PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật VI Phục Sinh, năm A



Dan Lee
05-28-2011, 03:43 PM
Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật VI Phục Sinh, năm A


Kính thưa quí ông bà anh chị em, chúng ta thường nghe một số thanh niên nam nữ nói: “Yêu như yêu cải lương, hay yêu đầu môi chót lưỡi” Nghĩa là yêu giả dối, yêu lý thuyết, và nếu một tình yêu như thế thì tình yêu đó trống rỗng, què quặt , bởi vì tình yêu đó không thật vì họ không thực hành định luật của tình yêu là: tin yêu - tuân giữ.

Hôm nay, qua bài Tin Mừng của Chúa Nhật 6 mùa phục sinh năm A, ta cũng nghe lời Chúa Giêsu nói về yêu mến- tuân giữ: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15).

Yêu mến và tuân giữ là hai điều không thể tách rời nhau được; vì đã yêu mến thì phải tuân giữ - tuân giữ nói lên lòng yêu mến. Đây là một mối tương quan chặt chẽ với nhau, tương quan của niềm hạnh phúc vui sướng, mến yêu. Tuân giữ luật lệ ở đây không phải là loại tuân giữ vì sợ sệt, vì sợ bị tù đày, vì sợ mất tiền bạc hay công ăn việc làm v.v. Nếu vì những điều trên mà tuân giữ thì có phải là tuân giữ do lòng mến yêu không?

Thế thì, Chúa Giêsu muốn hết thảy mọi người yêu mến Ngài với một sự tự do hoàn toàn. Yêu mến Ngài với một tình yêu như vợ chồng, cha mẹ con cái, hay tình yêu của người bạn tri kỷ. Với một tình yêu như thế sẽ khiến người ta muốn làm tất cả, tuân giữ tất cả để cho người mình yêu được hạnh phúc, và làm cho tình yêu ngày càng nồng thắm. Cho nên thánh Augustino khi đã trở về với Chúa, ngài có lý để nói: “Yêu đi đã, rồi muốn làm gì thì làm.”

Càng yêu bao nhiêu thì mọi luật lệ- luật điều không là vấn đề gì nữa; nghĩa là, khi người ta càng yêu nhau bao nhiêu thì họ không còn sống vì luật lệ. Chẳng hạn khi ta nói: “Tôi yêu mến Chúa” thì vấn đề luật giữ các ngày lễ Chúa Nhật hay lễ buộc, hoặc tuân giữ những luật lệ khác không có gì là nặng nề nữa; trái lại đó là một niềm vui mừng hân hoan. Ví dụ: khi một nguời nói: “Tôi thật vui sướng khi được tới nhà thờ để dâng thánh lễ.” Nhưng có người lại nói: “Lại phải tới nhà thờ nữa rồi à?” Xem hai trường hợp trên ai là người mến yêu Chúa.

Mến Chúa chẳng những có một mối tương quan mật thiết song phương qua lại: Chúa và tôi - tôi và Chúa, nhưng còn có một mối tương quan lớn lao hơn, đầy đủ trọn vẹn của một tình yêu tuyệt đối vĩnh cửu. Đó là sự tương quan mật thiết giữa tôi với Chúa Giêsu, đồng thời tôi lại có được mối thông hiệp với Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần. Bởi vì, Chúa Giêsu đã chẳng nói với chúng ta thế này sao: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14,20).

Kính thưa anh chị em, ở đời, nếu ta có được một người cao sang - quyền thế yêu ta, thì ta được hạnh phúc là dường nào rồi. Ước gì sự cảm nghiệm này giúp ta có được với Thiên Chúa, và bao lâu ta có được cảm nghiệm này, thì lúc đó ta mới thấy được ta là người may mắn và hạnh phúc biết dường nào; bởi vì có ai cao sang quyền phép hơn Chúa, và Ngài đã yêu tôi, thế mà, không chừng đã bao lần tôi khờ dại, thờ ơ, lạnh nhạt và có khi đã đánh đổi Đấng có quyền ban cho tôi sự sống trường sinh, hạnh phúc vô biên để lấy những thụ tạo thấp hèn, mong manh, yếu đuối, chóng qua, tội lỗi, chết chóc. Bởi tôi chưa hiểu được thế nào là hạnh phúc khi tôi được Chúa yêu và khi tôi được yêu Chúa. Như thế bao lâu tôi chưa hiểu, chưa cảm nghiệm được tình Chúa yêu tôi, thì tôi khó mà tuân giữ lời Chúa với một tình yêu say mê được; trái lại tôi chỉ tuân giữ lề luật như một tên đầy tớ giữ luật vì sợ một ông chủ khắt khe mà thôi.

Yêu Chúa bao nhiêu cho đủ, mến Chúa bao nhiêu cho vừa, nhưng trước hết cần phải có lòng tin. Thánh Phêrô trong bài đọc 2, thơ thứ nhất của ngài đã xác quyết với chúng ta rằng: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn người làm Chúa ngự trị trong anh em” (1Pr 3,15). Đã là Đấng thánh thì những lời nói và việc làm của Ngài là sự thiện hảo, nên ta hãy mời và để cho Chúa làm Chúa ngự trị trong lòng ta suốt mọi ngày trong cuộc sống. Nói thế, đến đây, mỗi người hãy nghiêm chỉnh trở về với lòng mình xem thử trong lòng ta bây giờ: chúa nào đang điều khiển và ngự trị tâm hồn tôi đây? Tiền bạc, địa vị, sắc đẹp, công việc, hưởng thụ, hay một thụ tạo nào đó đang làm chủ và điều khiển cuộc đời của tôi.

Ước gì, tôi hiểu được cuộc đời này chỉ có giá trị, ý nghĩa và đáng để sống, khi tôi để cho Chúa ngự trị đời tôi. Và làm sao tôi có được sự cảm nghiệm được Chúa là lẽ sống là hạnh phúc duy nhất của tôi, lúc đó ta mới nói được như lời của thánh Gioan Maria Vianney, và được linh mục nhạc sĩ Ân Đức phổ nhạc qua bài hát có tựa đề: ‘Kinh Tình yêu’, với những lời tuyệt diệu sâu thẳm, đại để như sau: Con yêu Chúa, Chúa ơi, đây niềm khát vọng duy nhất của con: là được luôn yêu Chúa đến hơi thở cuối cùng, và con thích được chết, đang lúc con yêu Chúa, hơn là sống một giây mà con không yêu Ngài. Con yêu Chúa, Chúa ơi, dù miệng con Chúa ơi, chẳng thốt lên được mọi lúc: Lạy Chúa hằng sống, con thiết tha yêu Chúa, ít là mỗi nhịp tim, và con ước nguyện từng phút từng giây, vẫn ngọt lời tha thiết: này tình con yêu mến, lạy Chúa của con. Con yêu Chúa, Chúa ơi! Dù cả khi đau khổ, dù một mai tắt thở, thì tình con vẫn yêu Ngài tha thiết. Amen. Halêluia.

Linh mục Phaolô Cao Thế Bình SDD.