PDA

View Full Version : DĐ - Đồng hành



Dan Lee
05-05-2011, 06:01 PM
Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm A

ĐỒNG HÀNH


Khi xưa tại vùng Trung Đông có một vương quốc nhỏ bé, nhưng họ lại có vị vua một rất khôn ngoan và dũng cảm. Ông là một vị vua anh minh, hết lòng lo lắng cho dân. Dưới triều đại của ông, đất nước phát triển có thể nói là cực thịnh, đến nỗi các đế quốc rộng lớn xung quanh dù thèm thuồng, mảnh đất xinh đẹp, cũng không dám có ý định dòm ngó. Thế nhưng, sau khi nhà vua băng hà, con cháu của ông đã không giữ được di huấn của tổ tiên. Nhà vua cũng như các quan lại triều đình thay vì lo lắng, phục vụ dân chúng, họ lại lao vào nếp sống ăn chơi, sa đoạ, tham nhũng,… rồi còn sưu cao, thuế nặng, khiến dân phải ca thán lầm than. Đất nước từ chỗ cực thịnh đi đến chỗ ngày càng suy sụp, trở nên miếng mồi ngon cho các đế quốc xung quanh đang muốn bành trướng.

Thế rồi, việc gì phải đến đã đến. Vào khoảng năm -587, vương quốc xinh đẹp này đã rơi vào tay ngoại bang. Họ đã bắt dân chúng đi lưu đày, làm nô lệ. Tiếng than van, khóc lóc, như vọng thấu trời xanh. Và rồi kể từ đó, họ như một quả bóng, nay bị đế quốc này xâm chiếm, mai lại đế quốc khác đô hộ. Thế nhưng, ngay trong hoàn cảnh cơ cực đó, dân chúng vẫn không mất niềm hy vọng. Trong dân vẫn lưu truyền một lời tiên tri về một vị cứu tinh sẽ được sinh ra để giải phóng cho dân khỏi ách nô lệ. Đất nước đó, chính là đất nước Do-thái của dân Israel.

Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu đã xuất hiện. Trước mắt của dân chúng lúc bấy giờ, Đức Giêsu “là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng”, bởi đó đã có một số người đã đi theo làm môn đệ của Ngài, với hy vọng Ngài “sẽ cứu Israel” khỏi ách nô lệ của đế quốc Roma. Thế nhưng, sự thật lại phũ phàng, Đức Giêsu đã bị chính các vị thủ lãnh của dân Do-thái bắt nộp, xử tử và đóng đinh trên thập giá. Sau khi Đức Giêsu bị bắt, các môn đệ của Ngài tan tác, trốn chạy“như đàn chiên không người chăn” (Mt 26, 31b), mỗi người mỗi ngã.Trong số đó, có hai môn đệ trở về lại làng Emmaus mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng. Đức Giêsu chết, họ cảm thấy như mất đi tất cả, tương lai của dân tộc và cuộc đời của họ như đi vào ngõ cụt, không lối thoát. Họ chẳng biết làm gì hơn là lê bước trở về quê cũ trong tâm trạng nặng nề, u ám.

Thế nhưng, ngay giữa lúc họ cảm thấy hoàn toàn cô đơn, tuyệt vọng đến cùng đường như thế, thì “Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ”. Đấng Phục Sinh đã đến và đồng hành với họ, nhưng “mắt họ bị che phủ, nên không nhận ra Người”. Mắt họ, hay đúng hơn, tâm hồn họ đang bị che phủ bởi những suy nghĩ chủ quan của họ. Họ không nhận ra Đức Giêsu, bởi tâm trí họ cứ quanh quẩn với mồ mả, với những đau khổ, thử thách trước mắt của họ, mà không khám phá ra người bạn đồng hành đang cùng đi với họ, đang cùng trò chuyện với họ, chính là Đấng Phục Sinh.

Đấng Phục Sinh đã đến cùng đồng hành với họ. Ngài dùng chính Lời Chúa để sưởi ấm tâm hồn đang lạnh giá vì tuyệt vọng của họ. Ngài giúp họ khám phá và hiểu rõ chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Ngài nói với họ: “Chớ thì Đức Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vào vinh quang sao? Đoạn Người bắt đầu từ Môisen đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người”. Nghe lời Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh, lòng các môn đệ đã “sốt sắng” lên, nhưng mắt họ chỉ thực sự mở ra khi họ được cùng đồng bàn với Đấng Phục Sinh. Trong bữa ăn này, họ đã nhận ra cử chỉ quen thuộc, thân thương của Thầy mình, khi Ngài “cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng bẻ ra và trao cho hai ông”.

Nghe được Lời Chúa, nhận được tấm bánh bẻ ra từ tay Đấng Phục Sinh, hai môn đệ này đã thực sự xác tín về sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Và thế là “ngay lúc ấy, họ chỗi dậy trở về Giêrusalem”, để chia sẻ cho các môn đệ khác niềm vui mừng lớn lao này. Đức Giêsu đã chết thật, nhưng Ngài cũng đã thực sự Phục Sinh, đó là xác tín của hai môn đệ trên đường Emmaus, và cũng là của các tông đồ tại Giêrusalem. Chính trong niềm xác tín đó, sau ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô đã mạnh mẽ tuyên bố với toàn thể đám đông dân chúng tại Giêrusalem: “Đức Giêsu Nagiarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ… Người đã bị nộp và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của chõi chết mà cho Người Phục Sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó”.

Đức Giêsu đã Phục Sinh, từ đây, sự chết không còn quyền lực gì đối với Ngài nữa. Với sự Phục Sinh của mình, Đức Giêsu trở niềm hy vọng cho tất cả những ai đang ngồi trong bóng tối của sự chết. Từ đây, Ngài trở nên người bạn đồng hành, chia vui, sẻ buồn với mỗi người chúng ta trên khắp nẻo đường đời. Hơn nữa, Đức Giêsu Phục Sinh còn hơn cả một người bạn đồng hành bình thường, bởi lẽ không chỉ đồng hành, Đức Giêsu còn giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi, đem lại cho chúng ta một sự tự do đích thực, tự do của con cái Thiên Chúa. Trong bài đọc hai, thánh Phêrô nhắc lại cho chúng ta: “Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã đựơc cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố”.

Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục Sinh vẫn đang tiếp tục đồng hành với mỗi người chúng ta trong từng phút giây của cuộc sống. Ngài vẫn bước đi bên cạnh chúng ta, thậm chí còn bồng bế chúng ta trên đôi tay Ngài để giúp chúng ta vượt qua các thử thách, gian truân trong cuộc sống. Chúng ta cần ý thức điều này, để rồi trong cuộc sống của mình, cho dù chúng ta có yếu đuối, lỗi lầm đến đâu đi chăng nữa, chúng ta cũng không được phép ngã lòng, tuyệt vọng, nhưng hãy vững tin vì chúng ta có một “Người Anh” đang hết lòng yêu thương và sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta.

Chúng ta còn học được nơi hai môn đệ tinh thần khiêm tốn, lắng nghe và học hỏi lời Chúa. Cho dù chưa biết người khách lạ là Đấng Phục Sinh, nhưng khi nghe Ngài quở trách: “Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói!”, họ vẫn không tự ái, nhưng vẫn khiêm tốn lắng nghe lời giải thích của người khách lạ. Lòng nhiệt thành, khiêm tốn học hỏi của họ còn được tỏ hiện qua việc họ cố “nài ép” người khách lạ ở lại để tiếp tục giải thích Lời Chúa cho họ và đồng bàn với họ. Theo gương hai môn đệ trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta cũng cần dẹp bỏ tính kiêu căng, tự ái, để có thể nhận ra tiếng nói của Chúa nơi những người anh chị em đang cùng sống, cùng làm việc bên cạnh chúng ta.

Và cuối cùng, theo chân các môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta hãy siêng năng đến với bí tích Thánh Thể, bằng việc siêng năng, sốt sắng tham dự Thánh lễ và hiệp lễ mỗi ngày. Trong bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu Phục Sinh vẫn đang hiện diện và chờ đợi để được đồng hành, nâng đỡ mỗi người chúng ta mỗi ngày trong đời sống. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy đến đồng bàn với Đấng Phục Sinh nơi bàn tiệc Thánh Thể, để ngày sau chúng ta cũng sẽ được đồng bàn với Ngài trong nhà Cha muôn đời. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn