PDA

View Full Version : C - Các môn đệ Emmaus



Dan Lee
05-04-2011, 07:11 AM
Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm A

CÁC MÔN ĐỆ EMMAUS

Luca chỉ kể có hai lần Chúa Kitô hiện ra và nhắc một cách rất ngắn tới lần thứ ba (xc.34). Lần thứ nhất mà hai môn đệ được hưởng, hai vị này không có một vai trò nào khác trong Luca và Công vụ, lại được kể dài hơn lần thứ hai, dành cho những nhân chứng chính thức của sự Phục Sinh là nhóm Mười Một và những kẻ ở với họ. Cuối cùng đối với Phêrô, Luca chỉ nhắc đến cuộc hiện ra mà không mô tả gì…

Trình thuật các môn đệ trên đường Emmaus có mục đích chứng minh rằng, sau khi trò chuyện với Ngài trên đường đi (cc. 23-27), họ nhận ra Chúa Giêsu khi ăn bữa tối (cc. 28-35). Nếu Luca đã làm cho nó quan trọng đến thế là vì nó có liên hệ lớn với độc giả, do tính cách thời sự và giá trị lâu dài của nó. Đời sống Giáo Hội với các cuộc hội họp phụng tự trong đó có giải nghĩa Kinh Thánh và bẻ bánh, là nơi mà người tín hữu có thể nhận ra vào ngày hôm nay sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. “Người đồng hành không được nêu tên của Clêôpa, mang tên của từng người tín hữu” (Ch. Perrot), là tên của bất cứ Kitô hữu nam hay nữ nào sẽ đọc hay nghe trang Tin Mừng thời danh này.

Những gì xảy ra dọc đường (xc.35a) mở ra qua việc gặp gỡ của hai đệ tử đang đi dọc đường (cc.13-14) với một người lữ hành thứ ba mà họ không nhận ra và không ai khác hơn là Chúa Giêsu (cc. 15-16). Chính trong một cuộc lên đường nữa, nhưng trong miền xung quanh Giêrusalem, mà Chúa Giêsu sẽ dạy dỗ những kẻ thuộc về Ngài. Lý do của cuộc hành trình được khám phá ra một cách kín đáo qua cuộc đối thoại sắp diễn ra: hai người đã rời bỏ những kẻ đã quy tụ với nhóm Mười Một (xc.9), bỏ lại nơi mà Thầy họ đã bị hành hình và chính việc này đã là hồi chuông báo tử cho niềm hy vọng của họ. Họ trở về nhà trong một thôn xóm hẻo lánh, cách Giêrusalem sáu mươi dặm (mười một kilômét).

Lý lịch Chúa Giêsu lập tức được cung cấp cho độc giả, trong khi dưới cái nhìn của các môn đệ, Ngài chỉ là một khách hành hương như họ, đã đến Giêrusalem mừng lễ Vượt qua: mắt họ còn bị ngăn cản không nhận ra Ngài, chứ không phải là không thấy. Khi gợi lên hoạt động thần linh, động từ ở thể thụ động cách cho chúng ta biết rằng sự tối dạ chậm tin của hai người (xc. 25), không phải là những điều duy nhất được nói tới. Con mắt xác thịt không thể nhận ra Đấng Phục Sinh, bởi vì qua việc sống lại, Ngài đã đi vào một tình trạng hoàn toàn mới mẻ. Như trong vụ Biến hình, dung mạo Ngài hoàn toàn đổi khác (x. 9,29; Mc 16,12), Ngài đã vào trong vinh quang (xc. 26; 9,32). Ngay cả nhân tính của Chúa Giêsu từ nay đã thuộc về “thế giới” của Thiên Chúa, chỉ có thể được nhận biết bằng con mắt đức tin. Chính Chúa mở mắt (c.31), trí khôn (x. 24,45), tâm hồn (Cv 16,14); ở đây Ngài sẽ mở bức màn che phủ mắt họ bằng việc giải thích Kinh Thánh, rồi bằng việc bẻ bánh.

Do sáng kiến của Chúa Giêsu, đã có một cuộc trao đổi trên đường đi (c.17-27) mà từ vựng sẽ được gặp lại khá nhiều trong các diễn từ truyền giáo của Cv 2-13; như thế, chúng ta đã nghe nói rằng lời rao giảng của các Tông đồ đước nối kết trực tiếp với Chúa Giêsu Phục Sinh. Sau một cuộc trao đổi ngắn (c. 17-19a) trong đó Clêôpa nhấn mạnh đến tính cách công khai của việc hành quyết người Nagiaret, lời lẽ của các môn đệ (cc. 19b-24) cống hiến một bản tóm lược sứ vụ và cuộc hành quyết của Thầy họ (cc. 19b-21). Người ta thấy có một nét hài hước: sau khi hai người “mù tịt” này trách người bạn đồng hành vì chẳng hay biết gì, họ thông tin cho Chúa Giêsu như một ngôn sứ mạnh mẽ, đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, chắc hẳn không làm một tuyên xưng đức tin Kitô cách rốt ráo, nhưng đây là một ngôn ngữ mà Chúa Giêsu (4,24; 13,3) và các Tông đồ sử dụng (Cv 2,22; 3,22-23; 10,38; cũng xem 7,22). Vấn đề là các nhà chức trách Do Thái, đặc biệt là tôn giáo, đã xử Ngài như xử một ngôn sứ giả hiệu: “Các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta (lưu ý tính từ sở hữu) đã nộp Ngài để bị kết án tử hình và đã đóng đinh Ngài vào thập giá” họ được giới thiệu như là chính họ đã thi hành án (23,25-26). Điều đó phải chăng không có nghĩa là Thiên Chúa đã chối từ Chúa Giêsu?

Một lời tóm lược như thế là một lời rao giảng… bị cắt cụt, có cuộc thụ nạn mà không có Phục Sinh. Sứ vụ và cái chết của Chúa Giêsu được trình bày theo quan điểm của các môn đệ thất vọng trong niềm mơ ước duy quốc gia của mình. Như các nhân vật được đưa vào hoạt cảnh trong các trình thuật thời thơ ấu (x. 1,68; 2,38) họ đã trông đợi sự giải thoát Israel và, đối với họ, đó phải là công trình của Chúa Giêsu – theo Luca, một niềm hy vọng như thế là hợp pháp, ít ra không được lầm lẫn về thời hạn hay cách thức thực hiện (x. Cv 1,6-7). Nhưng niềm hy vọng của hai môn đệ chưa đầy đủ; đó là những người thất vọng về một “vị Mêsia khiêm hạ và đau khổ” phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thái độ của họ gián tiếp cho hiểu được phần nào động cơ thúc đẩy Giuđa, mà trình thuật không nói tới (x. 22,3-4); phải chăng hai người môn đệ này không là biểu trưng cho những kẻ thất vọng về niềm tin Kitô giáo, những kẻ chối bỏ thập giá?

Rồi họ kể lại những biến cố đã xảy ra trong ngày (cc. 22-24) tóm tắt lại trình thuật thứ nhất của chương 24. Tất cả là ở đó: hai lần viếng mộ và hai lần nhận thấy thi hài biến mất (các phụ nữ, rồi một nhóm các ông: như vậy Phêrô không phải là người duy nhất), thiên thần hiện ra và sứ điệp từ trời. Cả lời công bố Phục Sinh nữa: các thiên thần nói rằng Chúa Giêsu đang sống. Nhưng nhóm các ông đã không thấy Ngài: trừ các phụ nữ ra, không ai tin vào lời công bố này. Rồi đã ngày thứ ba mà không thấy có lời công bố nào về sự sống lại, nhưng chỉ có tranh cãi về chứng từ của các phụ nữ!

Lúc đó, Chúa Giêsu lên tiếng (cc. 25-27), Ngài quở trách hai môn đệ, không phải vì họ không nhận ra Ngài, mà vì họ không nhận ra Ngài, mà vì họ chậm tin vào chương trình cứu độ của Chúa, (“phải”) đã được ghi chép trong sách các tiên tri. Vấn đề không phải là thấy Chúa Giêsu (xc.24) cho bằng hiểu và chấp nhận chương trình này. Hai môn đệ biết sứ vụ của Chúa Giêsu và cái chết của Ngài, nhưng họ không nhớ Kinh Thánh – viên thái giám Ethiop thì ở trong hoàn cảnh ngược lại, khi ông đọc Is 53, nhưng không biết đến biến cố ở Calvariô (Cv 8,30-34). Trong chính thức Đấng Phục Sinh tóm lược cuộc Vượt qua của Ngài (c.26), có hai điểm khác với những lời loan báo trước. Chính ở đây với tư cách là Đấng Kitô, chứ không là Con người (x.9,22) mà Chúa Giêsu đã thực hiện cuộc Vượt qua. Và thay từ ngữ “sống lại”, nó là Đấng Kitô đi vào vinh quang: ngoài một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ, Ngài thừa kế quyền lực và vinh quang của Thiên Chúa.

Để chứng minh làm thế nào sự chết và Phục Sinh của Ngài đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu buổi chiều một bài chú giải. Bài học này được nhắc đến một cách ngắn ngủi, trong thể văn gián tiếp; Luca không cho chúng ta được hưởng dụng bài học này và chúng ta phải đợi tác phẩm thứ hai của ông để nhận được giáo huấn này qua trung gian các kẻ phục vụ Lời (x. Phêrô ở Cv 2,22-36; Phaolô ở Cv 13,32-41). Ông chỉ gợi cho ta thấy là Chúa Kitô dùng kỹ thuật “xâu chuỗi” trong khoa chú giải Do Thái, liên kết với nhau những câu trích dẫn từ Lề Luật, các Ngôn sứ và Thánh vịnh (x. 24,44) để chứng tỏ sự tương hợp giữa chúng, và do đó cho thấy sự thống nhất và liên đới chặt chẽ của Kinh Thánh. Ở đây, sợi chỉ của xâu chuỗi là điều liên quan đến Chúa Giêsu Kitô; một cách xuyên suốt, Thánh Kinh làm chứng từ cho Đấng là trung tâm và cùng đích. Chắc hẳn không có một quy chiếu Kinh Thánh nào được cung cấp cho chúng ta, nhưng cái chính yếu đã được nói ra: “Sự giải thích, nói cách khác, sự nghiên cứu và trình bày về mối liên kết chặt chẽ, không phải là sáng kiến của các môn đệ, thẩm quyền của họ trong việc chú giải là một hồng ân, là hoa trái của một giáo huấn mà chính nó lại là một trong các hoa trái của sự Phục Sinh” (J.N. Aletti).

Điểm mở nút của hoạt cảnh (cc. 28-35) là buổi ăn tối ở Emmaus (cc. 28-32). Việc nhận biết Đấng Phục Sinh đã được khởi đầu một cách sâu sắc (x. lòng bừng bừng cháy ở câu 32) bằng việc giải thích Kinh Thánh cho thấy ý nghĩa cái chết của Chúa Kitô và bày tỏ mối tương quan của cái chết ấy với vinh quang, nhưng việc nhận biết đó chỉ hoàn tất khi bẻ bánh. Trong Giáo Hội, phải làm lại cử chỉ của bữa ăn tối cuối cùng, gắn liền với cái chết của Chúa Giêsu, để nhận ra Đấng Phục Sinh.

Khi làm như muốn từ giã họ, Chúa Giêsu hướng dẫn để hai môn đệ có sáng kiến; trong khi ngày bắt đầu tàn (x. 9,12), họ mời ở lại Đấng mà trước mặt họ vẫn là một người khách lạ. Nhưng khách mời lại giữ vai trò của người chủ nhà và chủ toạ bàn ăn. Điều Ngài làm được diễn tả bằng bốn động từ (c. 30bc), cũng những động từ này đã được dùng khi làm cho hoá bánh ra nhiều (9,16), và, với một dị biệt, trong bữa ăn đến cuối cùng (22,19); người ta cũng sẽ nói về việc bẻ bánh (c.35), một thuật ngữ riêng của Luca để chỉ Bí tích Thánh Thể (x. Cv 2,42; 20,7-11). Nhưng đồng thời, chủ toạ bữa ăn, làm phép bánh và bẻ bánh là những cử chỉ quen thuộc của Chúa Giêsu, chúng làm cho người ta nhận ra Ngài. Chúng nhắc nhớ đến những bữa ăn trước đây Ngài dùng với các đệ tử, tới bữa ăn cuối cùng trong đó tấm bánh được bẻ ra đã mang một nghĩa mới; chúng cũng báo trước những bữa ăn của các cộng đoàn, trong đó Chúa Giêsu tuy vô hình, nhưng vẫn hiện diện. Thế là xuất hiện một thế đảo ngược: mắt của hai đệ tử liền mở ra… và Chúa Giêsu cho đến lúc đó tuy được trông thấy nhưng lại không trông thấy được nữa! Mong các tín hữu phải biết điều này: “Dù ta không thấy được Ngài bằng con mắt thịt, Đấng Phục Sinh vẫn hiện diện: sự không thấy được không có nghĩa là vắng mặt”. Lúc ấy, các môn đệ có thể ý thức được sự biến đổi trong thâm tâm họ trước đó (c.32), trong câu chuyện trên đường đi và nhờ việc nghe giải thích Kinh Thánh. “Như vẫy lời, khi đi đường, đã giải thích Kinh Thánh” và “trong đó việc nối kết giữa sự sống của họ với sự sống của Chúa Giêsu… đươc công bố chỉ dứt khoát được thấu hiểu một khi việc nhận ra được thực hiện, một khi niềm hy vọng được thoả mãn” (J.N. Aletti).

Cuộc hành trình lại đảo ngược, hai người trở về Giêrusalem và thấy nhóm Mười Một và các bạn hữu đang ở cùng với họ (cc. 33-35). Điều đáng chú ý là việc nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh và việc sai đi truyền giáo sau đó cũng liên quan tới các môn đệ đang ở với nhóm Mười Một. Như vậy, Luca kéo dài những gì ông đã nói về sứ vụ của nhóm Bảy mươi hai (10,1tt) và nói trước về vai trò, trong Công vụ, của các vị truyền giáo không thuộc vào nhóm Mười Hai, đặc biệt là Phaolô. Một mở rộng như thế về kinh nghiệm vượt qua được đặt nền tảng trên các dữ kiện rất cổ (x. năm trăm anh em trong 1Cr 15,6). Tuy nhiên phần cuối của trình thuật cho thấy rằng chứng từ chỉ có thể bắt đầu với nhóm Mười Một (rồi nhóm Mười Hai ở Cv 1,12-26) và kinh nghiệm của Phêrô. Việc nhắc đến lần hiện ra này của Chúa Kitô (c.34) cho thấy rằng “kinh nghiệm vượt qua” này đã thuyết phục các môn đệ khác về sự thật trong chứng từ của các phụ nữ (“thật rồi”) và rằng Simon bắt đầu thực hiện sứ mạng củng cố anh em mà ông đã nhận lãnh từ Chúa (x. 22,32). Câu 34 cũng xác nhận rằng “Cộng đoàn hiện hữu và công bố Chúa mình ngay cả trước báo cáo của hai môn đệ Emmaus” (Ch. Perrot). Sau khi nhắc đến việc hiện ra với Phêrô, các môn đệ ấy có thể cung cấp bản tóm lược về kinh nghiệm riêng của họ, nó nói lên tầm quan trọng không kém của Con Chúa trên đường đi và của việc nhận ra Chúa gắn liền với việc bẻ bánh.

Hugues Cousin