PDA

View Full Version : T - Thân phận ngôn sứ



Dan Lee
04-17-2011, 09:53 PM
Chúa nhật Lễ Lá - năm A

Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Mt 27, 11-54

THÂN PHẬN NGÔN SỨ !

Ngôn sứ được dịch từ từ ngữ ”Navi”, có nghĩa là “kêu gọi” hoặc “thông báo”. Navi là người được kêu gọi hoặc là người thông báo. Với những ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu ngôn sứ là sứ giả và là người phát ngôn của Lời Thiên Chúa.
Nhìn lại lịch sử cứu độ, nhiều và rất nhiều ngôn sứ đã sống sứ mạng sứ giả và phát ngôn Lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa thì thường bị người đời cho là chói tai gai mắt và khó có thể thấm nhập vào đời người ta được. Và như vậy, chúng ta thấy thân phận của các ngôn sứ thật sự hẩm hiu, bi đát trong cõi trần này.

Chỉ cần lược qua cuộc đời vài ngôn sứ ta sẽ rõ.

Một Giêrêmia quá đau khổ. Chúng ta lược lại một chút : Chúng nói: "Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Giê-rê-mi-a. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói." Thật đau khổ khi nói lời Thiên Chúa nhưng rồi bị người ta mưu hại. Điều đáng ghi nhận ở đây chính là niềm tin, là tấm lòng của Giêrêmia đối với Thiên Chúa :

Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con
như một trang chiến sĩ oai hùng.
Vì thế những kẻ từng hại con
sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con.
Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề:
đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.

Giêrêmia tin tưởng rằng Đức Chúa luôn ở cùng ông để rồi ông cứ phó thác và bước đi trong tình yêu của Chúa.

Isaia là một ngôn sứ lớn, ông cũng không thoát khỏi con đường đau khổ như bao ngôn sứ khác. Hôm nay, chúng ta vừa nghe ông tự sự :

Đức Chúa là Chúa Thượng
đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,
để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.
Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.

Phải nói rằng Isaia là hình ảnh người tôi trung tuyệt vời của Thiên Chúa. Dù cuộc đời của ông chìm trong đau khổ, chìm trong bi đát nhưng rồi ông vẫn “trơ mặt ra như đá”, “đưa má cho người ta giật râu”.
Ngày hôm nay, ngày đầu của Tuần Thánh, chúng ta cùng bước vào con đường đau khổ của một vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong trần gian này đó chính là Chúa Giêsu. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu, con Thiên Chúa làm người cũng đang chịu những đòn roi, những đau khổ do người đời đem lại.

Hình ảnh của người tôi trung ấy được Thánh Phaolô khắc họa rõ nét trong thư của Ngài gửi tín hữu Philip : Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.

Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha đã đến trong trần gian này để cứu độ con người. Ngài chỉ cho con người con đường ăn năn sám hối để đón nhận Nước Trời nhưng rồi con người không nhận ra, con người khước từ Ngài và con người đã loại trừ Ngài khỏi cuộc đời này. Thân phận Chúa Giêsu cũng chẳng khác gì thân phận của các ngôn sứ ngày xưa từng loan báo về Chúa.

Hôm nay, vị ngôn sứ vĩ đại vào thành Thánh Giêrusalem để bước vào con đường khổ giá. Ngày hôm nay người ta tung hô, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến đó nhưng chẳng bao lâu cũng những con người ấy đã chê bai, báng bổ Đấng nhân danh Chúa ấy.
Hôm nay, chúng ta cùng đi lại con đường thập giá xưa Đấng nhân Chúa mà đến ấy đi. Tâm tình chúng ta như thế nào đối với Ngài ? Chúa vẫn để chúng ta tự do chọn lựa : hoặc lên án, hoặc cùng đồng hành với Ngài trên con đường thập giá như Ngài.

Anmai, CSsR