PDA

View Full Version : N - Nghi thức thứ năm tuần thánh



Dan Lee
04-19-2011, 07:08 AM
Thứ năm tuần thánh - Năm A

NGHI THỨC - BÀI ĐỌC THỨ NĂM TUẦN THÁNH


Mỗi người Kitô hữu cũng như toàn dân Thiên Chúa cảm thấy có nhu cầu phải lần lượt ôn lại, trong kỳ lễ vượt qua hằng năm, những gì xẩy ra trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu như các sách Tin Mừng thuật lại. Từ bữa tối Người ăn với các môn đệ trước khi chịu chết cho đến lần Người hiện ra với những môn đệ đó ngày Chúa Nhật kế tiếp, tất cả những gì Người đã làm nhất là việc Người chịu chết và sống lại, đều đem lại ơn cứu độ, tất cả những gì Người đã nói đều là lời cứu độ.

Giáo hội xưa nay vẫn đặc biệt lưu tâm đến việc cử hành ba ngày trọng đại nhất “trong đó Chúa Kitô sẽ chịu đau khổ, đã an nghỉ và đã phục sinh” (thánh Ambrôsiô). Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu từ thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc chiều ngày Phục Sinh, sau khi đã đạt tới những giờ phút sốt sắng nhất trong buổi canh thức đêm thánh, gồm tóm lại tất cả việc cử hành mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô.

Tam Nhật Vượt Qua liên hệ đến đời sống thâm sâu nhất của mỗi cộng đoàn Kitô hữu, vì toàn thể dân Thiên Chúa đều cùng với Chúa Kitô thực hiện cuộc vượt qua đi về với Chúa Cha. Đêm Vượt Qua là đêm thanh tẩy long trọng nhất trong năm, và các tín hữu cầu nguyện cách khẩn thiết hơn trong hai này mà các anh chị em dự tòng trực tiếp sửa soạn để được cùng chết và sống lại với Chúa Kitô. Cũng trong chiều hướng ấy, người có tội chuẩn bị bằng hai ngày ăn chay, tức là ngày thứ Sáu và nếu được, cả ngày thứ Bảy nữa để được làm hòa với Thiên Chúa và với anh chị em, nếu chưa lãnh bí tích Hòa Giải trong những ngày cuối Mùa Chay. Ngoài việc liên đới nói trên với các người dự tòng và những người sắp được ngồi lại vào bàn ăn của Chúa, tất cả các Kitô hữu cũng mừng lễ Phục Sinh khi họ lặp lại các lời đã cam kết khi chịu thanh tẩy, và khi họ tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Vì thế, ta có thể áp dụng cho cả Tam Nhật Vượt Qua chỉ thị mà một trong những tài liệu cổ nhất về Phụng vụ đã ra về Đêm Thánh: “Toàn dân phải ở trong ánh sáng”.



THỨ NĂM TUẦN THÁNH

THÁNH LỄ CHIỀU

THÁNH LỄ TIỆC LY

Ý NGHĨA

Mỗi năm, dân Do Thái ăn lễ vượt qua để tưởng niệm việc họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh áp bức, và giao ước với họ. Chúa Giêsu Kitô đã khai mào cuộc thương khó khi cùng với các môn đệ dùng bữa ăn vượt qua đó. Nhưng Người đã muốn cho bữa ăn này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thánh giá. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn thức uống đã trở thành Mình và Máu của Người, Người đã thiết lập nghi thức tưởng niệm lễ tế mà hôm sau Người sẽ dâng trên thập giá.

Mỗi lần cử hành thánh lễ chúng ta cũng tái diễn bữa tiệc của Chúa để nhớ đến Người, để tưởng niệm Người đã chịu chết, mừng vui vì Người hiện diện, và trông mong Người trở lại. Nhưng chúng ta tưởng niệm cách sốt sắng hơn cả, trong thánh lễ thứ Năm Tuần Thánh. Thánh lễ này cử hành vào buổi chiều, với đông đủ giáo dân tham dự sau một ngày làm việc, và với tất cả các linh mục trong giáo xứ đồng tế để cho thấy rằng chức tư tế chỉ là một. Sau bài diễn giảng, vị chủ tế làm lại cử chỉ của Chúa Giêsu và rửa chân cho 12 đại diện cộng đoàn tín hữu. Trong khung cảnh đặc biệt của ngày lễ, không bài giảng nào nói rõ hơn rằng chức linh mục là để phục vụ, cho bằng việc chủ tế quỳ xuống trước mặt người anh em như thế.

Lễ xong, mỗi người có thể yên lặng chầu Thánh Thể và suy gẫm những lời tâm sự cuối cùng của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi vào vườn Ghêtsêmani, nhất là suy gẫm lời trối long trọng nhất: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”.

NHỮNG ĐỒ CẦN CHUẨN BỊ

1. Trên bàn thờ chính:

- Bàn thờ trang trí trọng thể

- Nhà tạm để trống

2. Trên bàn nhỏ cạnh bàn thờ chính:

- Tất cả những đồ cần dùng trong thánh lễ, riêng bánh lễ,

dự trù số cần thiết cho lễ hôm nay và ngày mai.

- Chuông và mõ sẽ thế chuông.

- Khăn choàng khi kiệu Mình Thánh.

- Nếu rửa chân: chậu thau, bình nước, khăn lau.

3. Trong cung thánh:

- Ghế cho chủ tế và các phụ tế.

- Ghế cho những người được rửa chân.

4. Trong phòng thánh:

- Lễ phục trắng cho chủ tế và các phụ tế.

- Hương, lửa.

- Đèn dùng khi đi kiệu Mình thánh.

5. Trên bàn thờ sẽ đặt Mình Thánh:

- Nhà tạm, khăn thánh.

- Đèn, hoa.

QUY LUẬT CẦN BIẾT

Theo truyền thống lâu đời của Hội thánh, hôm nay cấm cử hành mọi thánh lễ không có giáo dân tham dự.

Thánh lễ Tiệc Ly cử hành ban chiều lúc thuận tiện, có toàn thể cộng đoàn địa phương tham dự đông đủ, trong khi các linh mục và thừa tác viên thi hành phận vụ mình.

Các linh mục đã đồng tế trong thánh lễ làm Phép Dầu, hoặc đã cử hành thánh lễ vì lợi ích giáo dân, thì lại được đồng tế trong thánh lễ Chiều nữa.

Nơi nào lý do mục vụ đòi hỏi, thì Đấng Thường Quyền Sở Tại có thể cho cử hành một lễ thứ hai trong các nhà thờ, nhà nguyện công và bán công, vào ban chiều. Còn trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể cho phép cử hành thánh lễ cả vào lúc ban sáng, nhưng chỉ dành cho các tín hữu không có cách nào tham dự thánh lễ ban Chiều được. Tuy nhiên đừng cử hành chỉ vì lợi ích riêng tư, kẻo làm thiệt hại cho việc cử hành thánh lễ chính ban chiều.

Chỉ có thể cho giáo dân rước lễ trong thánh lễ mà thôi; nhưng bất cứ giờ nào trong ngày, cũng có thể đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân.

NGHI THỨC ĐẦU LỄ VÀ PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1- Nhà Tạm hoàn toàn để trống; trong thánh lễ chiều nay, sẽ được truyền phép bánh thánh đủ cho giáo sĩ và giáo dân rước lễ hôm hay và ngày mai.

2- Ca nhập lễ x. Gl 6,14

Chúng ta phải hãnh diện

Về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Nơi Người, ta được giải thoát,

Được sống và được sống lại;

Chính Người giải thoát và cứu độ ta.

3- Đọc hay hát Kinh Vinh Danh, trong lúc đọc hay hát kinh này thì rung chuông. Sau đó không rung chuông nữa cho đến Vọng Phục Sinh, trừ khi Hội Đồng Giám Mục hay Đấng Thường Quyền đã quy định thể khác.

4- Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, trong bữa tiệc ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình, Đức Giêsu đã trối cho Hội thánh một hy lễ mới muôn đời tồn tại làm bằng chứng tình thương của Người. Chiều nay, chúng con đến tham dự yến tiệc cực thánh, như lời Người truyền dạy, xin Chúa cho tất cả chúng con được tràn đầy tình yêu và sức sống viên mãn của Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

BÀI ĐỌC I Xh 12, 1-8.11-14

Sách Xuất Hành đưa ra những chỉ thị về bữa ăn Vượt Qua, trong đó người Israel ăn thịt con chiên và lấy máu nó bôi lên khung cửa; nhờ máu này, các con đầu lòng của họ được thoát chết, trong khi các con đầu lòng người Aicập bị tàn sát. Từ đó, hằng năm họ ăn bữa tiệc Vượt Qua, để tưởng niệm ơn Chúa đã cứu họ khỏi ách nô lệ Aicập, và để Thiên Chúa hoàn thành ơn cứu thoát ấy.

“Những chỉ thị về bữa Tiệc Vượt qua”.

Bài trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê và Aaron ở đất Ai-cập rằng: Tháng này các ngươi phải kể là tháng đầu năm, tháng thứ nhất. Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel rằng: “Mùng mười tháng này, ai nấy phải bắt một chiên con, mỗi gia đình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì phải mời người láng giềng đến nhà cho đủ số người để ăn một con chiên. Chiên đó không được có tật gì, phải là chiên đực, được một năm. Có bắt dê con cũng phải làm như thế. Vậy phải để dành cho đến ngày mười bốn tháng này, rồi vào lúc chập tối, toàn thể cộng đồng con cái Israel sẽ giết nó, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Đêm ấy sẽ ăn thịt nướng với bánh không men và rau đắng. Phải ăn như thế này: Phải thắt lưng, chân đi dép, tay cầm gậy và ăn vội vã: vì đó là ngày Vượt Qua của Chúa. Đêm ấy Ta sẽ đi qua xứ Ai-cập, sẽ giết các con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến súc vật, và Ta sẽ trừng phạt chư thần xứ Ai-cập: vì Ta là Chúa. Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ là dấu hiệu; và khi thấy máu, Ta sẽ đi qua mà tha cho các ngươi, và các ngươi sẽ không bị tai ương tác hại khi Ta giáng hoạ trên xứ Ai-cập. Các ngươi hãy ghi nhớ ngày ấy, làm lễ tưởng niệm, và phải mừng ngày đó trọng thể kính Thiên Chúa. Các ngươi sẽ lập lễ này để mừng vĩnh viễn muôn đời”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18

Đáp: Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô.

1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. - Đáp.

2) Trước mặt Chúa, thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gẫy xiềng xích cho con. - Đáp.

3) Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. - Đáp.

BÀI ĐỌC II 1Cr 11, 23-26

Đoạn thư gửi tín hữu Côrintô là bản tường thuật xưa nhất về việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Trong bữa ăn sau hết cùng với các môn đệ, vào chính dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái, Chúa Giêsu ban Mình và Máu Người cho các môn đệ như con Chiên Vượt Qua thật, hy sinh vì loài người mỗi khi cử hành thánh lễ, và đặc biệt chiều nay, chúng ta cũng tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu và được hưởng nhờ ơn cứu chuộc Người thực hiện cho chúng ta.

“Mỗi khi anh em ăn và uống,

anh em loan truyền việc Chúa chịu chết”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.

Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM Ga 13, 34

Chúa phán: “Thầy ban cho các con một giới răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.



TIN MỪNG Ga 13, 1-15

Trong bữa ăn sau hết, trước khi đi qua từ trần gian về với Cha, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Đây là một hành động tượng trưng nói lên ý nghĩa của cuộc thương khó: Chính vì yêu thương mà Chúa Giêsu hạ mình xuống như một đầy tớ, để phục vụ đến hoàn toàn từ bỏ bản thân. Người cũng muốn chúng ta noi gương Người trong tình yêu phục vụ đó.

“Ngài yêu thương họ đến cùng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.

Đó là lời Chúa.



RỬA CHÂN

5- Bài giảng sẽ đề cập đến các mầu nhiệm được tưởng niệm trong thánh lễ này, tức là việc thiết lập bí tích Thánh Thể, chức tư tế và điều răn của Chúa về tình bác ái huynh đệ. Sau bài giảng, sẽ cử hành nghi thức rửa chân, nếu lý do mục vụ khuyên nên làm.

6- Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn những người đàn ông đã được tuyển trọn đến ghế dọn sẵn. Sau đó linh mục (cởi áo lễ nếu cần), với các người giúp lễ, đi đến từng người, đổ nước trên chân họ và lau.

7- Trong khi đó, hát một bài ca được ghi sau đây, hoặc những thánh ca thích hợp.

Điệp ca 1 x. Ga 13, 4.5.15

Chúa Giêsu trỗi dậy, rời bàn ăn

Đổ nước vào chậu

Rồi bắt đầu rửa chân cho các môn đệ Người

Để làm gương cho họ noi theo.

Điệp ca 2 x. Ga 13, 6.7.8

Đ. Lạy Chúa, Chúa mà lại rửa chân cho con sao?

Chúa Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa chân cho con,

Con sẽ chẳng được chung phần với Thầy”.

X. Chúa đến chỗ Simon Phêrô,

Ông liền thưa Người rằng:

Đ. Lạy Chúa, Chúa mà lại rửa chân cho con sao?

Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu,

Nhưng sau này sẽ hiểu.

Đ. Lạy Chúa, Chúa mà lại rửa chân cho con sao?

Điệp ca 3 x. Ga 13,14

Chúa nói: “Nếu Thầy là Chúa và là Thầy,

còn rửa chân cho anh em

Anh em lại càng phải rửa chân cho nhau”.

Điệp ca x. Ga 13, 35

Đ. Mọi người sẽ nhận biết

anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này:

Là anh em có lòng yêu thương nhau.

X. Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ

Đ. Mọi người…

Điệp ca 5 x. Ga 13, 34

Chúa nói:

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới

là anh em hãy yêu thương nhau,

như Thầy đã yêu thương anh em.”



Điệp ca 6 1Cr 13, 13



Đ. Anh em hãy luôn luôn có đức tin, đức cậy, đức mến.

Trong ba đức này, đức mến trọng hơn.

X. Hiện bây giờ tin, cậy, mến, cả ba vẫn còn, nhưng đức mến mới là trọng nhất.

Đ. Anh em hãy…

8- Sau khi rửa chân, hoặc nếu không rửa chân thì sau bài giảng, sẽ đọc lời nguyện giáo dân. Trong thánh lễ này không đọc Kinh Tin Kính.



PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

9- Bắt đầu phụng vụ Thánh Thể, có thể cho giáo dân lên dâng của lễ dành cho người nghèo.

Trong lúc đó, hát bài thánh ca sau đây, hoặc bài khác thích hợp.

Điệp ca

Đâu có tình yêu thương đích thực,

Thì ở đấy có Đức Chúa Trời.

Tình yêu Đức Kitô làm cho ta hiệp nhất,

Nào anh em một nhà, hãy vui mừng hoan lạc.

Đem tấc dạ kính yêu dâng Chúa Trời hằng sống

Mối chân tình cao rộng ta trao gửi cho nhau.

Khi cùng nhau kết đoàn làm nên một thân thể

Lo sao đừng chia rẽ sống hòa thuận bình an.

Đừng tranh chấp kêu ca, chớ nặng lời cãi cọ.

Nguyện Kitô Đức Chúa hằng ngự giữa chúng ta.

Cúi xin Đức Kitô cho đoàn con hưởng kiến

Giữa triều thần vinh hiển trên cõi phúc thiên thu.

Hoan lạc chẳng phôi pha, nỗi vui mừng chan chứa

Ôi hạnh phúc bao la đến muôn đời muôn thuở.

10- Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con, cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Đức Kitô, là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

11- Lời tiền tụng Thánh Thể I

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Chính Người là Linh Mục đích thực và vĩnh cửu, đã thiết lập hy lễ trường tồn. Người là Đấng đầu tiên đã tự hiến mình cho Cha làm của lễ cứu độ, và truyền cho chúng con cũng dâng tiến để tưởng nhớ đến Người. Khi chúng con lãnh nhận Mình Người hiến tế vì nhân loại, chúng con được mạnh sức. Và khi chúng con uống Máu Người đổ ra vì nhân loại, chúng con được rửa sạch tội khiên.

Vì thế, cùng với toàn thể thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Cha vinh hiển và tung hô rằng:

Thánh ! Thánh ! Chí Thánh !

12- Ca hiệp lễ 1Cr 11, 24-25

Chúa nói:

“Đây chính là Mình Thầy hiến tế vì anh em.

Đây là chén Máu Thầy, Máu của giao ước mới,

Mỗi khi ăn và uống, anh em hãy làm việc này

Để tuởng nhớ đến Thầy.

13- Cho rước lễ xong, chủ tế đặt trên bàn thờ bình đựng Mình Thánh để cho rước lễ hôm sau và kết thúc thánh lễ bằng lời nguyện hiệp lễ.

14- Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, chiều nay chúng con đã được bổ sức tại bàn tiệc của Đức Kitô, mai ngày, xin Chúa cũng đón nhận chúng con vào dự tiệc muôn đời trong Nước Chúa. Chúng con cầu xin...

KIỆU MÌNH THÁNH CHÚA SANG BÀN THỜ PHỤ

15. Đọc lời nguyện xong, chủ tế đứng trước bàn thờ, bỏ hương rồi quỳ gối xông hương ba lần lên Mình Thánh Chúa, đoạn nhận khăn choàng vai, dùng hai đầu khăn choàng phủ bình đựng Mình Thánh, và cầm bình lên.

16. Cuộc rước kiệu tiến hành như sau: đi đầu là người cầm thánh giá, tiếp đến là linh mục mang Mình Thánh Chúa, cùng với các người cầm đèn nến, bình hương, kiệu dọc nhà thờ đến bàn thờ phụ đã được trang hoàng xứng đáng. Trong khi đó, hát thánh thi “Nào Ca Hát” hoặc một bài ca nào khác kính Mình Thánh.

Nào Ca Hát

Nào ca hát để họp mừng mầu nhiệm

Vua muôn dân đã đem trót thân mình

Cùng máu đào làm lễ tế hy sinh

Nên giá chuộc muôn người trên thế giới.

Người tự hiến cho ta nên chẳng ngại

Sinh làm con Đức Trinh Nữ vẹn toàn,

Trót cuộc đời gieo chân lý Phúc âm

Và kết thúc bằng điềm thiêng kỳ diệu

Đêm dự bữa Tiệc Ly cùng bạn hữu

Khi đã dùng thực phẩm luật truyền xưa.

Người trao tay cho tất cả tông đồ

Mình Máu Thánh làm thần lương mỹ vị.

Câu tuyên phán của Ngôi Lời nhập thể

Đã làm cho bánh thật nên Mình Người,

Rượu nho thành bao giọt máu hồng tươi,

Mắt chẳng thấy nhưng lòng tin vững mạnh.

17-Khi đến nơi, linh mục đặt bình đựng Mình Thánh Chúa lên bàn thờ, bỏ hương rồi quỳ gối xông hương, trong lúc đó hát “Ôi Bí Tích”. Cuối cùng, đóng cửa nhà tạm.

Ôi Bí Tích

Ôi Bí Tích thật cao vời khôn sánh,

Ta bái thờ Chúa đang ngự nơi đây,

Nghi lễ xưa đâu sánh bí tích này,

Niềm tin thế cho giác quan cảm nghiệm.

Lòng hớn hở, cùng tán dương trìu mến

Cha uy quyền và Con Một từ nhân,

Cùng tôn vinh ca ngợi Chúa Thánh Thần,

Xin chúc tụng Ba Ngôi ngàn muôn thuở.

18- Sau khi thinh lặng thờ lạy trong giây lát, linh mục và các người giúp lễ bái gối, trở vào phòng thánh.

19- Sau đó, lột khăn bàn thờ, và nếu có thể, cất các thánh giá. Nếu còn thánh giá nào, phải phủ khăn.

20. Ai tham dự thánh lễ chiều, không phải đọc giờ Kinh Chiều.

20- Khuyên giáo dân, nên tùy hoàn cảnh đến chầu Mình Thánh Chúa ban đêm vào giờ thuận tiện; nhưng nửa đêm trở đi, không được tổ chức chầu Mình Thánh Chúa trọng thể.