng mắt
hay mua hoa màu trắng
về tình em như mây
trong mùa thu bay rợp lối rồi tan
trong chiều vắng khi gió mưa về thành mưa.”
(Đoàn Chuẩn & Từ Linh – bđd)

Và hát thêm lời thơ yêu làm câu kết. Kết cho chuyện phiếm rất nhạt nhẽo, của bày tôi:

Đêm hôm nay ngồi dưới ánh trăng thu
Viết tơ lòng gửi tới cho nhau
Rồi ngày mai nhắn mây đưa tờ thư
Tới em đôi mắt sầu kèm theo bao ý thơ.
(Đoàn Chuẩn & Từ Linh – bđd)

“Dưới ánh trăng thu, viết tơ lòng gửi tới cho nhau”, là những giòng chảy rất mờ nhạt, của đời người. Hay còn gọi là giòng đời có lúc phong ba thét gầm, sóng rất lớn. Cũng có lúc, nhè nhẹ lòng những trĩu nặng, một hư vô.
Trong tâm tình có những hư vô cuộc đời đầy trống vắng, bần đạo xin được gửi đến bạn và đến tôi, một lời vàng được trích dẫn, vẫn ở trên:

“Vậy anh em hãy đi
mà thâu thập muôn dân
thành đồ đệ.”
(Mt 18: 28)

Thế đó là hiệu lệnh. Giống như truyện kể của ai đó. Rất bình thường. Nhưng không lạt. Vẫn thôi thúc, những người có quan tâm, như bạn và như tôi.

Trần Ngọc Mười Hai
vẫn ưu tư lo lắng
về một dặn dò.
từ Đức Chúa.