PDA

View Full Version : T - Từ một lần gặp gỡ (32): Lời Mời



Dan Lee
05-21-2011, 09:22 AM
Từ một lần gặp gỡ (32): Lời Mời

Các bạn trẻ thân mến,

Lời mời gọi của Chúa Giê-su “anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”(Mt 9,38) vẫn tiếp tục vang lên tha thiết ở thời đại chúng ta. Sự tha thiết của lời mời không chỉ vì thời đại chúng ta đang thiếu ơn gọi, nhưng nó tha thiết ở mọi thời, vì cánh đồng thì bao la mà Thiên Chúa lại không muốn một ai phải hư mất. Ngài cần những người chuyên lo về đời sống liêng thiêng để họ trở nên người loan báo Tin Mừng bằng cả lời nói và việc làm, để họ hiện thực hoá những giá trị đời sau ngay trong cuộc sống đời này.

Một cách cụ thể, Giáo Hội dành tuần thứ 4 Mùa Phục Sinh để cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Mỗi người đều được Chúa gọi một cách đặc biệt trong ơn gọi của mình, dù đó là ơn gọi gia đình, độc thân hay tu trì. Dịp đặc biệt này, Giáo Hội cầu nguyện để xin Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều ơn gọi tu trì, dấn thân trọn thời gian để phục vụ Thiên Chúa và con người. Cùng với lời cầu nguyện ấy, Giáo Hội kêu gọi các bạn trẻ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa khi được Ngài ngỏ lời. Những người trẻ ở bờ hồ Galilê hai ngàn năm trước đã quảng đại đáp lại lời mời “hãy theo Thầy!”(x. Mt 4, 18 -22). Người trẻ hôm nay cũng được Chúa Giê-su mời “đến mà xem”(Ga 1, 39), để biết đâu bạn cũng nhận ra lòng mình cũng được thôi thúc bước theo Thầy và sống trọn vẹn cho Người.

Ơn gọi làm người là ơn gọi lớn nhất và chung nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Đồng thời với ơn gọi làm người đó, Thiên Chúa còn quan tâm riêng đến từng con người và gọi họ bước vào những bậc sống khác nhau. Khi Thiên Chúa gọi họ vào trong một bậc sống cụ thể, Ngài cũng ban ân sủng để họ sống một cách triển nở trong bậc sống ấy. Điều quan trọng là con người có chọn theo lời mời của Chúa vào bậc sống riêng của họ hay không?

Lời gọi của Thiên Chúa tế nhị và nhẹ nhàng. Những biến cố diễn ra trong cuộc sống trở nên những điểm mốc giúp ta nhận ra lời mời gọi của Chúa. Chúng ta có thể thấy một ví dụ nơi thánh I-nhã (x.Tự thuật thánh I-nhã). Ngài đã có một cú ngã ngựa như Phao-lô, nhưng ngài không được Thiên Chúa nói một cách trực tiếp và rõ ràng như với Phao-lô; nhưng qua những chuyển biến nội tâm, ngài nhận ra lời mời của Thiên Chúa một cách rõ ràng và mãnh liệt.

Mãi đến năm 30 tuổi, I-nhã vẫn còn mải mê đi tìm vinh quang trần thế. Chàng là một thanh niên hào hoa, tràn đầy tinh thần hiệp sĩ và đầy tham vọng. Máu hiệp sĩ không cho phép chàng dẫm chân tại chỗ. Với lòng tham vọng, chàng muốn phục vụ vua Tây Ban Nha một cách trung thành trong những vị trí ngày càng được coi trọng. Với tính hào hoa, chàng muốn chinh phục cho bằng được một tiểu thư công chúa. I-nhã đã không bỏ lỡ những cơ hội có được để thực hiện những hoài bão của mình.

Cho đến trận chiến tại pháo đài Pamplona, một mãnh đạn đã làm cho I-nhã phải dừng chân. Tuy nhiên, sự hoán cải vẫn phải diễn ra một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Trong lần giải phẩu thứ hai để lấy mảnh đạn ra khỏi bắp chân, sau lần giải phẩu thứ nhất ngay tại chiến trường, I-nhã vẫn còn tham vọng chinh phục cô tiểu thư ngày nào. Vì thế, khi vết thương đã lành, I-nhã còn đòi phải được phẩu thuật lại lần nữa để trả lại cho ngài đôi chân không bị khập khiểng. Nếu nói với ngôn từ ngày nay, đây là một cuộc giải phẩu thẩm mỹ, cốt để chinh phục cô tiểu thư ngày nào, chứ để đôi chân bước cao bước thấp thì làm sao chinh phục được trái tim cô ấy...!

Chính trong lần giải phẩu thứ ba này, I-nhã đã nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa dành cho ngài. I-nhã vốn dĩ là người thích đọc truyện kiếm hiệp, nhưng nằm dưỡng thương trong thời gian dài, truyện kiếm hiệp đâu ra mà đọc cho đủ. May nhờ có chị dâu mang cho hai cuốn sách “Gương Chúa Giê-su” và “Hạnh Các Thánh” để đọc. Thực ra, đọc hai cuốn sách này cũng chỉ để giết thời gian vì không còn sách nào khác. Rồi máu hiệp sĩ lại nổi lên khi ngài gặp thấy những kỳ tích của thánh Phanxico Assisi và thánh Đa Minh trong cuốn truyện. I-nhã đã tự nhủ “Thánh Phanxico làm được như vậy, tôi cũng làm được. Thánh Đaminh làm được như thế, tôi cũng làm được.” Tuy nhiên, dần dần I-nhã nhận rằng Thiên Chúa muốn kêu gọi ngài, không phải để thi đua với các thánh, nhưng để bước vào vườn nho của Chúa và cùng trở nên một người thợ gặt.

Trải qua những chặng đường dài nhiều cam go và thách đố, có khi đến từ gia đình và ngay cả từ bản thân, I-nhã đã thực sự trở nên người phục vụ vua Giê-su thay vì phục vụ một vị vua trần thế, đã trở nên người chăm lo giúp đỡ các linh hồn thay vì chinh phục và chiều chuộng một thiếu nữ. Dám bước theo một lý tưởng mới, I-nhã cũng phải dám làm lại từ đầu gần như mọi sự, ngay cả ngài phải bắt đầu chương trình học Latinh với các trẻ em, để đến khi xong chương trình đại học, tuổi của ngài đã chạm đến con số 44. Ở mỗi chặng đường, I-nhã đều đặt ra cho mình câu hỏi “bây giờ phải làm gì?”. Câu hỏi ấy đã dẫn ngài cùng các bạn thời đại học quyết định trở thành một dòng tu, điều chưa từng có trong ý hướng ban đầu. Tất cả họ nhận Chúa Giê-su làm thủ lãnh và lấy tên là Dòng Chúa Giê-su, ở Việt Nam quen gọi là Dòng Tên.

Bạn thân mến,
Thánh I-nhã chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ về ơn gọi trong Giáo Hội xuyên suốt dòng thời gian. Ngày nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục gọi con người “đến mà xem” qua những biến cố trong cuộc sống thường ngày. Ngài đưa ra một lời mời và Ngài chờ đợi lời đáp trả từ tự do của con người. Chúa ngỏ lời đặc biệt với bạn trẻ để bạn “đến xem nơi Ngài ở, và ở lại với Ngài” (Ga 1,39). Khi được trò chuyện với Ngài, bạn sẽ biết được đâu là ơn gọi mà Chúa dành cho bạn: cuộc sống gia đình, độc thân hay dấn thân trong đời dâng hiến.
Chúc các bạn trẻ tìm thấy một lý tưởng đẹp khi chọn cho mình một cuộc sống tương lai!

Hà Thanh Bình