PDA

View Full Version : Y - Yêu Thương Là Tuân Giữ Luật Chúa (cn 6 PS năm A)



Dan Lee
05-28-2011, 03:41 PM
Yêu Thương Là Tuân Giữ Luật Chúa (cn 6 PS năm A)


Đài Truyền Hình Việt Nam năm 2009, trong một show “Gặp gỡ cuối tuần” có giới thiệu cuộc đời một cô gái tên Huỳnh Tiểu Hương. Sinh ra trong hoàn cảnh đau thương, bị cha mẹ bỏ rơi, hành trình tuổi thơ mưu sinh của cô chính là những ngày lang thang đầu đường xó chợ, lăn lóc trên các chuyến tàu Nam - Bắc, từ sân ga Lào Cai đến tận Sàigòn. Cô hành nghề bán trà đá, vài ba gói thuốc lẻ trên tàu.

Suốt 22 năm sống kiếp đường phố, không nhà không cửa, người con gái gốc Hoa này chịu đựng mọi tủi nhục: bị ép chích ma túy, bị hành hạ hãm hiếp, bị ném xuống cầu Sàigòn 3 lần nhưng không chết. Trốn thoát khỏi bọn thảo khấu lưu manh, cô trôi dạt cuộc đời về Bến xe Miền Đông làm nghề lau xe khách, chạy bàn, rửa chén trong những quán ăn bên đường. Đêm về, cô nghỉ tạm nơi các nhà vệ sinh công cộng tránh sự truy bắt trả thù.

Một ngày nọ, có du khách Đài Loan tốt bụng vô tình đến quán ăn nơi cô đang phụ việc. Thấy Tiểu Hương hiền hoà thân thiện, ông nhận cô làm con nuôi. Trước khi về nước, ông cho Tiểu Hương 20 lượng vàng với lời khuyên: hãy dùng số vốn ấy mua một căn nhà để làm chỗ che mưa nắng. Bất ngờ, ngày hôm sau có kẻ đến tìm mua lại ngôi nhà ấy với giá 45 lượng vàng. Có số lời may mắn trong tay, cô bèn mua tiếp căn nhà khác và một chiếc xe du lịch để cho thuê.

Tháng ngày trôi qua, Tiểu Hương làm ăn khấm khá, cô bước vào thương trường, kinh doanh địa ốc và thắng lớn. Với vốn liếng tiếng Hoa có sẵn cùng tiếng Anh khiêm tốn học được từ những ngày làm bồi bàn, cô nhanh chóng tiếp cận làm ăn, giao dịch, mua bán bất động sản, nghiễm nhiên thành tỷ phú lúc nào không hay. Điều quan trọng, Hương không bao giờ quên những người bạn bụi đời thuở nào.

Có tiền, có nhà ổn định, Tiểu Hương qui tụ các bạn bè, tiếm kiếm những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi mang về nuôi dưỡng, xem chúng như con ruột của mình. Chị xây dựng trung tâm Nhân Đạo Quê Hương do chính bản thân chị điều hành, chuyên chăm sóc trẻ tàn tật, mồ côi và người neo đơn. Trẻ được nuôi ăn học, khi thành tài chúng được cô gửi gắm vào các công ty để có thể tự kiên vững vào đời. Tiểu Hương còn lập thêm xưởng sản xuất nước tinh khiết Quê Hương, giúp gia tăng thu nhập nuôi trẻ bất hạnh.

Miệt mài nuôi nấng đàn trẻ bất hạnh đêm ngày, một ngày nọ Bác Sĩ cho biết cô có căn bệnh Ung Thư ác tính, cần sang Mỹ điều trị mới hy vọng dứt bệnh. Quyết không chịu thua số phận, Tiểu Hương gắng tiếp tục cho sinh hoạt Nhà Tình Thương được liên tục. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, biết rõ bệnh nan y của cô, họ gặp Tiểu Hương để xin hoặc mua một trẻ bất hạnh về nuôi. Cô cương quyết từ chối vì lo sợ các em một khi đã được mang ra khỏi trung tâm Nhân Đạo, chúng có thể bị bỏ rơi lần nữa, cuộc sống sau đó lại càng tối tăm hơn.

Tiểu Hương sẵn sàng nuôi nấng chúng cho đến khi nào Chị qua đời mới chấp nhận buông xuôi. Tình thương nối kết tình thương. Số phận một cô gái bị bỏ rơi được nối dài bằng cuộc sống hy sinh, yêu thương những kẻ đồng cảnh ngộ với mình. Nhiều người gọi Chị là Hương “khùng”, vì suốt đời chỉ lo cho con cái người ta mà hạnh phúc của mình thì lại không bao giờ quan tâm.

Lời Chúa phán hôm nay:“Ai yêu mến Thầy, hãy giữ giới răn Thầy”(Ga 14:15).Giới răn của Chúa là gì, nếu không phải là tình yêu thương ? “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 15:12).“Cứ dấu này muôn người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy: các con yêu thương nhau” (Ga 13:35). Yêu thương là giới răn của Chúa. Tuân giữ giới răn Chúa trọn vẹn, sẽ được ở trong Ngài mãi mãi, sẽ được Thiên Chúa Ba Ngôi ngụ cư muôn đời.

A. Chúa là Thiên Chúa của tình yêu, Ngài là Tình Yêu Thương.

Từ muôn thuở, Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại biết bao và Ngài sẽ còn yêu thương họ đến cùng.


Thiên Chúa đã chia sẻ vinh quang Ngài với vạn vật Ngài tạo dựng.
Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài, đặt con người trách vụ cao qúy: làm quản lý, điều hành những gì Ngài dã tác tạo.
Khi con người sa ngã, phản bội: Thiên Chúa vẫn hứa ban Đấng Cứu Thế giúp con người nhận lại Ân Sủng, tìm được bình an Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa thương ban trao tặng.
Thiên Chúa không thẳng tay giáng phạt con người, dù Ngài đã thịnh nộ trước đó nhiều lần:
Dân Israel trong hoang địa đã lắm lần kêu trách Chúa, xúc phạm thánh danh Ngài, bất trung thờ lạy bò vàng, tế lễ thần dân ngoại: Chúa vẫn nguôi cơn giận với dân Người.

Dân thành Ninivê tội lỗi, đã khiến Thiên Chúa đe doạ giáng phạt; nhưng sau khi nghe lời Giona giảng, từ Vua chí dân ngày đêm không ngừng ăn năn sám hối, mặc áo nhặm rắc tro trên mình: Chúa không ra tay trừng phạt nữa.
Chiến tranh thế giới lần I với nhiều vũ khí nguy hiểm, làm thiệt hại biết bao sinh mạng, nhân loại tưởng chừng đi đến chỗ diệt vong: may mắn thay, nhờ việc hãm mình đền tội, cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt Mân Côi.. mà con người thoát hiểm hoạ lớn lao.
Mạc khải Lòng Chúa Thương Xót: chị Faustina được Chúa cho thị kiến thấy một thành phố nọ tội lỗi quá sức, Thiên Thần cầm gươm được sai đến chuẩn bị giáng phạt nhưng Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót vẫn khoan giãn thứ tha.

Quả thật, Thiên Chúa thực là Đấng từ bi nhân hậu, luôn chậm giận và giàu tình thương (Tv.102:8) với hết mọi loài thụ tạo.

B. Yêu Thương là tuân giữ luật Chúa dạy.

Mẹ Têrêsa Calcutta một hôm mang 10 ký gạo đến giúp một gia đình nghèo Ấn Độ đói ăn lâu ngày. Nhận được món quà bất ngờ, người chủ nhà bèn chia phần lương thực ra làm đôi. Bà mang gạo đi ra khỏi nhà, một lúc sau trở về chỉ còn tay không. Mẹ Têrêsa liền hỏi: “Bà mang gạo đi bán, lấy tiền mua thức ăn chăng?”. Người chủ nhà trả lời: “Thưa, không phải thế. Con mang phần gạo ấy chia sẻ cho nhà bên cạnh, họ cũng đang túng thiếu như gia đình con”.

Miếng khi đói bằng gói khi no. Lúc khốn cùng, những con người nghèo túng vẫn liên tục nuôi dưỡng tình thương yêu tương trợ lẫn nhau. Đó là điều hiếm thấy trong xã hội bon chen, vốn đặt nặng vật chất lợi nhuận lên trên tình người yêu thương.

Đúng vậy, xưa nay Chuyện Yêu Thương ở đời, thường là:


Lấy bản thân mình làm tiêu chuẩn ưu tiên: “yêu người thương ta, ghét kẻ hại ta”.
Khoanh vòng giới hạn đối tượng mình yêu mến:

Thí dụ:


+ chỉ yêu anh em máu mủ ruột thịt hơn là làm phúc cho kẻ đầu đường xó chợ, xa lạ…

+ mến kẻ làm ơn giúp đỡ mình hơn là chơi thân với người luôn ác ý, khinh bỉ ta.

Nhắm mục đích thuận lợi cho mình sau này.

Thí dụ:


+ xưa nay ai cũng thế: quẳng con tép bắt con tôm / đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn.

+ thời đại bây giờ: phải yêu Việt Kiều, lấy chồng đại gia, chấp nhận chuột sa hũ nếp.

Nhất thời, ngẫu hứng; khó bền vững theo thời gian.


+ kẻ ấy phải biết điều, chiều ý ta : mình mới thương họ.

+ nếu họ cà chớn, phản bội, theo hùa, bắt tay kẻ khác: ta không thèm cho một xu.

Đời là thế, tình yêu thương vô tình xem ra như đồng tiền hai mặt, có điều kiện kèm theo.

Đang khi đó, Chuyện Yêu Thương của Chúa lại đậm nét Vị Tha, hơn là nhuốm màu Vị Kỷ.


Yêu như Chúa yêu, thường là:
Không so đo tính toán, hy sinh tất cả cho người mình yêu.
Yêu thương hết mọi thành phần: không phân biệt tình cảm buồn vui, không xếp hạng kỳ thị tôn giáo, không đặt nặng màu da chủng tộc, không cân nhắc trình độ văn hoá…
Chẳng bao giờ phục vụ cái Tôi, luôn sống cho cái Tình: tình Chúa, tình người, tình nhân loại.
Yêu Thương mãi mãi không bao giờ ngừng.


+ Tv.135: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

+ Tv. khác : “Lòng yêu thương của Chúa tự muôn đời vẫn có”.

C. Xây dựng thế giới bằng Tình Yêu Thương như Chúa đã yêu.

Thời chiến tranh thế giới lần II, trại tù Auschwitz là trại giam nỗi tiếng của Phát Xít Đức tại Ba Lan, chuyên trị những nạn nhân vô tội người Do Thái và các tù nhân đặc biệt. Đường vào thì dễ, đường ra thì khó. Một bầu khí thù hận, bao phủ năng nề khắp trại giam. Đâu đâu người ta cũng thấy những đôi mắt cú vọ, thường xuyên dò xét trại viên của quân Đức Quốc Xã, khó chan hoà tình người yêu thương.

Ấy thế mà, khi Đại Chiến Thế Giới chấm dứt, một vài tù nhân đặc biệt còn sống sót, đã chia sẻ với thế giới biết những cảm nhận của họ, suốt thời kỳ bị biệt giam ở Auschwitz:


Elie Wiesel: bị ngược đãi khắt khe, nhưng ông không nuôi lòng nghi kỵ hiềm khích, chỉ sống cho bạn tù với tình yêu thương chân thật. Nhờ kiên trì nuôi dưỡng tâm nguyện tốt lành ấy, ông còn hiện hữu dài dài sau 1945, trong khi các bạn tù khác đều sớm ngã gục buồn uất hận.
Oscar Wilde: “Bằng mọi giá, tôi phải giữ gìn tình yêu thương trong lòng tôi. Nếu vào tù không sống yêu thương nhau, linh hồn tôi sẽ ra sao?”.
William Blake: “Chúng ta được đặt vào trần gian chút thời gian nắn ngủi, để học biết toả sáng tình yêu thương”.

Yêu thương nhau là bài ca muôn thuở, giúp ta thực sự trở thành người đúng nghĩa có nhân cách. Hãy ‘yêu như Chúa yêu”: thương kẻ thù mình / làm ơn cho kẻ ghét mình / chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình / cầu nguyện cho kẻ vu khống mình (Lc 6:27-28).

Mahatma Gandhi: sau khi đấu tranh bất bạo động với chính phủ Liên Hiệp Anh, đòi quyền độc lập dân chủ cho Ấn Độ, ông đã bị một thanh niên Ấn Giáo cực đoan ám sát chết năm 1948. Ra trước toà án, tên sát nhân cho biết: anh ta giết Mahatma Gandhi vì không thể chấp nhận quan điểm của “vị cha già Ấn Độ” chủ trương sống quảng đại yêu thương với những anh em Hồi Giáo đồng hương.

D. Lời Nguyện kết thúc.

Lạy Chúa! Chúa đã dạy chúng con: “Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy tuân giữ giới răn của Thầy”(Ga 14:15).

Thánh Phaolô lại cho con thấy: “Yêu Thương là chu toàn lề luật” (Rm 13:10).

Tình yêu thương xua tan bao mây mù ghen ghét, dập tắt mọi ngòi nổ chiến tranh.

Xin giúp con nên khí cụ yêu thương trong tay Chúa dẫn dắt, sẵn sàng cho đi cái Tôi ích kỷ, để chia sẻ cái Tình ngọt ngào: sống cho tình Chúa tình người tốt đẹp luôn. AMEN.

Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.