PDA

View Full Version : T - Thánh Tê-rê-xa A-vi-la Với Sự Cầu Nguyện



Dan Lee
05-25-2011, 08:51 AM
Thánh Tê-rê-xa A-vi-la Với Sự Cầu Nguyện


http://s.daminhvn.net/daminhvn/hinhanh2011/teresa_avila.jpg

Đôi dòng thiểu sử

Sinh tại A-vi-la, khi lên 20 tuổi gia nhập đan viện Ca-mê-lô tại chính nơi sinh quán của mình. Sau nhiều cơn khủng hoảng cá nhân: vì lí do sức khoẻ cũng như vì thiếu sự hướng dẫn, Tê-rê-xa A-vi-la khởi sự một giai đoạn mới vào năm 47 tuổi, với việc cải tổ Dòng Carmelo. Từ A-vi-la, Tê-rê-xa lần lượt thực hiện cuộc cải tổ 13 đan viện khác trong nước Tây ban nha, và thúc đẩy thánh Gioan Thánh giá thực hiện công tác tương tự với Dòng nam.

Các tác phẩm của thánh Tê-rê-xa thuật lại một đàng là hoạt động cải tổ Dòng Ca-mê-lô, và đồng thời sự tiến triển về đời sống nội tâm, cách riêng là sự cầu nguyện.

Trong loại thứ nhất, ta có thể kể Libro de las fundaciones (Công cuộc cải tổ Dòng Ca-mê-lô), và khoảng 457 lá thư.

Trong loại thứ hai, những tác phẩm đã khiến cho thánh nữ nổi tiếng trong lãnh vực tu đức học gồm có 3 quyển chính: Libro de su vida (Quyển sách về đời tôi); Camino de perfección (Đường nên trọn lành); Castillo interior (Lâu đài nội tâm). Cả ba quyển trình bày nền tảng của đời sống nội tâm, với việc thực tập nhân đức và sự cầu nguyện được mô tả qua các cấp độ tiến triển.


------o0o------

Nói tới phương pháp trình bày học thuyết của thánh Tê-rê-xa, chúng ta có thể áp dụng nhận xét đã nói về thánh Ca-ta-ri-na. một đường hướng là nghiên cứu các chủ đề cổ điển của thần học trong các tác phẩm của thánh Tê-rê-xa (Thiên Chúa, Đức Ki-tô, Hội thánh,…). Tuy nhiên, đường lối này xem ra gò bó, bởi thánh nữ không hề nảy ra ý tưởng soạn ra một thiên khảo luận thần học để dạy trong các chủng viện và đại học! Một đường hướng có vẻ tự nhiên hơn là nêu nổi bật những chủ đề mà tác giả thường nhấn mạnh hơn cả trong các tác phẩm của mình. Đối với thánh Tê-rê-xa, chủ đề ấy là cầu nguyện. Từ lâu, các nhà tu đức học đã quen gọi Tê-rê-xa là tiến sĩ của sự cầu nguyện. Thánh Tê-rê-xa đã thuật lại kinh nghiệm bản thân về sự cầu nguyện, nhờ đó mà mình được dẫn tới sự kết hợp với Thiên Chúa. Đề tài này xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm; nhưng, một cách đặc biệt hơn cả, thánh nữ đã muốn trình bày đề tài này một cách thứ tự, mạch lạc, như muốn mời gọi các tín hữu khác cũng hãy đi vào con đường cầu nguyện để kết hợp với Chúa. Đối với thánh Tê-rê-xa, cầu nguyện là một “đoàn sủng” (charisma): đó là một ân huệ mà Chúa thương ban cho mình, nhưng không phải chỉ nhằm lợi ích của bản thân mà là để thông đạt cho cộng đoàn.

Một điểm chung của hai phụ nữ Tiến sĩ Hội thánh là thay vì dùng các phạm trù triết học để diễn tả các thực tại thần linh thì họ dùng tới rất nhiều hình ảnh rút từ kinh nghiệm thường nhật. Để nói tới sự tiến triển trong đời sống cầu nguyện, thánh Tê-rê-xa đã dùng tới nhiều hình ảnh khác nhau.

1. Trong quyển Tự thuật, chương 10-20 (“Vida” thuật lại cho các cha linh hướng về cuộc đời của mình), thánh Tê-rê-xa ví 4 cấp độ cầu nguyện như là 4 cách tưới cây. Linh hồn là mảnh vườn, ơn cầu nguyện là nước. Nhưng mảnh vườn có thể lãnh nước nhiều hay ít, còn tuỳ cấp độ:


- thòng dây thả thùng xuống giếng và kéo lên;

- quay bánh xe đưa nước vào vườn;

- nước được chuyển liên tục qua máng;

- nước mưa từ trời đổ xuống ào ào.

Ở những cấp độ thấp, con người vất vả mất nhiều công thức mà ít kết quả; còn ở những cấp độ cuối thì linh hồn làm ít mà hưởng nhiều bởi vì Chúa giữ vai trò chủ đạo. Từ 4 cách tưới vườn, tác giả nói tới 4 cấp độ cầu nguyện:


- khẩu nguyện (oración vacal) và suy niệm (meedicación discursiva).

- Tĩnh nguyện (nguyện an tĩnh: oración de quietud).

- Kết hợp (unión) thông thường.

- Kết hợp khác thường.

2. Trong tác phẩm Con đường hoàn thiện (“Camino de perfección”), được coi như một thủ bản huấn giáo về sự cầu nguyện, tác giả cũng ví sự cầu nguyện như là nước: nước mang lại sự mát mẻ cho tâm hồn giữa bao nhiêu lao nhọc của cuộc đời; nước rửa sạch linh hồn khỏi những tội lỗi và quyến luyến thế tục; nước mang lại cho linh hồn sự giải khát cho lòng ước ao mến Chúa.

3. Tuy nhiên, có lẽ hình ảnh đã trở thành cổ điển hơn hết trong học thuyết của thánh Tê-rê-xa là cái lâu đài, đề tài của táp phẩm Lâu đài nội tâm (Castillo interior). Lâu đài là chính linh hồn được Chúa đoái thương ngự đến. Tuy nhiên, trong lâu đài đó có những căn phòng khác nhau, từ bờ rìa cho tới thâm cung. Tác giả nói tới 7 căn của lâu đài (Moradas, nguyên ngữ có nghĩa là trạm nghỉ, căn phòng; hình ảnh dựa theo Phúc âm thánh Gio-an 14,2). Tương ứng với 7 cấp độ của con đường thiêng liêng và sự tiến triển của việc cầu nguyện. Chúng ta hãy cùng nhau đi thăm viếng các căn đó.

Bảy căn của lâu đài nội tâm

Thực ra, tiến trình của 7 căn không có tính cách liên tục. Các học giả đều ghi nhận rằng con đường tiến đức cũng như cầu nguyện được phân thành hai chặng với một khúc ngoặt. Trong chặng đầu, con người nắm phần chủ động. Công tác nặng về trừ khử các nết xấu và tập luyện nhân đức. Đây là giai đoạn tu đức theo nghĩa chặt (ascetica), nghĩa là tu thân tích đức. Sang đến giai đoạn hai thì Thiên Chúa giữ vai trò chủ động; còn con người thuần thục để cho bàn tay Ngài hướng dẫn. Đây là giai đoạn thần bí kết hợp (mystica). Thánh Tê-rê-xa nói tới chặng tu đức trong 3 căn đầu; và bốn căn cuối thuộc về chặng thần bí.

Căn thứ nhất: tình trạng của những linh hồn mới bắt đầu trở lại với Chúa. Họ đã cố gắng dứt bỏ tội lỗi bên ngoài: nhưng khi đi vào lâu đài, họ còn mang theo nhiều đồ đạc cồng kềnh (những quyến luyến thế gian). Chính những hành lí ấy làm cho con mắt của họ bị che lấp không nhìn thấy tất cả những vẻ đẹp của lâu đài. Việc cầu nguyện còn ở giai đoạn sơ khởi của khẩu nguyện (oración vocal), những kinh đọc ngoài miệng để van nài Chúa giúp đỡ.

Căn thứ hai: linh hồn bắt đầu trải qua cơn khủng hoảng, vì bị giằng co giữa những quyến rũ của thế gian với tình yêu của Chúa. Có lúc họ muốn lùi bước trở về con đường cũ, có lúc muốn đi sâu hơn vào lâu đài. Về sự cầu nguyện, họ bắt đầu tiến từ khẩu nguyện sang suy gẫm (meditación).

Căn thứ ba: linh hồn bị thu hút bởi lòng mến Chúa. Họ tránh cả những tội nhẹ, thực hành hãm mình khổ chế cũng như việc bác ái. Cứ đà này mà tiến, thì họ sẽ có thể lên tới những căn cao hơn. Tiếc rằng, rất nhiều linh hồn dừng lại ở đây, ví tự mãn hoặc vì sợ vác thánh giá. Về sự cầu nguyện, linh hồn cảm thấy khó suy gẫm, và từ từ chuyển sang việc hồi tâm (recogimiento) trước mặt Chúa, nhìn nhận việc Chúa hiện diện ở trong và chung quanh ta. Về sau, các học giả Dòng Ca-mê-lô đặt tên là “nguyện tâm tình” (oración afectiva).

Căn thứ tư: như đã nói trên đây, từ căn thứ tư trở đi, linh hồn tiến từ giai đoạn tu đức sang giai đoạn thần bí, từ tâm nguyện sang chiệm niệm. Vai trò chủ động là của Thiên Chúa. Thực ra thì căn thứ tư đánh dấu sự chuyển tiếp giữa hai giai đoạn. Linh hồn còn tiếp tục chiến đấu chống lại các khuyết điểm và thực hành nhân đức; mặt khác, Thiên Chúa đã bắt đầu ra tay: ngài khơi lên những viễn tượng và động lực mới cũng như ban cho sức mạnh để tiến tới. Cấp độ cầu nguyện tương ứng là “tĩnh nguyện” (quietud).

Căn thứ năm: Thiên Chúa chiếm đoạt linh hồn (không những là ý chí mà cả các quan năng khác). Linh hồn khởi sự cuộc kết hợp với Chúa qua việc chết đi và sống lại với Đức Ki-tô. Cấp độ cầu nguyện từ nay là sự kết hiệp đơn giản (unión simple).

Căn thứ sáu: Thiên Chúa canh cãi linh hồn bằng sự thanh luyện tận gốc rễ. Đối lại, linh hồn cảm thấy Chúa gần gũi với mình qua những thị kiến hay tiếng nói thầm kín nội tâm. Cấp độ cầu nguyện là sự kết hợp xuất thần (unión extatica).

Căn thứ bảy: linh hồn kết hợp với hoàn toàn với Thiên Chúa đến nỗi như đã thoát khỏi cuộc sống tự nhiên. Lòng mến Chúa trở thành tinh khiết và sung mãn, trào ra tinh thần tông đồ bác ái phục vụ Hội thánh và tha nhân. Cấp độ cầu nguyện là sự chiêm niệm thần bí hoàn hảo về việc Chúa Ba Ngôi hiện diện trong tâm hồn.

Sau khi đã viếng thăm 7 căn của lâu đài nội tâm, chắc là bất cứ độc giả nào cũng sẽ thêm câu hỏi: đâu là thực và đâu là mộng? Hay nói đúng hơn, đâu là những hình ảnh và đâu là thực chất của vấn đề cầu nguyện?

Trong quá khứ, các học giả đã tranh luận rất nhiều khi nói tới các cấp độ cầu nguyện theo thánh Tê-rê-xa: tại sao khi thì tác giả nói tới 4 cấp (sách “tự thuật” viết lúc 47 tuổi và hoàn tất khi 50 tuổi) khi thì nói tới 7 cấp (theo sách “Lâu đài nội tâm”, viết vào lúc 62 tuổi?). phải chăng tác giả đã thay đổi ý kiến vào cuối đời? Có cách nào dung hợp tư tưởng trình bày trong các tác phẩm khác nhau hay không?

Ngày nay, phần lớn các vấn nạn vừa nêu đã biến đi khi chúng ta nghiên cứu hoàn cảnh và mục tiêu của các tác phẩm. Thánh Tê-rê-xa không hề nghĩ tới việc soạn ra một học thuyết có hệ thống mạch lạc về đường tu đức hoặc về cách cầu nguyện. Những tác phẩm đã được viết vào những hoàn cảnh và giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Có lúc thì tường trình cho cha li nh hướng về kinh nghiệm tiến đức của mình (Tự thuật); có lúc thì phải huấn luyện các chị em cùng Dòng về việc cầu nguyện (Con đường hoàn thiện). Tác giả sử dụng nhiều hình ảnh khác nhau hoặc những lối trình bày khác nhau để dễ chuyển đạt tư tưởng, chứ không gắn chặt nội dung tư tưởng với những hình ảnh đó. Nói khác đi, không phải bất cứ ai cũng phải trải qua 4 cấp hay 7 cấp của đời cầu nguyện; cũng không phải là khi đã tiến lên cấp trên thì quẳng đi những hình thức cầu nguyện của cấp dưới (khẩu nguyện và suy niệm vẫn luôn luôn cần thiết).

Có lẽ tư tưởng chính mà tác giả muốn nêu bật, là gây cho các linh hồn ý thức về sự cần thiết phải luôn tiến lên trong đường trọn lành; đồng thời họ đừng bao giờ quên rằng sự cầu nguyện là một hồng ân của Thiên Chúa hơn là sự cố gắng riêng tư của bản thân. Hình ảnh của bốn cách thức đưa nước vào vườn đã cho thấy sự khác biệt lớn lao giữa cảnh một người nông dân vất vả mồ hôi nhễ nhại gánh nước tưới từng luống đất, với cảnh trận mưa rào trút đổ cả thác nước xuống mảnh ruộng đang khi bác nông dân ung dung hút thuốc!

Cũng vậy, hình ảnh của những căn khác nhau của lâu đài chỉ muốn nói lên tư tưởng căn bản này là: mục tiêu của sự cầu nguyện cũng như mục tiêu của đường tu đức là sự kết hợp với Thiên Chúa. Trọng tâm mối liên hệ giữa con người với Chúa. Lúc đầu con người phải cố gắng chiến đấu để rút lui vào lâu đài để tìm gặp Chúa; nhưng càng đi sâu bao nhiêu thì Thiên Chúa đang tỏ mình ra bấy nhiêu, đến nỗi sau cùng chính Ngài đích thân ra tiếp đón con người vào thâm cung của mình. Tư tưởng này đã chẳng gặp thấy trong Phúc âm theo thánh Gio-an đó sao: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23; x. Kh 3, 20). Thánh Phao-lô đã chẳng coi chóp đỉnh của sự trọn lành là “tôi sống nhưng không còn là tôi, song là Đức Ki-tô sống trong tôi” đó sao? (Pl 1,21). Cái lâu đài mà con người gặp gỡ Thiên Chúa chính là thâm tâm của mình: nơi mà con người trở về với chính mình và cũng là nơi mà Thiên Chúa muốn chiếm đoạt bằng tình yêu.

Cũng nên biết là thánh Tê-rê-xa, với tâm lí phụ nữ, còn diễn tả tình trạng kết hợp với Chúa dưới hình ảnh của cuộc kết hôn thiêng liêng Ở căn thứ 5 của lâu đài, tác giả nói tới chuyện liếc tình, đưa tới việc đính hôn trao nhẫn và đồ trang sức ở căn thứ 6, và sau cùng là kết duyên ở căn thứ 7. Không nói ai cũng đoán được, đây là một hình ảnh lấy từ sách Diễm ca đệ nhất, mà từ thời Trung cổ đã được các nhà tu đức học áp dụng vào đời sống thần bí.

Hoàng Văn, OP.
(TSTH số 5)


Note: Càng tiến sâu trong việc cầu nguyện, càng dễ dàng chỉnh đốn và dứt khoát những gì lệch lạc, và thấy rằng nhiều “nhu cầu cần thiết thực ra chẳng cần thiết chút nào”. Ở nơi tiên tri, có một thực tế khách quan mà người cấp tiến không có: đó là nhờ việc cầu nguyện.