PDA

View Full Version : DĐ - Đức Kitô - Mục tử nhân lành



Dan Lee
05-11-2011, 06:55 AM
ĐỨC KITÔ, MỤC TỬ NHÂN LÀNH


A. DẪN NHẬP.

Trong bài đọc 2 thánh Phaolô nói :”Trước kia anh em đang lang thang như những con chiên lạc, nhưng nay anh em đã quay về cùng vị Mục tử chăm sóc linh hồn anh em”(1Pr 2,25). Theo đó, thánh Phêrô cho chúng ta biết giữa muôn vàn bất công của cuộc sống, chúng ta như bầy chiên lạc đàn. Chia sẻ thân phận với con người chúng ta và chịu đau khổ vì chúng ta, Đức Kitô, con Chiên bị mang đi giết, đã trở nên Chúa Chiên của chúng ta. Lời khẳng định của thánh Phêrô đã được củng cố trong bài Tin mừng hôm nay.

Đức Kitô đã tỏ mình với chúng ta dưới hình dáng người chăn chiên lành, lo lắng cho con chiên của mình, và Ngài cũng là cánh cửa mở vào chuồng chiên. Vị chủ chăn nhân lành biết từng người chúng ta, và để dẫn dắt chúng ta về với Chúa Cha và đem chúng ta vào trong Ngài. Ngài đã không do dự trả một giá rất đắt : đó là chính bản thân Ngài và là cái giá cao nhất : giá của Máu, Ngài có thể làm gì hơn nữa ?

Đức Kitô chính là Mục tử nhân lành của chúng ta. Chúng ta sung sướng và hãnh diện vì có vị Mục tử ở bên. Chúng ta phải đáp trả lại tình thương vô biên của Ngài và mỗi ngày phải tự hỏi mình : chúng ta có tin tưởng rằng có Đấng luôn ở bên cạnh chúng ta như vị Mục tử tốt lành để bảo vệ, giữ gìn và phù hộ chúng ta không ? Chúng ta có biết lắng nghe tiếng Ngài như đòan chiên lắng nghe tiếng chủ và đi theo Ngài như đàn chiên theo sau chủ mình không ? Chúng ta hãy luôn tin tưởng và gắn bó thân tình với Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống. Càng gặp khó khăn nguy hiểm càng phải tin tưởng và liên kết với Ngài chặt chẽ hơn vì Ngài đã khẳng định :”Phần Ta, Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”(Ga 10,10).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1 : Cv 2,36-41.

Tuần trước chúng ta đã được nghe bài giảng của thánh Phêrô trong ngày lễ Ngũ tuần, hôm nay chúng ta được nghe phần kết của bài giảng ấy. Sau khi đã cho người Do thái biết Đấng Messia mà Thiên Chúa sai đến đã bị người Do thái giết chết, nay Người đã sống lại. Vậy mọi người hãy ăn năn sám hối, chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu để được ơn tha tội và lãnh được hồng ân cao qúi là Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần sẽ hành động trong Giáo hội. Dân chúng đã đáp lại cách nồng nhiệt. Kết quả là hôm ấy có thêm khoảng 3000 người theo đạo, gia nhập đàn chiên của Đức Giêsu.

+ Bài đọc 2 : 1Pr 2,20-25.

Thánh Phêrô nói với dân chúng :”Trước đây anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với vị Mục tử, Đấng săn sóc linh hồn anh em” (Cv 1Pr 2,41). Vì thế, mọi người hãy theo gương Chúa Giêsu biết đón nhận đau khổ cách xứng đáng và độ lượng theo gương Người.

Đức Giêsu đã đón nhận và chịu đựng mọi đau khổ mà không phàn nàn kêu trách như con chiên bị đem đi làm thịt. Đau khổ luôn có trong đời sống của ta dù không muốn. Đau khổ còn là một huyền nhiệm trong đời sống Kitô hữu. Nếu biết kết hợp đau khổ của ta vào cuộc thương khó của Đức Giêsu thì mọi đau khổ, gian nan khốn khó của ta sẽ có một ý nghĩa cao qúi là đền tội và lập công.

+ Bài Tin Mừng : Ga 10,1-10.

Để dân chúng hiểu Ngài là Messia được Chúa Cha sai đến, Đức Giêsu dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên. Hình ảnh này rất quen thuộc và dễ hiểu đối với họ vì họ có nguồn gốc là người du mục. Mục tử rất yêu thương con chiên, dám hy sinh mạng sống vì chiên. Đáp lại, con chiên phải biết tiếng mục tử và theo tiếng gọi của mục tử.

Tuy nhiên bài Tin Mừng hôm nay chú trọng đến một hình ảnh mới là “Cửa chuồng chiên”.

Chúng ta nên biết rằng ở xứ Palestina, người ta nuôi chiên rất đông. Ban đêm, các mục tử dẫn đoàn chiên của mình vào một cái chuồng chung ở giữa đồng cỏ và chia phiên nhau canh gác ở ngay cửa ra vào. Đến sáng, từng mục tử qua cửa để vào chuồng và gọi các con chiên trong đàn mình. Chúng đã quen tiếng mục tử nên đi theo ra khỏi chuồng đến những đồng cỏ. Những tên trộm cướp không dám qua cửa vì sợ đụng người canh gác nên phải trèo rào mà vào. Chúa Giêsu chính là mục tử thật, qua cửa mà vào, để gọi và dẫn đàn chiên ra cánh đồng cỏ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Theo chân mục tử nhân lành

I. ĐỨC GIÊSU LÀ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH.

Trong Lịch sử trước kỷ nguyên, các vua chúa và đại tư tế thường được gọi là mục tử. Pharaon được gọi là người chăn chiên nhân lành. Danh xưng ấy, dân du mục Israel thường dùng cho Thiên Chúa… Cựu ước đã báo trước Đấng Thiên Sai sẽ đến như mục tử, Ngài sẽ chăn dắt (Mk 5,3) “Ta sẽ cho chỗi dậy một mục tử duy nhất, Ngài sẽ chăn dắt chúng”(Ez 34,23).

Xưa rầy những người biệt phái vẫn tự hào là chủ chăn Israel, nhưng Đức Giêsu cho họ thấy, họ là những chủ chăn xấu. Họ không tin Chúa thì chớ, họ còn ngăn cản người khác tin theo. Trong Tân ước, Đức Giêsu đã áp dụng hình ảnh mục tử cho mình. Ngài tự xưng là chủ chăn được sai đến với các chiên lạc của Israel (Mt 15,24; Lc 19,19). Hôm nay Đức Giêsu muốn cho họ thấy rằng Ngài là chủ chăn thực sự. Ngài tự mạc khải qua ba hình ảnh mà bài Tin mừng hôm nay chỉ nói đến có hai thôi.

1. Hình ảnh chuồng chiên.

Chăn chiên là một nghề rất quen thuộc đối với người Do thái vì nơi đây có nhiều đồi núi và nhiều cánh đồng cỏ ở sườn núi, thích hợp cho việâc chăn nuôi chiên cừu. Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh quen thuộc này để mạc khải về con người của Ngài. Ngài phán :”Thật, Ta bảo thật các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác thì người ấy là kẻ trộm cướp”(Ga 10,1). Qua hình ảnh lề lối chăn chiên này, Đức Giêsu cho biết Ngài là kẻ chăn chiên thật. Ngài có sứ mạng chính đáng, Ngài biết các chiên, và chiên nghe tiếng Ngài. Họ là những người giữ cửa, lẽ ra không được ngăn cản, mà cũng không được cản chiên theo Ngài.

2. Hình ảnh cửa chuồng chiên.

Đức Giêsu nói tiếp :”Ta là cửa chuồng chiên, tất cả những kẻ đến trước đều là trộm cướp”(Ga 10,7-8). Đức Giêsu dùng hình ảnh này thật khó hiểu. Chúng ta có thể diễn tả câu nói trên thế này cho dễ hiểu : cũng như những kẻ vào chuồng chiên mà vào qua cửa là kẻ chăn đích thực, còn trèo vào lối khác là kẻ ăn trộm.

Ở đây khi nói đến mục tử giả hiệu, và theo tòan thể mạch văn, Đức Giêsu có ý nhắm tới người biệt phái và luật sĩ là những kẻ từ lâu đã tự đặt mình làm thủ lãnh và linh hướng của dân chúng mà không qua vị canh giữ tối cao, không lãnh nhận từ Thiên Chúa ủy nhiệm nào để thi hành sứ mệnh mục tử, như bọn trộm cướp, họ đã chiếm đọat đám tín hữu vì háo danh và óc thống trị hơn là vì quan tâm đến thiện ích thiêng liêng của tín hữu.

Nhưng có người hiểu chữ “Những kẻ đến trước” theo một chiều hướng khác. Theo họ, những kẻ đến trước đây không phải là những luật sĩ và biệt phái vì đã có lần Đức Giêsu nhận họ ngồi trên tòa Maisen cách chính đáng (Mt 23,2). Hình như Ngài có ý nói đến những Messia giả, những kẻ phiêu lưu chính trị thường nổi lên ở Palestine hứa hẹn, nếu dân chúng theo họ, họ sẽ đưa đất nước đến thời đại hòang kim. Tất cả những người này đều là những người nổi lọan, dùng bạo lực để chiếm đọat chính quyền : ví dụ Juđa người xứ Galilêa, 6 năm sau Đức Giêsu (Cv 5,37), Thơ-đa (Cv 5,36), họ dấy lọan làm nhiều người phải chết mà tôn giáo không được nhờ gì.

Trái lại, người mục tử chân chính là người đã được ủy nhiệm chính thức. Ở đây Đức Giêsu muốn nói đến chính sứ mệnh của Ngài, vì Ngài chỉ đến theo lệnh và ủy nhiệm thần linh mà Ngài đã nhận từ Chúa Cha khi chịu phép rửa (Ga 1,31-34).

II. HÃY ĐI THEO ĐỨC GIÊSU MỤC TỬ ĐÍCH THẬT.

1. Thế nào là cửa chuồng chiên.

Đức Giêsu tự giới thiệu mình là “cửa chuồng chiên”. Đây là một hình ảnh hơi lạ, chúng ta cần tìm hiểu xem tại sao Chúa Giêsu lại ví mình là cửa chuồng chiên.

Trong ẩn dụ này, Đức Giêsu đề cập đến hai loại chuồng chiên. Tại các làng mạc và thị trấn, có những đàn chiên cộng đồng, tất cả các bầy chiên tại địa phương đó đều được nhốt chung khi chúng trở về buổi tối. Các chuồng chiên ấy được bảo vệ bằng một khung cửa thật chắc chắn mà chỉ có người canh cửa mới được giữ chìa khóa mà thôi. Đó là loại chuồng chiên mà Chúa đề cập đến trong câu (2-3). Nhưng đến mùa nắng ấm, khi chiên được thả trên núi, đêm đến không lùa về làng, thì chúng được nhốt trong các chuồng chiên ngoài sườn đồi. Các chuồng chiên trên sườn núi này chỉ là một khoảng đất trống có rào chung quanh, có một chỗ trống cho chiên ra vào, không có cửa rả gì cả. Đêm đến người chăn chiên nằm ngay tại khoảng đất trống làm chỗ ra vào, không có chiên nào ra vào được, trừ phi nó bước qua anh ta.

Truyện : cửa chuồng chiên.

George Smith kể lại một loại chuồng chiên như trên khi ông đi du lịch Đông phương : lúc đó người chăn chiên cũng ở đó nên ông hỏi :

- Có phải đó là chuồng chiên không ?

Người ấy đáp :

- Dạ, vâng.

Rồi Geoge nói :

- Tôi thấy chỉ có một lối đi vào.

Giơ tay chỉ khoảng trống hàng rào, người ấy đáp :

- Vâng, ở đàng kia là cái cửa.

Ông Geoge rất ngạc nhiên bảo :

- Nhưng ở đó đâu có cửa ?

Người chăn chiên vội đáp :

- Dạ, tôi là cửa.

Geoge chợt nhớ câu truyện trong Gioan kể rồi nói với người chăn chiên :

- Anh muốn nói gì khi bảo chính anh là cái cửa ?

Người chăn chiên giải thích :

- Chiên vào chuồng xong, tôi đến nằm ngay ngưỡng cửa, và không có con chiên nào có thể đi ra hoặc con chó sói nào có thể vào chuồng trừ phi nhảy qua người tôi.

Nói theo nghĩa đen thì người chăn chiên chính là cái cửa, không có lối nào để ra vào được chuồng chiên, ngoại trừ bước qua chính người chăn. Hình ảnh về cửa chuồng chiên này đối với chúng ta thì rất lạ, còn đối với người Do thái lại là hình ảnh rất quen thuộc.

2. Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên.

Sách có chữ rằng :”Thùy năng xuất tất do hộ” : Ai ra vào nhà cũng đều phải qua cửa.

Nhà thì phải có cửa để ra vào, ngay nhà tù cũng phải có cửa ra vào. Chuồng trại cũng phải có cửa, không ai trèo hay chui qua hàng rào mà vào. Ai trèo qua hàng rào mà vào thị bị coi là kẻ trộm, ai chui qua mà vào thì được coi hèn như chó, phải lén lút, không dám công khai. Nếu Đức Giêsu xưng mình là cửa thì Ngài có ý nói rằng mọi người phải qua Ngài mới được vào Nước Trời.


a) Chúa Giêsu là mục tử nhân lành.

Chúa Giêsu xưng mình là mục tử nhân lành vì mục tử biết và gọi đích danh từng con chiên, các con chiên theo sau người chăn vì biết tiếng người ấy. Các từ ngữ này diễn tả một tình yêu cá biệt. Thiên Chúa yêu thương mọi nguời và từng người một, biết rõ hoàn cảnh từng người một. Tình yêu đi đến cao điểm là thí mạng vì đàn chiên. Cho nên giữa Thiên Chúa và loài người có một tình yêu cao qúi và một sự gắn bó tuyệt vời.


b) Đức Giêsu là cửa chuồng chiên.

Đức Giêsu không những xưng mình là mục tử nhân lành, Ngài còn tự cho mình là cửa chuồng chiên. Bằng hình ảnh này, Đức Giêsu khẳng định rõ ai muốn vào Nước Trời, muốn lãnh ơn cứu độ bắt buộc phải đi qua Ngài ; muốn đến với Chúa Cha đều phải qua Ngài. Như Ngài đã từng nói :”Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Tác giả thư Do thái viết :”Người đã mở cho chúng ta con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác Người” (Dt 10,20). Đức Giêsu đã mở ra một con đường đến với Thiên Chúa. Trước khi Đức Giêsu đến, loài người chỉ có thể suy nghĩ về Thiên Chúa như một người xa lạ, hoặc tệ hơn thì như một kẻ thù. Nhưng Đức Giêsu đã đến bảo cho loài người biết, chứng minh cho loài người thấy rõ Thiên Chúa là thế nào, và mở ra con đường đến với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã mở ra cánh cửa để loài người đến được với Thiên Chúa. Ngài là cánh cửa duy nhất cho loài người đến với Thiên Chúa.

Để mô tả một phần ý nghĩa của việc vào ra mắt Thiên Chúa, Đức Giêsu dùng câu nói rất quen thuộc của người Do thái, Ngài bảo rằng qua Ngài “chúng ta có thể đi vào và đi ra”. Được đi vào, đi ra tự do không có gì trở ngại, là cách người Do thái dùng đổ mô tả một đời sống được bảo đảm an toàn. Khi một người có thể đi ra đi vào mà không chút sợ hãi, điều đó có nghĩa là đất nước người đó đang có hoà bình.


c) Phải lắng nghe tiếng mục tử.

Từ dân Israel khi xưa cho đến trong xã hội hôm nay, luôn có những người tin theo Đức Giêsu và những kẻ không tin theo Người. Tin theo Người thì được cứu rỗi, còn ngược lại thì không. Tin theo Đức Giêsu là biết sống và thực thi lời Người :”Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”.

Chúng ta thường đọc thánh vịnh đáp ca với câu “Chúa là Đấng chăn dắt tôi” để cầu nguyện, để đặt hết tin tưởng vào đó. Vậy ở đâu chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa Kitô, Đấng chăn dắt chúng ta ?

Chúng ta nghe tiếng Ngài trong Kinh thánh, đặc biệt khi đọc công khai ở đây trong nhà thờ. Chúa Kitô đã nói gì ? Chúa Kitô đã làm gì ? Bạn hãy đọc những câu hỏi này. Bạn hãy tìm câu trả lời. Rồi hãy bước theo tiếng gọi của Đấng chăn dắt linh hồn bạn.

Cái gì là thật ? Cái gì là giả ? Cái gì đúng ? Cái gì sai ? Hãy lắng nghe những vị lãnh đạo của Giáo hội mà Chúa Kitô đã thiết lập. Ngài đã hứa ở cùng Giáo hội cho đến tận thế. Ngài đã hứa gìn giữ Giáo hội cho khỏi lầm lạc.

Bạn sẽ nghe tiếng Ngài từ bàn thờ này, Bạn sẽ nghe tiếng Ngài trong các báo chí Công giáo. Những Giáo hội Kitô giáo cũng có nhiều Chân lý mà Chúa Kitô đã dạy, nhưng chỉ có Giáo hội Công giáo có trọn vẹn những điều Chúa Kitô đã dạy, có dồi dào tiếng nói chính thức của Ngài.

Bạn hãy chăm chú lắng nghe tiếng Ngài. Bạn hãy đổi mới lòng trung thành với Đấng chăn chiên chân thật theo lời thánh Phêrô trong bài đọc II :”Hãy trở về cùng vị Mục tử, Đấng canh giữ linh hồn bạn”. Rồi chúng ta sẽ có sự sống dồi dào.

(GM Arthur Tonne, Bài giảng Tin Mừng Chúa nhật năm A, tr 62).


d) Phải yêu mến mục tử nhân lành.

Người mục tử bao giờ chũng yêu thương con chiên, gắn bó với chúng từng giây phút, biết tên từng con một, dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi và suối nước mát. Tất cả vì đàn chiên. Đấy là hình ảnh của Đức Giêsu, vị Mục tử nhân lành, đối với từng người chúng ta. Vậy chúng ta phải là đàn chiên ngoan ngoãn, yêu mến Chúa, lắng nghe tiếng Chúa, tin theo Chúa mặc dầu phải hy sinh đau khổ. Chúng ta phải biết rằng Chúa thương yêu chúng ta trước, còn ta, ta chỉ việc đáp lại tình yêu nhưng không ấy.

Truyện minh hoạ

Một vị mục sư trung thành, đạo đức, đang đau nặng. Anh em tín đồ qùi cạnh bên giường, cầu xin Chúa cứu chữa ông. Họ nhắc với Chúa rằng ông coi sóc đàn chiên của Ngài rất tận tâm và họ lặp đi lặp lại câu này :”Chúa biết không, mục sư yêu mến Ngài biết bao”!

Nghe vậy, vị mục sư bèn xoay qua phía họ mà nói :

- Xin anh em đừng cầu nguyện như thế. Khi Maria và Marta sai người đi mời Đức Giêsu, thì họ không nói :”Lạy Chúa, này kẻ yêu Chúa”, nhưng nói :”Lạy Chúa, này kẻ Chúa yêu đang bị đau nặng”. Tôi được yên ủi chẳng phải vì tôi yêu Chúa cách bất toàn, nhưng vì Chúa yêu tôi cách trọn vẹn. (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, năm A, tr 204).

Nhiều khi chúng ta cảm thấy hãnh diện vì đã yêu Chúa nhiều. Chúng ta tưởng mình yêu Chúa nhưng chính Chúa mới là người yêu thương ta trước, yêu vô điều kiện, không bờ bến. Nhiều khi chúng ta hãnh diện mà kể công với Chúa : ta đã làm được những việc này việc nọ cho Chúa nhưng Chúa bảo chúng ta đừng có cao ngạo như thế, trái lại khi làm xong việc gì thì hãy thưa với Chúa :”Chúng con chỉ là những đầy tớ vô dụng, chúng con đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17, 10).

Chúng ta vui sướng vì có Chúa là vị Mục tử nhân lành, Đấng chăn dắt linh hồn chúng ta. Chúng ta chỉ cần trở thành những con chiên ngoan ngoãn, đừng bao giờ trở nên những con chiên bướng bỉnh hay như người ta nói là những con chiên “ghẻ”. Chúng ta sống an bình trong tay Đấng chăn chiên lành, tin tưởng vào Ngài trong mọi trạng huống của cuộc sống. Ngài sẽ lo cho mọi sự vì Ngài đã nói :”Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.

Đồng thời hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và tu sĩ. Chúng ta cầu nguyện cho có nhiều tâm hồn quảng đại, biết dấn thân vô điều kiện, và phục vụ vô vị lợi cho đàn chiên Chúa. Vì đàn chiên không thể thiếu chủ chăn.

Lạy Chúa, Chúa là mục tử tốt lành, xin dẫn dắt chúng con đi trên nẻo đường của Chúa, để chúng con được no thỏa ân tình của Ngài.

Xin ban cho chúng con những chủ chăn nhân lành, chỉ biết say mê Chúa và say mê con người, chỉ biết yêu thương, phục vụ và chăm lo cho đàn chiên Chúa, để chia sẻ với Chúa nỗi bận tâm về một đàn chiên “được sống và sống dồi dào”.

Lm Giuse Đinh lập Liễm