PDA

View Full Version : C - Chúa nhật IV Phục Sinh - năm A Chúa Chiên Lành



Dan Lee
05-15-2011, 11:46 PM
Chúa nhật IV Phục Sinh - năm A Chúa Chiên Lành

MỤC TỬ NHÂN LÀNH !

Cv 1, 15-17.20-26; 1 Pr 2, 20b-25; Ga 10, 1-10


Một lần kia, vào phòng 1 thầy chơi. Thầy nuôi một hồ cá rất đẹp, đang ngồi nói chuyện bỗng dưng thầy đến bên hồ và vuốt tay vào thành hồ. Hết sức ngạc nhiên khi bầy cá đang dong duỗi chợt “nhìn” thấy bàn tay của thầy hay sao đó mà tụ lại tay thầy. Nhìn đàn cá tung tăng theo tay của thầy hay quá ! Cá đó ! nhưng hình như nó có cảm thức với người nuôi nó vì lẽ người khác để bàn tay vào thì nó không lượn theo như bàn tay của thầy. Cá là động vật dưới nước vô tri mà cũng chẳng có mộ nhưng chúng lại quấn quýt bên người nuôi chúng.

Đến nhà một người bạn chơi, hai vợ chồng người bạn nuôi một lúc 6 con chó. 6 con nhưng từng con được đặt tên hẳn hoi. Điều lạ lùng là chúng nghe lời chủ nó một cách tuyệt vời. Vừa nghe tiếng xe máy ngoài ngõ thôi là chúng nhảy lên vui mừng đón chủ. Giờ ăn cũng vậy, chúng nghe theo chủ một cách ngạc nhiên.

Nhớ lại, một thời gian dài ở Tập Viện ở Thanh Đa, sau đó rời đi nơi khác, cũng một thời gian khá lâu mới quay lại Tập Viện. Không ngờ những chú chó mà ngay xưa có thời gian gần gũi lại nhớ đến những người xưa đã từng cho chúng ăn, đã từng đùa với chúng ra đón. Không thể tưởng tượng được chúng nhớ đến người cũ một cách lạ lùng.

Thế đấy ! Con chó nó nhớ đến những người đã từng cho chúng ăn, chơi với nó. Phải nói là chó là con vật hết sức gần gũi, hết sức thân thương với con người.

Với người Việt Nam là như vậy, còn với người Do Thái thì lại khác, con vật thân thương của người Do Thái đó chính lại là con chiên.

Người Do Thái thường sống bằng nghề chăn nuôi. Họ nuôi chiên rất nhiều. Con chiên là con vật hiền lành, dễ thương, ngoan ngoãn. Trong dụ ngôn về ngày cánh chung, Thiên Chúa tách biệt chiên ra khỏi dê. Con chiên tượng trưng cho những người lành, người tốt, người thánh thiện. Còn dê tượng trưng cho những người xấu, người không tốt, không sống tinh thần bác ái Chúa Kitô (x. Mt 25,31-46).

Đặc tính của con chiên giúp cho chúng ta nhớ đến tính cách của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là Con Chiên rất là hiền lành, rất thánh thiện, là Đấng công chính, không vương tội lỗi. Ngài sống rất khiêm nhường, bao dung, nhân hậu, và giàu lòng thương xót. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhượng” (Mt 11, 29). “Tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian” (Ga 12, 47).

Tại Việt Nam, một số người chăn cừu, chăn chiên ở Phan Rang. Những người chăn chiên đã dẫn từng bầy cừu, bầy chiên đi kiếm cỏ xanh và tìm các dòng suối cho đàn chiên, đàn cừu uống nước. Hình ảnh những người chăn chiên chăm sóc cho chiên hết sức dễ thương, ắt hẳn ta còn nhớ bức tranh vẽ Chúa Giêsu đang vác con chiên trên vai và theo Ngài là cả một bầy chiên đông vô kể. Hình ảnh này nói lên tình thương của Chúa Giêsu đối với mọi người. Ngài thương hết mọi người. Mỗi người đều có một chỗ đứng trong trái tim của Ngài. Ngài không gọi ai cách không không. Tất cả đều được Ngài gọi tên một cách rất trìu mến. Bí Tích Thánh Thể Ngài để lại cho nhân loại là bằng chứng rõ ràng nhất nói lên tình thương vô bờ của Ngài. Khi chịu đóng đinh trên thập giá, Chúa Giêsu hoàn thành Giao ước cũ đã ký trên núi Sinai (Xh 24, 4-8) và Ngài cũng thiết lập Giao ước mà các ngôn sứ đã tiên báo nay ứng nghiệm nơi chính Ngài (Is 42, 6; 49; 6, 53,12… ).

Chúa là chủ chăn tốt lành luôn biết rất rõ tên từng con trong đàn chiên của mình. Ngài biết và hiểu rõ nhu cầu của từng con chiên. Chúa yêu mến từng con chiên, không bao giờ để chiên bị thất vọng. Và Ngài luôn đáp ứng những ước vọng của con người là sống và sống dồi dào. Đây là sứ điệp cứu độ mà Chúa Giêsu đã bầy tỏ : “Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian quá đỗi, nên mới ban Con Một của mình, để ai tin vào Người sẽ khỏi hư đi, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa không sai Con mình đến để lên án thế gian, nhưng là để thế gian được Người cứu độ “ (Ga 3, 16-17).

Chúa Giêsu là mục tử nhân lành còn những con chiên thì sao ? Chúng ta vẫn gặp thấy những con chiên bỏ đàn ra đi: Thay vì sống chung với đàn chiên, sống trong vòng tay của chiên mẹ, sống trong lòng Giáo Hội, chiên con lại thích bỏ đàn đi lang thang, sống cuộc đời phiêu lưu mạo hiểm, thích bay nhảy, chạy đua với đời, thích sống tự do phóng túng, tự do hưởng thụ, thích cạnh tranh, hơn thua… và chiên con khờ dại đã lạc xa bầy đàn, đi vào con đường diệt vong dẫn đến sự chết, có con đã bị thú dữ ăn thịt…

Bên cạnh đó có những chiên con hình thức: Nhìn bề ngoài cũng khá ngoan đạo, đã biết Giáo lý, siêng năng tham dự Thánh Lễ, năng lãnh nhận các Bí tích, nhưng thật lòng mà nói nhiều khi chiên con chỉ giữ đạo vì truyền thống, vì thói quen, vì hình thức bên ngoài, chứ không phải giữ đạo với một tấm lòng yêu mến thật sự, với một đức tin nồng nàn, sâu sắc. Vì thế chiên con chưa biết rõ chiên mẹ? Chiên con chưa cảm nhận được tình thương của chiên mẹ? Cho nên, thay vì chiên con lắng nghe tiếng chiên mẹ, làm theo ý của chiên mẹ thì chiên con ta lại thích lắng nghe mình, đề cao mình, nghe theo của ý thế gian, sống theo tiêu chuẩn của người đời. Chiên con và chiên mẹ không hiểu ý nhau. Nhìn bề ngoài có vẽ gần nhau nhưng cuộc sống thì không giống nhau, khác xa, thậm chí có khi đối nghịch nhau.
Thiên Chúa vẫn cho con người tự lựa chọn : Hoặc là con chiên ngoan ngùy hoặc là chọn con chiên lạc bầy. Thiên Chúa vẫn giang rộng vòng bàn tay để đón những con chiên lạc quay về đàn để Ngài chăm sóc, vỗ về, ủi an.

Anmai, CSsR