PDA

View Full Version : DĐ - ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II VẪN HIỆN DIỆN GIỮA CHÚNG TA (2)



Dan Lee
05-08-2011, 11:16 AM
ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II VẪN HIỆN DIỆN GIỮA CHÚNG TA (2)

... Ngày 31-5-2007, ông Arturo Mari nhiếp ảnh gia của tờ Quan sát viên Roma - cơ quan ngôn luận bán chính thức của Toà Thánh - rời chức nghiệp sau 51 năm phục vụ.

Ông Arturo Mari chào đời năm 1940. Hành nghề rất sớm vào năm 16 tuổi ông đã phục vụ dưới 6 triều đại giáo hoàng: Pio XII (1939-1958), Gioan XXIII (1958-1963), Phaolô VI (1963-1978), Gioan Phaolô I (3/9/1978 - 28/9/1978), Gioan Phaolô II (1978-2005) và Bênêđictô XVI.

Trong cuốn sách “Arrivederci in Paradiso - Hẹn Gặp Lại trên Thiên Đàng”, ông Arturo Mari gợi lại nhiều kỷ niệm về Đức tân Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II với ông Jaroslaw Mikolajewski, văn thi sĩ Công giáo Ba Lan. Xin giới thiệu phần đầu cuộc đối thoại.

Hỏi: Thưa ông Arturo Mari, giả sử Đức Thánh Cha còn sống và bây giờ ông bước vào căn hộ của ngài thì ông sẽ gặp ngài nơi đâu?

Đáp: Chắc chắn tôi chỉ có thể trông thấy Đức Thánh Cha ở 2 nơi: hoặc trong phòng làm việc ngồi nơi bàn viết, hoặc trong nhà nguyện đang quỳ nơi ghế quỳ.

Hỏi: Ông nhớ ngài lắm không?

Đáp: Nếu nói không thì thật là ngu xuẩn, nhưng câu trả lời không đơn giản và mang nét tình cảm. Trước tiên bởi vì tôi tiếp tục nghĩ đến Đức Thánh Cha như người đang hiện diện. Đúng là một cảm xúc diễn ra hằng ngày: chẳng hạn tối đến khi nhắm mắt, trong tâm trí tôi liền xuất hiện khuôn mặt Đức Thánh Cha. Tôi hầu như trông thấy Đức Thánh Cha, nghe tiếng Đức Thánh Cha giống y như mỗi lần tôi đặt chân vào phòng làm việc của ngài. Đôi khi không phải chỉ là cảm giác mà là cái gì thực sự xảy ra, giống như chuyện xảy ra vào chuyến đi Ba Lan cuối cùng của tôi.

Hôm ấy tôi đứng trước một nhóm thiếu niên tuổi từ 8 đến 12 và phải nói về Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Các thiếu niên đang ở trước mặt tôi, mở to mắt nhìn tôi với cái nhìn đặc biệt trong sáng ngay chính của trẻ thơ. Đang nói chuyện, tôi bỗng nhận ra là nhóm thiếu niên có để một chỗ trống ở chính giữa, làm như thể chúng đang ngồi quây quần chung quanh một người nào đó. Hình ảnh này khiến tôi nghĩ ngay tức khắc - và tôi cũng nói ra ý nghĩ này - rằng Đức Thánh Cha đang có mặt ở đây và tiếp tục sống giữa chúng ta. Có thể có người nói vặn lại rằng đây chỉ là cảm xúc của một người từng sống cạnh Đức Thánh Cha đến 27 năm trời. Có thể đúng như vậy! Có lẽ ngày hôm ấy ý tưởng này đến với tôi bởi vì tôi nhớ lại không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các thanh thiếu niên và những niềm vui mà thanh thiếu niên mang lại cho Đức Thánh Cha. Hay có lẽ đúng hơn phải nói là cảm tưởng sự hiện diện liên tục của Đức Thánh Cha có một cái gì đó sâu xa hơn nhiều - giống như cách thức Đức Thánh Cha chuẩn bị cho chúng tôi tiến đến cái chết của ngài.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng đúng thật Đức Thánh Cha chuẩn bị cho quí vị về cái chết của ngài không?

Đáp: Ngày Đức Thánh Cha từ trần - tối thứ bảy 2-4-2005 - Đức Tổng Giám mục Stanislaw Dziwisz, thư ký của Đức Thánh Cha, điện thoại cho tôi. Từ ba ngày qua tôi không gặp Đức Thánh Cha nên tôi hiểu rằng trong lúc này có thể tôi chỉ làm phiền ngài. Khi một người đang chuẩn bị ra đi về thế giới bên kia, thì bạn đến xớ rớ làm gì, bên cạnh giường ngài? Trong những trường hợp như thế, tốt hơn là nên đọc kinh cầu nguyện để khỏi bị mất mặt.

Thế rồi khi Đức Tổng Stanislaw gọi điện thoại và nói với tôi: “Một người yêu anh muốn gặp anh”, thú thật tôi không hiểu ngài có ý nói gì. Nhưng tôi trả lời sẽ đến ngay và tôi vội vã tiến về căn hộ của Đức Thánh Cha.

Nơi cửa thang máy, chúng tôi gặp nhau và nhìn nhau. Chúng tôi là thành phần của cùng một gia đình, từng chia sẻ cuộc sống, từng ăn uống chung, du hành chung, từng vui cười và từng đau khổ... Lặng lẽ không nói lời nào, Đức Tổng Stanislaw âu yếm tế nhị cầm lấy tay tôi. Chúng tôi cùng tiến về hành lang và chỉ khi đi đến cuối rồi rẻ sang tay trái, tôi mới hiểu rằng ngài đang đưa tôi vào phòng Đức Thánh Cha...

Đức Thánh Cha nằm trên giường, người nghiêng về phía bên trái. Ngài có cái nhìn thật thanh thản, điềm tĩnh và tươi cười. Đúng thật là cái nhìn ngoại thường. Đức Tổng Stanislaw nói: “Thưa Đức Thánh Cha, Arturo đang ở đây!” Đức Thánh Cha, thật điềm tĩnh, quay người lại và khi nhìn thấy tôi, ngài mở to mắt ra. Cái nhìn và nụ cười của ngài trông thật dịu hiền đến độ khiến tôi xúc động đứng im. Đức Thánh Cha nói: “Ồ Arturo!” Tôi liền quỳ sụp xuống, tôi cầm lấy tay Đức Thánh Cha, vuốt ve và hôn tay ngài.

Vẫn giữ nguyên nụ cười, Đức Thánh Cha nhìn tôi và sau một hồi lâu ngài nói “Cám Ơn!” rồi ngài lặp lại “Cám Ơn!” và ngài nghiêng người trở về bên trái rồi nhắm mắt lại. Khuôn mặt Đức Thánh Cha cho tôi cảm giác ngài đang chuẩn bị tiến về một cuộc gặp gỡ tuyệt vời. Tôi cũng thật xúc động khi trông thấy Đức Thánh Cha thật điềm tĩnh, tươi cười và thanh thản. Chính lúc đó tôi rút lui khỏi phòng Đức Thánh Cha. Nơi phòng bên cạnh, tôi bật lên khóc. Bác sĩ Renato Buzzonetti - bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha - bảo tôi ngồi xuống rồi mang nước cho tôi. Tuy nhiên tôi khóc không phải vì tuyệt vọng cho bằng vì quá xúc động. Tôi không tuyệt vọng bởi vì chính Đức Thánh Cha tỏ ra vô cùng thanh thản.

Hỏi: Ông có chắc chắn là Đức Thánh Cha đang đi vào cõi chết chứ không thể nào hồi phục lại không?

Đáp: Sau khi trông thấy Đức Thánh Cha, tôi chắc chắn ngài sẽ chết. Cái nhìn của ngài biểu lộ quá nhiều tình yêu, quá siêu thực, ngài không còn thuộc về thế giới này nữa. Đức Thánh Cha có cùng cái nhìn lúc ngài dâng Thánh Lễ, trước mỗi khi Truyền Phép. Vào những lúc ấy, Đức Thánh Cha thay đổi hoàn toàn, ngài không còn là ngài nữa. Đức Thánh Cha giống như thoát khỏi mặt đất, cho chúng ta cảm giác ngài đang ở trong trạng thái khác thường, ngoại lệ. Tôi nhớ lại Đức Thánh Cha có cùng cái nhìn như thế vào những chuyến công du mục, chẳng hạn như lần viếng thăm Thánh Địa, đặc biệt nơi Vườn Cây Dầu.

Chỉ trong khoảnh khắc vài phút ngắn ngủi ấy, tôi bỗng nhớ lại nhiều sự, nhiều lời nói và nhiều hình ảnh mà tôi từng gom góp trước đó và tôi bỗng hiểu rõ hơn những điều tôi từng hiểu trước đó, trong suốt cuộc đời tôi. Nhất là, tôi hiểu rằng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi tôi đến không phải chỉ để nói lời “Cám Ơn” hoặc để trông thấy mặt tôi, cho bằng là để an ủi tôi và để minh chứng cho tôi thấy: “Đức Thánh Cha hoàn toàn không sợ chết!” Đối với Đức Thánh Cha, chết là lễ hội vui mừng, là hành trình tiến đến cuộc gặp gỡ với THIÊN CHÚA của Ngài.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không bao giờ dùng ngôn từ dài dòng để biểu lộ tình cảm, nhưng diễn đạt tình cảm qua cái nhìn, qua vài cử chỉ như đặt tay trên vai hoặc siết chặt vào vòng tay của ngài. Và trong giây phút cuối đời, qua sự kiện ngài gọi tôi đến, chính là để nói với tôi rằng “Đức Thánh Cha yêu thương tôi thật sự và ngài tiếp tục săn sóc linh hồn tôi”.

Ngài cũng muốn dạy tôi hiểu rằng “cái chết chỉ là chặng đường thanh thản tiến đến cuộc gặp gỡ quan trọng gấp bội lần cuộc sống ở đời này. Đức Thánh Cha coi tôi như chính con ngài”.

Tôi kể cho ông nghe tất cả những điều trên đây để trả lời cho câu hỏi ông đặt ra ở ngay phần đầu cuộc nói chuyện: “Bây giờ Đức Thánh Cha đã chết, ông có nhớ ngài lắm không?” Tôi có thể nói rằng: “Với cách thức Đức Thánh Cha ra đi khỏi thế giới này, với cách thức ngài muốn cho tôi chứng kiến giờ hấp hối của ngài, thì chính Đức Thánh Cha đã làm cho tôi vơi đi nỗi niềm thương nhớ ngài. Nếu Đức Thánh Cha điềm tĩnh như thế, thì càng có lý do khiến tôi cũng phải điềm tĩnh như ngài. Ở đây tôi thiết nghĩ không cần phải dài dòng nhấn mạnh đến sự kiện Đức Thánh Cha vẫn hiện diện ở giữa chúng ta. Để bổ túc cho điều tôi vừa nói, chỉ cần quan sát Đức đương kim Giáo hoàng Bênêđictô XVI thì đủ rõ”.

... Sau khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II từ trần, đáng lý theo lẽ đương nhiên tôi cũng phải ra đi về hưu. Thế nhưng khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mời tôi ở lại thì tôi ngạc nhiên nghĩ rằng có lẽ khởi đầu một triều đại giáo hoàng khác chăng! Đây chỉ là một xúc động riêng tư. Thế rồi khi quan sát thật gần Đức tân Giáo Hoàng, theo kỹ đường đi nước bước của ngài, nghe cách thức ngài nói thì tôi bỗng có cảm giác như sống lại thời điểm cách đây 27 năm, ngay sau khi Đức Hồng y Karol Wojtyla đắc cử Giáo hoàng. Tôi liền có xác tín rằng quả thật Đức Gioan Phaolô II vẫn đang hiện diện nơi đây tại Vatican này và ngài đang cầm tay dẫn bước cho người bạn cố tri và cộng sự viên thân tín nhất của ngài. Trong ngôn từ và cử động của Đức Bênêđictô XVI - một vị giáo hoàng có cá tính hoàn toàn khác biệt với Đức Gioan Phaolô II - tôi như gặp trở lại cách thức diễn tả của Đức Wojtyla. Đó là một cảm xúc gần như sờ mó đụng chạm được! Có lẽ tôi không biết giải thích như thế nào cho rõ hơn.

Hỏi: Giữa quý vị với nhau, nghĩa là giữa những người mà ông gọi là “gia đình đức giáo hoàng”, quý vị có nhắc tới Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhiều không?

Đáp. Vào lúc khởi đầu một triều đại giáo hoàng mới, chúng tôi không có nhiều dịp để gặp gỡ và nói chuyện với nhau bởi vì có quá nhiều việc phải làm. Vả lại, phần lớn các thành viên của “gia đình” cũng không còn nữa.

Hỏi: Những ai được gọi là thuộc về “gia đình” Đức Gioan Phaolô II?

Đáp: Danh từ “gia đình” này dùng để ám chỉ những người thân cận nhất trong cuộc sống riêng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Đó là vị thư ký Stanislaw Dziwisz mà chúng tôi gọi thân mật là Cha Stanislao, rồi đến vị phó thư ký Mieczyslaw Mokrzycki, 5 nữ tu Ba Lan và ông hầu phòng Angelo Gegel. Đó là những người mà tôi nhớ đến với trọn lòng ngưỡng mộ và tri ân. Các vị này đã dành cho Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhiều tình yêu và sự sống.

Hỏi: Và ông, ông cũng thuộc về “gia đình” này?

Đáp: Đúng thế! Tôi cũng thuộc về thành phần của “gia đình” này. Cha Stanislao giờ đây trở thành Hồng y Tổng Giám mục Cracovia. Các nữ tu đã rời khỏi Dinh Tông toà. Chỉ còn lại Cha Mietek làm phó thư ký. Điều này dễ hiểu. Cần phải có người ở lại để đưa vị bí thư của Đức tân Giáo hoàng Bênêđictô XVI làm quen với các nghi thức, với việc tổ chức.

... KINH THÁNH MẪU LA VANG

Lạy Mẹ Maria Thánh Mẫu La Vang,

đầy muôn ơn phước, ngời chói vạn hào quang,

muôn vàn Thần Thánh không ai sánh bằng.

Đức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ,

tinh tuyền thánh thiện, sinh Đấng Cứu Độ muôn loài.

Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến,

cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo,

giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề.

Từ ấy gót chân Mẹ bước đến,

vẫn mãi đầy ơn thiêng.

Ơn phần hồn, ơn phần xác,

người bệnh tật, kẻ ưu phiền,

nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời.

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang,

Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời,

cũng là Thánh Mẫu loài người chúng con.

Cúi xin xuống phước hải hà,

đoái thương con cái thiết tha van nài.

Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu,

đại lượng bao dung,

cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.

Xin Mẹ phù hộ chúng con

luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông.

Và sau cuộc đời này,

xin cho chúng con được về sống bên Mẹ,

hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. AMEN.

(Arturo Mari, “Arrivederci in Paradiso”, Colloquio di Jaroslaw Mikolajewski con Arturo Mari, Aprile 2006, Polonia, tr. 9-16)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt