PDA

View Full Version : A - An Bình



Dan Lee
05-27-2011, 12:53 PM
AN BÌNH

An bình luôn là trọng tâm của mọi người trên trái đất này ước mong. Tại sao lại ước mong an bình, bởi vì cuộc sống có quá nhiều bấp bênh, con người có thể chịu nhiều bất trắc xảy đến, từ bản thân đến xã hội, môi trường thiên nhiên. Trong khi ước mong an bình con người vẫn phải sống trong lo âu, bất an. Vậy đâu là bình an đích thực?

Bình an hạnh phúc không mua được bằng tiền

Cấu trúc xã hội bảo đảm cho con người được an sinh, nghĩa là an bình sinh sống, không trộm cắp, không giết người, không hỗn loạn, không thất nghiệp... Bảo đảm hàng loạt cái không nhưng vẫn không thể ngăn chặn hết mọi vấn đề của xã hội do lòng người còn bất an.

Khi con người bất an, người ta tìm tận hưởng những khoái cảm nhất thời để lấp đi những xáo động trong tâm hồn. Không hạnh phúc thật chỉ tìm những hạnh phúc tạm thời, chắp vá, thường khi người ta lẫn lộn giữa hạnh phúc thật và khoái cảm. Ở Việt Nam, giới giàu sang đua nhau mua những chiếc xe hơi đắt tiền, ở những biệt thự sang trọng, những thời trang cao cấp, những tình nhân nổi tiếng... Có thật sự hạnh phúc không khi bỗng một ngày nào đó người ta nghe một vài người trong số họ tự tử, những cuộc chia tay bất hạnh, những đứa con tội đồ, những kiện tụng...

Hạnh phúc hơn không có nghĩa là cần có nhiều tiền hơn, có địa vị hơn, có danh tiếng hơn, có nhiều trang sức đắt tiền hơn. Nếu có hạnh phúc thật người ta đã biết dừng lại đủ theo nhu cầu mình cần và chia sẻ hạnh phúc với người khác. Hạnh phúc và an bình thật sự đi chung với nhau và không thể dùng tiền mua được nó. Hạnh phúc và an bình chỉ có thể có được khi người ta sống cho người khác và vì người khác.

Bình an hạnh phúc tự tại

Ngay cả khi nói bình an hạnh phúc tự tại thì cũng là một bình an cần được thanh luyện mới có thể có được. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Qua việc trau dồi, chúng ta có thể thay đổi, chúng ta có thể biến đổi chính mình. Trong Phật giáo có nhiều phương pháp để trì tâm an tịnh khi một biến cố gây xáo trộn nào đó xảy ra”[1]. Liên tục tập luyện, lâu dần những bất an chỉ như mặt nước biến động mà không lay động được đến tầng sâu.

Tập luyện để hạnh phúc, an bình cần có một đời sống kỷ luật, nghiêm túc trong đạo hạnh, thực hành những điều tích cực, “nghiêm khắc với chính mình nhưng bao dung với người khác”. Bọn cướp cũng có kỷ luật, trừng trị nhưng đó là những kỷ luật để bảo vệ độc tài, phe nhóm. Không cần thứ kỷ luật của bọn ác đó, bởi vì hạnh phúc của chúng là cướp bóc, chiếm đoạt; đạo đức của chúng là thứ đạo đức giả hiệu, đánh lừa và dối trá.

Vai trò của tôn giáo là khơi dậy những đạo lý lành mạnh để hướng dẫn chọn lựa đúng sai, nhưng vào thời nay, vai trò tôn giáo mất dần đi ảnh hưởng, người ta đang thiếu một hướng dẫn lành mạnh mà để phụ thuộc nhiều hơn vào cách đánh giá của dư luận, lối sống. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI chỉ ra đó là “chủ thuyết tương đối” và “chủ thuyết tương đối coi thường các nguyên tắc luân lý trong xã hội; và đây là nguyên nhân chính làm gia tăng căn bệnh phiền muộn tâm thần. Muốn đối lại tình trạng này thì cần phải thăng tiến các giá trị tôn giáo cơ bản và luân lý”[2].

Bình an của Chúa Kitô

Bình an hạnh phúc với tâm hồn thanh sạch. Trong câu chuyện bất hạnh của người phụ nữ ngoại tình, Chúa đã nói với bà: “Từ nay, đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Tội lỗi tự thân nó là một xáo trộn, mất trật tự trong tâm hồn. Khi con người phạm tội đã mang vào trong mình sự bất an. Chính vì như thế, người ta thường mắc phải những sai lầm khác, khi mua sự bình an bằng những khoả lấp hay thoả hiệp với tội lỗi bằng những khoái lạc hưởng thụ, lấp liếm. Đừng phạm tội, đó là lời mời gọi nghiêm túc trong đạo hạnh để luyện tâm trí và thể xác lành mạnh.

Bình an hạnh phúc trong đón nhận và tha thứ. Trên thập giá, trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã đón nhận tất cả nơi nhân loại những nỗi khổ đau, từ chối, bị hành hạ, tước đoạt. Chúa là Đấng tuyệt đối, chỉ có Người mới đón nhận tất cả để tha thứ tất cả. Người là Đấng vô tội chết thay cho chúng ta là tội nhân, Người đã tha thứ cho nhân loại để đổi mới nhân loại trong sự phục sinh của Người. Người mời gọi “hãy tha thứ cho nhau” (Mt 18,1). Khi tha thứ là khi đón nhận bình an và mang bình an đến cho người khác. Thánh Phanxicô Assisi trong “Kinh Hoà Bình” nhắc đến “chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.

Bình an hạnh phúc là đón nhận chính Chúa

Chúa là cội nguồn bình an, bình an vượt trên mọi trạng thái, vì Chúa là Đấng Hằng Hữu, Đấng Hiện Diện đích thực, là Người và là Chúa. Đón nhận Chúa trong Bí tích Thánh Thể để đón nhận sự hiện diện của Người trong cuộc sống thường ngày của người Kitô hữu. Chính người Kitô hữu là những người mang bình an của Chúa đến cho nhân loại qua những gặp gỡ anh chị em mỗi ngày. Người tiếp nhận Chúa Kitô để sống sự sống dồi dào của Chúa Kitô Phục Sinh mang lại; đó là hạnh phúc và bình an.

Bình an và hạnh phúc bao giờ cũng là khát mong của mọi con người qua mọi thời đại. Chỉ có con đường thanh luyện mỗi ngày để tránh vướng vào tội lỗi, chỉ có thể có khi tay sạch lòng thanh, chỉ có thể có được khi sống cho người khác và vì người khác. Đó chính là dọn chỗ cho Thiên Chúa đến cư ngụ trong tâm hồn mỗi người. Thiên Chúa là cội nguồn của mọi bình an.

[1] Sống Hạnh Phúc, Đạt Lai Lạt Ma và Howard c. Cutler. M.D, NXB Lao Động, 2010, tr. 58.

[2] Trên đây là kết luận của các tham dự viên tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 18 về Căn bệnh Phiền muộn Tâm thần, do Hội đồng Toà Thánh đặc trách về Mục vụ cho các Nhân viên Săn sóc Y tế, tổ chức tại Vatican từ ngày 13 đến 15-11-2003. (Zenit 23/11/2003)


Lm. Giuse Hoàng kim Toan